(HBĐT) - Bản Mường Giang Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong cách trung tâm TP Hòa Bình hơn một chục cây số, nằm trên tuyến đường 435 (TP Hòa Bình - Bình Thanh - Thung Nai). Nơi đây là điểm dừng chân khó bỏ qua trong hành trình khám phá, thưởng ngoạn, trải nghiệm vùng hồ Hòa Bình.


Một góc Bản Mường Giang Mỗ.

Bản Mường Giang Mỗ những ngày cuối thu đẹp mê hồn. Trong nắng trải nhẹ nhàng, những thửa ruộng bậc thang xếp lớp uốn lượn vừa gặt vẫn còn vàng ươm. Thấp thoáng xa xa là những ngôi nhà sàn nằm giữa không gian núi rừng bình yên đến nao lòng. Bản Mường Giang Mỗ tồn tại từ rất lâu đời, tọa lạc ở địa thế phong thủy hữu tình, con người bình dị và rất đỗi thân thiện mang lại những trải nghiệm khó quên cho bất cứ ai muốn tìm về với thiên nhiên, tìm hiểu, hòa mình với đời sống, sinh hoạt của của người dân địa phương.

Bản Giang Mỗ là nơi cư trú của hơn một trăm hộ dân, đều là dân tộc Mường vẫn còn lưu giữ được bản sắc độc đáo từ xây dựng nhà, cách thức, trang phục, nếp ăn nếp ở trong lao động sản xuất. Những ngôi nhà sàn cổ của người Mường quần tụ bên nhau thể hiện tính gắn kết cộng đồng. Nhà được dựng bên những bãi đất rộng, tựa lưng vào núi đồi, xung quanh là suối chảy róc rách ngày đêm. Tuy cuộc sống có khó khăn nhưng người dân Mường lại vô cùng hiếu khách, chỉ cần đặt chân đến thăm, chọn bất kỳ ngôi nhà nào làm điểm dừng chân, du khách đều được tiếp đãi một cách nồng nhiệt bằng những tình cảm ân tình, ấm áp của người thân.

Người dân trong bản luôn sẵn lòng đãi khách quý những sản vật của núi rừng như xôi nếp nương, xôi cẩm, thịt lợn cỗ lá, thịt trâu lá lồm, gà rừng, măng đắng, cá suối đồ, rượu cần, rượu chuối… Những sản vật của núi rừng và sự nhiệt tình, hiếu khách của dân bản luôn làm hài lòng, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.

Bản Giang Mỗ vẫn lưu giữ, bảo tồn nguyên vẹn văn hóa truyền thống đặc trưng, đậm đà bản sắc dân tộc. Thanh niên trai tráng đi nương, phụ nữ làm ruộng vườn, nội trợ vun vén gia đình. Phụ nữ Mường rất giỏi đan lát, dệt thêu nên thường tự tay làm ra những sản phẩm thủ công truyền thống như mây tre đan và thổ cẩm để giới thiệu đến khách du lịch. Đàn ông, trai tráng nhiều tài lẻ, biết kéo đàn, thổi sáo, đánh bắt cá, tôm, tính tình vô cùng đôn hậu, thật thà, cởi mở, dễ gần, dễ mến, luôn tạo không khí thân thiện. Họ sẽ hỗ trợ bạn có những trải nghiệm mới khi khám phá bản làng, núi non, khe suối, đào măng, hái quả… mang lại sự sảng khoái sau những bộn bề lo toan nơi cuộc sống phố thị.

Bản Giang Mỗ có rất nhiều sản vật địa phương như chuối, bưởi, măng rừng, phong lan rừng, khoai sọ, các cây thuốc quý, tổ ong mật, gà, lợn… Những sản phẩm của bà con làm ra, bạn có thể mua về làm quà cho người thân hay lưu giữ làm kỷ niệm cũng rất thú vị. Cũng trong chuỗi hành trình đến bản Mường Giang Mỗ, bạn có thể ghé thăm những địa điểm như tượng đài Anh hùng Cù Chính Lan, Bảo tàng không gian văn hóa Mường, Bảo tằng Di sản văn hóa Mường, đến cảng Thung Nai khám phá, trải nghiệm các điểm du lịch trên hồ Hòa Bình thơ mộng.

L.C


Các tin khác


Bảo tồn, khai thác giá trị văn hóa dân tộc khu vực hồ Hòa Bình

(HBĐT) - Hồ Hòa Bình có chiều dài 70 km, trải rộng trên địa bàn 17 xã thuộc 5 huyện, thành phố. Trong khu vực lòng hồ có 47 đảo lớn nhỏ, trong đó có 11 đảo đá vôi với diện tích 116 ha và 36 đảo núi đất diện tích gần 160 ha. Hồ như một bức tranh thủy mặc, từng ví là Hạ Long của Hòa Bình. Núi tiếp núi hùng vĩ, rừng thăm thẳm hoang sơ. Ven hồ là những hang động kỳ thú, trầm tích ngàn năm. Bên cạnh phong cảnh thiên nhiên, mây nước hữu tình, trên khu vực hồ Hòa Bình có nhiều bản làng còn lưu giữ nét văn hóa đặc của đồng bào các dân tộc Mường, Tày, Dao, Thái là cơ hội để khai thác, xây dựng các sản phẩm du lịch đáp ứng với nhu cầu của du khách gần xa.

Bảo tồn bản sắc dân tộc Mường để phát triển du lịch xóm Ngòi

(HBĐT) - Xóm Ngòi, xã Ngòi Hoa (Tân Lạc) là một trong những xóm ven lòng hồ sông Đà có phong cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ. Xóm có 91 hộ dân, 100% là đồng bào Mường còn lưu giữ được bản sắc văn hóa truyền thống. Xóm được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch địa phương năm 2017.

Hấp dẫn du lịch cộng đồng bản Dao xóm Sưng

(HBĐT) - Những năm gần đây, mô hình du lịch cộng đồng (DLCĐ) của huyện Đà Bắc được xây dựng đã thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Bên cạnh các điểm DLCĐ xóm Ké (xã Hiền Lương), xóm Đá Bia (xã Tiền Phong) thì xóm Sưng (xã Cao Sơn) mới phát triển DLCĐ được gần 3 năm nay nhưng hiện đang hấp dẫn du khách đến thăm quan, trải nghiệm, khám phá phong cảnh thiên nhiên hùng vỹ của vùng cao Đà Bắc.

Phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình

(HBĐT) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2035.

Huyện Tân Lạc thúc đẩy phát triển du lịch hồ Hòa Bình

(HBĐT) - Vùng đất Mường Bi - Tân Lạc có những tiềm năng "trời cho” để phát triển các loại hình bản sắc văn hóa dân tộc, du lịch sinh thái khu vực hồ Hòa Bình. Hai xã vùng hồ của Tân Lạc là Ngòi Hoa và Trung Hòa có phong cảnh thơ mộng, hữu tình, bản sắc dân tộc Mường còn được lưu giữ. Người dân đã xây dựng các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách.

Huyện Cao Phong phát triển du lịch hồ Hòa Bình

(HBĐT) - Cao Phong là 1 trong 5 huyện, thành phố nằm trong quy hoạch xây dựng và phát triển khu du lịch hồ Hòa Bình. Huyện xác định phát triển du lịch hồ Hòa Bình là trọng tâm trong định hướng phát triển du lịch, dịch vụ. Từ lâu nay, trên khu vực hồ Hòa Bình đã có những điểm du lịch hấp dẫn, thú vị, là lựa chọn của đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục