Tản văn của Bùi Việt Phương

Tôi là người rảnh rang vào dịp ra giêng, là khi bánh chưng của các nhà đã hết, hoa đào đã mãn khai và cả đến trà xuân có khi cũng chỉ còn lắt lay vài cọng trong chiếc hộp gỗ thâm trầm. Nhưng hề hấn gì, giêng hai là dịp du xuân, đặt chân đến những nơi mà cả năm bận rộn đã lỗi hẹn, đến với những lời mời ngọt như mật ong rừng nên dù có bao ngày xa cách vẫn sánh quyện.

Cỏ xuân phơi phới xanh trên những gò bãi, trên nhưng con đường vào các bản Mường, một màu xanh của cỏ, của lúa chiêm, của lá rừng và những thắt lưng xanh mềm mại vừa như thấp thoáng trước mặt nhưng đã vội thăm thẳm trường tồn. Hình như mọi cung điện đền đài, lầu son gác tía từng ngự trị cũng không sớm muộn phôi pha dưới nắng mưa- nắng tưởng như vô hại. Chỉ còn lại màu xanh trường tồn ấy.
Khi những bánh xe lấp bụi phố phường đã dừng đỗ lại dưới chân dốc, chỉ còn những đế giày mỏng và hơi thở dốc. Bản Mường nằm bên sườn đồi thoai thoải, vừa đủ cao để người khách dưới phố thị ngước nhìn lên, bắt gặp đôi én liệng chao,vừa đủ bằng phẳng để vững những chân cột dổi và bàn chân người Mường trong, Mường ngoài cùng ghé lại.

Lần nào cũng thế, lên tới miền đồi đã thấy mùa xuân trong veo. Mùa này, vùng đất này chưa có những cơn mưa rừng sầm sập, chưa có tiếng sét rạch ngang trời và nước suối cuộn réo. Đã qua rồi những tháng giá rét, sương mù không còn bịt kín như bưng từng nụ hoa xuân, nước của những hồ ao nhỏ trong và ấm, cỏ cây tắm gội những cơn mưa mùa xuân và thay mới. Nghe đâu đây, còn chút hơi ẩm của lá khô chưa hết mục rữa dưới mặt đất, bầu trời cao thêm, mở ra một khoảng trong veo vô cùng. Hình như, khoảng trong veo thanh sạch ấy đất trời dành cho những tiếng chiêng vang lên trong hội xuân.

Ở miền đất này, mùa xuân, chẳng ai khước từ được sự quyến rũ của hội xuân. Từ non cao đến đồng bằng, nơi nào cũng có hội xuân. Một năm, trên dải đất hình chữ S này đầy ắp những tích trò dân gian được phục dựng, trình diễn. Nhưng chắc hẳn, lên tới vùng đất lắng đọng trầm tích văn hóa này, ta mới cảm nhận được quá khứ và hiện tại, cõi thiêng và đời thực như cùng song hành tồn tại trong các lễ nghi, các trò chơi để mang đến một phép màu kì lạ trong tâm hồn bao người đi dự hội: ấy là niềm hồ hởi tin ở sự may mắn, an lành mà đất trời, mà thần sông, thần núi đã ban cho những người dân. Người đến hội say đắm với bóng kiệu rước thành hoàng, hoàng bà, bà bụt... từ núi ra với dân làng, họ đi theo đám rước trật tự và nghiêm cẩn như một sự tự hào và tin tưởng. Họ ùa vào các trò chơi như ngày thơ bé, như vừa vứt bỏ được bao nỗi lo toan của người làm nông. Cứ thế, mùa xuân ngọt lành thấm vào từng con người hồn hậu.

Mùa xuân, sông Đà, sông Bôi, sông Bưởi... lững lờ như không hề chảy trôi, thời gian ngưng trong bóng nước. Cũng như những hồ đầm dưới chân Tản Viên, Viên Nam, những tấm gương của tạo hóa đang phản chiếu những chuyển động của tạo hóa tựa như biết trước mà lại như mới khởi đầu. Từ tiếng cá quẫy, đến đôi chim tha cọng cỏ về làm tổ, tất cả đều trong veo một mới mẻ, khởi đầu đầy hi vọng...

Sau một năm mưa lũ, người đàn ông săn chắc, nước da đỏ au, nắng sông Đà lại sửa sang lại bè cá. Con cá dưới mặt nước, niềm vui búng nước tới trời xanh. Xa xa, những con tàu mang màu sơn mới lại vang tiếng máy vào bến mang những chuyến hàng. Trống hội cứ vang, xuân cứ nồng nàn men rượu, cái làm, cái ăn cứ từ tốn bắt đầu nhưng chắc chắn từng bước đi mang niềm hy vọng. Trên sàn nhà, thớ gỗ không nhớ tuổi nhưng đã có men rượu cần kể thay cho gia chủ,cùng nhìn ra cửa voóng, mùa xuân nhen lên như bếp lửa, ấm như than, ngọt như mật, thơm như măng chua trong ống, lại như phấp phới cỏ xanh phía chân trời, cứ trong trẻo nhé mùa xuân đất Mường...

Các tin khác


Bên bếp lửa mùa đông


 (HBĐT) - Người bạn học cũ đang sống ở miền Đông Nam bộ nhắn hỏi: "Nghe nói xứ Bắc đang lạnh lắm à? Sao mình nhớ lắm những ngày đông và bếp lửa quê nhà”. Người bạn ấy cùng làng, cùng chung dãy núi cao và dòng suối trong vắt sau nhà, cùng chung những mùa đông buốt giá đi đặt bẫy chuột núi, chung củ sắn lùi cháy cạnh và nùn rơm trên cánh đồng bãi tuổi thơ…

Vang mãi bài ca về người chiến sĩ

(HBĐT) - Những ngày này, ông chú họ có vẻ tâm trạng, đôi khi thấy ông huýt sáo một bài ca về người lính ở Trường Sơn năm nào, thời mà ông và các đồng đội từng thốt lên: "Tuổi 20 chân đi không bén đất/Đám mây trời bay dưới ba lô” (Anh Ngọc). Ông thuộc thế hệ thấm đẫm hình ảnh của những chiến sĩ Hồng quân Liên Xô qua các bộ phim truyện chiến đấu của Liên Xô, hay các bài hát Nga về người lính hào hùng mà lãng mạn.

Điều không ngờ tới

(HBĐT) - Ai như anh XX. Sao dáng đi vội vã và hơi cúi gằm như vậy? Dáng đấy không đúng với anh ấy. Anh sở hữu một tướng mạo và dáng đi đĩnh đạc lắm. Nhưng ánh mắt, không thể khác dù đeo khẩu trang choán gần hết mặt. Vẫn phải gọi… - Anh XX… Phải anh không?

Mùa cải lại về...

(HBĐT) - Một sáng mùa đông, màn sương còn bảng lảng, trắng nhờ nhờ giăng mắc xiên qua những tia nắng vàng tươi, tôi bỗng thấy mình như bé lại, thành cô công chúa nhỏ mang hài đi giữa triền hoa cải vàng rực. Lại thêm một mùa cải, thêm những xuyến xao, bâng khuâng trong lòng của những kẻ xa quê…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục