(HBĐT) - Trời đang nắng bỗng tối sầm. Mây đen từ đâu cuồn cuộn sà thấp xuống vườn mít mà lạ là không có gió. Cây cối cứ lặng thinh tròn mắt nhìn mây. Mùa hè quả là đỏng đảnh, thích nắng là nắng chói chang, thích mưa là kéo mây về ồn ã. Có một chú ve con lạc lối sà xuống trước mặt tôi, cánh nó xã, đôi mắt to tròn ngơ ngác. Chắc chú ta đang hoảng hốt lắm. Nằm gọn trong lòng bàn tay tôi rồi mà chú vẫn đập cánh xè xè muốn cất mình lên mà không nổi.

 

Lạ chưa kìa, vài phút trời lại quang quẻ. Mây kéo đi cả rồi. Trời oi quá! Vườn mít lặng im, lá mít xanh rì, bên những quả đã thành hình vẫn có những chùm dái mít, da mịn, xanh non. Chú ve không cất mình lên nổi nhưng bỗng ọ oẹ rồi kêu vang. Thế rồi như thể được bắt nhịp bởi một quản ca, nhạc trưởng, dàn đồng ca bắt đầu hoà tấu. Ve ve ve... Tôi nhón nhén đưa chú ve con ra vườn, chọn một vòm lá xoà xuống thấp để trả chú về với chúng bạn. Tôi đứng gần lắm, vòm lá chỉ cao hơn đầu tí chút mà mỏi mắt tìm không thấy bóng dáng chú ve nào mới lạ, trong khi dàn nhạc vẫn chơi, càng ngày càng sôi nổi. Trả chú ve về với vòm cong nhà hát lớn của chú, tôi về với những chú ve ký ức của tôi.

 

Chả nhớ tôi và tụi bạn biết đi bắt ve từ hồi mấy tuổi. Chỉ biết đã lâu lắm rồi. Hồi ấy, cứ hè đến là tụi nhỏ chúng tôi trốn ngủ trưa. Chị em tôi chờ cha tôi ngủ say, rón rén xuống giường, gắng bước đi thật khẽ. Tụi nhỏ túa ra từ các ngõ nhỏ có những chiếc cổng tre, túm tụm lại. Để bắt được ve (hồi đó chúng tôi gọi là cồ cộ, le ồ) có hai cách. Một là đầu một cây sào dài chúng tôi buộc một cái vợt nhỏ, những chú ve chủ quan sẽ bị úp, hoảng loạn và kêu rất to nên không thể bình tĩnh bay thoát ra khỏi miệng vợt. Cách thứ hai là dùng nhựa mít, nhựa lấy từ cuống quả mít dai, để hơi se se khô sẽ quánh đặc rất dính. Chú ve nào mải mê hút nhựa cây sẽ bị bọn trẻ tinh ranh dùng cây sào dài đầu buộc một chiếc que bé tẹo phết nhựa mít, bị dính rồi thì đừng hòng mong giẫy giụa mà thoát ra được. Ve cũng rất thích đàn đúm nhé. Vì thích chỗ đông vui, ưa ồn ào thế nên chúng hay bị dụ đến. Chúng tôi dụ le ồ đến bằng cách dùng ống bơ gõ liên hồi vừa gõ, vừa hát “le le ồ bay cao đậu thấp, le le ồ bay thấp, đậu cao”. Ham vui, le ồ bay đến rất nhiều, bay vòng vòng rồi tìm cây để đậu, không biết đó là cái bẫy của tụi trẻ con. Bắt được ve chẳng để làm gì mà sao đứa nào, đứa nấy vô cùng háo hức. Đa số các chú ve đều già mồm, cứ động vào là kêu inh ỏi. Tiếng kêu của le ồ trầm trầm nhưng vang lắm và các chú rất khoẻ, cánh cứng, cái bụng rỗng tuyếch nhìn được xuyên suốt mà sao tiếng thật to. Hình như những lúc ấy, các chú ta lấy hết sức bình sinh, dồn hơi từ trong bụng để kêu to nhất có thể. Nhễ nhại mồ hôi suốt cả buổi trưa hè, tụi trẻ mang những chú ve về. Chị em tôi rón rén, khe khẽ trèo lên giường, vò tóc cho rối để cha thức giấc tưởng mình vừa ngủ dậy. Nhưng mà bọn ve không hiểu, chỗ trong lồng chỉ chật một tí là chành choẹ nhau và đồng thanh kêu vang. Thế là lộ. Có hôm cha biết, ông lẳng lặng ra góc thềm ngồi hút thuốc lào, không nỡ mắng vì biết lũ trẻ con hàng xóm cũng thế. Những chú ve sau đó bị bắt ra vặt cánh bên trong để không còn bay được, cứ lầm lũi bò quanh, chạm phải là kêu rất to cho đến khi kiệt sức, khô rang. Nghỉ hè, gác chuyện sách đèn và chả có trò chơi nào thú hơn đi gọi và bắt ve giữa những trưa hè nồng nàn nắng, tuổi thơ chúng tôi lấy niềm vui từ việc làm tội lũ ve. Giờ nhớ lại thấy lòng mình nôn nao khó tả.

 

Tôi trả chú ve con về với chúng bạn. Chú về với vòm cong nhà hát lớn của chú nhé và hãy ca lên nhé ve ơi, khúc ca trong trẻo gọi ký ức tuổi thơ về trong tôi. Dìu dịu giữa những trưa hè oi ả.

 

 

                                                Tản văn của  Lê Thanh Hồng

 

 

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Chuyện đầu làng-cuối phố: Ôi... “thần đồng”!?

(HBĐT) - Mới chớm hè mà gia đình chị NN. đã họp nội bộ để bàn về chuyện học hè của thằng bé HH; chủ yếu là mẹ nó “quán triệt” chứ chẳng ai chen được câu nào. Đại loại là năm lớp 4 vừa rồi, thằng bé nhà mình học hành “sút”, “phong độ xuống”...

Lưu bút ngày xanh

(HBĐT) - Mấy ngày hôm nay nắng hạ đã chan hòa khắp mọi nẻo đường. Nắng tràn lên dãy bằng lăng giục những nụ hoa tim tím chớm nở. Nắng cũng tràn lên những nhành phượng thắp màu đỏ khắp sân trường. Vậy là một mùa hạ nữa đã đến. Một lớp học trò nữa sắp tạm biệt thời áo trắng. Đã qua rồi tuổi học trò nhưng tôi thấy nôn nao trong người. Tôi nhớ mùa hạ cuối của tuổi học sinh, nhớ trang lưu bút với những nét chữ yêu thương bạn bè.

Chuyện đời thường: Việc làm của bà Thực

(HBĐT) - Từ ngày nghỉ hưu về với bà con dân phố, bà chan hòa gần gũi, thân thiện nên sáng nào cũng vậy, bà Thực có nếp quen sau khi tỉnh dậy, vẫy tay thể dục, bà lặng lẽ cầm chổi ra đường phố quét dọn vệ sinh. Mọi thứ rác rưởi, bà thu gom vào chiếc túi nilon xếp gọn vào nơi quy định.

Ngôi nhà của bà trẻ

(HBĐT) - Ngôi nhà ấy nằm sâu trong một ngõ nhỏ, ngoằn ngoèo nối liền xóm Bờ với xóm Bai của làng quê. Mảnh vườn nằm lút trong vườn cây ăn quả um tùm nên lúc nào cũng mang vẻ u tịch và có phần xa cách cuộc sống bên ngoài.

Chuyện đầu làng, cuối phố: Đầy tháng phải... hoành tráng

(HBĐT) - Mấy bữa nay, gia đình anh Th rối tinh như canh hẹ. Đương nhiên vẫn là câu chuyện vui vì cậu “quý tử” sắp đầy tháng. Vấn đề nảy sinh lại từ nhân vật quan trọng năm nay cập U 75. Vì là đích tôn nên ông nội như đang như đang bay lên mây xanh, niềm vui có lẽ gấp mấy lần vợ chồng anh nên việc đầy tháng, ông đã “quán triệt” cách đây vài tuần:

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục