(HBĐT) - Hôm nay, bà thấy ông X. đi liên hoan CLB "Phong lan rừng” về mà mặt lạnh te, chẳng hồng hào, đỏ đắn như mọi lần. Đã thế lại còn ra chiều đăm chiêu nữa chứ…
Chả bù mọi lần, mỗi khi đi đâu có ăn có uống về là biết ngay. Mà có "thuốc nói” vào, ông ấy lại trở chứng lãng mạn, bay bổng như thời xưa. Nào là khen bà vẫn giữ được dáng vẻ thanh mảnh ngày nào, chứ chẳng "xồ” ra như mấy bà cùng phố. Rồi hẹn hò năm nay nhà mình đi "cưới vàng, cưới bạc” ở "hô-ten”, "rì-zọt” mãi biển nọ, núi kia… Đã thế còn hít hà ngửi tóc bà và phán: "hương đồng gió nội vẫn còn đây…". Nỡm nào… Con cháu nó thấy lại chẳng cười cho ấy chứ…
Nhưng nay "lành tính” thế này chắc có chuyện. "Ông có chuyện gì mà lo lắng thế?” - Bà khẽ khàng hỏi chuyện. Ông nhìn bâng quơ lên mấy chai rượu ở kệ và hộp bia góc nhà mà thở hắt ra: "Đà này… phải chia tay nó thôi”. "Nó” là ai? Bà hỏi dồn. Ông gắt: "Hỏi nhiều quá, tôi đang nẫu ruột đây này… Chả lẽ tôi không còn được bù khú rượu, bia nữa à. Mấy chum rượu động - thực vật đủ cả, chả lẽ lại ế ẩm ư. Bao tâm huyết ở đấy”. À thì ra vậy. Gớm tưởng gì, chứ chuyện đó "nhỏ như con thỏ". Chính sách, pháp luật do Nhà nước định ra, đúng, có ý nghĩa thiết thực cứ thế mà thực hiện chứ sao. Nghe bà bình luận thế, ông vặc lại: Bà thấy không, các cụ nói rồi "Nam vô tửu… như cờ vô phong… Đàn ông,có chén rượu thêm khí thế. Tôi có chút khiếu viết lách, không có rượu, bia, không có cảm hứng gì sất…. Nay cứ ra đường là phải đoan trang, trong hơi thở không có chút nồng độ cồn nào. Thấy buồn và nhớ quá…
Bà cười… như chưa bao giờ được cười. Tưởng chuyện gì. Nhưng bà lại nghiêm sắc mặt: "Ông phải nhìn cho tường… Suốt ngày lên mạng đọc báo mà chả để ý gì à. Mỗi năm bao nhiêu người chết vì tai nạn giao thông đều dính dáng đến "tửu” đấy. Mà tửu vào lại thêm "sắc” là tan nhà, nát cửa. Ông quên rồi phỏng… Ừ, hồi còn phong độ, cũng vì có lần sương sương chén rượu, cốc bia, ông chẳng định theo bạn đi hát có em khoác vai và rót bia (may mà bà có "mật báo” nên kéo được ông về ngay khi ông vừa khật khưỡng cùng đám bạn vừa bước vào chỗ nhấp nháy). Mà gương tày liếp kia kìa, bạn cùng thời với ông, sau một chầu tới bến, suýt lao cả người và xe xuống mương nước, may mà vướng vào mấy bao phân bà con xếp cạnh. Không thì… Mà đợt ấy, gọi là nhẹ nhưng cũng phải tập tễnh 1 tháng chứ ít đâu, mặt mũi vêu vao. Tôi với ông chẳng vào viện thăm hỏi, chia sẻ, động viên đó ư… Để mai, tôi vào "mạng” lôi cho ông mấy "điển hình bia, rượu nhé”. Mấy vụ tang thương do tai nạn, đọc mà tởn hết cả người. Chưa kể, chuyện bị phạt nhé. Cứ là tiền triệu, tiền triệu… Ông lo mà đi buôn chổi chít, làm giá đỗ và chạy "gờ-ráp” đêm đi để bù cho nguồn thu nhập gia đình nhé. Bà nói mát…
Ừ, phụ nữ tưởng chỉ lo trang điểm, sắc đẹp, cơm nước cho chồng con... họ còn sâu sát và thực tế thế. Chả câu nào thừa. Nghĩ thế, ông vớt vát: "Dĩ nhiên… phải thay đổi thói quen. Một thói quen… đáng yêu và đáng ghét. Mai tôi sẽ đi mua khóa để khỏi "tơ tưởng” đến hầm rượu”. Ô hay, nói như đinh đóng cột thế mà lại còn thở dài nữa để làm gì. Cứ thế mà thực hiện thôi nhé. Bà trộm nghĩ…
Bùi Huy
Truyện ngắn của Bùi Huy
(HBĐT) - Nửa đêm, tiếng chuông điện thoại réo rắt khiến anh choàng tỉnh xen lẫn nỗi sợ hãi mơ hồ. Giờ này có điện thoại là có chuyện gấp chi đây. Ôi, cậu bạn học cấp 3 hiện đang là doanh nhân thành đạt ở tỉnh xa gọi. "Này, mai cậu đến nhà mình xem thế nào… Gọi điện mà bà chị không nhấc máy. Hay bà cụ nhà tôi có điều gì không...?”. Nghe có vẻ hoảng và thảng thốt quá. Anh trấn an: "Chắc không vấn đề gì đâu. Có gì không hay chị cậu phải gọi chứ”. "Nhưng mà mai cậu tạt qua nhà xem có chuyện gì không nhé”. Và thoảng trong điện thoại có tiếng thở dài khe khẽ: "Hai năm nay, mình chưa về rồi… Bận quá bạn ơi. Mưu sinh xứ xa. Dạo này đang vào mùa. Guồng quay không thoát ra nổi...".
(HBĐT) - Sau khi gả công chúa yêu cho Thạch Sanh, vua cha nghĩ mãi không biết giao cho chàng rể quý công việc gì cho tương xứng. Nhớ lại tiếng đàn trong ngục tối của Thạch Sanh ngày nào làm cho công chúa đang âu sầu, ủ rũ bỗng hớn hở, vồn vã. Cũng từ tiếng đàn ấy khiến binh lính mười tám nước chư hầu không còn ý chí đánh trận và nhất tề cuốn giáp rút quân, nhà vua quyết định giao cho Thạch phò mã giữ chức Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao ở vùng "rừng xanh, núi đỏ”.
(HBĐT) - Nghĩ về thầy, nét nghĩa đầu tiên của danh từ này dành chỉ người được đào tạo có năng lực sư phạm.
Đời của mỗi người, ai cũng có thầy. Không ai có thể nhớ hết khuôn mặt, tên thầy của quãng đời đi học. Song tình nghĩa trong lòng trò nghĩ về thầy vẫn luôn nuôi nhớ.
Truyện ngắn của Bùi Việt Phương
(HBĐT)-Loay hoay mãi chúng tôi cũng tìm được chỗ đỗ xe. Con đường đổ bê tông dày và phẳng, bánh xe chạy nghe êm tai nên xe cộ đi lại khá đông, phải cố tạt vào mép đường cho gọn. Tôi quay sang hỏi chàng trai trẻ cầm lái: "Cậu có đoán ra chỗ nền nhà mình ngày xưa không?”. Tất nhiên là không rồi, cái lắc đầu và nụ cười. Mấy mươi năm mọi thứ đều thay đổi, chỉ có hương lúa đồng vẫn thơm. Giờ ai có thể hình dung được, nơi đây từng là con đường đất lầy lội từng bước chân trâu, chân học trò nhưng ấm áp bởi luôn nhìn sang bên kia cánh đồng mà tự nhủ. Cố lên đoạn đường nữa thôi, bên kia là nhà thầy.
(HBĐT)- Cho là Phò mã Thạch vốn là chàng tiều phu mộc mạc, chất phác chắc hẳn sẽ quý rừng, yêu muông thú, nên vua cha đã ban hành quyết định cho chàng rể quý về làm Hạt trưởng Hạt kiểm lâm ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” với hy vọng lệnh đóng cửa rừng tự nhiên của triều đình sẽ được thực thi nghiêm túc.