(HBĐT) - Hay mình cưới nhau đi anh! Hiền chăm chăm nhìn đôi vợ chồng trẻ đang dẫn theo đứa con nhỏ đi bộ trên vỉa hè, cười nói vui vẻ với nhau, rồi nói với Cương. Câu nói của người yêu khiến Cương giật mình, ấp úng:         

   - Anh… Nhưng…

          - Miễn là mình yêu thương nhau thực lòng. Đâu cần phải đợi đến khi nào có tiền thì mới cưới! Hiền nhìn Cương, vẻ phân trần.

          - Nhưng anh lo cho em và con chúng ta sau này nữa. Cương liếc nhìn chiếc xe máy cà tàng dựng đứng bên cạnh, nhìn vào bộ quần áo nhàu nhĩ, luộm thuộm đang mặc trên người, buồn bã nói:

          - Anh chạy xe ôm chẳng đủ lo ngày ba bữa. Nếu cưới nhau, sợ rằng sẽ không thể đem lại cho em cuộc sống đầy đủ... Em… em gắng chờ anh một thời gian nữa được không? Nhìn Cương, đôi mắt Hiền đượm buồn. Cô đứng dậy, tay nhặt lấy cái bao, cái móc sắt rồi lẳng lặng bước đi, để lại lời bỏ lửng, buông chùng:

          - Nhưng…

Bóng Hiền hòa vào bóng phố chập choạng cuối chiều rồi khuất trên con đường nườm nượp người qua lại. Cương ngồi bần thần dõi theo bóng dáng của Hiền, lòng đầy nghĩ ngợi. Anh xin lỗi. Anh rất muốn cưới em, nhưng anh chỉ có hai bàn tay trắng. Anh chỉ là thằng xe ôm nghèo kiết xác. Anh… Càng nghĩ, đôi mắt Cương lại càng ầng ậc nước, chực trào.

          Cương vốn là đứa trẻ thiếu may mắn. Anh sinh ra trong một gia đình mà cái nghèo, cái đói đeo đẳng suốt cả thời thơ ấu. Bố mẹ ly hôn, mỗi người tự tìm cho mình một cuộc sống mới. Cương bị hắt hủi, bị bỏ rơi. Học hành dang dở, cũng chẳng nghề nghiệp, 17 tuổi, Cương theo chuyến xe khách rời quê lên thành phố. Sau nhiều va vấp, bị bóc lột sức lao động, bị lợi dụng… Cương nhận ra bản chất của cuộc sống nhưng điều đáng quý là anh vẫn giữ cho mình tâm hồn thiện lương. Cương hiền như đất. Hiền vẫn từng nói về Cương như thế.

          Cương và Hiền gặp nhau vào một buổi tối mùa đông trên con phố vắng người. Hôm ấy, Hiền rong ruổi đi nhặt ve chai đến độ quên cả đường về nhà trọ. Giữa lúc đôi chân Hiền đã thấm mệt, bỏng rốp, đang lê từng bước khó nhọc thì Cương chạy xe ngang qua. Thấy Hiền, Cương dừng lại hỏi thăm rồi ngỏ ý muốn chở Hiền về. Ban đầu, Hiền sợ lắm vì biết đâu Cương lại giả vờ tốt để lừa nên từ chối. Nhưng thấy Cương vẫn vui vẻ, thân thiện, Hiền đồng ý đi nhờ xe của Cương về nhà trọ. Đoạn đường dài mấy cây số đủ cho Hiền và Cương bước đầu chia sẻ, tìm hiểu về hoàn cảnh của nhau. Họ gặp nhau hai, ba lần sau đó nữa. Thế rồi cả hai nhận ra, tình cảm họ dành cho nhau không đơn thuần chỉ là hai người cùng chung cảnh ngộ mà chính là tình yêu. Cương thương Hiền. Anh muốn dành cả cuộc đời mình để làm điểm tựa, che chở cho người con gái anh yêu. Còn Hiền, kể từ khi gặp Cương, cô sống vui hơn, cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn.

          - Em… em sống chỉ thế này thôi sao? Cương ngạc nhiên khi lần đầu tiên đến thăm, chứng kiến căn phòng bé tí tẹo nơi Hiền thuê trọ. 

          - Em ở một mình mà! Hiền nhìn người yêu mỉm cười. Với lại… em còn phải dành dụm tiền, hàng tháng gửi về cho cái Hoa, em gái cùng mẹ khác ba của em ở nhà. Cương nhìn căn phòng bé tí của Hiền một lượt. Điều khiến anh đặc biệt để ý là tấm chăn có họa tiết con công xanh đỏ đã cũ mèm, trông xộc xệch và lưa thưa những mảnh vải đã mùn được khâu vá lại khá cẩn thẩn.

          - Tấm chăn kia đã cũ quá rồi. Để anh dành tiền mua cho em tấm chăn mới! Mùa đông lạnh lắm.

          - Không được. Em vẫn thích tấm chăn ấy. Dù nó đã cũ sờn, nhưng… Cô nhìn về tấm chăn cũ với ánh mắt ngập tràn yêu thương. Tấm chăn cũ đã cùng cô đi qua biết bao mùa đông cô đơn, lạnh lẽo ở thành phố xa lạ này. Nó cũng đã gần 20 năm tuổi. Cương đâu thể biết, để có tấm chăn ấy, ba Hiền đã phải bán máu mới có tiền mua được. Hiền ôm tấm chăn vào lòng. Chuyện về tấm chăn cũ dẫu đã xa thật xa nhưng Hiền chẳng thể nào quên được.

Nhớ hồi Hiền chỉ mới là đứa trẻ lên 5, lên 6, ba Hiền mang về từ phố tấm chăn mới. Ba bảo, ba mua từ số tiền ba làm công bốc vác đồ cho người ta suốt một ngày. Mẹ con Hiền đã rất xúc động và biết ơn ba. Hiền trân trọng tấm chăn ấy, bởi nó được đánh đổi bằng chính mồ hôi, công sức của ba để có được. Nhưng sau này, khi ba mất, mẹ Hiền mới nói thật, rằng ba đã bán máu của mình để có tiền mua chăn ấm vì không muốn Hiền chịu cảnh co ro, thức giấc giữa đêm như mấy mùa đông trước. Hiền đã khóc rất nhiều vì thương ba. Hiền tự nhủ sẽ gìn giữ tấm chăn ấy như là kỷ niệm cuối cùng ba cô để lại. Và đó cũng là lý do, khi bỏ quê lên phố, Hiền đã mang theo tấm chăn.

Hiền còn gửi gắm tâm sự của mình vào trong cuốn nhật kí mang tên "Yêu thương” của mình. Cuốn nhật ký là người bạn duy nhất an ủi Hiền suốt những năm tháng lủi thủi một mình ở thành phố này cho đến khi gặp Cương. Kể cả chuyện tình cảm với Cương, Hiền cũng thường ký thác tâm sự của mình vào trong cuốn nhật ký. Hiền lại chạnh lòng nghĩ hay là Cương không còn yêu thương cô nữa?
          Hiền đến phòng trọ của Cương vào một buổi chiều muộn. Hôm nay là sinh nhật lần thứ 27 của Cương. Hiền muốn dành tặng cho anh một bất ngờ. Đó là chiếc áo ấm Hiền dành dụm từ số tiền nhặt ve chai cả tháng để mua tặng người yêu. Bà chủ nhà bảo Cương ra ngoài có chút việc, nói Hiền cứ đẩy cửa vào vì phòng Cương không khóa. Hiền cảm ơn bà rồi bước vào phòng Cương ngồi chờ. Trên chiếc bàn gỗ đặt sát tường có chiếc chăn ấm mới được đựng trong chiếc túi ni lông màu trắng. Bên cạnh có một cuốn sổ đang viết dở, Cương quên gấp lại. Hiền bước lại gần, tò mò: "Hôm nay kỷ niệm 1 năm tròn mình và Hiền yêu nhau. Mình muốn bù đắp cho cô ấy bằng tất cả tình yêu thương mình có. Hôm trước, mình đã vô tình đọc được những trang nhật ký của cô ấy viết về ba, về tấm chăn cũ ba cô ấy đã phải bán máu để mua được. Mình hiểu vì sao cô ấy muốn giữ lại tấm chăn ấy dù nó đã rất cũ. Nhưng mình rất muốn cô ấy sẽ được ấm hơn trong mùa đông này. Mình sẽ  tặng cô ấy một món quà như ba cô ấy đã từng tặng… Và hôm nay, mình đã làm được điều đó. Cảm giác buốt nhói vô cùng khi bị kim đâm vào mạch máu. Nhưng mình cảm thấy không hề đau đớn mà trái lại rất vui vì điều mình làm sẽ mang lại hạnh phúc cho người mình yêu thương!”. Hiền lặng im rồi bật lên tiếng khóc. Nhìn tấm chăn mới Cương mua từ số tiền bán máu dành tặng mình, cô cảm nhận được tình yêu chân thành của anh rồi lại tự trách vấn bản thân.

          - Ơ, em đến khi nào? Sao không để anh sang! Cương cười tươi rói. Hiền đã kịp nâng vạt áo lên lau vội dòng nước mắt khi nghe tiếng xe máy của Cương dừng lại ở bên ngoài.

          - Em… em đến được một lúc rồi.

          - Em… Anh… Cả Cương và Hiền đều đồng thanh ấp úng.

          - Em nói trước đi! Cương giục Hiền. Hiền gượng cười, lấy ra chiếc áo ấm mình mua và bước về phía người yêu:

          - Đây là món quà sinh nhật em tặng anh! Cương mặc chiếc áo Hiền tặng thấy vừa khít và thật ấm áp. Xong rồi, anh đặt món quà của mình vào tay Hiền:

          - Còn đây… là món quà anh dành tặng em nhân kỷ niệm 1 năm ngày mình yêu nhau!

          - Sao anh lại làm thế? Em… em biết tất cả rồi.

          - Anh… anh cũng muốn dành cho em bất ngờ. Vòng tay ôm lấy Hiền, giọng anh ấm áp:

          - Xuân này, mình cưới nhau em nhé! Dẫu trước mắt còn nhiều khó khăn nhưng anh hứa sẽ cùng em vượt qua tất cả... Hiền tựa đầu vào vai Cương, đôi mắt ánh lên niềm hạnh phúc vô bờ. Cô khẽ nói như chỉ để Cương nghe thấy:

          - Cảm ơn anh!

Truyện ngắn của Lê Thị Xuyên

Các tin khác


Này, cô có biết tôi là ai không?

(HBĐT) - Vừa vào phòng, bà phó phòng giật nảy mình khi thấy cô nhân viên mới đang gục đầu xuống bàn thút thít khóc. Gớm, sáng ra đã có chuyện gì thế. Người yêu mắng hả? Bà chủ động trò chuyện. Nức nở một hồi, lẫn trong tiếng nấc, bà hiểu đầu đuôi câu chuyện. Quẳng điện thoại xuống bàn, bà chạy vụt ra hành lang ngó ngược, ngó xuôi. Giời ạ, bé cái mồm thôi, may ở ngoài không có ai. Cái bà mà cháu kể mặc bộ váy đỏ là "phu nhân" bác ấy đấy…

Về nhà

Truyện ngắn của Bùi Huy

(HBĐT) - Nửa đêm, tiếng chuông điện thoại réo rắt khiến anh choàng tỉnh xen lẫn nỗi sợ hãi mơ hồ. Giờ này có điện thoại là có chuyện gấp chi đây. Ôi, cậu bạn học cấp 3 hiện đang là doanh nhân thành đạt ở tỉnh xa gọi. "Này, mai cậu đến nhà mình xem thế nào… Gọi điện mà bà chị không nhấc máy. Hay bà cụ nhà tôi có điều gì không...?”. Nghe có vẻ hoảng và thảng thốt quá. Anh trấn an: "Chắc không vấn đề gì đâu. Có gì không hay chị cậu phải gọi chứ”. "Nhưng mà mai cậu tạt qua nhà xem có chuyện gì không nhé”. Và thoảng trong điện thoại có tiếng thở dài khe khẽ: "Hai năm nay, mình chưa về rồi… Bận quá bạn ơi. Mưu sinh xứ xa. Dạo này đang vào mùa. Guồng quay không thoát ra nổi...". 

Đánh tráo

(HBĐT) - Sau khi gả công chúa yêu cho Thạch Sanh, vua cha nghĩ mãi không biết giao cho chàng rể quý công việc gì cho tương xứng. Nhớ lại tiếng đàn trong ngục tối của Thạch Sanh ngày nào làm cho công chúa đang âu sầu, ủ rũ bỗng hớn hở, vồn vã. Cũng từ tiếng đàn ấy khiến binh lính mười tám nước chư hầu không còn ý chí đánh trận và nhất tề cuốn giáp rút quân, nhà vua quyết định giao cho Thạch phò mã giữ chức Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao ở vùng "rừng xanh, núi đỏ”.

Nghĩ về người thấy với sự nghiệp trồng người

(HBĐT) - Nghĩ về thầy, nét nghĩa đầu tiên của danh từ này dành chỉ người được đào tạo có năng lực sư phạm. Đời của mỗi người, ai cũng có thầy. Không ai có thể nhớ hết khuôn mặt, tên thầy của quãng đời đi học. Song tình nghĩa trong lòng trò nghĩ về thầy vẫn luôn nuôi nhớ.

Cỏ dại nở hoa

Truyện ngắn của Bùi Việt Phương

(HBĐT)-Loay hoay mãi chúng tôi cũng tìm được chỗ đỗ xe. Con đường đổ bê tông dày và phẳng, bánh xe chạy nghe êm tai nên xe cộ đi lại khá đông, phải cố tạt vào mép đường cho gọn. Tôi quay sang hỏi chàng trai trẻ cầm lái: "Cậu có đoán ra chỗ nền nhà mình ngày xưa không?”. Tất nhiên là không rồi, cái lắc đầu và nụ cười. Mấy mươi năm mọi thứ đều thay đổi, chỉ có hương lúa đồng vẫn thơm. Giờ ai có thể hình dung được, nơi đây từng là con đường đất lầy lội từng bước chân trâu, chân học trò nhưng ấm áp bởi luôn nhìn sang bên kia cánh đồng mà tự nhủ. Cố lên đoạn đường nữa thôi, bên kia là nhà thầy.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục