Truyện ngắn của Bùi Huy
Từ phương Nam trở về làng,
ông Phơn thấy lòng lâng lâng kỳ lạ. Ừ, trên 15 năm mới trở về con
đường quê thân quen, giờ đã được bê tông êm ru.
Trước giao thừa, xóm làng râm
ran tiếng nói, tiếng cười,vang lên không gian là tiếng sáo, nhị, xênh
tiền cùng tiếng chiêng bùng biêng. "Ban nhạc” nhà ông Xiên bên chân núi.
Một gia đình đam mê âm nhạc cổ truyền. Bố con, anh em… ai cũng có thể chơi một
vài nhạc cụ. Quá giỏi. Giai điệu "Đập bống bông…” nghe réo rắt tươi mới… Không
có tiếng pháo đì đùng như ngày trước, nhưng âm thanh quen thuộc suốt hàng chục
năm qua mà gia đình này giữ được thật quý. Nhà lúc nào cũng đông người đến
chơi, đến nghe, thưởng thức. Nét người, nét xuân khiến như ông như trẻ lại, dù
có chút bùi ngùi, xót xa khi lần trở lại này không còn hình ảnh người bà tần
tảo năm nào. Nhưng ông vui vì bố mẹ dù ngoài 80 vẫn còn mạnh khỏe.Nếu bà
nhà ông không vướng chuyến du lịch đầu năm với đám bạn học phổ thông, chắc chắn
sẽ được cùng ông thong dong trêncon đường ven suối mùa này đầy hoa đồng
thảo, cùng sắc đào, sắc mận đỏ tươi, trắng tinh bên dòng suối Khụ. Con đường
tuổi thơ, con đường mùa xuân khiến lòng trẻ mãi…
Bước chân dẫn ông tới đình làng. Những cái bắt tay dành cho người con xa xứ.
Ngày hội làng đầu xuân thật rực rỡ. Lần thứ 2 trong đời ông được tham dự. Lần
mộtcách đây khá lâu rồi, hồi mới ra trường vào miền Nam lập nghiệp. Lần
này cảnh vật đã khác…
Gặp Tân, cậu bạn
thuởchăn trâu, cắt cỏ. Bàn tay rắn rỏi thô ráp nhưng ấm nóng của bạn
khiến ông cảm kích. Cậu bạn vẫn hóm hỉnh như ngày nào:
- Đã gặp "người hát dân ca
hay nhất” chưa?
Mặt ông thoángbiến sắc.
Một cụm từ quen thuộc mà chính ông bình chọn cho Làn, người bạn tuổi thanh xuân
cùng làng. Ông hấp tấp:
- Làn cũng về dự à, ở đâu…
Ngày hội làng nhưng người
khắp nơi tìm về vì hội có nhiều hoạt động khá đặc sắc như thi hát đối
haykéo co, đẩy gậy và cả trưng bày các mặt hàng đặc sản,ẩm thực.
Người người dập dìu, ai cũng ửng men nồng vì món rượu cần chào khách. Cuối cùng
ông cũng tìm thấy Làn, gọi là bà Làn mới đúngvì cũng đã ngoài 50 tuổi
rồi… Bao năm đi lấy chồng ở miền xuôi, nay về mà vận trang phục quê hương vẫn
đúng phom lắm. Chiếc cạp váy rực rỡ, xà tích, vòng tay…Không mấy xa cách…
Làn là cháu họ của gia đình
"tài tử bát âm” kia. Năng khiếu có thừa. Những đêm trăng thanh gió mát, nghe
Làn hát đối đáp với trai làng và trai làng bên, ai cũng nức nở khen. Giọng nữ
cao, thanh, thánh thót và rất có hồn. Thời đó, ông 18 tuổi cũng bồng bềnh lãng
mạn theo đuổi tiếng hát thanh tân đó. Mọi chuyện không chỉ dừng lại đó. Họ đã
yêu nhau, dù một tình yêu thánh thiện, chỉ là cái nắm tay vội vàng bên bờ suối,
cùng một lời hẹn hò,nhưng ông phải đi học và theo đuổi sự nghiệp. Ông nội
và bố bảo thếvà ông cũng là người có chí tiến thủ, chí thú chuyện học
hành. Làn bảo:
-Anh cứ đi học và lo sự nghiệp đi, em chờ anh.
Sự đời đâu đơn giản như vậy. Nhà Làn nghèo, không thể đi học cao hơn nữa dù
rằng lực học khá. Sau Làncòn 4 em lít nhít. Giả dụ nếu như thế, mọi
chuyện đã đơn giản. Mẹ ông, không biết nghe đâu những đồn thổi đã đùng đùng đi
gặp Làn. Câu chuyện rất dài và rất nhiều,đại loại là cháu không nên níu
kéo con bác, kẻo ảnh hưởng đến tương lai của Phơn. Cháu và nhà cô cũng không
hợp gia cảnh, suýt nữa mẹ ông còn nói tới chuyện "môn đăng hộ đối”. Nhưng lọc
qua những âm thanh lùng bùng bên tai, Làn vẫn hiểu rằng: người con trai ấy có
trình độ,cô chỉ là một thôn nữ học hết cấp III, ởnhà làm ruộng thì
làm gì có cơ đồ…
Khi biết được câu chuyện đó, ông giận mẹ vô cùng. Tìm đến nhà Làn, ông tưởng
như tim mình thắt lại. Ngược lại với tưởng tượng của ông, Làn không hề khóc dù
đôi mắt buồn, hoang hoải thâm quầng. Mái tóc dài đen mượt hình như mấy ngày
chưa chải. Làn chỉ nói thế này: Dù là hiểu lầm, nhưng mọi chuyện phải xếp lại.
Anh đi, nếu sau này anh thấy không thể quênthì em vẫn cùng anh…
Không có lời thề non, hẹn biển nữa. Ông đi, chân trời rộng mở, biền biệt. Phố
xá, vầng hào quang của tương lai đã hút hồn khiến ông quên bẵng về một gương
mặt tròn, sáng ở quê nhà. Gương mặt và giọng hát thoảng qua vài giấc mơ tuổi
đôi mươi… Cũng có lúc ông tự vấn: Giá mình đàng hoàng, sòng phẳng đáng mặt đàn
ông hơn, về quê nói chuyện thẳng thắn với Làn về chuyện cũ. Rằng mọi chuyện chỉ
dừng ở đó, xin lỗi Làn để em lo chuyện tương lai. Đằng này… Đằng này, ông biệt
tăm đi để lo cho mình mà quên mất người nơi xa. Có lần cậu bạn thân ở quê nhắn
cho thông tin: Sau 5 năm ông xa quê, Làn mới về xuôi lấy chồng. Cũng có chút
buồn đó… Mỗi năm trở về xóm núi, cô ấy vẫn đến thăm gia đình ông như một người
bạn của bạn. Không một lời trách cứ…
Vậy mà sau nhiều năm, khi tóc
đã đồi mồi, ông gặp lạihình ảnh xưa cũ đó. Nuối tiếc ư? Không hẳn. Vì
cuộc sống, công việc của ông viên mãn. Vợ ông, một nhân viên ngân hàng chịu
thương, chịu khó, biết vun vén gia đình. Thương hại ư?Ông có tư cách gì
mà thương hại ai. Phải gọi là niềm thương cảm của quá khứ trỗi dậy mạnh mẽ
khiến con tim nhói buốt thôi. Một thời trong veo đó, không toan tính, họ đến
với nhau yên bình và tự nhiên như hơi thở. Câu hát đối tình tứ, cái ấm nóng của
bàn tay, ngọn gió hào phóng thổi ào ạt dưới chân đồi, ánh mắt tin yêu thơ dại…
Tất cả như một tài sản tinh thần vô giá được trao trả lại nguyên vẹn trong
lòng. Bất chợt ông như nhận ra: phải chăng những lúc đó, ông mới sống một cuộc
sống đúng nghĩa. Còn những hào quang, cuộc chạy đua mệt mỏi sau này thật vô
nghĩa ư?
Làn hỏi sau nụ cười:
- Sao anh không cho chị và
các cháu cùng về dự hội làng mình?
Những câu thăm hỏi nhanh,
thông tin nhanh về cuộc sống gia đình. Vân vê bộ váy mới, Làn như thanh minh:
- Tưởng về dự bình thường,
các cháu đội văn nghệ lại "lôi” lên sân khấu, bảo để học hỏi…
Và câu hát xưacất lên: "Sang
bên nhà anh đi làm dâu/ Không được đâu bởi cầu không có suối sâu bước ngại
ngần/ Xuân… mùa xuân khắp núi rừng nở muộn hoa/ Ta cùng hát, cùng hát lời yêu
nhau…"
Câu hát bay lên trời xanh,
trong nắng hồng nhẹ… Ông như thấy mình trẻ lại, thấy một thời thanh xuân đáng
nhớ, sau cả một quãng dài lãng quên.