Truyện ngắn của Bùi Việt Phương

(HBĐT)-Loay hoay mãi chúng tôi cũng tìm được chỗ đỗ xe. Con đường đổ bê tông dày và phẳng, bánh xe chạy nghe êm tai nên xe cộ đi lại khá đông, phải cố tạt vào mép đường cho gọn. Tôi quay sang hỏi chàng trai trẻ cầm lái: "Cậu có đoán ra chỗ nền nhà mình ngày xưa không?”. Tất nhiên là không rồi, cái lắc đầu và nụ cười. Mấy mươi năm mọi thứ đều thay đổi, chỉ có hương lúa đồng vẫn thơm. Giờ ai có thể hình dung được, nơi đây từng là con đường đất lầy lội từng bước chân trâu, chân học trò nhưng ấm áp bởi luôn nhìn sang bên kia cánh đồng mà tự nhủ. Cố lên đoạn đường nữa thôi, bên kia là nhà thầy.

Nghe nói, thầy tôi ngày trước là học trò nghèo ở vùng miền Trung. Nơi ấy đất hẹp, cằn, đã thế quanh năm lại chịu bão bùng, gió Lào, hạn hán. Bởi thế, vượt qua tất cả cực nhọc để cắp sách đến trường, để trở thành người thầy là một câu chuyện cổ tích dài đầy gian nan, cực nhọc và may mắn… Ấy vậy mà khi vừa cầm tấm bằng tốt nghiệp, thay vì đến thẳng bục giảng, thầy khoác ba lô lên đường vào chiến trường. Sau này học lên, được đọc bài thơ "Tức sự” của đức vua Trần Nhân Tông tôi mới thấm thía: "Xã tắc hai phen chồn ngựa đá/ Non sông nghìn thuở vững âu vàng”. Chiến tranh tưởng như đã kết thúc, hai miền thống nhất, đâu ngờ kẻ thù lại xâm lấn bờ cõi, những người học trò nghèo lại khoác súng ra chiến trường xả thân báo quốc…

Thầy tôi may mắn trở về với phấn trắng, bảng đen nhưng có thêm chiếc nạng gỗ sau khi để lại một phần của thân thể trên đất bạn Campuchia. Thầy tình nguyện lên vùng bán sơn địa này như để bắt đầu một ước mơ đã dang dở từ rất lâu.

Năm ấy, trường cấp hai bỗng dưng được nâng cấp lên với lớp 10 nhô. Nghĩa là có thể có lớp 11, 12 nếu chúng tôi vẫn kiên trì theo học, còn không sẽ tính tiếp. Trước đây, trường có một dãy nhà lợp mái gianh làm khu nhà tập thể cho giáo viên, có giếng nước, nhà tắm xây bằng gạch. Chỉ có điều chỉ toàn các cô giáo. Khi chúng tôi vào học đã thấy ngôi nhà thưng gỗ tạp của thầy nằm bên cánh đồng xóm núi này.

Mùa nắng, cánh đồng đất đồi bụi mù khi những cơn gió thổi qua. Chẳng thế, thếp giấy trắng, cái áo trắng mẹ phải gánh bao bó củi, bó măng, con gà, mật ong… mới mua được về qua con đường này đều chuyển sang màu bụi vàng khè. Cả những khuôn mặt cũng bám bụi. Mùa mưa, con đường đến trường nhão nhoét, dính như keo níu từng bước chân đám học trò chúng tôi. Ở đâu người ta tính bằng con đường, quãng đường đến lớp, ở đây chúng tôi tính từng bước…

Mùa thu sắp hết, tháng 11 nắng nhạt dần từng ngày, sương núi lạnh buốt. Chiều hôm ấy, buổi chiều mà sau này khi lũ học trò chúng tôi nhiều người đã thành đạt nhớ lại vẫn thấy ám ảnh. Tuổi hoa niên vụng dại, ngây thơ mà thiêng liêng là thế. Hôm ấy, trời không nắng gắt, hơi chút se lạnh. Mang tiếng cả một lớp học nhưng chỉ có hơn mười đứa tập hợp dưới gốc cây, mỗi đứa ngồi trên một nhánh rễ coi như gọn gàng. Hôm nay đi đến chúc Tết thầy. Với các cô giáo trong khu tập thể thì thật đơn giản. Các cô đã kiếm được từ lúc nào những loại quả chua cho bọn con gái, thế nên lũ chúng tôi háo hức thăm các cô thì ít, thèm rỏ dãi vì các món ăn vặt ấy thì nhiều.

Nhưng đến chúc thầy lại khác. Thầy hiền, ít nói nhưng tình cảm với lớp thật đặc biệt. Đặc biệt từ những môn thầy dạy đến cách dạy, cách làm lũ quỷ sứ chúng tôi lặng đi rồi rơi nước mắt, những giọt nước mắt như sương lăn trên khuôn mặt nứt nẻ, hanh khô. Giờ học lịch sử, nghe giọng thầy giảng, tôi cứ ngỡ trận đánh nào thầy cũng là người có mặt. Lời thầy truyền cảm, những dẫn chứng, thông tin chính xác, những nhận định sắc sảo. Ấy vậy mà khổ nỗi, chúng tôi chưa bao giờ đi đâu xa ngoài vùng đồi núi này, sự ngây ngô, khờ khạo cản trở những tri thức lịch sử. Thành ra muốn hiểu, muốn nắm bắt đấy mà cứ thành dửng dưng, nghe nhiều, khối đứa lại đâm ra chán. Tuổi mới lớn, ngồi lâu lại ngứa ngáy đâm ra trêu trọc nhau mất trật tự trong lớp. Một lần như thế, thầy gọi mấy đứa nghịch nhất trong đám. Cả lớp im re như bị bắt quả tang ăn trộm, thay vì bắt đứng dậy hay lên bảng, thầy bảo cứ đứng im một chỗ như đang trò chuyện. Giọng thầy nhỏ nhẹ và ấm:

- Em có hay sang bà ngoại, hay đến nhà họ hàng không?

- Em thích nhất là xuống suối bắt cá à.

- Em thích đi bắt chuột rừng à…

Tất nhiên khi ấy chúng tôi cùng ồ lên và trả lời thản nhiên. Gì chứ không phải kiến thức khô khan trong sách thì dễ dàng. Thầy lặng im, chiếc nạng gỗ như người bạn bên cạnh thầy chấm dấu tròn trên nền đất. Bất chợt thầy lên tiếng:

- Thế nếu một ngày, một đời các em không được làm điều đó các em có chịu được không?

- Sao không được làm điều đó à thầy? - Chúng tôi nhao nhao.

- Thế đấy các em, sự khác biệt của một đất nước khi bị xâm lăng, một dân tộc bị kìm kẹp và một dân tộc tự do từ những điều nhỏ nhặt ấy đó. Chúng sẽ không cho các em làm nhưng điều hiển nhiên đó. Để giành lại, không có sự lựa chọn nào ngoài sự quật khởi, chấp nhận hy sinh xương máu cho muôn đời sau…

Tiếng thầy lặng đi, có lẽ vì xúc động, những vết thương trên thân thể lại nhói đau.

Một lần khác, đương giờ toán, có đứa cứ nhổm lên chép bài của bạn. Vươn người mãi mà chưa nhìn rõ. Ngày ấy, trường thiếu giáo viên toán, thầy vốn giỏi toán, đành gánh vác luôn phần việc ai cũng ngại. Bất giác thầy hỏi cả lớp: "Các em học toán mà làm gì cho khổ? Đau hết cả lưng”. Cả lớp cười có đứa rơi cả bút. Cười rồi tất cả lặng thinh. Đời có những bài toán cho mình phải tự giải, ấy là con đường đi tìm lẽ sống, tìm hạnh phúc. Bài toán hôm nay chỉ là bước khởi đầu… Cứ thế, lời thầy dí dỏm, sâu sắc như khắc ghi vào những năm tháng tuổi thơ.

Chiều nay, khi cả lũ kéo đến đã gặp thầy trên đường. Con đường vẫn gồ ghề, bụi bặm như mọi ngày. Thầy đã đợi chúng tôi từ bao giờ bên bờ mương nước trong vắt, cây nạng gỗ đặt bên cạnh. Rồi thầy kể rất nhiều về quê hương thầy, về những ngày còn đi học, về cuộc chiến tranh, về những gì đang đợi chúng tôi bên kia dãy núi…

Sau tất cả, thầy chỉ vào đám cỏ mọc ven đường rồi hỏi chúng tôi thấy gì lạ không? Thì vẫn là con đường bao năm lặn lội qua, quen mòn đến nhàm chán, nhìn mãi, căng hết cả mắt vẫn không nhận ra. Thầy bảo, trong khó nhọc, bụi bặm, khô cằn kia, những loài cỏ dại vẫn nở hoa, những bông hoa đồng nội (xuyến chi) như ngọn lửa ấm áp giữa miền rừng núi mùa này. Để có được bông hoa, cỏ cây khó nhọc lắm, nào ai chăm bón cây cỏ dại đâu, tất thảy đều nỗ lực vượt qua cái khổ mà thành cái đẹp.

Chúng tôi cứ thế lặng im và vượt khó như cây cỏ dại thầy chỉ ngày nào. Giờ cảnh vật ở đây đã đổi thay, chúng tôi đã vươn tới những chân trời xa nhưng hình ảnh đầy biểu tượng và lời thầy vẫn văng vẳng đâu đây. Quê nhà đã vươn lên thành những xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ngôi trường với những dãy nhà cao tầng khang trang giữa núi rừng. Cậu thanh niên là cháu ngoại thầy đã không còn nhận ra nơi mình từng sống những năm tháng tuổi thơ. Giờ cậu là một thầy giáo dạy ở trường đại học ngoài thành phố. Tôi tin cậu đã hiểu ra nhiều hơn về quá khứ, đôi mắt cậu cay cay nhưng ánh lên niềm tự hào và xúc động. Hôm nay, ngày 20/11 của một năm thật đặc biệt…


Các tin khác


Thạch Sanh tân truyện: Lạm thu

(HBĐT) - Sau khi bị buộc thôi việc vì chỉ đạo thuộc hạ nhận học sinh ngoài chỉ tiêu được giao, gia cảnh của Thạch Sanh bỗng chốc trở nên khốn khó. Hai vợ chồng loay hoay đủ mọi việc nhưng lúc nào cũng trong tình trạng "cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc”, lũ con lít nhít nheo nhóc và có nguy cơ thất học.

“Cưới”… sách, đĩa…

(HBĐT) - Một sáng trời trong xanh, nắng phớt nhẹ, ông X. đang thư giãn cùng chén chè và nghe nhạc không lời bên hiên nhà thì có tiếng chuông cổng.

Đường về

(HBĐT)-Thời gian lặng lẽ trở mình. Đường về nhà trong thẳm sâu ngày tháng tròn đầy trái tim người xa quê. Bình dị đấy, vẫn là con đường đẹp nhất. Đi muôn phương thầm mong được trở lại. Từng bước chân hằn lên theo bóng thời gian, kỷ niệm mãi đọng lại dịu dàng trong lòng ngập tràn nắng thơm, mùi cỏ dại tan trong nắng sớm, những khóm hoa mua, hoa sim ven đường bung nở hồn nhiên vẻ đẹp giao hòa. Nhiều thứ hôm qua đã lùi sâu và chìm khuất. Xa rồi tuổi nhỏ, cô gái ngày nào mới nhận ra vẻ đẹp của làng quê đổi mới. 

Mong ngày gặp lại

(HBĐT) - Một tháng nay, ông nội tôi có vẻ mệt, thất thần đứng ngồi không yên. Đôi khi hay gọi lẫn bố tôi là "thằng Tân, thằng Đức à…". Bố ướm lời định cho đi khám bệnh thì ông gạt đi. Buổi chiều, ông hay ra đầu ngõ nhìn hướng con đường quốc lộ hun hút dẫn về Nam. Thỉnh thoảng ông lại đưa tay lên phía túi ngực trái. Mẹ nói nhỏ với bố: "Chắc chắn ông đang nhớ về chú Tân". Nhưng không hẳn thế, ông nói với bố: "Khả năng mấy hôm nữa nhóm thằng Đức đến thăm nhà mình". Ôi, ông nói gì vậy? Lâu rồi cả nhà đã biết thêm tin gì của chú Đức và các chú từng về đóng quân nơi đây đâu?… Nhìn dáng ông còng còng đi đi lại lại ngoài ngõ, đứng rất lâu dưới cây bưởi mà chú Tân trồng trước khi nhập ngũ, mẹ tôi hình như đã khóc…

Lời mẹ

(HBĐT) - Mẹ trở thành người thiên cổ đã 45 năm rồi. Mẹ không biết chữ dù mẹ là con ông đồ. Không biết chữ nhưng mẹ biết đường ăn, lối ở. Suốt những năm các con đi học ở trọ trên huyện, trên tỉnh, mẹ vẫn chăm lo cho các con chu đáo. Thứ bảy, chủ nhật các con về rồi lên trường mẹ gói đùm cho bát gạo, gói cá nướng, chai tương. Mẹ cởi bao thắt lưng đưa cho con mấy đồng bạc lẻ không quên dặn dò:

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục