(HBĐT) - Đá Bia (nay là xóm Đức Phong) - điểm du lịch cộng đồng thuộc xã Tiền Phong (Đà Bắc) không chỉ có núi non hùng vĩ, sông nước hữu tình, con người thân thiện, hiền hòa mà còn có điều đặc biệt, giờ không ở mấy đâu có...
Konzi (trái)- du khách đến từ Đức cùng các bạn chia sẻ những cảm nhận thú vị về khung cảnh, thức ăn và sự thân thiện, chân thành ấm áp của người dân ở Đá Bia.
Đá Bia - nơi núi rừng tỏa hương sắc
Để đến Đá Bia có thể đi bằng đường thủy và bộ. Thời điểm này thuận nhất là đi đường thủy trên lòng hồ sông Đà, nhưng đi đường bộ cũng là một lựa chọn không tồi. Bởi nhiều người cho rằng đi đường bộ là đẹp nhất. Tuy đường xấu vì nhiều đoạn đang được sửa chữa, làm mới nhưng sẽ cảm nhận rõ nét nhất vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của sông núi, mây trời; vẻ đẹp của những bản làng ven hồ với con người thân thiện, gần gũi...
Từ lâu, Đá Bia đã được coi là một trong những điểm đến thú vị cho những người thích khám phá. Cô gái Mường Ao Tá Bùi Thị Nhềm - một trong những người đầu tiên làm du lịch cộng đồng ở Đá Bia chia sẻ: Trước đây, Đá Bia là một xóm nhỏ với vài chục hộ dân. Khi chưa có đường nơi đây là một ốc đảo biệt lập bởi núi rừng và sông nước. Đến đây chỉ duy nhất đi bằng thuyền trên lòng hồ sông Đà. Đường bộ vào xóm mới có 3 - 4 năm nay. Do vậy, Đá Bia vẫn còn giữ nguyên những nét mộc mạc, hoang sơ, không bụi bặm, không ồn ào. Gần đây, được sự hỗ trợ, đầu tư, Đá Bia đang chuyển mình trong diện mạo mới, trở thành một điểm du lịch homestay hấp dẫn những người thích trải nghiệm, khám phá. Ở Đá Bia không chỉ có những con đường chui sâu vào tán rừng, hồ rộng, nước xanh, mây trắng. Mà ở đây có những con đường đi bộ xuyên rừng rất đẹp với con suối nước trong vắt chảy từ trong rừng ra. Hơn thế nữa, đến đây còn gặp những nụ cười hồn hậu, thân thiện, những cái bắt tay nồng ấm, chân tình, lòng hiếu khách của người dân. Chẳng vậy mà nhiều người khi đến Đá Bia thì vùng vằng: Biết đường xa, đi lại khó khăn thế này chẳng đi nữa. Nhưng khi đến rồi thì không kìm được sự phấn khích: Đá Bia thực sự mang lại những trải nghiệm đáng nhớ như tour đi bộ trecking xuyên rừng, khám phá cuộc sống những bản làng xung quanh; đi câu, đánh bắt cá, ăn cơm đồ, ngủ nhà sàn... Cảm nhận này nói như ông Yves Perrin, một du khách đến từ Pháp thì: Cũng là lên non. Nhưng ở đây có non, có nước, có sự đa dạng của cảnh quan với cỏ cây, hoa, lá, bến thuyền mà ai đến một lần cũng sẽ nhớ. Lòng hiếu khách, sự chân thành của những người dân ở Đá Bia cho chúng tôi cảm giác mình không còn là những vị khách mà giống như một thành viên của xóm, bản. Văn hóa, tập tục của người dân nơi đây cũng là một bất ngờ không nhỏ. Tới đây, chúng tôi được thoải mái là mình, quên đi sự bộn bề của cuộc sống. Đáng là một chuyến đi, một sự trải nghiệm...
Và còn nhiều những cảm nhận đặc biệt của du khách khi đến đây. Đỗ Thị Phương Anh theo bố mẹ từ tỉnh Thái Bình lên chia sẻ: Em đã đi một chặng đường dài 6 tiếng đồng hồ để đến đây. Tuy rất mệt nhưng cũng thật thoải mái vì không khí trong lành và sự nhiệt tình, hiếu khách của người dân. Món ăn ở đây rất ngon, có nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị như chèo thuyền kayak trên hồ vào cuối chiều; đạp xe xuyên rừng trong nắng sáng...
Một ngày không... wifi
Ngoài phong cảnh, hương sắc tự nhiên chưa hề có sự tác động của con người thì sự thân thiện, dễ mến của người dân Đá Bia cùng những hoạt động, trải nghiệm trong suốt thời gian du khách lưu trú đã tạo nên những ấn tượng tốt đẹp. Đặc biệt, những chiếc điện thoại - vốn là vật bất ly thân của hầu hết mọi người đã tạm rời xa chủ nhân. Theo chị Bùi Thị Nhềm, ở Đá Bia không phải không có mạng di động. Mới đây, internet cũng đã được kéo về đến bản. Thế nhưng những hoạt động trải nghiệm thú vị đã tạo sự gắn kết mọi người với nhau, làm cho họ quên đi những chiếc điện thoại di động. Ngay cả trong những bữa ăn, những chiếc điện thoại di động cũng đều được khách để sang một bên để mọi người trở nên gần gũi, thân thiết.
Điều này đã làm cho hầu hết những người đến đây thích thú. Như cặp đôi Kry và Teresa đến từ Adelaide (Austrailia) chia sẻ: No wifi, no problem (Không wifi, không vấn đề). Minh Anh, du khách đến từ Hải Phòng bày tỏ: Ở đây không có wifi nhưng tôi chợt nhận ra đó không phải vấn đề. Thậm chí, có người còn bày tỏ sự cảm ơn khi ở đây không tồn tại thứ công nghệ hiện đại này như Konzi - du khách đến từ Đức khi cô chia sẻ: No wifi. Thanks you! (không wifi, cảm ơn các bạn). Còn anh Vũ Việt Hùng, du khách đến từ Thủ đô Hà Nội thì phấn khích: Rời Thủ đô ồn ào chúng tôi về Đá Bia. Ở đây mọi thứ thật lạ và tuyệt vời. Chúng tôi đã có thời gian rất vui vẻ. Mặc dù thiếu công nghệ nhưng những trải nghiệm cuộc sống của những người dân nơi đây mới là điều đáng trân quý.
Bởi thế họ mới đến đây. Cũng chỉ đơn giản là thưởng thức một buổi sáng yên bình từ tiếng gà gáy khi trời còn tờ mờ sáng. Thức dậy hít hà sương sớm với cảm giác khoan khoái lạ thường. Làng ven sông, mặt nước tĩnh mịch vẫn còn lưu luyến hơi sương yên bình. Về Đá Bia để thả hồn vào sông nước và nâng chén rượu nồng cùng những người dân hồn hậu, chất phác, để có một ngày "no wifi” vốn là một điều có lẽ đã từng bị lãng quên...
Vũ Phong
(HBĐT) - "Quán tự giác” tại xóm Đức Phong (trước là xóm Đá Bia), xã Tiền Phong (Đà Bắc) được coi là "siêu thị đầu tiên của người Mường Hòa Bình”. Quán tự giác không chỉ là địa chỉ tin cậy cung cấp hàng hóa cho người dân mà còn là nét văn hóa độc đáo lâu đời của người Mường Ao Tá. Những quán tự giác là nơi trao niềm tin, sự tin tưởng của người bán đối với tất cả mọi người trong cộng đồng. Hiện nay, mô hình quán tự giác rất phát triển, đem lại sự thích thú cho khách du lịch tới khám phá Tiền Phong.
(HBĐT) - Tuy ở khu vực miền núi, nhưng tỉnh ta lại có tiềm năng phát triển thuỷ sản tương đối lớn với trên 14.560 ha mặt nước ao, hồ, công trình thuỷ lợi, thuỷ điện. Ngoài ra còn có một số sông, suối lớn có thể nuôi cá lồng bè hoặc tổ chức quản lý bảo vệ để tái tạo phát triển nguồn lợi cho khai thác tự nhiên. Trong đó, hồ Hòa Bình có diện tích trên 10.450 ha nằm ở địa bàn TP Hòa Bình và 4 huyện: Cao Phong, Đà Bắc, Tân Lạc, Mai Châu với chiều dài trên 80 km là tiềm năng lớn để phát triển nuôi cá lồng.
(HBĐT) - Hồ Hòa Bình không chỉ nổi tiếng bởi các xóm, bản du lịch cộng đồng với không khí mát dịu, cảnh quan thiên nhiên thơ mộng mà còn nổi tiếng bởi các điểm du lịch tâm linh. Dịp đầu xuân năm mới, đền Thác Bờ, đền Đôi Cô, thắng cảnh quốc gia động Thác Bờ thu hút số lượng lớn khách du lịch tới chiêm bái cầu may mắn, cầu lộc, cầu tài…
(HBĐT) - Đồng chí Bùi Thị Luyến, Phó Chủ tịch UBND xã Thung Nai (Cao Phong) cho biết: Tháng 5/2017, xóm Tiện, xã Thung Nai được Sở VH-TT&DL triển khai xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Để giúp các hộ trong xóm tiếp cận, làm quen và phát triển du lịch cộng đồng, Sở VH-TT&DL đã tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng làm du lịch. Xóm đã cử 5 hộ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm du lịch cộng đồng đi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về làm du lịch cộng đồng.
(HBĐT) - Hồ Hòa Bình là điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Đi thuyền khám phá hồ Hòa Bình là trải nghiệm thú vị, thu hút khách du lịch. Trên thuyền, du khách có thể cảm nhận được vẻ đẹp, sự hùng vĩ của hồ Hòa Bình.
(HBĐT) - Với cảnh quan thiên nhiên đậm chất hoang sơ, thơ mộng cùng với không gian sinh hoạt của người Mường, nằm xen giữa 2 điểm du lịch cộng đồng xóm Ké và xóm Đá Bia trên tuyến du lịch hồ Hòa Bình, bản Mó Hém, xã Tiền Phong (Đà Bắc) hiện là bản du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách đến trải nghiệm, khám phá.