16 năm gắn bó với công tác mặt trận
Sinh ra và lớn lên tại xóm Mời Mít, ông Giang không được may mắn như nhiều người khác khi bị dị tật một bên cánh tay từ nhỏ. Tuy nhiên, điều đó không cản trở ông vươn lên trong cuộc sống. ông tâm sự: "Từ nhỏ tôi đã suy nghĩ dù thế nào cũng phải học một nghề để có thể tự nuôi sống bản thân. Với những nỗ lực của năm tháng tuổi trẻ, tôi không chỉ có một nghề để sống mà còn là nghề cao quý, đó là nghề nhà giáo”. Hơn 10 năm gắn bó với ngành giáo dục huyện Tân Lạc, ông Giang từng tham gia giảng dạy rồi làm công tác quản lý tại nhiều trường vùng cao huyện Tân Lạc như Lũng Vân, Nam Sơn, Phú Cường, Phú Vinh. Năm 1980, ông cùng vợ con chuyển về Yên Mông, ở đây ông tiếp tục cống hiến 8 năm cho ngành giáo dục của xã.
Ông Hà Văn Giang (giữa) nghiên cứu lịch sử Đảng bộ xã Yên Mông để viếtsách truyền thống xóm Mời Mít nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ.
Về nghỉ hưu một thời gian, với uy tín của một nhà giáo, luôn có lý, có tình, một người nhiệt huyết với công việc, năm 2001, khi xóm Mời Mít được tách ra, ông Giang được nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng ban công tác mặt trận xóm. Từ đó đến nay, 16 năm liên tục với vai trò "người vác tù và”, ông Giang luôn nỗ lực cùng cấp ủy Đảng, chính quyền xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Chia sẻ về công việc của trưởng ban công tác mặt trận, ông Giang tâm sự: "Công tác mặt trận không hề dễ. Chuyện vui, chuyện buồn trong làng, ngoài xóm đều phải có mặt nhưng quan trọng hơn cả là làm sao để vận động nhân dân thực hiện những chủ trương, đường lối mà cấp ủy Đảng, chính quyền đã đặt ra”. Để đạt được điều đó, ông Giang luôn chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó tuyên truyền, vận động nhân dân, đồng thời cũng tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền có những quyết sách sát, đúng với tình hình thực tế nhân dân.
"Làm việc giúp tôi quên đi khuyết tật của bản thân”
Năm 2005, thực hiện chủ trương của thành phố, xóm Mời Mít được đầu tư xây dựng nhà văn hóa. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với chi ủy, ban công tác mặt trận xóm. Bởi 4 năm sau khi chia tách, người dân Mời Mít vẫn phải họp xóm nhờ nhà dân. Tuy nhiên, với chủ trương "Nhà nước và nhân dân cùng làm” không phải hộ dân nào cũng sẵn sàng hưởng ứng. Đặc biệt vào thời điểm đó, mặt bằng để xây dựng nhà văn hóa là vấn đề nan giải. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, chi ủy, ban công tác mặt trận xóm kêu gọi sự tự nguyện hiến đất của nhân dân. Để làm được việc này, bản thân ông Giang đã trực tiếp đến nhà 2 hộ dân tuyên truyền, vận động hiến 2 ao cá diện tích hơn 700 m2 cho xóm xây dựng nhà văn hóa. Không chỉ trực tiếp tuyên truyền, trong quá trình xây dựng nhà văn hóa, ông Giang luôn tiên phong gương mẫu nộp tiền và đóng góp ngày công làm cùng nhân dân, mặc dù sức khỏe của ông có hạn. Được sự đồng thuận, trong thời gian ngắn, nhà văn hóa xóm Mời Mít cũng là nhà văn hóa đầu tiên của xã Yên Mông được đưa vào sử dụng.
Bước vào phong trào xây dựng NTM, nhân dân xóm Mời Mít luôn đồng tình ủng hộ các chủ trương của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là trong xây dựng đường giao thông nông thôn. Sự đồng thuận đó có sự đóng góp rất lớn của ban công tác mặt trận xóm, trực tiếp là ông Giang. Dù cánh tay bị tật, đôi chân khập khiễng nhưng ông luôn tiên phong hoàn thành những phần việc từ thu nộp tiền, giám sát, đào đất, gánh cát như những người khỏe mạnh khác. Bằng cách làm đó, ông đã truyền cảm hứng cho những người dân nơi đây. Từ năm 2007 đến nay, xóm đã hoàn thành bê tông hóa hơn 3 km đường trục chính với hơn 60 hộ tham gia hiến hơn 3 ha đất và hơn 70% hộ xây dựng tường bao, bờ rào làm đẹp cảnh quan, đường làng, ngõ xóm. ông Giang tâm sự: "Chính nhờ làm việc mà tôi quên đi khuyết tật của bản thân. Cảm ơn bà con đã tín nhiệm tôi”.
Với ông Giang, có được sự tín nhiệm của nhân dân ông sẽ còn cống hiến cho làng, cho xóm. ông Giang tiếp tục chắp bút viết sách về truyền thống của xóm Mời Mít, ông rất tâm huyết với công việc này. ông nói, như cây có cội, như chim có tổ, người có tông, một KDC có truyền thống sẽ góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ. Lòng yêu nước, tự hào dân tộc bắt nguồn chính từ tình yêu làng xóm, quê hương mình. Có lẽ cũng vì tình yêu ấy mà dù bất cứ ở cương vị, công việc nào, ông Giang luôn dành hết tâm huyết và nhiệt tình. Với những đóng góp đó, ông Giang đã được các cấp, các ngành tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen. Đặc biệt, ông được nhân dân tôn vinh là người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng.
P.L
(HBĐT) - Theo giới thiệu của Phòng LĐ-TB&XH thành phố, chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế trang trại của thương binh Bùi Ngọc Danh, xã Sủ Ngòi (TP Hòa Bình). Trang trại được bao phủ một màu xanh của vườn chè, bưởi, keo và nhiều loại cây trái như nhãn, mít…