(HBĐT) - Tàu sắt trọng tải 25 tấn chở chúng tôi cập bến bản Phủ, xã Toàn Sơn (Đà Bắc). Bà con người Dao ào ra bến đón chúng tôi, đông nhất là trẻ nhỏ. Các cháu bồng bế, dắt díu nhau cứ sàn sàn như trứng gà, trứng vịt. Cụ Triệu Văn Đờn, 75 tuổi mái đầu bạc phơ nhưng còn rất khỏe. Nắm tay tôi, cụ bảo: “Vào nhà đi”.

 

Nhà cụ rộng thênh thang, thoáng mát, sạch sẽ. 8 chiếc ghế mây óng ánh màu cánh dán đặt đều đặn, ngay ngắn chung quanh bếp. Nhìn cung cách sắp xếp chỗ ngồi, tôi có cảm giác ở đây vừa diễn ra một cuộc đàm đạo gì đó nghiêm chỉnh lắm. Cảm giác mà hơn 20 ngày sau đã được diễn ra ở lễ đọc thánh thư trong lễ đặt tên, một lễ hội văn hóa dân tộc rất thiêng liêng, đặc sắc mà chúng tôi đã tận mắt trông thấy và ghi chép được.

 

Bốn người đàn ông có trình độ học vấn cao nhất, họ được coi là những bậc “thâm nho - thánh sư” ngồi ngay ngắn, trầm ngâm chung quanh chiếc bàn làm lễ nhập đàn rồi giở từng trang thánh thư vừa đọc, vừa bình và suy ngẫm về đạo trời, đạo làm người nơi trần thế. Cuốn thánh thư dày 200 trang với 360 câu thơ, viết bằng Hán tự nhưng lại được đọc bằng Nôm Dao. Đây là một trong những nội dung, hành động của lễ đặt tên mà cũng là một hiện tượng văn hóa hiếm thấy ở xứ ta.

 

Nhà cụ Đờn cột kê, thưng ván gỗ tốt còn mới, đỏ au. Tủ, giường, xa lông đều làm từ gỗ lát. Trên tủ đặt một chiếc tivi Samsung không bắt màu. Sát vách phía bếp xếp một đống lúa, lúa bó từng cụm, đống lúa cao tới gần 2 m.

 

Vừa từ phố thị ồn ã, xe cộ tấp nập, mua bán, ăn uống qua cảng Bích Hạ quán lều tạm bợ, đến bản Phủ, người Dao hiền lành, chất phác, chúng tôi cảm nhận được một chút vững dạ yên bình. Để đảm bảo chắc chắn là những cảm nhận và những điều tai nghe mắt thấy tại nhà cụ Đờn, không phải là một cảm nhận riêng biệt. Chúng tôi theo cụ Triệu đến thăm nhà anh Triệu Văn Toàn, 38 tuổi; anh Triệu Thu, 37 tuổi; ông Triệu Văn Dương, 64 tuổi. Gia đình anh Triệu Văn Toàn còn mua cả màn hình màu hãng Sony để xem video và hát karaoke.

 

Nhà nào cũng khá dần lên như nhà cụ Triệu. Chúng tôi càng tin vào cuộc sống của nhân dân vùng ven hồ hôm nay đã khác xa dăm, bảy năm trước. Lúc đó có đoàn khách hơn 40 người  tận bên Pháp đến đây du ngoạn cảnh quan ven hồ. 10 h ngày hôm sau lại có thêm một đoàn hơn 60 du khách người Pháp đến đây thăm quan.

 

Tôi tự lục vấn mình: Bản Phủ ven hồ có gì hấp dẫn để người ở cách xa ngàn dặm tận kinh đô ánh sáng Pari nước Pháp đến đây thăm viếng, tìm hiểu?

Cách đây không lâu, người Dao bản Phủ và cộng đồng dân cư ở hai bờ sông Đà đã bị mặt nước dâng lên, đẩy lên sườn đồi, đỉnh núi, thực hiện một cuộc đại chuyển cư, nhường lại vườn tược, ao chuôm, đất đai làm hồ chứa nước đổ vào tuabin nhà máy thủy điện của CNH-HĐH đất nước. Nhà máy điện đặt sừng sững ngay ở Hòa Bình.

 

Bản Phủ có 62 hộ với 362 nhân khẩu. Mỗi hộ được giao sử dụng 50 ha đất rừng. Mấy năm lại đây, nhân dân bản Phủ sống nhờ chủ yếu vào cây ngô và cây gừng tía trồng xen canh với cây phòng hộ. Từ hạt ngô xuôi nội, củ gừng xuất ngoại để đổi ra muối, gạo, quần áo, tivi, thuốc trị bệnh đảm bảo nâng cao dần cuộc sống thời đổi mới, phát triển, 52 hộ trong bản tạm no đủ, 6 hộ khá giả, còn thì vẫn nghèo. Sĩ số học sinh trường tiểu học và THCS mỗi ngày một tăng. Hai thanh niên đã thành bác sĩ, một là kỹ sư và hàng chục người theo học cao đẳng  sư phạm.

 

Cách đây 2 năm, một ông tiến sĩ người Mường đã nói: “ở miền xuôi chỉ cần đưa vốn và công nghệ mới vào là sản xuất, đời sống phát triển. Còn ở miền núi nếu trước hết không nâng cao trình độ con người, không đào tạo được cán bộ thì càng đổ tiền vào xóa đói, giảm nghèo dân lại càng nghèo thêm”. Thế mới biết, người dân bản Phủ biết nhìn xa, trông rộng. Sự hấp dẫn khách đến thăm bản Phủ không chỉ có thế mà thử nhìn xa ra độ mười tầm tay là rừng cây xanh mướt, là hồ nước mênh mang và nhớ lại 15 năm trước người dân bản Phủ ở đây còn là những người “chặt cây ăn ngọn”. “No nhìn xuống suối, đói nhìn lên rừng” quanh năm săn bắn, hái lượm, sợ sông nước hơn con sơn dương sợ nước.

Thế mà hôm nay họ đã mua thuyền trọng tải 25 tấn dọc ngang sông nước lên tận Tạ Bú (Sơn La) chở hàng về cảng bán buôn làm giàu và đêm đêm thả lưới xuống hồ bắt cá. Nhìn những chiếc thuyền độc mộc hình cánh hoa mộc lan dài khoảng 2 m, rộng 1 m, những tay chèo tay lái là các cháu người Dao, tuổi độ 9, 10, hàng ngày dọc ngang mặt hồ đi học, đi chơi mà phục.

 

Sự hấp dẫn của người Dao bản Phủ còn mạnh mẽ, sâu đậm hơn bởi họ luôn luôn đứng vững trên nền tảng truyền thống, giữ vững bản sắc dân tộc của mình. Quyết tâm vươn lên phát triển kinh tế, văn hóa, thực hiện mục tiêu quê hương giàu mạnh.

 

 

                                                    NSƯT Bùi Chí Thanh

                                  (SN 117, tổ 1, phường Chăm Mát, TP Hòa Bình)

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Nhà của mẹ

(HBĐT) - Tháng ba về, xa quê nhớ về ngôi nhà của mẹ. Nhà mẹ ở một vùng quê chưa mưa đã lụt, chưa nắng đã hạn. Thời tiết khắc nghiệt thế mà mẹ và dân quê đã một nắng, hai sương để “bắt sỏi đá cũng thành cơm gạo”.

Hành trình về miền xa thẳm

(HBĐT) - Chiến tranh đã lùi xa, những vết thương trên thân mình Tổ quốc đang liền da, kín miệng nhưng vẫn còn lại nỗi đau không thể nguôi ngoai của những thân nhân liệt sỹ, nhất là những gia đình chưa biết con em của mình hiện nằm lại ở nơi nào. Tôi và gia đình mình cũng không thể nguôi ngoai trước nỗi đau này. Người anh hy sinh thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước, mặc dù hàng chục năm qua, gia đình đã cất công tìm kiếm khắp nơi mà không có manh mối gì.

Mùa gieo hạt

(HBĐT) - Đất là người bạn tri kỷ luôn đồng hành suốt bao mùa vụ với người dân miền núi. Để đất nghỉ ngơi qua dịp Tết, tháng giêng đánh thức đất dậy trong mùa gieo hạt mới, gửi vào trong đất bao hỵ vọng của thời vụ làm đổi thay cuộc sống từng ngày.

Lời chia tay chân thành

(HBĐT) - Nhớ lại, cách đây vừa tròn 20 năm, ông Thành cầm quyết định nghỉ hưu. ông vui vẻ, thanh thản sau gần 40 năm công tác và ra về bàn giao số tài liệu bằng mấy chiếc cặp ba dây.

Sương nắng trên cao

(HBĐT) - Trời lạnh, khởi hành trên những chiếc xe máy có lẽ không phải là lựa chọn của phái nữ, nhưng đó là một sự lựa chọn thú vị nếu điểm đến của chuyến đi là rừng. Băng qua phố thị ồn ào, qua những cung đường quen thuộc và sau đó là băng qua đường dốc quanh co với sương mù và gió buốt, lên đến lưng chừng núi Ngọc Sơn (Lạc Sơn), chúng tôi ồ lên thích thú. Từ trên cao nhìn xuống mây trắng từng mảng lớn vo tròn hoặc co duỗi đuổi nhau trên những ngọn núi nhỏ xanh rì phía dưới. Ruộng mía, nương ngô vuông vắn như những ô cờ. Hồ, ao lớn nhỏ được bao viền bởi những hàng cây, bờ tre mướt xanh. Cảnh đẹp như một bức tranh sơn thủy hữu tình.

“Đặc sản”

(HBĐT) - Sau những tội lỗi tày đình của Thạch phò mã, dù rất thương công chúa nhưng cực chẳng đã vua cha đành “nghiến răng” hạ bút phê chuẩn Quyết định buộc thôi việc đối với chàng rể quý. Vậy là chàng tiều phu lại bìu ríu vợ con trở về vùng rừng xanh, núi đỏ. Đúng vào dịp triều đình ra lệnh đóng cửa rừng nên cung, rìu, búa, nỏ cũng chỉ để Thạch Sanh làm những đồ vật kỷ niệm cho đỡ nhớ một thời oanh liệt.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục