(HBĐT)- Cho là Phò mã Thạch vốn là chàng tiều phu mộc mạc, chất phác chắc hẳn sẽ quý rừng, yêu muông thú, nên vua cha đã ban hành quyết định cho chàng rể quý về làm Hạt trưởng Hạt kiểm lâm ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” với hy vọng lệnh đóng cửa rừng tự nhiên của triều đình sẽ được thực thi nghiêm túc.


Quả là Phụ vương có con mắt tinh tường, từ khi có Hạt trưởng mới, Lâm luật ở vùng "rừng xanh núi đỏ” ngày càng được xiết chặt. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Thạch Hạt trưởng, lực lượng kiểm lâm luôn bám sát địa bàn để thực thi công vụ trong quản lý, bảo vệ rừng, PCCC rừng. Thường xuyên tổ chức các đợt cao điểm tuần tra, truy quét các hành vi phá hoại rừng, khai thác, tàng trữ, mua bán, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật rừng trái phép. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ, phát triển rừng. Xây dựng hàng trăm tổ đội quần chúng bảo vệ, PCCC rừng. Đến từng thôn, bản hướng dẫn cộng đồng dân cư xây dựng và thực hiện kế hoạch, phương án bảo vệ rừng, PCCC rừng, quy ước bảo vệ rừng… Từ đó, "lá phổi xanh” ở vùng "rừng xanh núi đỏ” ngày một phát triển bền vững. Đương nhiên là Thạch Hạt trưởng cũng "mát mặt” vì năm nào cũng được triều đình biểu dương, khen thưởng.

Hôm ấy, khi Thạch Hạt trưởng đang "vò đầu, bứt tai” tìm cách giải quyết, xử lý hàng trăm m3 gỗ và các tang vật khác có liên quan, thì ông anh kết nghĩa Lý Thông phăng phăng vào phòng như một cơn gió với giọng điệu như trách móc: Từ ngày có chức, có quyền, chú chẳng còn thèm biết anh chị và các cháu sống chết ra sao phải không? Hôm nay, anh không xin sỏ hay "quân sư” gì cho chú đâu, chỉ nhờ một việc "công minh, chính đại” trong tầm tay của chú thôi.

Không rõ anh em họ trao đổi, bàn tính những gì, nhưng ngay hôm sau, Thạnh Hạt trưởng tổ chức họp toàn thể cơ quan triển khai thực hiện chủ chương đấu giá thanh lý tang vật đã thu giữ trong các vụ khai thác, tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái phép. Theo đó, quy trình thanh lý được thực hiện khá bài bản, nào là thành lập hội đồng, gỗ được phân loại theo nhóm, gỗ lớn, gỗ nhỏ, gỗ tròn, gỗ xẻ và được cơ quan đấu giá chuyên nghiệp tổ chức nên mọi người nhìn nhận là công tâm, khách quan. Thêm một lần nữa, Hạt kiểm lâm vùng "rừng xanh, núi đỏ” được cấp trên khen thưởng vì đã xử lý kịp thời, bài bản, không để lâm sản và tang vật bị mối mọt, hư hỏng, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách.

Những tưởng mọi chuyện diễn ra bình lặng, suôn sẻ, nhưng một thời gian sau, triều đình nhận được "mật báo” của người dân vùng "rừng xanh, núi đỏ” về trường hợp chủ một cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản ngang nhiên thu gom gỗ lậu từ "lâm tặc” để vận chuyển đi nơi khác bán kiếm lời nhưng không hề bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.

Ngay sau đó, thanh tra cung đình vào cuộc và tổ "mật phục” bắt giữ một đoàn tới 3 xe ô tô chở hơn 20m3 gỗ nhóm I, nhóm II. Khi kiểm tra, chủ hàng trình hóa đơn thanh lý gỗ nhóm V, nhóm VI của Hạt kiểm lâm vùng "rừng xanh, núi đỏ”. Làm rõ lai lịch chủ cơ sở sản xuất – chế biến gỗ này mới lòi ra đó chính là trưởng nam của ông anh họ. Lúc ấy, mọi chuyện mới vỡ lở. Chả là theo "đề xuất” của Lý Thông, Thạch Hạt trưởng đã đồng ý cho trưởng nam của ông anh họ tham gia đấu giá và được phép mua một phần lâm sản thanh lý. Hóa đơn thanh lý lâm sản chính là "bùa phép” để trưởng nam họ Lý cấu kết với lâm tặc "qua mặt” các cơ quan chức năng và mặc sức hành hoành khai thác gỗ trái phép. Kiểm tra kỹ hơn, thanh tra cung đình mới biết mầu xanh bát ngát ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” chỉ là cái vỏ, còn bên trong thì đã rỗng tuếch.

Ít ngày sau, người dân trong vùng lại thấy Thạch Hạt trưởng chuyển từ trang phục kiểm lâm oai vệ sang chiếc khố cũ rích, vai đeo cung, tay lăm lăm dìu lầm lũi trong rừng sâu, núi thẳm.


Đại Quang


Các tin khác


Thạch Sanh tân truyện: Lạm thu

(HBĐT) - Sau khi bị buộc thôi việc vì chỉ đạo thuộc hạ nhận học sinh ngoài chỉ tiêu được giao, gia cảnh của Thạch Sanh bỗng chốc trở nên khốn khó. Hai vợ chồng loay hoay đủ mọi việc nhưng lúc nào cũng trong tình trạng "cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc”, lũ con lít nhít nheo nhóc và có nguy cơ thất học.

“Cưới”… sách, đĩa…

(HBĐT) - Một sáng trời trong xanh, nắng phớt nhẹ, ông X. đang thư giãn cùng chén chè và nghe nhạc không lời bên hiên nhà thì có tiếng chuông cổng.

Đường về

(HBĐT)-Thời gian lặng lẽ trở mình. Đường về nhà trong thẳm sâu ngày tháng tròn đầy trái tim người xa quê. Bình dị đấy, vẫn là con đường đẹp nhất. Đi muôn phương thầm mong được trở lại. Từng bước chân hằn lên theo bóng thời gian, kỷ niệm mãi đọng lại dịu dàng trong lòng ngập tràn nắng thơm, mùi cỏ dại tan trong nắng sớm, những khóm hoa mua, hoa sim ven đường bung nở hồn nhiên vẻ đẹp giao hòa. Nhiều thứ hôm qua đã lùi sâu và chìm khuất. Xa rồi tuổi nhỏ, cô gái ngày nào mới nhận ra vẻ đẹp của làng quê đổi mới. 

Mong ngày gặp lại

(HBĐT) - Một tháng nay, ông nội tôi có vẻ mệt, thất thần đứng ngồi không yên. Đôi khi hay gọi lẫn bố tôi là "thằng Tân, thằng Đức à…". Bố ướm lời định cho đi khám bệnh thì ông gạt đi. Buổi chiều, ông hay ra đầu ngõ nhìn hướng con đường quốc lộ hun hút dẫn về Nam. Thỉnh thoảng ông lại đưa tay lên phía túi ngực trái. Mẹ nói nhỏ với bố: "Chắc chắn ông đang nhớ về chú Tân". Nhưng không hẳn thế, ông nói với bố: "Khả năng mấy hôm nữa nhóm thằng Đức đến thăm nhà mình". Ôi, ông nói gì vậy? Lâu rồi cả nhà đã biết thêm tin gì của chú Đức và các chú từng về đóng quân nơi đây đâu?… Nhìn dáng ông còng còng đi đi lại lại ngoài ngõ, đứng rất lâu dưới cây bưởi mà chú Tân trồng trước khi nhập ngũ, mẹ tôi hình như đã khóc…

Lời mẹ

(HBĐT) - Mẹ trở thành người thiên cổ đã 45 năm rồi. Mẹ không biết chữ dù mẹ là con ông đồ. Không biết chữ nhưng mẹ biết đường ăn, lối ở. Suốt những năm các con đi học ở trọ trên huyện, trên tỉnh, mẹ vẫn chăm lo cho các con chu đáo. Thứ bảy, chủ nhật các con về rồi lên trường mẹ gói đùm cho bát gạo, gói cá nướng, chai tương. Mẹ cởi bao thắt lưng đưa cho con mấy đồng bạc lẻ không quên dặn dò:

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục