Chèo thuyền Kayak khám phá sông Đà đem lại trải nghiệm thú vị cho khách du lịch.
Hồ Hòa Bình địa phận tỉnh ta có chiều dài 70 km. Trong khu vực lòng hồ có 47 đảo lớn nhỏ, trong đó có 11 đảo đá vôi với diện tích 116 ha và 36 đảo núi đất diện tích gần 160 ha, được ví là Hạ Long trên núi của tỉnh. Hồ có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các loại hình du lịch như du lịch văn hóa lịch sử, sinh thái, tâm linh… Nằm trong khu vực hồ là những xóm, bản các dân tộc Mường, Tày, Dao, Thái, có hàm lượng văn hóa cao với nhiều lễ hội đặc sắc, phong phú trong tập quán sinh hoạt truyền thống từ nếp ăn, nếp ở, sinh hoạt trong lao động, sản xuất, là cơ hội lớn để phát triển các loại hình du lịch khám phá, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng. Khu vực hồ đã hình thành những điểm du lịch khá nổi tiếng như: đền Bờ, đền Cô, đền Cậu, bia Vua Lê; nhiều đảo đã được đầu tư thành các khu du lịch hấp dẫn với những nét đặc trưng riêng như: đảo Dừa, đảo Bè Bạn, đảo Cối Xay Gió… thu hút đông đảo du khách gần xa.
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Lưu Huy Linh cho biết: Thực hiện Chương trình mở rộng liên kết phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc, nhiều năm nay, tỉnh ta đã xây dựng và triển khai kế hoạch khảo sát đánh giá tiềm năng, thực trạng và liên kết xây dựng các tour, tuyến du lịch nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch hồ Hòa Bình. Bắt đầu từ cuối năm 2017, Sở VH-TT&DL các tỉnh đã triển khai chương trình khảo sát theo lộ trình từ Thủy điện Lai Châu đi xuôi về hồ Thủy điện Sơn La và kết thúc ở hồ Hòa Bình. Đầu tháng 11/2018, Tổng Cục Du lịch và các tỉnh cùng hơn 70 doanh nghiệp lữ hành, cơ quan báo chí đã khảo sát sản phẩm du lịch các tuyến, điểm du lịch dọc sông Đà. Tỉnh đang huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng kết nối xây dựng khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình; thu hút đầu tư, triển khai các hoạt động liên kết quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối xây dựng sản phẩm, thiết kế các tuor, tuyến du lịch, đưa khách du lịch trong nước, quốc tế đến với khu du lịch hồ Hòa Bình.
Nhiều điểm du lịch trên hồ Hòa Bình mang lại cảm nhận tốt đẹp đối với các công ty du lịch lữ hành. Phó Giám đốc Vietravel Tạ Thị Tú Uyên cho biết: Mỗi lần đến xóm Đá Bia, xã Tiền Phong (Đà Bắc) đều mang lại cảm giác thư thái. Bạn thử hình dung mỗi sớm mai thức dậy, thấy không gian bản nằm bên hồ nước xanh mướt, phong cảnh tuyệt đẹp, nên thơ, không khí sạch, trong lành với những bản làng nguyên sơ, đậm bản sắc dân tộc, người dân thân thiện. Được trải nghiệm sinh hoạt, sản xuất và cuộc sống người dân đã mang lại ấn tượng rất tốt trong tôi. Tuy nhiên, để phát triển du lịch cộng đồng bền vững cần tổ chức tốt quy hoạch để không phá vỡ cảnh quan môi trường, đặc biệt là phải giữ gìn các yếu tố văn hóa đặc sắc của người Mường để không chỉ du khách quốc tế mà cả du khách trong nước đến trải nghiệm các giá trị cảnh quan văn hóa và con người nơi đây.
Các doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành đều cho rằng, Chương trình hợp tác kết nối xây dựng tuyến đường thủy trên sông Đà từ Hòa Bình đến Sơn La, Điện Biên và Lai Châu là hoạt động hết sức quan trọng, tạo ra sự kiến nối, thu hút khách đến với các điểm du lịch. Thông qua đó, các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp du lịch sẽ có nhiều ý kiến bổ sung, hoàn thiện các kế hoạch, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch trên tuyến đường thủy với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hữu tình, cùng các giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của từng vùng miền, hấp dẫn du khách. Các tỉnh cần đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch, trong đó chú ý đến sự tinh tế, độc đáo, khác biệt của sản phẩm du lịch; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch tại địa phương; quan tâm cải tạo cảnh quan, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, góp phần đẩy mạnh đưa khách du lịch đến với các tuyến, điểm dọc sông Đà.
Lê Chung