(HBĐT) - LTS: Thực hiện Quyết định số 1528/QĐ-TTg, ngày 1/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia (DLQG) hồ Hòa Bình đến năm 2030, ngày 22/6/2017, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề số 14-NQ/TU về phát triển khu du lịch hồ Hòa Bình trở thành Khu du lịch quốc gia. Phóng viên Báo Hòa Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Bùi Thị Niềm, TUV, Giám đốc Sở VH-TT&DL xung quanh nội dung này.


Bản du lịch cộng đồng Đá Bia, xã Tiền Phong (Đà Bắc) đem lại trải nghiệm thú vị cho du khách 
đến thăm quan lòng hồ Hòa Bình.

PV: Xin đồng chí cho biết tiềm năng phát triển du lịch của hồ Hòa Bình?

Đồng chí Bùi Thị Niềm: Hồ Hòa Bình là hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á. Hồ có chiều dài 70 km, trải rộng trên địa bàn 17 xã thuộc 5 huyện, thành phố của tỉnh. Trong khu vực lòng hồ có 47 đảo lớn, nhỏ, trong đó có 11 đảo đá vôi với diện tích 116 ha và 36 đảo núi đất diện tích gần 160 ha. Bên cạnh phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng, khu vực hồ có nền văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc như: Mường, Tày, Dao, Thái là những khu vực có hàm lượng văn hóa cao, là cơ hội lớn để phát triển các loại hình du lịch khám phá, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng. Hồ Hòa Bình có những địa chỉ tâm linh nổi tiếng như: Đền Bờ, đền Cô, đền Cậu, bia Vua Lê... có giá trị văn hóa - tâm linh sâu sắc đã trở thành điểm đến hành hương cho du khách xa gần. Hồ Hòa Bình có vị trí địa lý đặc biệt, nằm trong vùng du lịch trung tâm phía Bắc của đất nước, liền kề với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận. Đây là điều kiện thuận lợi thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách nghỉ cuối tuần từ Hà Nội và các tỉnh lân cận đến thăm quan, nghỉ dưỡng. 

P.V: Xin đồng chí cho biết những nội dung chủ yếu Nghị quyết chuyên đề số 14-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển khu du lịch hồ Hòa Bình thành Khu du lịch quốc gia?

Đồng chí Bùi Thị Niềm: Với tài nguyên du lịch độc đáo cùng giá trị văn hóa các dân tộc còn được bảo tồn, lưu giữ, hồ Hòa Bình có tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia. Nghị quyết chuyên đề số 14-NQ/TU của Tỉnh ủy đặt mục tiêu: Đến năm 2020, xây dựng Khu du lịch hồ Hòa Bình bước đầu đáp ứng các điều kiện trở thành Khu du lịch quốc gia. Phấn đấu đến năm 2025 cơ bản đạt các điều kiện trở thành Khu du lịch quốc gia. Phấn đầu đến năm 2030, Khu du lịch hồ Hòa Bình trở thành Khu du lịch quốc gia có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, phong phú, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc; trở thành trung tâm du lịch lớn nhất của tỉnh Hòa Bình; là 1 trong 12 khu du lịch trọng tâm của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ với sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa Mường gắn với hệ sinh thái lòng hồ Hòa Bình. Nghị quyết cũng đề ra những mục tiêu cụ thể: Phấn đấu đến năm 2020, hồ Hòa Bình đón khoảng 63 vạn lượt khách; đến năm 2025 đón khoảng 1 triệu lượt khách; đến năm 2030 đón khoảng 1,6 triệu lượt khách, trong đó 9 vạn lượt khách quốc tế. Doanh thu từ du lịch phấn đấu đến năm 2020 đạt khoảng 200 tỷ đồng; đến năm 2025 đạt khoảng 580 tỷ đồng; đến năm 2030 đạt khoảng 1.800 tỷ đồng…

P.V: Xin đồng cho biết một số kết quả thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình?

Đồng chí Bùi Thị Niềm: Căn cứ các điều kiện công nhận Khu du lịch quốc gia tại Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch, thì Khu du lịch hồ Hòa Bình hiện mới đạt: Có ít nhất 2 tài nguyên du lịch, trong đó có tài nguyên du lịch cấp quốc gia; có ranh giới xác định trên bản đồ địa hình do cơ quan có thẩm quyền xác nhận; có trong danh mục các khu vực tiềm năng phát triển Khu du lịch quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.  

Các điều kiện chưa đạt gồm: Về kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật còn chưa đảm bảo, đặc biệt là tuyến đường giao thông kết nối các khu, điểm du lịch bên hồ; chưa có các khu, điểm dịch vụ chất lượng cao, đồng bộ. Về lượng khách du lịch, khu du lịch hồ Hòa Bình đã đạt tiêu chí đón 500.000 lượt khách/năm. Tuy nhiên, chưa đạt tiêu chí 300.000 lượt khách lưu trú. 

UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy. Sở VH-TT&DL và các ngành chức năng đang tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù ưu đãi nhằm huy động các nguồn lực, thu hút các doanh nghiệp có năng lực tham gia đầu tư vào khu vực hồ Hòa Bình theo quy hoạch. 

Nhiều dự án quan trọng được gấp rút triển khai để đầu tư kết cấu hạ tầng nhằm khai thác tiềm năng phát triển du lịch hồ Hòa Bình. Tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình đưa vào khai thác rút ngắn khoảng cách giữa Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng Bắc Bộ với khu trung tâm tỉnh lỵ. Các dự án cải tạo nâng cấp đường 435 (từ TP Hòa Bình - Bình Thanh - Thung Nai - Ngòi Hoa) đang được đẩy nhanh tiến độ, dự kiến hoàn thành vào năm 2020 sẽ mở ra cơ hội lớn để phát triển du lịch hồ Hòa Bình.
 
Nhiều doanh nghiệp đang khảo sát, nghiên cứu đầu tư vào vùng lõi khu du lịch hồ Hòa Bình. UBND tỉnh đã quyết định chủ trương cho 5 dự án với số vốn đăng ký đầu tư 1.453,5 tỷ đồng, gồm: Dự án Khu du lịch sinh thái Ba Khan; dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Mai Đà Resort; dự án Khu du lịch sinh thái Ngòi Hoa; dự án Nghỉ dưỡng sinh thái hồ Hòa Bình; dự án Khu du lịch sinh thái V’star Ngòi Hoa. Các dự án này đang trong quá trình triển khai thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và tiến hành lập quy hoạch chi tiết... Nhiều nhà đầu tư đang khảo sát, lập dự án xin chủ trương đầu tư như: Dự án sân Golf tại xã Thái Thịnh (TP Hòa Bình) của Công ty TNHH Xây dựng Hanbaek; dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Vầy Nưa tại xã Vầy Nưa (Đà Bắc) của Công ty TNHH Một thành viên đầu tư Anh Tuấn; dự án Khu du lịch sinh thái Hồ Gươm - Sông Đà tại xóm Liếm, xã Ngòi Hoa (Tân Lạc) của Công ty cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm; dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hồ Tiên Ngòi Hoa, xã Ngòi Hoa (Tân Lạc) của Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Hòa Bình; dự án Khu du lịch sinh thái Thung Nai Peninsula tại xã Thung Nai (Cao Phong) của Công ty cổ phần Quốc tế Quang Minh…

Bên cạnh đó, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng như: Sản phẩm du lịch tâm linh đền Thác Bờ, huyện Cao Phong và Đà Bắc; đền Cô Đôi, xã Hiền Lương (Đà Bắc); sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng chất lượng cao tại đảo Sung, xã Tiền Phong (Đà Bắc); khu vực vịnh Ngòi Hoa, hồ Hoa, xã Ngòi Hoa (Tân Lạc); phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng tại các xóm, bản có điều kiện như: xóm Ngòi, xóm Trụ, xóm Ké, xóm Đá Bia… Ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch tìm hiểu văn hóa các dân tộc, quan tâm phát triển các sản phẩm du lịch hỗ trợ… Tỉnh chú trọng công tác quảng bá hình ảnh hồ Hòa Bình, đào tạo, tập huấn, triển khai chương trình liên kết tuyến du lịch đường thủy trên sông Đà kết nối với các điểm khu du lịch hồ Hòa Bình với hồ thủy điện các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc có chất lượng đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của du khách .

P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí!


   L.C (thực hiện)

Các tin khác


Đón du khách về bản

(HBĐT) - Một ngày đầu đông, chúng tôi đến xóm Đá Bia, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc.

Quảng bá hình ảnh thiên nhiên, văn hóa hồ Hòa Bình

(HBĐT) - Năm 2018 tiếp tục ghi nhận nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá, liên kết hợp tác xây dựng sản phẩm du lịch, giới thiệu hình ảnh hồ Hòa Bình đến với du khách trong và ngoài nước thực hiện định hướng xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình của tỉnh ta.

Tạo sức hút cho du lịch

(HBĐT) - Đã 2 năm nay, 91 hộ dân ở xóm Ngòi, xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc biết đến làm du lịch cộng đồng. Với tư duy sống trên vùng lòng hồ là phải dựa vào rừng, vào con tôm, con cá dưới sông dần được thay thế bằng du lịch. Để thu hút du khách, nhiều hộ đầu tư cơ sở hạ tầng, sửa sang nhà cửa, trang phục… theo đúng phong tục, tập quán địa phương. Từ làm du lịch cộng đồng, nhiều hộ đã có nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên, để tạo sức hút du khách đến địa phương, gia đình anh Bùi Văn Chiến – một hộ dân của xóm chọn lối đi cho riêng mình là nuôi cá đặc sản phục vụ du khách.

Mai Châu Hideaway - khu nghỉ dưỡng đáng đến trải nghiệm hồ hòa bình

(HBĐT) - Khu nghỉ dưỡng Mai Châu Hideaway dù mới được xây dựng và đi vào hoạt động vài năm nay, nhưng là địa chỉ khó có thể bỏ qua, thực sự mang lại ấn tượng, cảm nhận thú vị cho du khách khi đến khám phá, tìm hiểu văn hóa, tận hưởng phong cảnh thiên nhiên hồ Hòa Bình.

Khám phá bản Ké

(HBĐT) - Cách thị trấn Đà Bắc khoảng 10km, nằm trên lòng hồ góc tận cùng của vịnh Hiền Lương là xóm Ké. Nơi đây sinh sống của cộng đồng người dân tộc Mường vẫn còn lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của người Mường, cùng với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng tạo nên sức hút của điểm du lịch cộng đồng.

Buông cần câu cá sông Đà

(HBĐT) - Câu cá sông Đà từ lâu đã trở thành niềm đam mê, thú vui tao nhã của dân câu và du khách xa gần. Câu cá không chỉ để thả hồn theo thiên nhiên, mây nước, suy nghĩ về sự đời, tìm những phút giây thư thái mà còn tìm thấy cảm giác chinh phục những con cá to, những loại cá "khôn” và kén mồi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục