Trong những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, cái tên Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Minh Giám luôn được nhắc đến như một biểu tượng của lòng dũng cảm, sự kiên trung và tinh thần chiến đấu quật cường.


Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Minh Giám (thứ 2 từ trái sang) kể về thời kỳ tham gia kháng chiến gian khổ nhưng rất đỗi tự hào.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Phạm Minh Giám tại ngôi nhà nhỏ trên đường Chi Lăng, phường Phương Lâm (TP Hoà Bình). Trong khí thế của những ngày tháng 4 lịch sử, hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, khi được hỏi về những khó khăn của ông và đồng đội trong quá trình tham gia quân ngũ, ý chí quyết tâm tiêu diệt giặc, hay những kỷ niệm khó quên khi tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông Giám kể với chất giọng hào sảng, dâng tràn lòng yêu nước và tự hào dân tộc.

Ông Phạm Minh Giám sinh năm 1949 tại xã Liêm Chung, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, nhập ngũ tháng 7/1970, đúng thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ và bảo vệ Tổ quốc bước vào giai đoạn ác liệt. Sau 9 tháng nhập ngũ và được huấn luyện đặc công, tháng 4/1971, ông cùng đơn vị hành quân sang chiến trường C (Lào) để làm nhiệm vụ quốc tế. Ông Phạm Minh Giám được nhận vào Đại đội đặc công C24, Trung đoàn 866, Quân tình nguyện Việt Nam tại mặt trận Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, Lào.

Ông Giám chia sẻ: Một trong những ký ức ám ảnh nhất với ông là trận đánh cao điểm 1433 vào đêm 9/1/1972. Trận chiến diễn ra ác liệt suốt nhiều giờ, giữa lúc hiểm nguy cận kề, ông đã mưu trí, quả cảm cùng đồng đội giữ vững trận địa, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, góp phần giành thắng lợi quan trọng. Trận đánh ấy để lại trong ông những kỷ niệm không thể nào quên về đồng đội hy sinh anh dũng ngay bên cạnh mình, về những lần băng mình qua làn đạn để cứu thương, tiếp tế đạn dược cho đơn vị.

Toàn chiến dịch, ông Phạm Minh Giám tiêu diệt 74 tên địch. Nhờ những chiến công vang dội, kết thúc chiến dịch, ông Phạm Minh Giám được tặng Huân chương Chiến công hạng nhất (1972), dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú (1972), chiến sỹ thi đua toàn quân (1972), dũng sĩ diệt Mỹ cấp II (1973), Huân chương Kháng chiến hạng ba, Huân chương Giải phóng hạng ba, Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng ba cùng nhiều phần thưởng, huân chương cao quý khác. Năm 2018, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là danh hiệu vô giá ghi nhận những năm tháng đầy tự hào của cá nhân ông, góp phần làm nên lịch sử hào hùng của dân tộc.

Sau chiến tranh, ông Giám không cho phép mình nghỉ ngơi. Ông tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với những đồng đội đã ngã xuống. Từ năm 2016, khi ở tuổi gần 70, ông cùng đồng đội trong Trung đoàn 866 đã bền bỉ trở lại chiến trường xưa, băng rừng, vượt suối tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ, đưa các anh về với đất mẹ. Những chuyến đi gian khổ ấy, dưới mưa rừng, bùn lầy, bom mìn sót lại vẫn rình rập, nhưng ông chưa một lần chùn bước. Đặc biệt, hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Hoàng Văn Đá và Nguyễn Văn Chiến - đồng đội hy sinh trong trận đánh năm 1972 là một nỗ lực đầy nước mắt. Mỗi tấc đất, mỗi ngọn núi trên đất bạn Lào đều in dấu chân ông. Ông đã góp phần đưa đồng đội về với gia đình, khép lại những đau thương còn bỏ ngỏ suốt nhiều thập kỷ.

Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân chính là sự ghi nhận những cống hiến xuất sắc trong chiến đấu và nghĩa tình son sắt với đồng đội của ông Phạm Minh Giám. Vừa qua, ông vinh dự được tham dự và phát biểu tại buổi Gặp mặt Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước do Tỉnh ủy - HĐND - UBND - UB MTTQ tỉnh tổ chức. Câu chuyện về cuộc đời ông không chỉ là bài học về lòng dũng cảm, kiên trung mà còn là tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền lửa cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, tinh thần chiến đấu và lòng trung thành với Tổ quốc, nghĩa tình với đồng đội của anh hùng Phạm Minh Giám vẫn luôn là niềm tự hào, là ngọn lửa bất diệt trong trái tim những người yêu nước Việt Nam.

Hương Lan

Các tin khác


Nữ cán bộ Công đoàn tận tâm, giàu nhiệt huyết

Hơn 20 năm gắn bó với Công ty TNHH nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam tại khu công nghiệp bờ trái sông Đà (TP Hoà Bình), chị Phan Thị Ngọc Tú được biết đến là nữ cán bộ Công đoàn năng động, nhiệt huyết với các hoạt động xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh. Đảm nhận ví trí tổ trưởng chuyên môn, chị Tú có đóng góp tích cực trong đổi mới sáng tạo, góp phần cải tiến quy trình sản xuất, làm lợi cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững.

Mặt trận nào bác Ấn cũng chiến thắng

Cùng là hội viên cựu chiến binh (CCB) phường Đồng Tiến (TP Hoà Bình), tôi quen bác Nguyễn Quốc Ấn qua những lần đi dự lớp tuyên truyền về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tôi thích nghe bác kể chuyện chiến đấu ở Điện Biên Phủ năm 1954; nghe chuyện ở mặt trận chống Mỹ cứu nước năm 1966 - 1975. Bác Ấn khiêm tốn, ít nói về mình. Quê bác ở Hội An, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Bác Ấn là lính tình nguyện đi đánh giặc Pháp. Năm 1953, bác được tuyển quân và được biên chế vào Tiểu đoàn 9. Sau đó bác cùng 20 chiến sỹ tiểu đoàn được cử đi học lớp quản lý pháo và kỹ thuật tháo lắp pháo.

Nông dân thời 4.0 đam mê nông nghiệp xanh

Những năm qua, mô hình phát triển kinh tế "Trang trại giun quế Hoà Bình" của anh Bùi Văn Đáng ở xóm Cỏ Giữa, xã Mỹ Thành (Lạc Sơn) không chỉ mang lại giá trị kinh tế ổn định, mà còn thân thiện, bảo vệ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững.

Nữ ngư dân 11 lần cứu người nhảy cầu quyên sinh

Dáng người mảnh khảnh, nước da rám nắng, hàng ngày mưu sinh với nghề nuôi và đánh bắt cá vùng hạ lưu sông Đà, bà Nguyễn Thị Hiên, sinh năm 1964, trú tại tổ 14, phường Thịnh Lang (thành phố Hòa Bình) được bà con làng vạn chài ví như "người hùng không áo choàng”. Không ít lần, bà vượt dòng nước xiết cứu người nhảy cầu quyên sinh, giúp họ tìm lại cuộc đời. Việc làm của bà là minh chứng về sự tử tế, lòng dũng cảm, tình thương người giữa đời thường, giúp xua tan "bóng đêm” trong tâm trí những người được cứu, tìm lại niềm tin trong cuộc sống.

Người lưu giữ hồn cốt văn hóa Dao giữa đại ngàn

Trên đỉnh núi Biều, nơi mây phủ quanh năm như chốn bồng lai có một bản nhỏ tên Sưng nằm lặng lẽ giữa đại ngàn xanh thẳm của xã Cao Sơn, huyện vùng cao Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Nơi ấy, có một người đã dành cả cuộc đời để chắt chiu từng con chữ, từng làn điệu dân ca, từng nếp sống cổ xưa của dân tộc Dao Tiền – ông Lý Văn Hềnh. Người dân nơi đây vẫn gọi ông bằng cái tên gần gũi, trìu mến: "Ông Hềnh giữ hồn Dao"

Người con xứ Mường đam mê lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống

Sau khi về nghỉ hưu theo chế độ, ông Bùi Văn Nỏm, nguyên Bí thư Huyện ủy Lạc Sơn, hiện trú tại phố Hữu Nghị, thị trấn Vụ Bản dành nhiều thời gian, tâm huyết sưu tầm, lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục