Tháng ba, khi những lễ hội vẫn còn diễn ra đây đó ở các vùng đất nhưng cuộc sống đã trở lại với guồng quay của lao động, sản xuất, kinh doanh… Nhịp sống mới khẩn trương và bình yên sau 2 năm bị xáo trộn do đại dịch Covid-19. Hơn ai hết, những người phụ nữ Việt Nam dù ở lĩnh vực hoạt động xã hội hay làm vợ, làm mẹ trong gia đình đều thấu hiểu và góp một phần không nhỏ vào sự phục hồi, ổn định này.
Hòa Bình là một vùng đất cổ, nơi chứa đựng những trầm tích văn hoá còn nguyên giá trị. Trong rất nhiều truyện thơ, truyền thuyết mà các nhà nghiên cứu đã sưu tầm, ghi chép lại đều xuất hiện các nhân vật nữ. Có thể thấy từ nàng Út Lót, nàng Ờm, nàng con Côi… đến nàng Quách Mỵ Dung (trong truyện thơ Đồi thông hai mộ của Vũ Đình Trung) đều một lòng trung trinh giữ khí tiết, mang những nét đẹp của người phụ nữ truyền thống.
Ngày nay, chúng ta vẫn bắt gặp các mế, các chị, các em mặc những bộ váy của dân tộc Mường, Dao, Tày, Thái, Mông… đi chợ, đi hội với nét mặt tươi vui. Có thể thấy, kể từ năm 1954, khi Tây Bắc được hoàn toàn giải phóng, những người phụ nữ của các dân tộc thiểu số đã thoát khỏi một sự bó buộc của những tục lệ hà khắc, hạn chế vai trò, ảnh hưởng của nữ giới trong xã hội mang tàn dư cũ. Cũng hình ảnh trang phục ấy, bộ trang sức ấy nhưng họ đã mang đến cho cuộc đời này một thông điệp mới…
Biết bao nhiêu cô giáo trên quê hương Hoà Bình đã từng chèo thuyền đưa học sinh tới trường, từng vượt qua đường núi trơn trượt để bám trụ trên dẻo cao để giữ được ánh sáng trí thức. Trước khi làm được điều đó, họ đã phải vượt qua những thử thách riêng của chính mình, qua áp lực từ xã hội, qua những phút yếu mềm, hoang mang để vững vàng bước tiếp. Thời nào cũng thế, có chiến tranh thì phụ nữ cũng xung phong ra mặt trận tải đạn, tiếp lương, lấp hố bom, vá đường cho những đoàn quân và vũ khí ra mặt trận. Khi đất nước được giải phóng cần kiến thiết thì họ là người bền gan, vững trí biết lo toan, tìm cách cùng gia đình vượt qua đói nghèo, thiếu thốn để từng bước xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh…
Bên cạnh những tấm gương ấy là những tâm hồn phong phú, những đam mê cao quý và ý thức gìn giữ nét đẹp truyền thống văn hoá của người phụ nữ. Họ sưu tầm và lưu giữ những vốn quý trong các lĩnh vực như nghề truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ. Nhờ có những người phụ nữ ấy mà chúng ta có được các phong trào lan toả như phục dựng các làn điệu hát đối, hát ví giao duyên, nghề dệt thổ cẩm. Những cái tên đã được nhắc đến rất nhiều như chị Vì Thị Oanh, Phó chủ nhiệm hợp tác xã dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Chiềng Châu, huyện Mai Châu; chị Nguyễn Thị Bình, Giám đốc HTX nông nghiệp bản Dao, xã Thống Nhất, TP Hòa Bình; chị Quách Lon, xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn…
Có nhiều phụ nữ sinh ra và lớn lên từ mảnh đất Hòa Bình luôn nỗ lực để thành công trong việc đem lại lợi ích cho cộng đồng, hơn thế còn trở thành niềm tự hào của quê hương Hòa Bình như: PGS Nguyễn Thị Thanh Hà, Đại học Bách khoa Hà Nội; bác sỹ Đinh Thị Quyên, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi…
Khó có thể kể hết những phụ nữ đã, đang âm thầm lao động, cống hiến để xây dựng quê hương, đất nước, vừa đem lại sự bình yên cho mỗi ngôi nhà. Ngày nay, với sự nhìn nhận đúng đắn hơn về vị thế, vai trò của phụ nữ trong xã hội, cần tạo điều kiện giúp họ phát huy vai trò, tài năng, tâm huyết, ý tưởng sáng tạo để trở thành nguồn lực quan trọng. Thay vì coi họ là phái yếu để rồi từ đó mặc định họ là yếu thế, có những điểm yếu, hạn chế cần làm sao để phụ nữ tự tin, tự quyết định được con đường đi cho mình. Thiết nghĩ một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh phải đến từ việc từng giới, từng cá nhân được bình đẳng, hài hòa, có cơ hội phát triển.
Người phụ nữ đâu chỉ là những bông hoa tháng ba mà sẽ còn đem lại hương sắc cho cuộc đời từ những giá trị tốt đẹp do chính họ tạo nên…