Tùy bút của Bùi Việt Phương

 

 

Sau 2 năm dịch bệnh bị gián đoạn, năm nay mường mở hội Khai hạ có quy mô lớn hơn chứ không chỉ của riêng Mường Bi. Khai hạ để xuống đồng, bắt đầu năm mới hanh thông, để lòng người thêm hy vọng. Người Mường cũng như các dân tộc anh em khác đều yêu ruộng đất, cấy hái, trọng lẽ sinh sôi, sống dung hoà, giản dị, coi trọng tình làng, nghĩa xóm, yêu quê hương, bản quán…

Những thửa ruộng trong mường hôm nay dường như cũng đã khác, không còn nằm ngủ yên trong giá rét sau mùa trước mà mang hơi thở, sức sống mới, chờ đón vụ chiêm xuân. Thế mới biết, làm nông đâu chỉ quẩn quanh với cái ăn, cái mặc, người nông dân cũng biết tạo ra cho mình những niềm vui riêng, tạo ra các giá trị văn hoá phi vật thể, đồng hành cùng thời gian, lưu truyền đến muôn đời…

Khác với miền xuôi, lễ hội trong các vùng mường có một không gian, thời gian khá đặc biệt. Lễ hội chính là sự giao thoa giữa các yếu tố có trong truyền thuyết và cổ tích, huyền sử của mỗi vùng đất. Bởi thế, có những sự sáng tạo riêng, dựa trên các đặc điểm cơ bản. Khi khắp các bưa đã đông đúc, những hoạt động mang màu sắc tín ngưỡng như đánh chiêng, rước kiệu, đoàn người uy nghi đón rước, cảm thấy thời gian ngừng trôi, đưa ta về lại quá khứ. Sự ngưng đọng đó như tạo nên tâm thế cho mỗi người khi chiêm bái một hòn đá thiêng hay một hang núi có nguồn nước diệu kỳ, một cây đa bóng cả, những khúc hát đối giao duyên...

Nói đến lễ hội không thể không nhắc đến các sơn nữ Mường bẽn lẽn trong váy mới, họ nhẹ nhàng bước đi nhưng vẫn khiến cho tiếng xà tích rung reng lần đầu đến hội, dường như trong lòng các cô rất bồi hồi. Một cô đi qua phía lối có chàng trai mà mắt đã ưng, lòng đã mến nhưng còn e ngại. Rồi chính cô lại tự hỏi: Liệu thanh âm của trang sức ấy có đủ làm lay động được người con trai đó không. Trong hội, cô vẫn lén quan sát xem người trai ấy nói gì, nghĩ gì, làm gì… Hội có một ngày nhưng cũng đủ làm ngọn lửa để nhen lên những mối tình say đắm lòng người. Biết đâu xuân sau, mùa hội sau họ đã nên duyên vợ chồng lại bên nhau trong ngày hội.

Ngày nhỏ, tôi được bà cho đi xem hội. Thấy hội đông, tôi cứ thế nem nép dưới chân bà để xem rước kiệu từ núi ra có gì khác so với lúc người ta đem kiệu vào. Hình như trong bóng nắng có bóng thiêng liêng đang ngự. Một sự tưởng tượng, mong ngóng và ước vọng. Trong bưa đầy cỏ xanh, dưới bóng cây đa làng là chợ của ngày hội mỗi năm chỉ có một lần, bày bán toàn thứ mà tôi ít thấy như đồ trang sức bằng bạc, thổ cẩm, sáo ôi… cứ thế, người mua để lưu giữ, để thoả cái vui của một năm bởi lẽ họ sợ sẽ lỡ một mùa hội qua đi…

Những người bán hàng ở đây không chào mời quá mạnh mẽ. Họ đón đợi người đến xem như một cách để giao lưu. Hay nói cách khác, họ muốn đi cái may, vật quý để ấm lòng người đi hội. Còn nhớ ngày đó, thể nào bà cũng dẫn tôi đến chỗ mẹ. Mẹ lại dúi mấy đồng tiền vừa bán được vào tay tôi đi mua cái bóng bay, mua kẹo. Sau này tôi mới biết, những gì tôi mua cũng đâu có rẻ chút nào. Nhưng lúc đó tôi chỉ biết nhét vội tiền vào túi ùa theo chúng bạn. Trẻ con đến với hội để trốn tìm, để ẩn náu, còn người lớn thì hoảng hốt lo âu tìm bóng dáng chúng lẫn trong đoàn người đi xem hội…

Cứ thế, qua mỗi mùa hội, lũ trẻ nhỏ lớn lên, người lớn già đi. Theo tục lệ trong mường, cứ sau ngày mùng 7 tháng giêng (mùng 8 Tết), các vùng mường lớn nhỏ bắt đầu có lễ hội. Người ta đến hội đâu chỉ để xem phần nghi lễ mà còn để tham gia phần hội với các trò chơi như: đánh mảng, đi cà kheo, bắn nỏ hay hát đối… tất cả đều quyết liệt vừa giống như mọi cuộc thi, lại như một bổn phận của con người với đất trời, với cây cỏ và với cộng đồng của mình. Họ thể hiện sức mạnh của bản thân sau một năm luyện rèn, tích lũy…

Người đi hội mường không bon chen cầu may như thường thấy, mà ở họ chỉ đơn giản là để góp mặt làm nên một không khí thật đặc biệt giữa bưa cỏ đang lên xanh mướt. Có hội là có mùa xuân, có duyên cớ để gặp người tri kỉ. Dường như triết lý đó không bao giờ thay đổi dẫu bao năm tháng đã qua đi…

Năm nay tôi lại dắt bà đi hội trong mường. Bây giờ, khi tuổi tác đã cao lại đến lượt bà rón rén theo tôi. Thế mới biết thời gian đã tạo ra một cuộc đổi ngôi kỳ lạ và nghiệt ngã. Sau bao năm trở về tôi lại thấy kiệu vẫn được rước từ núi ra, cái đầu trâu vẫn được tế trong đình, người đi hội vẫn nán lại chờ khi cây nêu đổ xuống xem vận mệnh một năm tốt xấu, như một cách đoán định và hy vọng vào tương lai…


Các tin khác


Khúc ca xuân vọng mãi…

(HBĐT) - Mỗi tuổi, mỗi giai đoạn của đời người đều gắn kết với 1 bài hát, bài thơ hay một vở kịch, bộ phim? Không biết điều đó có đúng với tất cả mọi người? Nhưng mùa xuân đang về, nghe những khúc ca xuân, nghe những vần thơ, bài hát giữa mùa xuân vẫn thấy trào dâng những rạo rực, những nôn nao như tuổi hoa niên nào. Nên khá đồng cảm và cám ơn những câu thơ lay gợi lòng người của thi sĩ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ khi ông viết rằng: "17 tuổi lòng ai không hồi hộp/Khi ngồi trong rạp hát đợi màn lên”

Rét vào mùa nhớ

(HBĐT) - Mùa này, tôi hay nhìn ra cửa sổ. Lúc này thì đất trời, phố xá đang vào lúc ảm đạm nhất. Mùa đông như một người đã bước sang tuổi xế chiều dẫu còn những nét đẹp hôm nào nhưng sắc diện, phong thái đã kém đi.

Hà Nội những mùa đông lịch sử…

(HBĐT) - Mùa đông, tháng 12… Hà Nội có bao điểm để đến, bao điều để nhớ và để lưu giữ trong lòng. Trong cái rét mướt đầu đông, bỗng muốn được thấy những màu hoa trên các cửa ô, ngõ nhỏ, phố nhỏ. Hoa loa kèn, cúc họa mi… và phảng phất mùi sương khói, hương hồ của hồ Tây, hồ Gươm, hồ Bảy Mẫu… Có cái rét của mùa đông, nhưng lại có chút ấm đi kèm của mùa xuân đang ngấp nghé sắp về ở phía xa thành phố. Tháng 12, Hà Nội mùa đông còn khơi gợi, thúc giục bao bàn chân du khách trở về với những ký ức hào hùng về lịch sử Thủ đô - thành phố hòa bình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục