Truyện ngắn của Thúy Hằng


Reng! Reng! Reng….! Tiếng chuông điện thoại kéo bà Lam khỏi cơn mộng mị giữa ban ngày. Mấy hôm nay chứng rối loạn tiền đình trở nặng, đêm không thể chợp mắt khiến đầu óc bà quay cuồng, chân tay lẩy bẩy. Quờ được chiếc điện thoại bà lần sờ bấm bừa cái nút bên trái rồi áp lên tai cất giọng uể oải, nặng nhọc: Alo! Ai gọi vậy?… A lo! Hẳn chừng thấy giọng bà thều thào ngắt quãng, phía đầu dây bên kia cũng ngập ngừng: Alo! Có phải bà Lam đấy không?

- Vâng! Tôi Lam đây. Ai gọi vậy?

- Tôi Lương! Lính công binh, Trung đoàn 4, Sư 470, mở đường vượt sông Sêrêpốk, buôn Đôn, Đắk Lắk!

Chất giọng khảng khái, chắc nịch. Từng lời, từng lời len vào tâm trí bà như những tiếng "xoạch, xoạch” và vệt sáng lóe lên trong phòng chụp X-quang khiến bà bừng tỉnh, giọng lắp bắp: Ông… Lương!

Ông Lương cúp máy thì chiếc điện thoại cục gạch của bà cũng vừa hết pin, tắt ngấm. Vươn tay đặt chiếc điện thoại lên chiếc kệ ở góc giường bà ráng mở cặp mắt nặng trĩu nhìn trân trân lên trần nhà. Bỗng chốc bức tường thạch cao trắng sữa trước mặt bà hiện lên quang cảnh âm u, mà cũng hết sức sống động của núi rừng Tây Nguyên, nơi bà và những người đồng chí, đồng đội bạt núi mở đường Trường Sơn năm xưa.

Ngày ấy, bà con trẻ lắm! Chưa đầy 18 tuổi nên nhìn khuôn mặt vẫn "bấm ra sữa”, chị Thắm, chị Hoa, chị Lài… mấy chị em cùng tổ đội bảo vậy. Các chị cùng sinh ra ở nơi gió Lào, cát trắng miền Trung nên sở hữu nước da đen giòn khỏe khoắn. Nhìn cái dáng lỏng khỏng, nước da trắng nhợt, gân xanh nổi chằng chịt mu bàn tay Lam các chị ái ngại: Không biết mày có chịu nổi nỗi vất vả ở chốn rừng thiêng, nước độc này không? Ở đây thường xuyên phải dùng nước suối đục để nấu cơm ăn, mà có lúc cơm không có mà ăn đâu, khoai, sắn, củ nâu, củ chuối. Rau thì cơ bản là tàu bay, rau dớn, lá bép, lá bứa chua, cải rừng, lạc tiên, rau má, măng… Hôm nào muốn cải thiện thì ra bờ suối, bờ sông mò cua, bắt ốc.

- Ở đây mưa nhiều lắm, mưa rừng kéo dài cả tuần, quần áo luôn ẩm ướt nên ghẻ lở, hắc lào là chuyện bình thường, mà nếu bị sốt rét còn rụng hết cả mái tóc dài này đấy! Vừa nói chị Là vừa vuốt vuốt mái tóc dài óng mượt của Lam với cái nhìn trìu mến như dành cho đứa em gái út của chị vậy.

Còn đang lâng lâng vì lọt qua mấy vòng tuyển để được tham gia vào đội thanh niên xung phong tiếp lửa cho tiền tuyến nên Lam hăng hái: Em chịu được!

Quả thật Lam đã chịu được, thậm chí luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của một đội viên. Có điều Lam luôn phải cố gắng hết sức để rồi hơn 1 năm sau thì kiệt sức… và đổ bệnh. Căn bệnh lạ thường xảy ra với người có hệ thần kinh nhạy cảm, sức chịu đựng kém… mà sau này trở về hậu phương được học hành và nghe nói nhiều, nhắc nhiều mới biết: Bệnh Ét-tơ-ri (Hysteria), một chứng bệnh về rối loạn thần kinh mà người mắc không kiểm soát được hành động.

Trong cơn bứt rứt, ngứa ngáy, toàn thân rạo rực, tim đập liên hồi… Lam nhào mình xuống dòng Sêrêpốk. Thấy cô gái chới với vẫy vùng, ý chừng không biết bơi, không chút lưỡng lự, Lương nhảy xuống kéo cô gái lên bờ. Đang trong cơn kích động cảm xúc, Lam giãy dụa một hồi rồi ghì chặt bờ vai vâm váp của người đồng chí chưa hề biết tên trước khi lịm dần. Khoảnh khắc đó đã lọt qua "tai vách mạch rừng” và rồi cả hai cùng bị kiểm điểm ở đơn vị. Vì xấu hổ và cũng vì những quy định nghiêm ngặt dành cho bộ đội và thanh niên xung phong ở nơi tuyến lửa, 10 ngày sau Lam mới dám tìm gặp người đồng chí đã cứu mình để nói lời xin lỗi. Nhưng Lam đã chậm chân vì đơn vị của Lương đã nhận lệnh hành quân đi chiến đấu ở trận địa khác từ đêm hôm trước. Không nhớ mặt, chỉ nhớ tên qua lời kể của đồng đội, nhưng cái tên Lương đã ăn sâu vào tiềm thức của Lam trong suốt những năm tháng dài của tuổi trẻ. Sâu đậm đến nỗi khi sinh đứa con trai đầu lòng Lam nhất định đặt tên là Lương chứ không phải là Minh, Trí hay Dũng như người chồng kỹ sư của Lam đã chọn.

Tuổi già kéo theo bệnh tật khiến bà Lam không còn nhớ một cách mạch lạc, tường tận những gì diễn ra từ hơn non nửa thế kỷ trước. Thế nhưng khi nhắc tới tên Lương, sông Sêrêpốk, buôn Đôn, Đắk Lắk…, những ký ức xưa lại ùa vềnguyên vẹn. Dòng hồi tưởng ấy như một phương thuốc diệu kỳ khiến đầu óc bà chợt nhẹ bẫng. Bà gắng gượng trở mình ngồi dậy, chậm rãi đi về phía góc tủ nơi lưu giữ chiếc mũ tai bèo, tấm vải dù và chiếc ăng-gô đã hoen rỉ. Đôi tay run run bà lần sờ chiếc mũ và đội lên mái đầu bạc, quàng tấm vải dù vào đôi vai gầy rồi ngắm nhìn mình qua gương như thời còn trẻ. Đâu đó trong tâm thức bà chợt vang lên nhịp điệu bài hát "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” với những tiết tấu trầm hùng: "Cùng mắc võng trên đường Trường Sơn/ Hai đứa ở hai đầu xa thẳm/ Đường ra trận mùa này đẹp lắm/ Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây…”. Trong khoảnh khắc ấy, bà mong thời gian ngắn lại để đến ngày 30/4, ngày mà ông Lương và những người đồng đội cũ tổ chức gặp mặt ở khu nghỉ dưỡng Thác Mơ, bà sẽ gặp ông Lương để nói lời xin lỗi mà bà đã cất giấu gần hết chặng đường đời.


Các tin khác


Hoa gạo tháng Ba

(HBĐT) - "Cây gạo đỏ hoa bên vệ đường làng/ Tiễn con về nhà chồng một ngày áo thắm". Tháng Ba, mạ đã bén hơi đồng đất, như người con gái đã về nhà chồng, chỉ đợi cơn mưa đầu mùa lên để mướt xanh, yên lòng đôi mắt mế trong Mường đã đục màu sương khói.

Hoa ngũ sắc

(HBĐT) - Xuân ơi nhà có khách! - Dạ vâng! Con xuống ngay đây mẹ! Lia nốt những giọt nước cuối cùng trong bình tưới cho khóm hoa ngũ sắc, Xuân bước lẹ về phía trái nhà rửa tay, chỉnh trang lại trang phục và chuẩn bị sẵn nụ cười tươi để đón khách.

Món quà

(HBĐT) - Cứ vào dịp những tháng cuối năm và đầu năm, nhà bác Thơm lại đông người đến người lui. Có lúc bí quá, bác hay gọi mẹ tôi là em dâu và các cháu, trong đó có tôi lên giúp cơm nước để tiếp khách. Lạ thật, mình làm người bốc thuốc gia truyền, họ đến, họ phải quà cáp, lễ lạt chiều chuộng mình, thế mà bác lại làm ngược lại.

“Chiến sĩ áo trắng”… những ngày đáng nhớ

(HBĐT) - Vậy là cuộc hành trình giao mùa của năm Canh Tý - Tân Sửu và kỳ nghỉ Tết cổ truyền của dân tộc đã qua. Những ngày qua…, khi mọi người đều hướng về Tết, những nhân viên ngành Y tế tiếp tục là chiến sỹ tiên phong, gồng mình chống dịch để bảo vệ sức khỏe Nhân dân, không ngại gian khổ, hy sinh để ngăn ngừa, kiểm soát "làn sóng thứ 3” dịch Covid-19. 

Tháng giêng

(HBĐT) - Tháng giêng, con đường mòn dẫn lên nhà Thắng cỏ xanh mướt. Ngày còn bé, chẳng đứa bạn nào chịu lên nhà Thắng chơi, dẫu những cây táo, cây ổi, cây na vẫn không quên sai quả. "Đã xa lại còn dốc, có đàn chó dữ” - ừ, cũng đúng. Thế mà cũng có một lần, Thắng nắm tay được một bạn gái lên đến gần tới cửa nhà. Cô bé có đôi mắt trong veo, lúc nào cũng ngỡ ngàng không biết thế nào lại bẽn lẽn nhìn xuống. Mà nhìn xuống thì thấy tay Thắng đang nắm tay cô, từ từ đỏ mặt, bẽn lẽn gỡ tay mình ra khỏi tay bạn rồi vụt chạy về nhà. Cho đến tận bây giờ, lắm khi ngồi bệt xuống lối mòn ấy, Thắng cứ tiếc mãi...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục