(HBĐT) - Táo lê Nhật là giống cây ăn quả có giá trị mà đến nay chưa có nhiều nông dân trong tỉnh trồng. Tại huyện Kim Bôi có 1 người đã tiên phong trồng táo lê Nhật. Anh là Đỗ Đức Bằng, 25 tuổi, Phó Bí thư chi đoàn đội 3 - xã Nam Thượng, gương mặt tiêu biểu trong phong trào tuổi trẻ khởi nghiệp sáng tạo.


Học hết THPT, như bao người con sinh sống trên mảnh đất quê hương, Bằng lên đường nhập ngũ. Ba năm sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh trở về với quê hương và gia đình, tham gia khóa học nghề nhưng còn loay hoay chưa tìm được hướng đi. Những ngày tháng đầu khi ý tưởng trồng táo lê Nhật chưa xuất hiện, trên mảnh đất nhận thầu, Bằng cùng bố mẹ và vợ chồng người chị gái trồng bí xanh nhưng thu nhập bấp bênh. Năm 2014, tình cờ đến thăm mô hình táo lê Nhật của một người bạn ở dưới xuôi, thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt mà cách trồng, chăm sóc không khó, anh ấp ủ ý định thực hiện và thuyết phục gia đình ủng hộ, hỗ trợ để hiện thực ý tưởng.


Với tinh thần tuổi trẻ khởi nghiệp sáng tạo, anh Đỗ Đức Bằng (bên phải) đã bám đất gây dựng mô hình trồng táo lê Nhật 1.000 gốc.

Nhớ lại hồi đầu mới xây dựng mô hình trồng táo lê Nhật, Bằng cho rằng bản thân mình may mắn được sự ủng hộ từ gia đình. Năm 2014, 2 mảnh vườn có diện tích gần 1,2 ha được Bằng làm cỏ, đào hố theo đúng quy cách trước khi đưa giống táo lê Nhật về trồng. Anh cho biết: Táo lê Nhật dễ chăm sóc hơn bí xanh mà lợi nhuận lại cao hơn. Đến năm thứ hai sau trồng là cho thu quả, chu kỳ thu hoạch kéo dài trên 10 năm. Sau mỗi vụ thu hái, nhà nông cắt bỏ hết cành để đợi lên cành mầm mới. Khi mầm trổ, người làm vườn làm cỏ quanh gốc và duy trì độ ẩm cho cây. Về phân bón chỉ sử dụng phân chuồng vào thời điểm cành đã vươn cao, hoa đậu. Một số bệnh thường gặp trong quá trình chăm sóc giống táo này là rệp, phấn trắng, sương mai. Để trị bệnh trên táo, Bằng sử dụng các chế phẩm sinh học chiết xuất tự nhiên và cho rằng cách làm của mình đảm bảo quy trình sản xuất an toàn, sạch giúp người tiêu dùng xa, gần tin tưởng.

Đầu năm 2016, vườn táo 600 gốc đón đợt quả đầu, quả nào, quả nấy to tròn, xanh giòn, ngọt đậm. Tuy mới thu nhưng cây nào cũng trĩu trịt quả nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật và chất đất phù hợp. ở vụ đầu, bình quân mỗi cây thu 70 kg quả, sau khi trừ chi phí đầu tư, thu lãi trên 200 triệu đồng. Bước sang vụ thứ 2, năng suất quả cao hơn với khoảng gần 1 tạ quả/cây lại không mất chi phí cây giống nên lợi nhuận thu được cũng tăng cao. Bằng cho biết, vụ thu hoạch trong quãng thời gian từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau. Vào thời điểm đó, tư thương từ thành phố Hòa Bình và các tỉnh bạn đến vườn đặt mua theo đầu tấn, lợi nhuận cả vụ đạt 250 triệu đồng.

Trên đà thành công của mô hình, kể từ năm 2016, Bằng trồng thêm 400 gốc, nâng tổng số gốc táo lê Nhật lên 1.000 gốc. Bên cạnh đó, ông chủ trẻ còn trồng xen táo Đài Loan và quất hồng bì trên diện tích nhận thầu khoán vừa mở rộng, dự kiến sang năm thứ ba, thứ tư sẽ cho thu hoạch.

                                                                          Bùi Minh


Các tin khác


Khởi nghiệp từ trái ớt núi

(HBĐT) - Từ xa xưa đến nay, để tăng dư vị của bữa ăn, trong mâm cơm của người Mường không thể thiếu một lọ dấm ớt. Nhiều người đã nói rằng, dù mâm cỗ có nhiều thịt thà bao nhiêu mà thiếu vài trái ớt dấm thơm lừng thì bữa cơm cũng chẳng thể ngon miệng. Thân thuộc là vậy nhưng ít ai ngờ rằng, những trái ớt nhỏ bé lại mở ra con đường khởi nghiệp lớn đối với một chàng thanh niên người Mường nhạy bén…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục