(HBĐT) - Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng Thành Đoàn Hòa Bình xác định thực hiện trong thời gian qua. Với sự hỗ trợ tích cực cùng tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ của thanh niên thành phố, đến nay, nhiều mô hình kinh tế hiệu quả hoạt động ổn định và được nhân rộng.
Mô hình nuôi cá lồng của thanh niên Nguyễn Văn Lân, tổ Vôi, phường Thái Bình (TP Hòa Bình) cho thu nhập ổn định.
Thành Đoàn hiện đang quản lý 58 cơ sở Đoàn với 12.600 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), trong đó có khoảng 4.000 thanh niên. Hoạt động hỗ trợ thiết thực Thành đoàn thực hiện trong những năm qua là giúp thanh niên tiếp cận, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn vay Quỹ quốc gia về việc làm của T.Ư Đoàn. Đồng thời, vận động các nguồn xã hội hóa, tổ chức, cá nhân để hỗ trợ vốn vay cho thanh niên làm kinh tế. Đến nay, tổng dư nợ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội do Thành Đoàn quản lý gần 55 tỷ đồng, cho hơn 1.600 thanh niên được vay vốn (nguồn vốn giải quyết việc làm chiếm 25%). Nhờ đó, nhiều thanh niên đã xây dựng, phát triển thành công mô hình sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương, nổi bật như các mô hình: nuôi cá lồng của Nguyễn Văn Lân, tổ Vôi, phường Thái Bình; sản xuất trà bí đao của Nguyễn Trung Kiên, xóm Nội, xã Độc Lập; nuôi trồng đông trùng hạ thảo của Ngô Kim Quyền, tổ 12, phường Đồng Tiến; nuôi dê của Trần Viết Kiên, tổ dân phố Chu, phường Trung Minh.
Hiện, trên địa bàn thành phố có khoảng 150 thanh niên tham gia phát triển kinh tế đa ngành nghề, lĩnh vực, chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp. Để phát triển các loại hình kinh tế mũi nhọn đó, Thành Đoàn chú trọng công tác tập huấn, trang bị kỹ năng, kiến thức về khởi nghiệp, lập nghiệp cho ĐVTN; ngoài việc hỗ trợ thanh niên vay vốn ưu đãi còn hỗ trợ tiếp cận các dự án khởi nghiệp, lập nghiệp. Năm 2021, Thành Đoàn đã chỉ đạo các cơ sở Đoàn tiếp tục duy trì hoạt động của 5 mô hình kinh tế tập thể trong thanh niên tại các xã: Trung Minh, Yên Mông, Mông Hóa, Hợp Thành và phường Thái Bình. Đồng thời, tổ chức ra mắt câu lạc bộ "Trang trại trẻ thành phố Hòa Bình" tại phường Trung Minh, với 4 thành viên là hội viên, thanh niên đang làm chủ hoặc tham gia quản lý trang trại sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn. Phong trào khởi nghiệp không chỉ góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống kinh tế, mà còn góp phần thay đổi nhận thức của thanh niên địa phương, đặc biệt là về vấn đề lập thân, lập nghiệp. Trong năm, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng Thành Đoàn đã linh hoạt tổ chức được 2 cuộc thăm quan, học tập mô hình kinh tế tiêu biểu tại thành phố cho 50 lượt ĐVTN.
Tuy nhiên, vấn đề khởi nghiệp, làm giàu trong thanh niên địa phương vẫn còn những hạn chế nhất định. Một bộ phận ĐVTN thiếu nhiệt huyết, quyết tâm, động lực để lao động sản xuất. Định hướng việc làm cho thanh niên mặc dù đã được các cấp, ngành quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng được xu thế việc làm và sự phát triển của xã hội; nhiều thanh niên tốt nghiệp đại học, cao đẳng chưa có việc làm, hoặc làm công việc không đúng với chuyên môn, sở thích, dẫn tới giảm sút ý chí phấn đấu trong công việc. Nhiều thanh niên có ý tưởng sáng tạo nhưng chưa được trang bị kỹ năng, nhất là những kỹ năng mềm để có thể chuyển hóa ý tưởng thành hành động thực tế, hoặc chưa tìm được phương pháp phù hợp. Việc tiếp cận nguồn vốn vay đối với nhiều thanh niên hạn chế, nhất là ở khu vực nông thôn.
Đồng chí Dương Đức Anh, Phó Bí thư Thành Đoàn chia sẻ: "Mong muốn Đoàn cấp trên phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tạo điều kiện hơn nữa cho thanh niên được tiếp cận nguồn vốn giải quyết việc làm, nâng mức vay để đảm bảo nhu cầu thực tế của các đối tượng vay. Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức các cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong thanh niên tỉnh, để ĐVTN có nhiều cơ hội thể hiện những ý tưởng khởi nghiệp, lập nghiệp sáng tạo".
Thanh Sơn