Sau hơn 3 năm cô tôi đi lấy chồng và ra ở riêng, lần đầu tiên bà nội đích thân đến thăm, dù ngay năm đầu tiên sau cưới cô đã sinh em bé. Chỉ có mẹ tôi và tôi được bà cho đi cùng. Cơn mưa đầu mùa khiến mọi người ướt như chuột lột. Gặp ngay chú Kiếm ở đầu ngõ, bà nội tôi sững lại đôi chút nhưng vẫn vuốt nước mưa tiến vào. Mẹ tôi nhìn chú ái ngại và thì thầm điều gì đó vào tai. Chú đỏ bừng mặt, bối rối gật đầu, bước vội vào màn mưa. Tóc, râu được cạo gọn gàng, mặc áo phông màu ghi nhạt rõ là lành. Mấy phút sau mưa tạnh nhanh đến bất ngờ. Trời hửng, cầu vồng rực rỡ phía bờ sông.

Bà tôi đi về chái nhà, nơi cô tôi đang à ơi ru thằng bé: - 3 năm con phải chịu mấy trận  đòn. Nó đánh bằng roi hay bằng nắm đấm…

Nghe thế, cô và mẹ tôi cười rũ ra. Cô cười sặc sụa: "Thuý bế em để cô lấy nước”. Nhưng bà nội không cho cô đứng lên. Bà sờ vai, lật áo xem lưng có vết bầm tím gì không. Bà bảo cô kéo tay áo lên, nắn nắn… miệng lẩm bẩm: "Lạ nhỉ? Thế nó không đánh đấm gì con à? Sao bà Nen đầu làng này kể nhiều chuyện ghê quá”. Mẹ tôi xen vào: "Dù mẹ cấm nhưng tháng nào con chẳng đến nhà vợ chồng cô chú. Mà sao mẹ lại tin lời bà Nen?”. Bà Nen… cả mấy xã vùng này không ai không biết. Người cao gầy, thõng thượt như cây sào gẫy, dáng đi uốn lượn. Nếu ai chưa biết thuật ngữ "mồm năm miệng mười” cứ gặp bà là biết. Không ai dám dây với bà, ngay cả với chồng con.

Làng xóm vẫn không quên lần ông chồng làm trái ý bà (hình như chuyện bán lứa lợn giống bản địa gì đó thấp hơn bà định giá), bà dành hết buổi sáng để trầm bổng tỉa tót, rỉa rói ông chồng. Đầu giờ chiều, nơi bến sông cạnh nhà bà, người đi lại còn được chứng kiến tầm 2 tiếng nữa "bài” phân tích đánh giá thiệt hơn chuyện này, trong khi bác ấy đang mải cày nốt mảnh ruộng cuối vụ. Chỉ đến khi bác ấy tháo ách, ném cả cái cày về phía bà, "loa phát thanh” mới tạm tắt…

Bà nội đi ra vườn, ngô, khoai tươi tốt, xanh rì; mấy vạt rau xanh mướt, hàng cà chua đỏ rực màu quả chín tới. Tiếng gà cục tác đâu đó. Rồi bất chợt có tiếng vỗ tay "bốp, bốp”: gần 100 con gà từ phía mé đồi, vườn luồng, tre lục tục chạy, bay về. Theo mỗi nhịp vung tay ném hạt, ném thóc của chú Kiếm là dập dờn lũ gà vây quanh. Của nhà trồng được, ngon lành, thảo nào cô Tư nuôi con mọn mà béo tốt, má hồng, mắt sáng long lanh… Bà giận, 3 năm nay có thèm đến đâu nên bất ngờ là phải…

Ngày cô tôi dẫn bạn trai về nhà giới thiệu cả nhà như có đám. Đã thế cơn mưa rừng dai dẳng, lê thê đến nẫu ruột. Con suối trước nhà nước chảy sôi sục. Thật ngược đời. Thường ngày này với nhà khác có mà rượu bia thả dàn, cỗ bàn loảng xoảng bát đũa cùng bao lời chúc tụng, vui vẻ; đám con cháu như chúng tôi tha hồ xơi bánh kẹo, uống nước ngọt. Tôi nhớ nhất hình ảnh bà nội mặt tái nhợt, miệng lắp bắp khi thấy cô dẫn "người ấy” vào nhà. Rồi khi họ về rồi mà bà vẫn lắp bắp: Tại sao? Tại ương ư? Bố mẹ tôi xúm vào an ủi: "Thì mới dẫn tới ra mắt chứ đã cưới xin gì đâu mẹ”. Mẹ tôi thủ thỉ: "Có gì cứ để cô Tư trình bày đã mẹ. Con biết cô chú ấy quen biết mấy năm nay rồi mà”. Nhưng bà không hề nguôi. Gia đình bà nội mấy đời gia phong. Ông là người biết chữ Hán, được học hành để làm giáo làng. Còn bà, chả học hành gì nhưng lại được biết đến là người phụ nữ đoan chính, biết đối nhân xử thế, bốc thuốc nam mát tay nên biết bao gia đình vô sinh biết ơn bà, gọi bà là mẹ nuôi, chị nuôi. Nhà chỉ có hai anh em, dù ông bà có đến 8 lần sinh nở. Thời "hữu sinh vô dưỡng” mà, qua loạn lạc, chiến tranh còn lại 2 anh em, bố tôi và cô Tư nên mọi kỳ vọng dồn hết cả hai người. Vì vậy việc cô Tư quen và định lấy chú Kiếm là chuyện tày đình. Đơn giản là chú từng tù tội (nghe nói đánh chém nhau trong bãi vàng).

Hồi đó, đám cháu chúng tôi cũng chả mấy lần theo bố mẹ đi lấy tre nứa ở tít mạn rừng xa và đã từng thấy chú. Ở quê người xã nọ xã kia biết nhau tất. Hôm đi qua khu làm vàng đó, thấy chú cũng khá ngầu: tóc dài chờm vai, mặc áo phông cá sấu Thái Lan màu đỏ gắt, quần bò lửng, dép tông Lào. Hồi bao cấp, với "gu” ăn mặc đó chứng tỏ là người có tiền, chịu chơi. Sau này bãi vàng bị dẹp, chú bị bắt sau vụ đánh chém nhau gì đó. Thụ án mấy năm, chú về thị tứ này mở cửa hàng bán đồ tạp hóa. Bố mẹ già ở phía núi xa đã có vợ chồng chú em thứ 2… Không biết thế nào mà bà nội tôi biết rõ "hồ sơ lý lịch” nhà chú Kiếm. Bà thì chả nói chuyện giàu nghèo, nhưng nghe nói gia đình chú không được như ý: bố chú nát rượu, lại hay đánh vợ, chửi con. "Giống nhà nó thế, con Tư sẽ khổ thôi. Đã thế còn vào tù ra tội…”. Nghe làng trên, xóm dưới đưa đẩy, bà như thấy lửa cháy trong lòng. Nhà có mụn con gái. Cứ nhìn thấy bộ râu quai nón cùng hàng lông mày tốt um như "bờ ruộng muôn thuở không ai phát” của nó đã bủn rủn cả chân tay… Nhưng tình yêu của cô chú ấy quá mạnh nên đám cưới vẫn diễn ra. Bà nội lánh mặt các buổi hành lễ hôn nhân…

Một ngày đến nhà con gái mà nét mặt bà nội tôi trẻ đến mấy tuổi. Nhìn bà bồng, nựng em bé là biết sự tình đã khác. Bà bảo mẹ: "Hai mẹ con về trước, mẹ ở lại đây một hai tối với em cún”. Bà cười, mẹ cười, cô Tư cười, còn chú Kiếm thì im lặng nhưng hình như trong ánh mắt có ngấn nước.

Trên đường về nhà mẹ tôi thủ thỉ: Giá ngày đấy mẹ nói thẳng chuyện chú Kiếm phải "chiến đấu” với 3 thằng say rượu định giở trò với cô Tư ở bãi vàng thì chắc không để lòng bà u ám mấy năm trời. Nếu không vụt gẫy tay một thằng, liệu chúng nó có "chờn” để tha cho cả chú và cô Tư không? Thế đấy.

Truyện ngắn của Bùi Huy

Các tin khác


“Tiết kiệm” chi phí

(HBĐT) - Nắm bắt được nhu cầu về vật liệu xây dựng ở vùng “rừng xanh, núi đỏ”, chàng tiều phu đã quyết định đầu tư xây dựng mỏ đá cung cấp cho các công trình trên địa bàn.

“Giọt hồng” phiêu du

(HBĐT) - Nghe tiếng va chạm của đồ dùng kim loại rồi tiếng trao đổi lào xào bên tai, Hạnh từ từ mở mắt. Một lần, 2 lần, 3 lần, rồi 4 lần Hạnh cố nhướng đôi mi dấp dính để mở to đôi mắt. Rướn cung mày để nhìn thẳng, Hạnh thấy bức trần nhà lạnh lẽo.

Những bông hoa ngày thường

(HBĐT) - Tháng giêng, tháng hai…thiên nhiên chiều lòng người. Đủ chút lạnh, đủ chút ấm áp vừa phải để mọi người thăm thú nơi này nơi nọ, cũng như bắt tay vào những công việc của năm mới bằng tâm thế rộn ràng, thư thái. Sáng nay, vào một ngày mưa bụi nhè nhẹ giăng man mác bến sông, hàng cây phố xá… người phụ nữ phố bên bắt đầu trồng mới những khóm hoa đầu năm bên vườn nhà. Mảnh vườn nhỏ xinh, dưới bàn tay khéo léo cũng như bằng niềm yêu thích hoa lá cây cỏ, vườn được dệt nên bằng nhiều màu sắc của các loại hoa xuân, quả xuân. Thật khéo chăm những bình quất từ những năm trước ra quả đúng dịp này, rồi xếp tạo hình thật bắt mắt ở ngay lối đi lại…

Lễ mừng thọ

(HBĐT) - Đầu năm nay, cùng với việc lên lịch vãn cảnh, thăm quan mấy ngôi chùa cổ có tiếng trong vùng, vợ chồng chị N.M còn tính việc mừng thượng thọ cho mẹ. Chị vốn nhanh nhảu nên đã nhắn một loạt tin trong nhóm zalo gia đình để xin ý kiến các cô chú, các thím về quy mô, tính chất của lễ mừng thọ. Đưa ý kiến ra như thế thôi nhưng chị lại quyết sớm, chốt nhanh như điện trước khi mọi người có ý kiến. Đại để chị cho rằng: Năm nay dịch Covid-19 tạm lắng, nên việc mừng thọ cho bà tuổi 80 có điều kiện để nâng cấp về lễ. Số người được mời có thể mở rộng hơn. Ngoài con, cháu, chắt của bà còn bạn bè thân thiết của chồng, của vợ cùng bạn của các cô, các chú, bạn cùng đơn vị, công ty. Rồi các bác bên nội, bên ngoại của mẹ. Chưa kể các đối tác làm ăn, hàng xóm lân bang…

Cô gái đi cùng chuyến xe

(HBĐT) - Nhà bác tôi năm nay có nhiều điều vui, điều mới. Năm ngoái, mùa quả góp lực để gia đình mua thêm chiếc xe máy mới, cỡ gần 30 triệu đồng. Nhìn bác lượn đi chợ Tết ngày đến mấy lần, đủ thấy bác mê con xe này đến mức nào. Đầu năm nay, nhà bác còn nhận tin bất ngờ hơn: cậu con trai đang làm việc ở miền Trung dẫn bạn gái về nhà chơi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục