(HBĐT) - Tắm xong cơn mưa đầu hè, áo đứa nào cũng lướt thướt, cười ngặt nghẽo vì những trò đùa, rồi đứa nào đứa ấy mất hút vào từng lối mòn, ngôi nhà vắng. Cơn mưa, cơn sốt níu chân tôi với chiếc giường. Một sớm thức dậy nghe bố bảo: “Trường nghỉ học rồi, hôm con ốm là buổi học cuối năm”. Tôi chạy lên đồi, cỏ xanh đã mọc tràn lối đi. Tôi lên sân trường, bao nhiêu hang dế mèn đã xới tung những vạch vôi trắng. Những mái lá lặng thinh trong nắng. 3 tháng nghỉ hè mênh mông, tôi thả hồn vào tiếng ve, thi thoảng nhớ quá lại lên thăm trường gianh tre trên đồi, lục lọi từng ngăn bàn, tìm một thứ gì là dấu ấn của ngày còn đến lớp như: thước kẻ gãy, ngòi bút, mẩu phấn…

 

Mùa hè này, tôi khép cửa bước ra đường vào một buổi chiều nhiều ưu tư. Gió lặng, trời trong xanh không một gợn mây. Những ngôi nhà trên phố cũng khép chặt từng ô cửa, tiếng máy điều hòa chạy ro ro, bên trong là cuộc sống náo nức, những chuyến đi đang bị dồn nén, cương tỏa bởi cái nóng. Tôi lặng lẽ ngắm núi đồi phía xa thành phố mỗi ngày như càng xa dần, rừng đưa tiếng chim đi mất hút. Phía cuối con đường là một ngôi trường nhỏ, ve ngân trong lá, tiếng ngân cô độc giữa phố xá ồn ào. Trống đã tan trường, vài đứa bé còn đứng ngước lên vòm lá bằng cặp kính dày nheo mắt tranh cãi nhau về chủ nhân của âm thanh kỳ diệu ấy. Thế rồi chúng vội vã chạy ra chiếc taxi mà cha mẹ đã thuê đón đi học hàng ngày. Hôm nay cũng ngày cuối cùng của một năm học. Một chút tuổi thơ ngơ ngác, hồn nhiên vừa tuột khỏi tay các em rồi ư?

 

Chị ở làng tôi có một quán nước bên sông, nơi một có cảng cũ giờ chỉ còn ngổn ngang những ống cống, vật liệu xây dựng. Những mảng bê tông nứt vỡ của bậc thang gợi nhớ một thời xà lan tấp nập. Bao mùa hè qua,  quán nước đầy ắp gió sông của chị vẫn neo nơi bến cũ, chị cứ tất tả cây mía, quả dừa, gói bò khô, cóc, ổi… phục vụ những người khách xa quê trở về mà nguôi ngoai tuổi chớm lục tuần. Tôi  hỏi chị bóng mát này là gốc bằng lăng hai chị em trồng ngày tôi xuống đò xa quê đúng không ? Chị bảo chị chẳng nhớ làm gì cho nhọc, nhớ nhiều buồn nhiều, có bóng mát, cậu cứ mắc võng mà nằm đi. ôi, mùa hè của chị, cứ đầu tắt mặt tối với những đồng tiền lẻ, thoắt chốc thấy quán vắng khách, ngước lên phía thượng nguồn đã lại heo may, gió bấc.

 

Những ngày mưa bão,  cọc bê tông chị thường dùng để buộc dây bạt chơ vơ giữa trời, những con thuyền dưới sông lắc lư, từ cửa sổ nhìn ra, tôi lại đưa mắt kiếm tìm một chút gì sót lại của quán vắng. Nắng lên, đường khô, phố xá lại nườm nượp những hy vọng mới. Thấy vài người bán quần áo hạ giá rải bạt bày hàng mời khách dưới tán băng lăng hoa đã rụng, giờ bung những chùm hoa mới. Một ngày, rồi hai ngày, tôi bước chân xuống phố thấy mọi người xôn xao chị đã mất, chiều nay đưa tang. Người ủ bệnh như hòn than ủ trấu, gặp dịp là bùng lên. Đám tang lướt qua con đường vắng có quán nước, đường đông hay người ta có ý đi chậm lại để vong linh người quá cố dừng chân nơi cả một đời lam lũ rồi tất cả lại trở về ồn ã, một người nào đó lại căng bạt bán hàng như chưa từng có bóng chị nơi ấy. Chị vốn chẳng muốn nhớ gì? Nghĩ cũng buồn.

 

Trưa nay, tôi không thể chợp mắt trên chiếc ghế dài bằng gỗ mát rượi. Vợ tôi bảo oi thế thế nào chiều nay cũng có mưa giông. Nhưng thực ra, tôi mải xem bức ảnh trong chiếc Ipad mỏng mà một người bạn giờ làm giáo viên đã gửi cho tôi. Trong khung hình ấy là một ngôi trường như bao ngôi trường khác. Cũng những dãy nhà cao tầng, hoa phượng, bằng lăng, những hình dáng học trò và thầy, cô. Có chút gì xao xuyến trong tôi. Đó là ngôi trường tôi học, ừ đó là một kỷ niệm thời hoa niên, dẫu chẳng thể tìm ra dấu tích nào của ngày xưa. Cũng phải, chẳng thể đòi hỏi tất cả phải vẹn nguyên như ngày nào, cũng như chị tôi bảo chẳng việc gì phải nhớ làm chi cho nặng lòng. Cuộc sống cứ thế trôi qua những mùa hè đến và đi như một người qua đường lặng lẽ những mang theo những gì quý giá như là cách để đánh dấu sự ghé chân thường niên của mình. Mùa hè nào của tôi trong số ấy? Xa lắm, xa lắm rồi mà tôi vẫn ngỡ mới đâu đây.

 

                                                                               B.V.P

                                                           (Tổ 4, P. Thịnh Lang, TP Hòa Bình)

 

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Nhà của mẹ

(HBĐT) - Tháng ba về, xa quê nhớ về ngôi nhà của mẹ. Nhà mẹ ở một vùng quê chưa mưa đã lụt, chưa nắng đã hạn. Thời tiết khắc nghiệt thế mà mẹ và dân quê đã một nắng, hai sương để “bắt sỏi đá cũng thành cơm gạo”.

Hành trình về miền xa thẳm

(HBĐT) - Chiến tranh đã lùi xa, những vết thương trên thân mình Tổ quốc đang liền da, kín miệng nhưng vẫn còn lại nỗi đau không thể nguôi ngoai của những thân nhân liệt sỹ, nhất là những gia đình chưa biết con em của mình hiện nằm lại ở nơi nào. Tôi và gia đình mình cũng không thể nguôi ngoai trước nỗi đau này. Người anh hy sinh thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước, mặc dù hàng chục năm qua, gia đình đã cất công tìm kiếm khắp nơi mà không có manh mối gì.

Mùa gieo hạt

(HBĐT) - Đất là người bạn tri kỷ luôn đồng hành suốt bao mùa vụ với người dân miền núi. Để đất nghỉ ngơi qua dịp Tết, tháng giêng đánh thức đất dậy trong mùa gieo hạt mới, gửi vào trong đất bao hỵ vọng của thời vụ làm đổi thay cuộc sống từng ngày.

Lời chia tay chân thành

(HBĐT) - Nhớ lại, cách đây vừa tròn 20 năm, ông Thành cầm quyết định nghỉ hưu. ông vui vẻ, thanh thản sau gần 40 năm công tác và ra về bàn giao số tài liệu bằng mấy chiếc cặp ba dây.

Sương nắng trên cao

(HBĐT) - Trời lạnh, khởi hành trên những chiếc xe máy có lẽ không phải là lựa chọn của phái nữ, nhưng đó là một sự lựa chọn thú vị nếu điểm đến của chuyến đi là rừng. Băng qua phố thị ồn ào, qua những cung đường quen thuộc và sau đó là băng qua đường dốc quanh co với sương mù và gió buốt, lên đến lưng chừng núi Ngọc Sơn (Lạc Sơn), chúng tôi ồ lên thích thú. Từ trên cao nhìn xuống mây trắng từng mảng lớn vo tròn hoặc co duỗi đuổi nhau trên những ngọn núi nhỏ xanh rì phía dưới. Ruộng mía, nương ngô vuông vắn như những ô cờ. Hồ, ao lớn nhỏ được bao viền bởi những hàng cây, bờ tre mướt xanh. Cảnh đẹp như một bức tranh sơn thủy hữu tình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục