(HBĐT) - Mẹ tôi gọi zalo cho tôi không được liền để lại tin nhắn: "Năm nay 26 Tết nhà mình gói bánh”. Gớm, sớm thế! Tôi tự nhủ. Mọi năm đến 28, 29 bố tôi mới rửa lá, mẹ ngồi tính toán bao nhiêu cân gạo, mấy cân đậu, rồi thịt vai hay thăn… Tôi thì chỉ tham gia cái chân trông bánh, chỉ ngửi hơi lá dong mà cái mặt đã tròn phinh phính…


Năm nay Tết ấm, tôi ngồi trông nồi bánh ở sân sau nhìn ra dòng sông lấp lánh ánh đèn và tiếng nhạc. Một bài hát mùa xuân vu vơ đã nghe đến cả trăm lần bỗng lọt vào tai: "Xuân đã đến bên em…”. Tôi buột miệng: "Xuân đã đến bên anh chưa?”. Lời vừa ra khỏi miệng, bỗng thấy giật mình với chữ "anh” vô định. Mẹ tôi ở sau lưng cất giọng: 
- "Anh” thì chả thấy đâu mà năm nào đôi già cũng lọ mọ vớt bánh đấy…
Tôi vẫn hoàn toàn làm chủ tình hình "phản công” lại:
- Con tự vớt được bánh nhé, mẹ yên tâm, hì hì.
- Ai khiến - mẹ tôi không chịu thua - nhà này phân công rõ ràng rồi: Mẹ đãi gạo, thổi đỗ, cái Thu ướp thịt. Bố mày gói, ông bà nội giám sát, còn vớt bánh á…, từ năm sau phải là chàng rể. Phong tục là vậy…
Tôi khiếp cái "phong tục” của nhà tôi quá, vừa xếp bánh nóng hổi vào rổ vừa thấp thỏm. Cứ đà này, biết đâu bố mẹ tôi lại làm mạnh như nhà cái Thùy bạn tôi, mỗi ngày giới thiệu 2 anh. Vị chi về ăn Tết 6 ngày là có đến 12 cái mặt khi đến hí hửng khi về thì hụt hẫng.
Nhưng hết mùng 1 rồi mùng 2 nhà tôi vẫn yên ắng. Cái khay bánh mứt còn đầy ắp chưa một lần được mở ra. Gói chè Tân Cương của bố tôi vẫn chưa được bóc. 
- Căng thật - cha tôi nhón chút hạt bí vào lòng bàn tay, tăng volume tivi. 
- Gì thế anh, chiến sự ở Ù cà à?
- Anh em gì, đã bảo từ giờ ông tôi cho ra dáng musis đại nhân (bố nhắc mẹ).
- Thế là cái gì mà ông cuống lên thế? 
- Thằng rể tương lai đấy, nó đang trả lời phỏng vấn kìa.
Tôi thật chả hiểu bố kiếm đâu ra cái "chàng rể” nhưng vì tò mò cũng thò đầu ra khỏi chăn ngó xem nhưng chỉ kịp thấy máy quay lướt đến cảnh người đó đang nấu nướng, rửa bát. Hóa ra nhà đài cũng lắm chuyện, giờ khai thác cả chủ đề mấy ông mọt sách vào bếp. Mà kể ra anh ta cũng khéo thật, riêng cái khoản rửa bát siêu thế kia cô nào lấy được thì...
Lúc cái Thu, em gái tôi dọn cơm ra, bố tôi lên mặt thật sự với hai mẹ con:
- Đấy, ra giêng cô cả đi thực tập thì liệu mà đối tốt với người ta, mới có tí tuổi mà đã làm đến cái chức ấy, khá thật!
Khi tôi còn đang thắc mắc với bố mới "tí tuổi” ấy băm mấy thì "Tào Tháo” đã hiện ra ngay trước mặt. Anh cất tiếng chào làm tôi suýt nữa giật mình tuột tay khi đang bưng bát nước mắm tỏi ớt. Nhưng khác với cái dáng vẻ sang trọng mà tôi hình dung, anh chàng này nhìn ngô ngố, chắc cũng mới được lừa đến đây chưa rõ âm mưu của bố mẹ tôi.
Bỗng (lại bỗng dưng) mẹ tôi hốt hoảng:
- Ối, ngồi vào chỗ ghế ướt à Đức. Khổ, em nó vừa thay nước cho hoa quên lau đấy, con gái con lứa bằng đấy tuổi rồi… À không, từ hôm bị Covid mới thế chứ trước đây nó khéo lắm…
Anh kia nhìn thấy tôi thì bắt đầu đỏ mặt nhưng vẫn tỏ ta khá lạnh lùng:
- Thế mà cháu cứ tưởng… nhà mình có cháu bé vừa tè ra ghế.
- Làm gì có, em Huyền nhà cô học báo chí năm nay còn đang xin thực tập chỗ anh đấy…
Lúc ấy tay tôi đang gắp một miếng nem, nghĩ thế nào lại bỏ tọt vào miệng, định bụng sẽ đá khéo một câu nhưng hóa ra Đức lại "ra tay” trước:
- Cô cứ nói thế chứ em Huyền vừa xinh đẹp lại năng động thế này khối chỗ mời đến thực tập ấy chứ. Nhưng mà cơ quan cháu lại cũng có "luật” riêng...
- Luật gì anh? - Tôi bật nhanh hơn tôm nhảy trong chảo.
- "Luật” quy định là nếu cô nào đến thực tập mà chưa có người yêu thì khi đến cơ quan phải hát một bài, uống 3 chén rượu. Còn nếu… thì thôi.
Sáng mùng 8, ngày đẹp, nắng vàng, trời trong, tôi diện chiếc váy đẹp nhất đến cơ quan anh. Đập vào mắt tôi là một cây đào hoa nở rất đẹp. Sau khi làm việc với văn phòng, phòng biên tập, tôi được mọi người mời đến văn phòng để uống rượu vang và ra mắt. Chị văn thư nhắc khéo tôi: 
- Nay sếp trưởng đi vắng, Phó Tổng biên tập là nữ rất xì tin, chỉ cần khen chị ấy mặc váy đẹp là ok. Nhưng anh Trưởng Ban Biên tập thì hâm lắm, toàn bắt nạt gái trẻ. Cún liệu mà ứng xử cho vui vẻ nhé.
- Vâng, thế có phải anh Đức không ạ?
- Không nó thì ai, băm hai rồi đấy.
Khác với lúc đến nhà tôi ăn cơm, hôm nay mặt Đức lạnh tanh như một vị quan "thiết diện vô tư”. Sau khi chào hỏi tất cả mọi người, anh hỏi tôi:
- Thế bạn Huyền đã có người yêu chưa, tức là có bạn trai chưa, nếu chưa có thì...
Bắt đầu có những tiếng cười rồi rộ lên cả phòng họp, không hiểu sao lúc đó tôi lại nhanh nhảu đến thế, một ý nghĩ thoát hiểm lóe lên:
- Em thuộc dạng không phải uống 3 ly vang và hát một bài đâu ạ.
Lần này, mọi người còn cười to hơn đầy vẻ thích thú và tất cả các cặp mắt đều soi vào khuôn mặt Đức. Anh ta vội cười rồi nâng ly uống cạn. Tôi hả hê tột độ, hả hê như người nông dân trong câu chuyện "Trí khôn của ta đây”. 
Những ngày sau đó tôi ít gặp Đức, anh hình như có ý lánh mặt nên toàn nhờ các chị biên tập đến trao đổi với tôi. Một tháng thực tập đầu tiên qua đi, tôi nhận ra những chiếc váy, những đôi giày của mình không còn thích hợp nữa. Nó chỉ hợp với phong cách trẻ con, hợp với những cuộc đàn đúm bạn bè. Thế nên, từ khoản nhuận bút bài báo đầu tiên, cộng với tiền mừng tuổi tôi đã dành mua một đôi giày cao gót mới. Đôi giày ấy làm tôi thật sự tự tin từng bước chân, hình như cũng vì thế mà từ sáng đến giờ tôi toàn được các chị khen, nào là "viết khá hơn”, "sửa lỗi kỹ”, ngay cả đến chị lao công còn phải thốt lên: "Cún hôm nào nhìn điệu đà thế!”.
Tôi thế đấy, vậy mà lượn qua phòng Đức cả chục lần với tiếng gót giày vang trên đá lát nền mà chẳng làm anh bận tâm. Cửa phòng "giai tân” luôn mở một cách đường hoàng (các chị bảo lúc nào cũng thấy vậy) nhưng anh ta thì vẫn chăm chăm nhìn vào màn hình máy tính như một kẻ đã đắc đạo. 11 giờ, nắng tháng giêng trải vàng ấm áp, tôi đi qua phòng Đức lần cuối, hôm nay là trưa thứ Sáu, nghe nói chiều anh có chuyến đi công tác dài ngày đến khi tôi thực tập xong cũng chưa về. Đang mơ hồ nghĩ xa xôi thì bỗng cắc một tiếng, dưới chân tôi đất như sụp xuống. Không đúng, là cái gót giày của tôi gãy, chân tôi khụy xuống, cái cổ chân chẹo đi đau nhói tận óc. Tôi nhăn nhó nhìn xung quanh thì một cánh tay kịp đỡ lấy tay tôi, một đống giấy tờ rơi tứ tung. Tôi bất ngờ nhận ra Đức, anh dìu tôi ra chiếc ghế đợi ở sảnh:
- Em có sao không, hay anh gọi bố em đến đón nhé.
- Bố em đi vắng (tôi cố gắng nói thật nhỏ nhẹ mà không thể).
- Hay, em gọi bạn trai đến đưa em đi khám nhé...
- Khám gì mà khám em không có...
- Ấy, em đừng chủ quan, bây giờ không sao nhưng đêm về nó xưng tấy đấy.
- Em không có bạn trai...
Mắt Đức bắt đầu sáng lên rồi lại ấp úng:
- Thế sao hôm nọ em không...?
- Em có uống được rượu đâu mà dám nói thật. Tết đến nhà em còn chưa có người vớt bánh đây này...

Truyện ngắn của Bùi Việt Phương

Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục