Đưa các cháu lên nóc tủ hồ sơ, đỡ các cháu đu lên bệ cửa sổ, cho các cháu đứng trên vai cô ngâm mình dưới nước, có cháu rơi xuống nước cô giáo lặn ngụp tìm vớt... 13 học sinh mẫu giáo đã được 4 cô giáo cứu trong cơn lũ dữ.
|
Người nhà các học trò Trường mẫu giáo An Hiệp, huyện Tuy An (Phú Yên) vui mừng đón con em mình sau khi được các cô giáo cứu thoát - Ảnh: NGỌC THẮNG |
Chiều 14-12, tại Trường mẫu giáo An Hiệp, huyện Tuy An (Phú Yên), cán bộ, chiến sĩ và người dân đến trợ giúp nhưng việc dọn dẹp vệ sinh vẫn chưa xong.
Chỉ tay vào chiếc tủ đựng nhiều hồ sơ, sổ sách trong phòng học của trường bị ướt sau trận lũ quét, cô Thái Thị Tuyết Hồng nói: “Hôm qua, nếu không có cái tủ này thì cô trò chúng tôi đã bị chết đuối hết rồi”.
Trò đứng trên vai, cô ngâm mình dưới nước
Cô Hồng kể sáng 13-12, do trời mưa to nên chỉ có hơn 30 cháu đến lớp học. 12g, mưa càng to, nước bắt đầu lớn nên ban giám hiệu gọi điện báo cho phụ huynh đón các cháu về.
Chỉ có gần 20 cháu được cha mẹ đón về kịp thời. 30 phút sau thì 13 cháu còn lại và 4 cô giáo ở lại giữ lớp không thể ra ngoài được, chỉ biết kêu cứu vì nước đã ngập hơn 1,5m.
Trong khi đó, phụ huynh của các cháu đứng trên quốc lộ 1, cách trường chừng 100m cũng không thể bơi vào ứng cứu.
“Ban đầu cứ nghĩ mọi việc bình thường, nhưng không ngờ nước lại lên nhanh. Đã sống ở đây hơn 40 năm, tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh lũ lên nhanh như thế này” - cô Hồng nói.
Trong cơn nguy khốn, các cô cho các cháu học sinh còn mắc kẹt đu lên ba bệ cửa sổ của phòng học và ngồi lên đầu tủ đựng hồ sơ của trường cao gần 2m. Mỗi cô “phụ trách” một cửa sổ và trông coi chiếc tủ.
“Chúng tôi kê bàn ghế, rồi đứng ở dưới để các trò một chân đứng lên vai chúng tôi, một chân đứng lên bệ cửa sổ. Cứ thế, nước ngập đến đâu thì chúng tôi kê cao lên thêm đến đó. Miễn sao các cháu không bị ướt và lạnh. Chúng tôi xác định thà cô chết chứ không để học trò chết” - cô Nguyễn Thị Hòa, hiệu phó Trường mẫu giáo An Hiệp, kể lại.
|
Cô Nguyễn Thị Hòa (trái) và cô Thái Thị Tuyết Hồng (phải) bên học sinh của mình sau khi được cứu thoát khỏi lũ dữ - Ảnh: NGỌC THẮNG |
Khóc vì sợ, khóc vì mừng
Trong khi cho các cháu đu trên cửa sổ, bé Đỗ Khánh Thương (5 tuổi) đuối quá bị rơi xuống nước. Mực nước trong phòng học lúc này đã lút đầu người lớn.
Cô Nguyễn Thị Hòa không quản hiểm nguy, lặn vớt bé Thương, đưa lên đầu tủ ngồi. Lúc đó, cô và trò ôm nhau mà khóc.
“Ngày hôm trước tôi hiến máu tình nguyện, người không được khỏe thì ngày hôm sau gặp trận lũ quét. Lúc đó tôi nghĩ là làm sao đưa tất cả 13 trẻ ra khỏi lớp an toàn là được. Thà cô chết chứ không để trò chết. Đến khi lực lượng cứu hộ tiếp cận được cô trò, đưa các cháu ra ngoài, chúng tôi bật khóc vì mừng” - cô Thái Thị Tuyết Hồng nói.
Ông Nguyễn Văn Lung, trưởng thôn Mỹ Phú 2, một trong sáu người tham gia cứu các cô trò của Trường mẫu giáo An Hiệp, cho biết nguyên nhân nước lớn bất thường là do vỡ bờ suối ở phía trên thôn, gây ngập hàng trăm ngôi nhà, trong đó có trường mẫu giáo.
|
Một cô giáo Trường mẫu giáo An Hiệp, huyện Tuy An (Phú Yên) nằm trên phao, tay ôm chặt một học sinh trong lòng, được các thanh niên cứu thoát khỏi lũ dữ vào chiều 13-12 - Ảnh: NGỌC THẮNG |
“Khi nghe tiếng kêu cứu của các cô giáo thì anh em chúng tôi bơi vào trường. Tuy nhiên do nước chảy xiết nên việc tiếp cận gặp nhiều khó khăn. Dù vậy, tôi và năm thanh niên trong thôn vẫn gắng sức bơi vào và phát hiện 13 cháu nhỏ cùng bốn cô đang mắc kẹt trong phòng học”.
Trong tình thế nguy cấp đó, ông Lung và các thanh niên lấy một dàn đồ chơi các cháu có hình chiếc mai rùa, lật ngược lại làm chiếc sõng đưa các cô trò ra. “Mỗi lượt 3-5 người, trò ra trước, cô ra sau, cứ thế đến khi hết người mắc kẹt thì thôi” - ông Lung thuật lại.
Sách vở, học cụ hư hỏng hết Trận lũ quét vừa qua đã làm toàn bộ đồ dùng dạy học của Trường mẫu giáo An Hiệp bị hư hỏng, bùn đất đóng trên sàn nhà dày gần nửa mét. Ngày 14-12, Ban chỉ huy quân sự huyện Tuy An phải điều động hàng chục cán bộ, chiến sĩ cùng người dân địa phương đến giúp nhà trường dọn dẹp vệ sinh.
Theo cô Võ Thị Thu Sương, hiệu trưởng nhà trường, ngoài sách vở, hồ sơ bị ngấm nước, 4 bộ máy tính và một màn hình tivi cùng nhiều chăn màn, gối chiếu của học sinh nơi đây bị nước cuối trôi. “Sắp tới chúng tôi không biết lấy gì để dạy, còn các cháu thì không có sách vở để học, vì sách vở mẫu giáo không bán ngoài thị trường mà đặt mua từ nhà xuất bản từ đầu năm học. Trước tình cảnh khó khăn này, nhà trường rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng” - cô Sương chia sẻ. TheoTuoitre |
(HBĐT) - Với suy nghĩ rất dung dị, đời thường “khi đường sá nâng cấp, mở rộng phong quang hơn, đẹp đẽ hơn thì cuộc sống các con, các cháu mình sẽ khác”, ông Nguyễn Văn Tình ở xóm Phú Châu, xã Phú Minh (Kỳ Sơn) đã tự nguyện hiến gần 3.000 m2 đất để làm đường, đoạn từ xóm Phú Châu đi xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì - Hà Nội). Tấm gương hiến đất của ông được UBND tỉnh đưa vào 1/11 mô hình, điển hình tiên tiến xứng đáng biểu dương và triển khai nhân rộng.
(HBĐT) - Ấn tượng trong lần đầu gặp chị Đinh Thị Kim Dung, Chủ tịch Hội LHPN xã Thái Thịnh (TP Hòa Bình) là sự nhanh nhẹn, nhiệt tình và gần gũi. Không chỉ vậy, khi nghe chị phát biểu tóm tắt quá trình thực hiện dự án “Cải thiện vệ sinh cộng đồng dựa trên kết quả đầu ra” (ChoBa) và chứng kiến những hình ảnh ghi lại quá trình thực hiện của chị cùng cán bộ, hội viên, chúng tôi thực sự cảm phục chị và hiểu vì sao chương trình, dự án tại địa bàn lại thành công như vậy.
(HBĐT) - Được lãnh đạo xã Đông Phong (Cao Phong) giới thiệu, chúng tôi đến thăm gia đình Bùi Văn An, sinh năm 1983 xóm Quáng Ngoài là điển hình trong mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cam của gia đình, An chia sẻ: Trước kia, cũng trên mảnh đất này, bố mẹ tôi chủ yếu trồng mía trắng, mía tím, thu nhập cũng chỉ đủ ăn. Từ năm 2009, tôi được tham gia các lớp tập huấn trồng cây có múi do xã, huyện tổ chức. Từ những kiến thức đó, tôi tích cực học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè, họ hàng và người trồng cam ngoài khu vực thị trấn Cao Phong - nơi trồng cam lâu năm.
(HBĐT) - Có dịp tiếp xúc với đại úy Nguyễn Tiến Luật, Bí thư Đoàn thanh niên Công an tỉnh, chúng tôi ấn tượng bởi anh có tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát và khá hóm hỉnh. Là cán bộ trẻ, đại úy Nguyễn Tiến Luật không chỉ biết đến là điều điều tra viên sắc sảo, anh là thủ lĩnh thanh niên, người khởi xướng, tổ chức và lãnh đạo phong trào thanh niên của Công an tỉnh. Sâu sát cơ sở, gắn bó với nhân dân, đại úy Nguyễn Tiến Luật đúc rút, công an chỉ hoàn thành nhiệm vụ của mình khi được dân tin, dân yêu, dân ủng hộ.
(HBĐT) - Với quyết tâm xóa đói, giảm nghèo, anh Bùi Thanh Tùng ở thôn Đồng Danh, xã Phú Thành (Lạc Thủy) không ngừng tìm tòi, học hỏi, áp dụng KH-KT lai tạo ra giống gà mới có hiệu quả, đạt năng suất cao. Hiện nay, trang trại chăn nuôi gà của gia đình anh đang cung cấp sản phẩm cho thị trường trong huyện và các xã lân cận. Với hiệu quả từ mô hình chăn nuôi gà đem lại, gia đình anh đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm…
(HBĐT) - Theo QL6, đến khu vực chợ Lồ, xã Phong Phú (Tân Lạc) hỏi ông Trần Văn Thành, người trồng thanh long ở xóm Mận, chúng tôi nhận được sự chỉ dẫn nhiệt tình và những lời có cánh dành cho mô hình mới mẻ này. Cách QL6 chừng 300 m, vườn thanh long 3 năm tuổi của gia đình ông Thành xanh tốt với sắc đỏ, xanh của thân và quả.