(HBĐT) - Đầu năm nay, cùng với việc lên lịch vãn cảnh, thăm quan mấy ngôi chùa cổ có tiếng trong vùng, vợ chồng chị N.M còn tính việc mừng thượng thọ cho mẹ. Chị vốn nhanh nhảu nên đã nhắn một loạt tin trong nhóm zalo gia đình để xin ý kiến các cô chú, các thím về quy mô, tính chất của lễ mừng thọ. Đưa ý kiến ra như thế thôi nhưng chị lại quyết sớm, chốt nhanh như điện trước khi mọi người có ý kiến. Đại để chị cho rằng: Năm nay dịch Covid-19 tạm lắng, nên việc mừng thọ cho bà tuổi 80 có điều kiện để nâng cấp về lễ. Số người được mời có thể mở rộng hơn. Ngoài con, cháu, chắt của bà còn bạn bè thân thiết của chồng, của vợ cùng bạn của các cô, các chú, bạn cùng đơn vị, công ty. Rồi các bác bên nội, bên ngoại của mẹ. Chưa kể các đối tác làm ăn, hàng xóm lân bang…

Chị sang sảng với mọi người: Sơ sơ cũng phải mấy chục mâm, mà thực đơn em phải tiếp tục bổ sung, cân đối cho đầy đặn, phong phú. Có phải năm nào cũng mừng thọ đâu, 5 năm mới có 1 lần. Anh đã định đặt ở nhà hàng, khách sạn nào chưa vậy? Làm gì thì làm đừng búi xùi quá, thiên hạ họ coi thường cho. Hôm tổ chức em phải "truyền hình trực tiếp” cho bạn "phây” của em lác mắt. Anh chồng vốn là người trầm tính, chỉ bâng quơ: "Làm gì cũng phải hỏi ý kiến mẹ đã chứ, sao em vội vàng thế. Mẹ không đồng ý thì sao?”. Chị lườm chồng một cái rõ dài rồi vung vẩy ra khỏi phòng…

Đúng như dự đoán của anh, khi nghe chị trình bày "kịch bản” lễ mừng thọ, cùng một danh sách khách mời đến mấy trang giấy, kèm thực đơn với các món của miền rừng, miền biển, bà cười cười rồi nhẹ nhàng: Các con, nhất là mẹ thằng cò lo cho lễ 80 tuổi của mẹ như thế là quý rồi. Mẹ cám ơn nhiều lắm… Không cần quá câu nệ việc tổ chức to hay nhỏ, miễn là các con biết nghĩ, biết lo cho mẹ là mừng lắm rồi. Mẹ vui nhất là thấy các con cháu sống vui khỏe, bình an và học hành tấn tới. Mọi người luôn quan tâm và yêu thương nhau. Chứ mấy chục mâm tú ụ mà lòng buồn tủi thì để làm gì các con nhỉ…

Sau này, nghe mẹ và các bạn của mẹ trò chuyện với nhau, vợ chồng anh càng hiểu hơn rằng: cần phải biết lắng nghe những tâm tình của cha mẹ, nhất là khi họ đã cao tuổi. Đấy, như chuyện nhà này, nhà nọ tổ chức linh đình, ồn ào mà sau đó vợ chồng con cái "tiếng bấc, tiếng chì” câu chuyện đóng góp, câu chuyện tiền mừng. Rõ rầu ruột. Rồi chuyện gia đình nọ ở xã kia có đến mấy đứa con, hôm xã tổ chức mừng thọ chung, vì bận công việc gì đó lại để con trai đang học lớp 6 đi cùng ông. Ông cháu đèo nhau thế nào mà loạng quạng ngã, xước cả chân tay. Đến lúc đó các con mới hối hận nhìn lại chính mình, may không thành chuyện to hơn… Qua câu chuyện đó, chốt lại vẫn là tình cảm mới là quan trọng, chứ bày biện rình rang mà thiếu sự chu toàn, tình cảm với cha mẹ là điều không nên…

Ngày diễn ra lễ mừng thọ cho mẹ của gia đình chị N.M dù không tấp nập khách vào ra nhưng vui vẻ, ấm cúng. Mẹ con, bà cháu rạng ngời chụp những bộ ảnh đẹp, xuân sắc bên những cành đào, nhành mai. Tiếng hát chúc mừng của nhóm các cháu trai, cháu gái học mẫu giáo, tiểu học bỗng nhiên trở thành "tiết mục đinh” của lễ mừng thọ gia đình. Hôm đấy, ai cũng thấy ánh mắt của bà mẹ là rạng ngời nhất. Niềm vui tuổi già…


Bùi Huy


Các tin khác


Khúc ca xuân vọng mãi…

(HBĐT) - Mỗi tuổi, mỗi giai đoạn của đời người đều gắn kết với 1 bài hát, bài thơ hay một vở kịch, bộ phim? Không biết điều đó có đúng với tất cả mọi người? Nhưng mùa xuân đang về, nghe những khúc ca xuân, nghe những vần thơ, bài hát giữa mùa xuân vẫn thấy trào dâng những rạo rực, những nôn nao như tuổi hoa niên nào. Nên khá đồng cảm và cám ơn những câu thơ lay gợi lòng người của thi sĩ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ khi ông viết rằng: "17 tuổi lòng ai không hồi hộp/Khi ngồi trong rạp hát đợi màn lên”

Rét vào mùa nhớ

(HBĐT) - Mùa này, tôi hay nhìn ra cửa sổ. Lúc này thì đất trời, phố xá đang vào lúc ảm đạm nhất. Mùa đông như một người đã bước sang tuổi xế chiều dẫu còn những nét đẹp hôm nào nhưng sắc diện, phong thái đã kém đi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục