Kiếm kế sinh nhai, lo ăn, lo học cho đàn con lít nhít khiến chàng tiều phu ngày càng tiều tụy. Năm Mậu Tuất sắp qua, năm Kỷ Hợi đã đến, những ngày cuối năm, chàng tiều phu suốt ngày đêm trăn trở với ước muốn giản đơn có "con gà, tấm bánh” cho khỏi "kém chị, thua em”.
Hôm ấy, vì quá bế tắc trong chuyện làm ăn, khi chàng tiều phu đang ngồi giải sầu với chai rượu nút lá chuối và đĩa lạc rang thì "ông anh kết nghĩa”ào đến như một cơn gió, giọng oang oang: "Năm sắp hết, Tết sắp đến mà sao trông chú rầu rĩ thế? Có gì bức bối thì dốc lòng với anh đi, anh em mình cùng tháo gỡ”.
Vốn đã bị Lý Thông làm mất mặt không ít lần, nên chàng tiều phu tỏ ra rất cảnh giác: "Thôi việc nhà em thì kệ em, chẳng dám nhờ cậy bác”. Như "đi guốc trong bụng” Thạch Sanh, ông anh kết nghĩa tợp một ngụp rượu rồi thì thầm: "Anh có cách này, 100% thắng lợi, chú không làm rồi lại ân hận”.
Không hiểu Lý Thông bày mưu, tính kế kiểu gì, nhưng sau hôm ấy, Thạch Sanh quyết định dốc hết ít vốn liếng tích cóp từ hồi tại chức, nài nỉ mượn thêm bà con, họ hàng và "cắm” bìa đỏ vay vốn ngân hàng để quyết định "làm ăn lớn”. Cũng từ hôm ấy, chàng tiều phu xuất hiện ở các làng hoa, cây cảnh nổi tiếng ở một số tỉnh, thành phố… Ít ngày sau, những đoàn xe chở quất cảnh, đào phai và các loại hoa ùn ùn kéo về vùng "rừng xanh, núi đỏ”. Lúc đó, mọi người mới vỡ lẽ chàng tiều phu vừa mới chuyển nghề sang buôn cây cảnh để phục vụ người dân trong vùng đón Tết, vui xuân.
Những ngày giáp Tết, vùng "rừng xanh, núi đỏ" càng trở nên sôi động. Đặc biệt, người dân ở những làng hoa, cây cảnh nổi tiếng trực tiếp mang đào, quất và các loại hoa lên tận nơi để phục vụ các "thượng đế” và họ có rất nhiều kinh nghiệm để đảm bảo cho cây cảnh của mình về ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, dinh dưỡng… nên hoa lúc nào cũng đẹp, quả luôn căng mọng, lá tươi mơn mởn, vì vậy hàng bán chạy như "tôm tươi”. Trái ngược lại, chỉ biết mua và bán, chẳng có chút kiến thức gì về trồng, chăm sóc, bảo quản nên hoa, đào, quất của Thạch Sanh ngày càng èo uột và héo rũ. Mặc dù đã huy động cả vợ, con ra để chào mời khách nhưng vẫn ế ẩm.
Dù đã "mua tận gốc, bán tận ngọn” nhưng cả nhà Thạch Sanh đều ỉu sìu. Sau "thất bại” ấy, chàng tiều phu không hề oán trách ông anh kết nghĩa mà tự nhủ: Chuyện làm ăn không thể ngẫu hứng, tự phát, đặc biệt với cây hoa, cây cảnh phải chịu khó nghiên cứu, tìm tòi, nhanh nhạy trong tiếp thu khoa học - kỹ thuật và có sự liên kết trong tiêu thụ sản phẩm mới có thể thành công.
Bùi Đức