Những cây cầu bê tông vững chắc bắc qua suối Nghẹ, xã Vạn Mai (Mai Châu) được xây dựng nhờ sự vận động quyên góp của anh Khà Văn Nhị, giúp bà con yên tâm hơn trong mùa mưa bão.
Xóm Nghẹ bị chia cắt thành 2 khu dân cư bởi suối Nghẹ. Ngày nắng, nước trong xanh hiền hòa, trẻ con cũng có thể dễ dàng lội qua suối. Tuy vậy, những ngày mưa bão, suối Nghẹ bỗng trở nên hung dữ, nước dâng lên 1-2 m, chảy xiết, khi đó, việc đi lại, giao thương hàng ngày của bà con chủ yếu trông chờ vào 4 cây cầu. Gọi là "cầu” nhưng thực chất chỉ là những tấm ván gỗ tạm bắc ngang qua suối.
Anh Nhị cho biết: "Mùa nào cũng vậy, cứ khi mưa bão là nước suối dâng cao, chảy xiết. 4 cầu bắc qua suối Nghẹ thì trôi mất 1-2 cái. Cái còn thì chênh vênh giữa dòng nước nên chẳng ai dám đi qua. Do đó, mùa mưa giao thông bị chia cắt, phải mất cả tháng trời hàng hóa nông sản mới vận chuyển mang đi tiêu thụ được, ảnh hưởng nhiều đến đời sống của bà con”.
Sau mùa mưa, nhân dân trong xóm đi gom những tấm ván bị trôi bắc lại cầu qua suối. Việc làm này lặp đi, lặp lại năm này qua năm khác. Nhận thấy việc bắc những cây cầu tạm chẳng giúp nhiều cho việc đi lại trong mùa mưa bão mà luôn tiềm ẩn nguy cơ về tai nạn. Đầu năm 2017, anh Nhị cùng một số người uy tín trong xóm chủ động đặt vấn đề xây dựng cầu bê tông vững chắc thay cho những chiếc cầu gỗ ra trước các cuộc họp thôn, xóm; xây dựng kế hoạch, nhờ tư vấn thiết kế cầu; hạch toán mọi chi phí để người dân đóng góp. Bên cạnh đó, anh kết hợp với Hội phụ nữ, Đoàn xã tuyên truyền, vận động bà con góp ngày công lao động, nguyên vật liệu. Nhờ sự đồng thuận, nhận thức cao trong vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn trong phát triển kinh tế, xây dựng NTM cũng như nhằm hạn chế tai nạn, rủi ro trong mùa mưa bão, 153 hộ dân ở xóm Nghẹ đã đóng góp được hơn 60 triệu đồng. Hộ khá thì đóng góp 1-2 triệu đồng, hộ khó khăn góp 50.000 - 100.000 đồng.
Để huy động được số tiền như vậy, anh gặp không ít khó khăn. Anh Nhị kể lại: "Khi đặt vấn đề quyên góp tiền xây cầu tại các cuộc họp nhân dân, nhiều ý kiến cho rằng việc xây cầu nên để các cấp chính quyền làm. Một số ý kiến khác cũng chưa thật sự đồng tình về thiết kế cầu, mức đóng góp... Dù vậy, nhờ chủ động tuyên truyền, kiên trì vận động, bà con nhận thức được rằng xã còn nhiều khó khăn, chưa đủ kinh phí để xây dựng cầu. Hiểu được sự cần thiết phải có những chiếc cầu bê tông an toàn và vững chắc, dần dần, việc huy động đóng góp trở nên dễ dàng hơn”.
Nhờ khoản tiền đóng góp, đến nay đã có 2 cây cầu mới bằng bê tông vững chãi bắc qua suối Nghẹ. Với chiều dài mỗi chiếc cầu 14 m và 6,8 m, cây cầu đã nối liền 2 khu dân cư xóm Nghẹ, giúp việc giao thương hàng hóa trở nên dễ dàng, đảm bảo an toàn đi lại cho bà con trong mùa lũ vừa qua. "Khi 2 chiếc cầu được xây xong, tôi mừng lắm. Thấy bà con đi lại thuận tiện, trẻ nhỏ cắp sách đi học, xe chở nông sản đi qua dễ dàng, ai nấy đều vui, đêm về vui quá, ngủ không được” - anh Nhị chia sẻ.
Việc hoàn thành những chiếc cầu bắc qua suối Nghẹ đóng góp đáng kể vào cơ sở hạ tầng nông thôn, giúp việc đi lại, giao thương trở nên dễ dàng và an toàn, nhất là trong mùa mưa bão. Hiện tại, anh tiếp tục huy động nguồn lực nhằm bê tông hóa 2 chiếc cầu còn lại, trong đó có chiếc cầu dài 24 m, nối liền xóm Nghẹ và xóm Củm.
Đồng chí Khà Văn Sảnh, Chủ tịch UBND xã Vạn Mai nhận định: "Những cây cầu giúp cho việc đi lại của nhân dân được dễ dàng, nhất là học sinh được thuận lợi, an toàn; hàng hóa, nông sản được vận chuyển dễ dàng, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng NTM của xã”.
Hoàng Anh