Từ xa xưa, ở vùng đất núi non trập trùng, rừng suối hoang vu, tiếng cồng chiêng đã xua đổi muông thú, gọi bạn nơi rừng thẳm, rộn ràng ngày vui duyên đôi lứa, tưng bừng trong ngày lễ hội, rộn rã báo hiệu khi bản làng có kẻ xấu trộm cắp, cướp bóc để tập hợp mọi người cùng bảo vệ sự bình yên, trầm hùng bi tráng tiễn đưa người xấu số qua đời về với Mường ma… Với ý nghĩa quan trọng và thiêng liêng ấy, Trưởng phòng Thạch được giao quản lý, sử dụng một bộ chiêng xắc bùa cổ đủ 12 chiếc, gồm 4 chiêng dàm, 4 chiêng bồng và 4 chiêng tlé. Đó được coi là vật báu, linh hồn bất tử của cộng đồng dân cư vùng "rừng xanh, núi đỏ”.
Vốn vạm vỡ mạnh khỏe, lại có năng khiếu âm nhạc, nên từ ngày giữ cương vị mới, Thạch Trưởng phòng đã thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ, TD-TT ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày một phát triển. Đặc biệt, với bộ chiêng xắc bùa cổ cùng hàng trăm chiếc chiêng huy động ở các làng, bản gần xa tham gia các lễ hội lớn ở tỉnh phủ, cùng các sự kiện lớn của cung đình đều được quan khách ghi nhận và đánh giá rất cao.
Hôm ấy, trong khi Thạch Trưởng phòng đang cặm cụi viết kịch bản để dàn cồng chiêng tham gia lễ hội xuống mùa trong vùng thì ông anh kết nghĩa bất ngờ xuất hiện, giọng liếng thoắng: "Chú đúng là chuột sa chĩnh gạo mà không biết, anh bày cho chú cách này vừa êm xuôi lại vừa có của ăn, của để”.
Chẳng biết anh em họ thì thầm to, nhỏ với nhau những gì, nhưng khi hai người chia tay, chỉ thấy Thạch Trưởng phòng trầm trồ: "Bác đúng là cao kiến”.
Dàn chiêng tham gia lễ hội xuống mùa của vùng "rừng xanh, núi đỏ” năm ấy, tiếng "bính boong, bính khầm” nghe rè rè, cụt lủn, không rộn rã, ngân vang như những năm trước khiến mọi người rất ngỡ ngàng và thất vọng. Thêm nữa, ngay sau đó, Hội đồng thẩm định của cung đình lại tiến hành kiểm tra, xem xét để công nhận "Không gian văn hóa cồng chiêng ở vùng rừng xanh, núi đỏ” là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đến lúc đó, mọi chuyện mới vỡ lở.
Chả là theo "kế sách” của ông anh họ, Thạch Trưởng phòng đã lén lút tráo đổi toàn bộ dàn chiêng cổ và thay vào đó là một bộ chiêng đời mới, không đảm bảo chất lượng. Sau khi tiêu thụ chót lọt, anh em họ chia chác nhau đến mấy trăm triệu đồng.
Vụ việc bị phanh phui thì Lý Thông đã "xa chạy, cao bay”. Dù rất thương công chúa và đàn cháu lít nhít, nhưng vua cha vẫn đành phải hạ chỉ buộc thôi việc chàng rể quý. Từ bấy đến giờ, chẳng ai thấy Thạch Sanh tưng bừng với đàn ca, sáo nhị nữa, thỉnh thoảng người dân trong vùng cũng bắt gặp chàng tiều phu lầm lũi trong rừng sâu, núi thẳm với cung, búa, đao, dìu để kiếm kế sinh nhai.
Đại Quang
(HBĐT)-Thời gian lặng lẽ trở mình. Đường về nhà trong thẳm sâu ngày tháng tròn đầy trái tim người xa quê. Bình dị đấy, vẫn là con đường đẹp nhất. Đi muôn phương thầm mong được trở lại. Từng bước chân hằn lên theo bóng thời gian, kỷ niệm mãi đọng lại dịu dàng trong lòng ngập tràn nắng thơm, mùi cỏ dại tan trong nắng sớm, những khóm hoa mua, hoa sim ven đường bung nở hồn nhiên vẻ đẹp giao hòa. Nhiều thứ hôm qua đã lùi sâu và chìm khuất. Xa rồi tuổi nhỏ, cô gái ngày nào mới nhận ra vẻ đẹp của làng quê đổi mới.