(HBĐT) - Tôi vẫn thường nghĩ chẳng phải cái gì cũ cũng không còn giá trị. Điều đó tùy thuộc vào thói quen, nhận thức của mỗi người. Như những cuốn sách cũ - những người bạn tôi vẫn hằng kiếm tìm, trân quý.
Nhà nghèo. Những ngày biết cắp sách đến trường cũng là những ngày tôi biết làm quen với những cuốn sách cũ. Đó là những cuốn sách giáo khoa của các anh, chị lớp trước được mẹ lặn lội dò hỏi đi xin khắp làng về cho tôi học. Những cuốn sách dù có sờn màu, mép sách có quăn, thậm chí có trang đã bị rách, vậy mà có được chúng, tôi cứ mừng quýnh. Tôi loay hoay có khi mất cả ngày chỉ để lật từng trang sách cũ ấy vuốt lại cho phẳng phiu, dán lại cho lành lặn rồi cẩn thận bọc trong những tờ báo. Để rồi, những cuốn sách cũ mỗi ngày nằm gọn trong cái túi cước nhỏ theo bước chân tôi tung tăng đến trường.
Học cấp ba. Trong những ngày đông giá lạnh hay những ngày hè nóng như đổ lửa, vẫn có những ngày, ngồi vắt vẻo trên chiếc xe đạp mini, từ quê ra phố, tôi lang thang dạo quanh những tiệm sách cũ. Tiền dành dụm được tôi lại ngốn hết vào việc tìm mua những cuốn sách tham khảo cũ có ích cho việc học, nhất là phục vụ cho những kỳ thi. Nói là sách cũ nhưng thực ra nhiều cuốn còn mới và đẹp lắm. Cầm chúng trên tay, ngỡ như vẫn còn nghe thơm thơm mùi mực và giấy in. Những cuốn sách cũ rời phố về quê, về nhà, chẳng mấy chốc góp thành những gương mặt thân quen trên bàn học một thời của tôi.
Vào đại học. Tôi vui sướng đến ngỡ ngàng khi không phải tìm kiếm sách cũ đâu xa. Những cuốn sách cũ được bày bán ngay trên vỉa hè trước cổng trường và còn ở nhiều hiệu sách khác gần trường nữa. Mang trong mình niềm đam mê sách cũ của một sinh viên tỉnh lẻ, tôi lại được dịp thỏa sức tìm những cuốn sách vừa ý. Nào là sách giáo trình, sách chuyên khảo, nhiều nhất vẫn là những cuốn tác phẩm văn học mà tôi yêu thích. Cầm những cuốn sách cũ đã nhuốm màu thời gian, nhất là những cuốn có tuổi đời còn hơn cả tuổi mình, lòng tôi bồi hồi một cảm xúc rất lạ. Đã thế còn là cảm giác thích thú khi được trò chuyện với những người bán sách cũ am tường về văn hóa đọc, nhất là vốn hiểu biết về văn hóa cổ.
Được giữ lại ở trường đại học làm việc. Những dịp đi học hay đi công tác đây đó, tôi vẫn không thể từ bỏ thói quen lân la đến các hiệu sách cũ. Với tôi, chúng đều là những điểm đến thú vị. Bởi có khi trong không gian vô vàn những sách là sách, ta lại bất ngờ nhận ra một cuốn sách quý mà bấy lâu đã cố công kiếm hoài, kiếm mãi. Có những cuốn sách cũ, chỉ vài nghìn đồng là có thể sở hữu, nhưng có khi mất cả triệu đồng mua một cuốn sách cũ quý hiếm mà lòng vẫn thấy vui mừng khôn xiết!.
Khi biết đến internet. Đó cũng là khi tôi biết đến những tiệm sách cũ online. Trước là để lướt qua cho biết, dần dà mỗi ngày không ghé vào xem các trang mạng sách cũ lại đâm ra thấy nhớ. Có khi, sáng mới thức dậy đã háo hức mở máy vào xem hôm nay chủ tiệm sách cũ online có giới thiệu cuốn sách nào mới không. Rồi chúng tôi, những người đam mê sách cũ ngẫu nhiên biết nhau qua mạng, nhóm họp lại thành hội, thành nhóm, say sưa bàn luận, kẻ mua người bán.
Những khi ngồi trong một quán vắng uống cà phê, khi nằm trên xe hay rảnh rỗi ở nhà… Cầm một cuốn sách cũ trên tay thấy gần gũi chẳng khác gì đang ở bên một người bạn thân. Mỗi cuốn sách cũ lại là một quá khứ, một kỷ niệm ùa về trong trí nhớ. Lật giở, nâng niu từng trang sách cũ như được tìm về một chốn bình yên, được đắm chìm trong thế giới của riêng mình. Và rồi lòng lại dấy lên một nỗi niềm trăn trở: trong nhịp sống ngày càng trở nên vội vàng, không biết mai này có còn ai biết trân quý những trang sách cũ hay không…
TĐ
(HBĐT) - Do phò mã Thạch mắc nhiều khuyết điểm, cực chẳng đã, phụ vương đành hạ chỉ ra quyết định buộc thôi việc. Đang đi xe có máy lạnh, ngủ phòng có điều hòa, bữa nào cũng có "sơn hào, hải vị”, nay phải trở về vùng "rừng xanh, núi đỏ” với không ít tai tiếng khiến Thạch Sanh vừa hẫng hụt, vừa buồn bực nên rất ngại giao tiếp với mọi người.
(HBĐT) - Cách Tết 20 ngày, nhà bác họ tíu tít chuẩn bị sắm các đồ liên quan đến Tết, nhưng chưa phải dành cho cả gia đình đón một năm mới an lành, sum vầy mà dành cho cô con gái út chuẩn bị đi học ở xứ trời Âu. Nhìn bên ngoài có vẻ tất bật, rộn ràng, nhưng bên trong vẫn phảng phất một chút man mác, bùi ngùi.
(HBĐT)- Có biết bao cách để mỗi người tiễn một năm cũ và đón mùa xuân về trong nhà. Xuân đang về, sức sống của thiên nhiên dường như tan chảy vào con người, khi những nhành nụ đàog phơi phới đơm nụ trổ hoa và lòng người cũng bắt đầu rạo rực. Mùa xuân đến là mùa của đất trời giao hòa, mùa của hy vọng và ước mơ, mùa của mùa màng no ấm và sum họp, mùa của sức sống mãnh liệt, mùa để cây lá đâm chồi nảy lộc, mùa của những mầm non xanh mơn mởn thoát khỏi lớp vỏ bọc xù xì để vươn vai đón chào những tia nắng ấm áp.