(HBĐT) - Cuối tháng 2, người bạn đồng nghiệp ở Hà Nội có lời mời hấp dẫn: "Có lên biên giới Hà Giang một chuyến không, sắp ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng 3/3 đấy”. Ra Tết, không khí xuân sắc còn tràn ngập mọi nẻo đường mà được đi về miền biên viễn còn gì thú vị bằng. Nhưng không phải cứ thích đều có thể lên đường. Dẫu không thể lên đúng dịp này, nhưng với Bộ đội Biên phòng, người dân vùng biên và biên giới đâu phải chưa từng đến, từng gặp. Ký ức đó luôn sống trong lòng, tươi mới và có sức sống mạnh mẽ…

Vẫn không thể quên lần đầu lên Hà Giang, được các chiến sỹ đồn biên phòng Thanh Thủy đưa lên cao điểm 468 để dâng hương hoa. Ban trưa, nắng vàng rực, mây trắng bay ngang trời, những cánh rừng vùng biên như xanh hơn khiến lòng bình yên đến lạ. Dường như nơi này chưa từng có những trận đấu pháo, trận chiến ác liệt. Thật hạnh phúc và cũng thật cảm kích khi được nghe, được chia sẻ cuộc sống, công việc của chiến sỹ biên phòng hôm nay. Bức ảnh chụp cùng các anh bên dòng suối Nà La - thượng nguồn sông Lô vẫn lấp lánh và lung linh những hoài niệm. Rồi có lần được đến và ngắm cột cờ Lũng Cú - Đồng Văn... Trong nắng gió biên thùy, lá cờ Tổ quốc tung bay bỗng trào dâng những xúc động không nói thành lời. Hình ảnh các chiến sỹ biên phòng đi tuần tra cùng các chiến sỹ dân quân vùng biên, nghe đâu đó câu ca "Chiều biên giới” (thơ Lò Ngân Sủn, nhạc Trần Chung) do chính các chiến sỹ Đoàn nghệ thuật Ngôi sao xanh (Bộ đội Biên phòng) hát thấy biên giới, thấy các chiến sỹ thật gần gũi, thật thân thương với những niềm tin bất diệt. Bao người đã từng ngân nga theo: "Chiều biên giới em ơi/ Có nơi nào xanh hơn/ Như chồi non cỏ biếc/ Như rừng cây của lá/ Như tình yêu đôi ta/ Chiều biên giới em ơi/ Có nơi nào cao hơn/ Như đầu sông đầu suối/ Như đầu mây đầu gió/ Như trời quê biên cương…”. Để rồi mỗi dịp nhớ về các vùng đất miền biên viễn từng đến, từng qua… từng câu thơ, câu hát lại vang lên trong lòng với sắc hoa đào, hoa mận, hoa tam giác mạch mênh mang, bất tận…

Làm sao có thể quên hình ảnh lần đầu được đến thượng nguồn sông Hồng, gắn với đồn biên phòng và cột cờ Lũng Pô (Lào Cai), cột mốc 92 - "nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”. Những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, khi biên giới không bình yên, những vần thơ của nhà thơ Dương Soái, phóng viên Đài PT-TH Hoàng Liên Sơn được thai nghén từ vùng biên này: "Anh ở Lào Cai/ Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt/ Tháng hai, mùa này con nước/ Lắng phù sa in bóng đôi bờ”. Từ bài thơ "Gửi em ở cuối sông Hồng”, nhạc sỹ Thuận Yến đã chắp cánh cho bài thơ hay thành một bài hát cùng tên nổi tiếng, đi cùng năm tháng… Để mỗi khi được các chiến sỹ, hay người mẹ, người chị cất tiếng hát, không ai nghĩ về một địa danh cụ thể mà thiêng liêng coi đó như biểu tượng chung cho cả đất đai, cây cỏ, núi đồi, con người và cuộc sống của bất cứ vùng biên cương nào của Tổ quốc. Cũng chính tình yêu đó mà có một niềm tự hào nho nhỏ rằng, dù không đi được nhiều nơi thuộc tỉnh biên giới phía Bắc nhưng cũng từng được chạm các cột mốc biên giới Tổ quốc ở nhiều miền biên viễn như: cột mốc 1369 (2) Móng Cái (Quảng Ninh), cột mốc 66 (2) Ma Lù Thàng, Phong Thổ (Lai Châu), Tây Trang (Điện Biên), cột mốc 1116 cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), cột mốc 261 (2) cửa khẩu Thanh Thủy, Vị Xuyên (Hà Giang)… Từ những kỷ niệm nho nhỏ đó đã hun đúc trong lòng và nuôi dưỡng tình yêu lớn dần theo năm tháng về những miền đất, con người trên các vùng biên của Tổ quốc. Để mỗi lần nghĩ về những vùng biên từng qua càng thấy thấm thía, cùng nỗi trân quý về sự hy sinh cống hiến của bao thế hệ người con đất Việt vì hạnh phúc và bình yên cuộc sống hôm nay…


Tản văn của Bùi Huy

Các tin khác


Cô gái đi cùng chuyến xe

(HBĐT) - Nhà bác tôi năm nay có nhiều điều vui, điều mới. Năm ngoái, mùa quả góp lực để gia đình mua thêm chiếc xe máy mới, cỡ gần 30 triệu đồng. Nhìn bác lượn đi chợ Tết ngày đến mấy lần, đủ thấy bác mê con xe này đến mức nào. Đầu năm nay, nhà bác còn nhận tin bất ngờ hơn: cậu con trai đang làm việc ở miền Trung dẫn bạn gái về nhà chơi.

Chuyện tháng giêng

(HBĐT) - Mẹ tôi gọi zalo cho tôi không được liền để lại tin nhắn: "Năm nay 26 Tết nhà mình gói bánh”. Gớm, sớm thế! Tôi tự nhủ. Mọi năm đến 28, 29 bố tôi mới rửa lá, mẹ ngồi tính toán bao nhiêu cân gạo, mấy cân đậu, rồi thịt vai hay thăn… Tôi thì chỉ tham gia cái chân trông bánh, chỉ ngửi hơi lá dong mà cái mặt đã tròn phinh phính…

Giêng hai… lên đường

(HBĐT) - Sau Tết, ra giêng cảnh sắc níu kéo mùa xuân nên không gian, lòng người vẫn còn rạo rực không khí "Tết đến, xuân về”. Nhưng những gốc đào cũng đang dần được chuyển ra vườn để trồng lại, cắt tỉa chờ đón một năm tiếp theo…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục