(HBĐT) - Là hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á, có chiều dài 70 km, trải rộng trên địa bàn 17 xã thuộc 5 huyện, thành phố; khu vực hồ có nhiều đảo lớn, nhỏ được ví như Hạ Long trên cạn với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, phong cảnh hữu tình, hồ Hòa Bình nằm trong vùng du lịch trung tâm phía Bắc đã được Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình.
Điểm du lịch Mai Châu Hideaway, xóm Suối Lốn, xã Tân Mai (Mai Châu) mang lại trải nghiệm thú vị cho khách du lịch.
Tỉnh đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề và kế hoạch cụ thể phát triển Khu du lịch hồ Hòa Bình, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản đạt các điều kiện trở thành Khu du lịch quốc gia; đến năm 2030, Khu du lịch hồ Hòa Bình trở thành Khu du lịch quốc gia có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, phong phú, có thương hiệu, đậm bản sắc văn hoá các dân tộc Hoà Bình; trở thành trung tâm du lịch lớn nhất của tỉnh, là 1 trong 12 khu du lịch trọng tâm của vùng trung du miền núi Bắc Bộ.
Xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc nằm trong vùng lõi quy hoạch phát triển khu du lịch hồ Hòa Bình đang là "đích ngắm" của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Trên địa bàn xã có 5 dự án khảo sát, nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Trong đó có dự án của Công ty CP Du lịch Hòa Bình đầu tư xây dựng bản du lịch xóm Ngòi. Công ty CP đầu tư Lạc Hồng triển khai dự án du lịch sinh thái hồ Hòa Bình tại xóm Liếm với tổng mức đầu tư khoảng 800 tỷ đồng, đang triển khai GPMB, dự kiến sẽ xây dựng hệ thống khách sạn, biệt thự cung cấp sản phẩm du lịch có chất lượng trên hồ Hòa Bình. Tỉnh cũng đã quyết định chủ trương đầu tư cho Công ty Hoàng Sơn triển khi dự án Khu du lịch sinh thái Ngòi Hoa với mức đầu tư khoảng 474 tỷ đồng… Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm khảo sát dự kiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch tại các khu vực khác trên hồ Hòa Bình. Công ty Đại Doanh khảo sát đầu tư tại xã Ngòi Hoa và Hiền Lương, trong đó đề nghị tỉnh chấp thuận cho nghiên cứu khảo sát, lập hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư dự án trồng rừng kết hợp với du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng tại xã Hiền Lương. Công ty Hanbek đang khảo sát nghiên cứu dự án phức hợp nghỉ dưỡng gồm hệ thống cáp treo và các công trình vui chơi giải trí tại xã Thái Thịnh và phường Thái Bình (TP Hòa Bình). Công ty CP Du lịch Hòa Bình triển khai dự án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp tại đảo Sung, xã Tiền Phong (Đà Bắc), dự kiến trong năm 2019 sẽ đưa một số hạng mục vào khai thác đón khách, hướng tới phân thị trường khách du lịch có thu nhập cao...
Ông Đặng Tuấn Hùng, Trưởng phòng Quản lý Du lịch - Sở VH-TT&DL cho biết: Hoạt động đầu tư du lịch trên hồ Hòa Bình khá sôi động. Nhiều dự án đang nghiên cứu khảo sát, nhiều dự án đang triển khai đầu tư, khả thi trong tương lai sẽ hình thành những sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng, tạo sức hút đối với du khách trong và ngoài nước.
Cùng với việc chỉ đạo ngành chức năng và địa phương triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu, triển khai đầu tư vào khu du lịch hồ Hòa Bình, tỉnh chủ trương ưu tiên nguồn lực từ ngân sách để đầu tư kết cấu hạ tầng điện, giao thông, cảng, bến, hệ thống cung cấp nước, hạ tầng viễn thông, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, khu du lịch sinh thái, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí tại Khu du lịch hồ Hòa Bình. Thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng như: sản phẩm du lịch tâm linh đền thác Bờ, huyện Cao Phong và Đà Bắc; đền Đôi Cô, xã Hiền Lương (Đà Bắc); sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng chất lượng cao tại đảo Sung, xã Tiền Phong (Đà Bắc); khu vực vịnh Ngòi Hoa, hồ Hoa, xã Ngòi Hoa (Tân Lạc); phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng tại các xóm: Ngòi, Trụ, Ké, Đá Bia… ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch tìm hiểu văn hóa các dân tộc, phát triển các sản phẩm du lịch hỗ trợ…
Lê Chung
(HBĐT) - Xóm Ké thuộc xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc, là nơi sinh sống của 80 hộ đồng bào dân tộc Mường… Xóm Ké có diện tích khoảng 700 ha, nằm sát lòng hồ sông Đà, là địa điểm thích hợp để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của lòng hồ từ trên cao và cũng có thể khám phá núi rừng kỳ vĩ, tiếp xúc với những người dân thân thiện, mến khách. Xóm Ké đang là điểm đến lý tưởng nằm trên cung đường khám phá, trải nghiệm thiên nhiên, văn hóa khu vực hồ Hòa Bình. Đến xóm Ké sẽ được hòa mình trong đời sống người dân địa phương và khung cảnh thiên nhiên được ví như bức tranh thủy mặc, đem lại cảm giác bình yên, xua tan những bộn bề, lo toan nơi phố thị.
(HBĐT) - Trước thực trạng nguồn lợi thủy sản lưu vực sông Đà, khu vực hồ Hòa Bình đứng trước nguy cơ suy giảm, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Tổng cục Thủy sản phối hợp với các địa phương xây dựng và triển khai đề án bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản tại lưu vực sông Đà giai đoạn 2018 - 2022, thực hiện mục tiêu phát triển, khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản trong khu vực.
(HBĐT) - Chợ phiên lòng hồ sông Đà không chỉ là nơi giao thương, buôn bán các mặt hàng giữa miền xuôi và miền ngược mà còn là nơi giao lưu văn hóa tinh thần đậm chất vùng sông nước. Đến chợ để mua một chút thuốc lào, một chút muối, mắm và còn trao gửi thương yêu, nhớ nhung.
(HBĐT) - Với tiềm năng, lợi thế đặc thù riêng, ngày 1/8/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1528/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030. Tỉnh đang triển khai các giải pháp thực hiện quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, triển khai các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, huy động mọi nguồn lực đầu tư từ ngân sách cũng như các nguồn lực của doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, bến cảng, hạ tầng điện, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng du lịch nhằm khai thác bền vững tiềm năng hồ Hòa Bình.
(HBĐT) - Hồ Hòa Bình có chiều dài 70 km, trải rộng trên địa bàn 17 xã thuộc 5 huyện, thành phố. Trong khu vực lòng hồ có 47 đảo lớn nhỏ, trong đó có 11 đảo đá vôi với diện tích 116 ha và 36 đảo núi đất diện tích gần 160 ha. Hồ như một bức tranh thủy mặc, từng ví là Hạ Long của Hòa Bình. Núi tiếp núi hùng vĩ, rừng thăm thẳm hoang sơ. Ven hồ là những hang động kỳ thú, trầm tích ngàn năm. Bên cạnh phong cảnh thiên nhiên, mây nước hữu tình, trên khu vực hồ Hòa Bình có nhiều bản làng còn lưu giữ nét văn hóa đặc của đồng bào các dân tộc Mường, Tày, Dao, Thái là cơ hội để khai thác, xây dựng các sản phẩm du lịch đáp ứng với nhu cầu của du khách gần xa.
(HBĐT) - Xóm Ngòi, xã Ngòi Hoa (Tân Lạc) là một trong những xóm ven lòng hồ sông Đà có phong cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ. Xóm có 91 hộ dân, 100% là đồng bào Mường còn lưu giữ được bản sắc văn hóa truyền thống. Xóm được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch địa phương năm 2017.