(HBĐT) -Chúng tôi thật may mắn khi được cảm nhận, tận hưởng không khí mùa xuân về khi được tham gia cùng đoàn công tác của Sở VH - TT&DL khảo sát hồ Hòa Bình. Chuyến hành trình kéo dài nhiều ngày bằng đường thủy lên tận Tà Hộc, huyện Bắc Yên (Sơn La) và trở về ghé thăm nhiều xóm, bản khu vực hồ địa phận tỉnh. Hồ Hòa Bình mùa nào cũng đẹp và luôn mang đến cảm giác thật mới lạ cho bất cứ ai một lần đến.


Hồ Hòa Bình xuân về.

Hồ Hòa Bình nước hồ xanh ngắt, mênh mang bất tận. Mùa hạ và mùa thu hồ như một bức tranh thủy mặc khổng lồ, là sự quyến rũ của hoàng hôn tím sẫm mơ màng; đêm về thả mình trong ánh trăng lung linh mặt hồ, cá đớp lao xao mạn thuyền. Đông về nước hồ phẳng lặng, tĩch mịch vô cùng. Còn thời điểm giao thoa giữa mùa đông và mùa xuân, nước hồ bảng lảng giữa núi rừng mờ ảo. Đi trên hồ trong tiết trời se lạnh, núi đồi uốn lượn, thấp thoáng những bến nước trong xanh, sương vương mặt hồ đem lại cảm giác thật dễ chịu, thanh bình.

Thời tiết giao mùa cuối đông và đầu xuân, sương bay bảng lảng, nước hồ trong veo, núi xanh thẫm. Tàu từ từ rẽ nước tiến về phía thượng nguồn. Mùa này đang tích nước hồ nên đi lại rất thư thái. Lòng hồ chỗ nào cũng miên man, đẹp đến vô cùng. Núi tiếp núi, giờ thành những hòn đảo xếp lô nhô trước mũi tàu như trốn bồng lai vậy.Xã Đồng Nghê (Đà Bắc), một trong những xã tiếp giáp với tỉnh Sơn La những ngày cuối đông bỗng chốc trở thành một dải dài lá vàng, lá đỏ đẹp như cảnh sắc mùa thu của xứ sở Kim Chi - Hàn Quốc. Tiếp đến là Ba Khan, Tân Mai, Phúc Sạn (Mai Châu), núi rừng nhấp nhô trong làn nước xanh trong, sương khói bảng lảng. Ẩn hiện những con đường trông như dải lụa mỏng soi bóng xuống hồ như mơ, như thực. Thiên nhiên, mây nước hoang sơ mỗi nơi, mỗi vẻ. Xóm Suối Lốn, xã Tân Mai có điểm du lịch Mai Châu Hideaway là địa điểm có thể tận hưởng những giá trị của thiên nhiên, văn hóa vùng hồ dưới góc nhìn bản sắc các dân tộc Thái, Mông, Mường. Ngả lưng trên những thảm cỏ xanh mướt, ngắm nhìn vườn hồng, nhành đào đơm nụ đón xuân sang, hướng mắt về lòng hồ mênh mang trong làn sương giăng bảng lảng là cảm giác thi vị không đâu có được trên lòng hồ Hòa Bình khi xuân chạm ngõ. Đảo Sung, xã Tiền Phong (Đà Bắc) ngày cuối đông trong nắng nhẹ, đẹp mê hồn. Bên ngoài đảo được bao bọc, che chắn bằng lớp lớp núi đá vôi xếp lớp thẳng đứng xuống hồ, trên đảo vẫn còn rừng già nguyên sinh, nhiều cây cổ thụ, phía trong là cả một vùng thung lũng hoa bông hôi, hoa dại trải dài tới tận chân núi xa. Vịnh Ngòi Hoa, xã Ngòi Hoa (Tân Lạc) rộng hàng trăm ha như một thủ phủ riêng biệt, sóng hồ thật nhẹ, thuần khiết. Xóm Ngòi, xã Ngòi Hoa vẫn nguyên sơ như từ xưa vẫn vậy. Còn Thung Nai (Cao Phong) lại là sự kết hợp hoàn mỹ của núi rừng, thiên nhiên, mây nước, vào xuân cảnh sắc hư hư, thực thực, như lạc chốn bồng lai trên phim ảnh vậy. Đến các điểm du lịch tâm linh trên khu vực hồ như đền Chúa Thác Bờ, hang Miến, đền Cô Đôi vào xuân này cũng mang lại cảm giác nhẹ nhàng, thánh thiện.

Nắng cuối đông nhẹ nhàng buông chưa đủ phá sương mờ giăng giăng. Những ngọn núi, hòn đảo soi bóng nước trải dài một màu vàng nhẹ làm sáng lên những vạt đồi, hòn đảo xanh trong ánh nắng vàng. Hồ Hòa Bình rộng dài quá, cứ hết eo vịnh lại mở ra bao la. Lúc chụm vào, lúc mở ra theo hình thế núi. Lênh đênh trên hồ, gió mơn man mặt người, thật dễ chịu. Trời đông tối nhanh, sương mù giăng khắp hồ. Ngủ trên thuyền, nghe tiếng sóng đánh mạn thuyền, nghe tiếng cá đớp ăn mồi đêm thật lạ. Thấp thoáng đèn vó đăng. Người ta bảo, ở những khu vực có núi non hoang dã, thẳng đứng là nơi các loại cá làm ổ, rất nhiều cá trạch, cá ngạnh, cá lăng, trắm đều là những đặc sản quý của hồ Hòa Bình.

Sông Đà - dòng sông nối dài quá khứ với hiện tại, hôm nay là hồ nước rộng mênh mang, luôn sẵn lòng chờ đón, níu giữ bước chân du khách để tận hưởng những phút giây thư thái, lắng đọng. Các xóm, bản ven hồ sẽ chào đón bạn bằng phong cảnh thiên nhiên hữu tình, bản sắc văn hóa đặc sắc với tình người đôn hậu và chân thật. Đá Bia, xã Tiền Phong (Đà Bắc) là một bản nằm bên hồ Hòa Bình tuyệt đẹp, đón chúng tôi bằng những tình cảm chân thành, chân chất. Bà con nơi đây đã chuẩn bị bữa cơm tối ấm tình người. Các món ăn được nấu bằng thực phẩm, sản vật địa phương, thịt gà, thịt lợn, rau rừng của bản, xôi đồ từ gạo nương, cá trắm vừa được đánh bắt trên hồ nấu măng chua thơm lừng; rượu hoẵng - thứ rượu mềm mại đưa môi không biết say lúc nào. Trong ánh lửa trại bập bùng, phụ nữ bản cùng du khách tham gia vui văn nghệ cộng đồng, hòa mình cùng điệu múa sạp, tay trong tay với những cô gái Mường duyên dáng, nhịp nhàng bước trong tiếng lách cách gậy tre tạo nên những âm thanh kỳ thú. Tiếng nhạc rộn ràng cả một góc rừng để rồi chìm vào giấc ngủ say nồng trong sự thanh khiết của thiên nhiên. Nghe tiếng chim hót ríu ran báo hiệu ban mai, sẽ đánh thức bạn tỉnh dậy sảng khoái trong không khí xuân về thật nhẹ nhàng và bình yên.

Chị Bùi Thị Nhềm, một trong 4 hộ làm du lịch cộng đồng ở Đá Bia thông báo: Người dân mới làm du lịch, thế nhưng các dịch vụ ở đây đáp ứng khá tốt nhu cầu của du khách. Bà con đang dọn dẹp, chỉnh trang nhà cửa, đường làng, ngõ xóm, chuẩn bị đón xuân sang. Bản có hơn 40 hộ dân, 100% là người Mường, còn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống trong sinh hoạt và sản xuất, đang đem lại những trải nghiệm vô cùng thú vị cho khách du lịch. Một mùa xuân mới an lành, hạnh phúc bắt đầu tràn về các xóm, bản vùng hồ Hòa Bình đẹp và thơ mộng, bình yên đến nao lòng.

                                                                                                                       Chung Lê



Các tin khác


Mai Châu Hideaway - khu nghỉ dưỡng đáng đến trải nghiệm hồ hòa bình

(HBĐT) - Khu nghỉ dưỡng Mai Châu Hideaway dù mới được xây dựng và đi vào hoạt động vài năm nay, nhưng là địa chỉ khó có thể bỏ qua, thực sự mang lại ấn tượng, cảm nhận thú vị cho du khách khi đến khám phá, tìm hiểu văn hóa, tận hưởng phong cảnh thiên nhiên hồ Hòa Bình.

Khám phá bản Ké

(HBĐT) - Cách thị trấn Đà Bắc khoảng 10km, nằm trên lòng hồ góc tận cùng của vịnh Hiền Lương là xóm Ké. Nơi đây sinh sống của cộng đồng người dân tộc Mường vẫn còn lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của người Mường, cùng với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng tạo nên sức hút của điểm du lịch cộng đồng.

Buông cần câu cá sông Đà

(HBĐT) - Câu cá sông Đà từ lâu đã trở thành niềm đam mê, thú vui tao nhã của dân câu và du khách xa gần. Câu cá không chỉ để thả hồn theo thiên nhiên, mây nước, suy nghĩ về sự đời, tìm những phút giây thư thái mà còn tìm thấy cảm giác chinh phục những con cá to, những loại cá "khôn” và kén mồi.

Liên kết phát triển sản phẩm du lịch tuyến sông Đà

(HBĐT) - Sông Đà có chiều dài hàng trăm km chạy qua 4 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Hòa Bình. Đây là dòng sông tuyệt đẹp, uốn lượn quanh những dãy núi kỳ vĩ, tạo nên bức tranh thủy mặc khổng lồ được xem là tiềm năng lớn để phát triển các loại hình du lịch văn hóa bản sắc, du lịch sinh thái, tâm linh, mở ra những cơ hội thu hút du khách. Dọc tuyến sông Đà đã hình thành nhiều điểm du lịch nổi tiếng như: đền Vua Lê Thái Tổ (huyện Nậm Nhùn, Lai Châu), đền Nàng Han - đền Linh Sơn Thủy Từ (huyện Quỳnh Nhai, Sơn La), đền Thác Bờ (huyện Đà Bắc, Hòa Bình)… Xây dựng các điểm du lịch trên tuyến sông Đà được các tỉnh xác định là trọng tâm phát triển du lịch của các tỉnh.

Khai thác tiềm năng du lịch hồ Hòa Bình

(HBĐT) - Hồ Hòa Bình là hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á, địa phận tỉnh có chiều dài 70 km, trải rộng trên địa bàn 17 xã thuộc 5 huyện, thành phố. Khu vực lòng hồ có nhiều đảo lớn, dảo nhỏ được ví như Hạ Long trên cạn, với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, phong cảnh hữu tình.

Thu hút đầu tư phát triển du lịch hồ Hòa Bình

(HBĐT) - Là hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á, có chiều dài 70 km, trải rộng trên địa bàn 17 xã thuộc 5 huyện, thành phố; khu vực hồ có nhiều đảo lớn, nhỏ được ví như Hạ Long trên cạn với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, phong cảnh hữu tình, hồ Hòa Bình nằm trong vùng du lịch trung tâm phía Bắc đã được Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục