Tuy xuất phát điểm khó khăn nhưng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân, xã Đa Phúc (Yên Thủy) đã gặt hái được thành công trong xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân.
Gia đình ông Bùi Văn Điều, xóm Ráng, xã Đa Phúc (Yên Thủy) chăn nuôi dê kết hợp trồng trọt nâng cao thu nhập.
Gia đình ông Bùi Văn Điều, xóm Ráng là điển hình trong phát triển kinh tế của xã. Gia đình ông đầu tư phát triển mô hình kinh tế tổng hợp, trồng trọt kết hợp chăn nuôi. Hiện nay, gia đình ông trồng 2.000 m2 cà gai leo và nuôi 70 con dê, thu nhập bình quân gần 200 triệu đồng/năm.
Ông Bùi Văn Tâm, Trưởng xóm Ráng cho biết: Không chỉ gia đình ông Điều, xóm Ráng có nhiều hộ mạnh dạn, đổi mới nếp nghĩ, cách làm, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đem lại thu nhập cao. Xóm có 175 hộ, 742 nhân khẩu, nguồn thu chính của các hộ vẫn là sản xuất nông nghiệp. Cây chủ lực là cà gai leo với tổng diện tích trên 20 ha, mía nguyên liệu trên 30 ha và các loại cây trồng khác. Thu nhập bình quân của xóm đạt 42 triệu đồng/người; xóm còn 10 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo. Năm 2023, xóm phấn đấu xây dựng khu dân cư kiểu mẫu.
Những năm qua, xã Đa Phúc đặc biệt chú trọng giải pháp phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, đẩy mạnh xây dựng vườn mẫu, chú trọng nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế cao như: Trồng mía nguyên liệu, bí xanh, dưa chuột, cây có múi, na Thái, cây dược liệu. Mở rộng mô hình trang trại chăn nuôi gà, lợn…
Theo đánh giá, các mô hình hiệu quả đã nâng hệ số sử dụng đất, thu nhập của người dân, bình quân 1 ha sau khi đã trừ chi phí mang lại lợi nhuận từ 30 triệu đồng trở lên. Trên địa bàn xã có 1 tổ hợp tác, 3 hợp tác xã đang hoạt động hiệu quả. Xã có mô hình liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm mía nguyên liệu quy mô 200 ha; đang triển khai mô hình liên kết tiêu thụ ớt, chanh leo, xoài, cây dược liệu. Xã cũng đã có sản phẩm Trà túi lọc cà gai leo được chứng nhận OCOP 3 sao và sản phẩm na Thái đạt OCOP 3 sao (được chứng nhận VietGAP).
Đồng chí Bùi Thị Vân, Chủ tịch UBND xã Đa Phúc cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó có nội dung xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2023. UBND xã đã thành lập Ban quản lý thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM xã giai đoạn 2021 - 2025; phân công nhiệm vụ cho các thành viên, thành lập Ban phát triển ở các xóm; ban hành các kế hoạch chi tiết, đề ra các giải pháp để duy trì các tiêu chí đã đạt và lộ trình thực hiện. Trong quá trình thực hiện, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động cả hệ thống chính trị tích cực tham gia; Nhân dân hiểu được xây dựng NTM là do dân, vì dân. Nhờ đó đã mang lại kết quả tích cực.
Đến nay, xã Đa Phúc đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM, xã đã trình hồ sơ gửi các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thực hiện tiêu chí quy hoạch, xã đã có quy hoạch chung được phê duyệt phù hợp với định hướng phát triển KT-XH giai đoạn 2021 - 2025. Về tiêu chí giao thông, với phương châm "Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, các tuyến đường nông thôn, nội đồng đã hoàn thành theo quy định của Bộ GT-VT, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn khởi sắc. Các tiêu chí thủy lợi, điện được đảm bảo. Thực hiện tiêu chí số 5 về trường học, trường mầm non, tiểu học và THCS Đa Phúc đều đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và đạt chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu. Các tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư... đáp ứng yêu cầu của tiêu chí. Về tiêu chí thu nhập, thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2023 đạt 42 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 11,8%...
Hương Lan