(HBĐT) - Một ngày nọ, tôi chợt nhận ra giấc ngủ của mình như một cuốn nhật ký đã cũ kỹ và nhàu nát. Là vì, tôi đã ghi vào giấc mơ của mình tất cả những lo lắng, phiền muộn của một ngày qua đi. Ghi rồi xóa, gạch rồi lại viết, cứ thế chất chồng, đan mắc vào nhau để sáng thức dậy đầy mệt nhọc và uể oải.

 
Ra đường, tôi nhận ra những đôi mắt lạ lẫm vô hồn ở mấy cái đèn đỏ mà tôi phải qua mỗi sáng. Thực ra cột đèn tín hiệu giao thông nào cũng có đủ 3 màu, ấy vậy mà người ta chỉ gọi tên màu đỏ - màu ám ảnh nhất, thách thức nhất như tảng đá lớn phải vượt qua mỗi sáng trong cơn thèm ngủ. Lúc này, chắc ai cũng đang ước giá như sáng nay là sáng thứ Bảy để được "ngủ nướng” thật đã. Nhưng, nếu cuộc đời này chỉ toàn những ngày cuối tuần thì sao ta gặp được bình minh mỗi sáng.

          Ở quê, mẹ tôi gọi điện ra dặn dò đi làm về thì qua nhà xe để lấy chút thực phẩm mẹ gửi ra. Phụ nữ bao giờ cũng thương con bằng sự thêm nếm, bù trì trong khi bố tôi thì lạnh lùng hơn, ông chỉ dặn: "Sao không ngủ dậy sớm mà làm việc?”. Bố với tôi là hai thế hệ, một thế hệ xe đạp, bi đông nước, quạt con cóc, radio đeo chéo hông và ti vi vặn núm… làm sao hiểu được thế hệ 4.0.

Nhưng đến một ngày cả khu phố bị cúp điện, tôi đành phải đi nằm sớm nghe tiếng muỗi vo ve. Khi đi nằm rồi tôi mới nhớ ra mình quên kéo rèm, ngoài kia là một khoảng sáng xa xăm của trăng phố nhạt nhòa ngoài cửa kính. Ánh trăng làm tôi lại nhớ ra những ngày ở quê. Chắc giờ này anh trai tôi đã ngủ được một giấc. Người nông dân có một đồng hồ sinh học riêng, một cách nghĩ riêng. Khi đã là hai người đàn ông trung niên, anh luôn nhìn tôi bằng một sự cảm thông: "Sinh hoạt thế nó bất thường lắm”. Hai chữ "bất thường” nghe ra cũng có lý. Tôi kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, tồn tại dựa trên sự thất thường của giá nhà đất, mỗi khi dẫn khách xem căn hộ thường không quên review và chốt lại một câu: "Anh/chị sống ở đây thì sẽ được ngắm bình minh lên trước cả thành phố…”.

Tôi nhớ ngày bé, hai anh em thường thức dậy sớm vào những ngày không mưa. Chúng tôi chạy lên đồi, đi ngắm mặt trời hiện lên sau mỏm đá rồi mới chạy ù về đánh răng, rửa mặt, điều đó đã thành thói quen cho đến khi tôi đi học và xa quê. Nhớ lần đầu tiên khi tôi mới 4 - 5 tuổi, tôi hỏi anh sao cứ phải lên đồi nhìn về mỏm đá ấy, anh cười bảo: "Anh đã hẹn rồi!”. "Anh hẹn ai cơ?” - tôi hỏi lại: "Anh có hẹn với bình minh”…

Một đứa trẻ sẽ lớn lên bằng những điều mà chúng tin là thật. Nhưng rồi, khi đứa trẻ ấy lớn lên đủ hiểu ra chân lý cuộc đời chúng sẽ lãng quên những chuyện đó. Thế nhưng, khi đã trung niên, người ta lại muốn tin vào những câu chuyện của trẻ con. Tôi đã thức dậy trong một buổi sáng không kéo rèm cửa, giấc mơ của tôi không bị nhàu nát bởi những thắc thỏm, âu lo, tôi thấy trong người nhẹ nhàng và khoan khoái.

Bây giờ là gần 5 giờ, tôi liếc đồng hồ rồi như nhớ ra điều gì, tôi chỉ kịp khoác áo, cầm chìa khóa và chạy ra xe.

Tôi về đến nhà khi mặt trời chưa lên. Quê tôi cách thành phố không xa nhưng nằm giữa những quả núi, tôi chạy lên đồi đã thấy anh tôi đứng đó từ bao giờ. Xung quanh anh là những đứa cháu tôi với cái dáng loi choi, loắt choắt như anh em tôi hôm nào. Cùng đón bình mình nhé, sớm nay tôi đã kịp trở về miền đồi dấu yêu này để đón bình mình như đã hẹn từ bao năm trước…

Tản văn của Bùi Việt Phương


Các tin khác


“Giọt hồng” phiêu du

(HBĐT) - Nghe tiếng va chạm của đồ dùng kim loại rồi tiếng trao đổi lào xào bên tai, Hạnh từ từ mở mắt. Một lần, 2 lần, 3 lần, rồi 4 lần Hạnh cố nhướng đôi mi dấp dính để mở to đôi mắt. Rướn cung mày để nhìn thẳng, Hạnh thấy bức trần nhà lạnh lẽo.

Những bông hoa ngày thường

(HBĐT) - Tháng giêng, tháng hai…thiên nhiên chiều lòng người. Đủ chút lạnh, đủ chút ấm áp vừa phải để mọi người thăm thú nơi này nơi nọ, cũng như bắt tay vào những công việc của năm mới bằng tâm thế rộn ràng, thư thái. Sáng nay, vào một ngày mưa bụi nhè nhẹ giăng man mác bến sông, hàng cây phố xá… người phụ nữ phố bên bắt đầu trồng mới những khóm hoa đầu năm bên vườn nhà. Mảnh vườn nhỏ xinh, dưới bàn tay khéo léo cũng như bằng niềm yêu thích hoa lá cây cỏ, vườn được dệt nên bằng nhiều màu sắc của các loại hoa xuân, quả xuân. Thật khéo chăm những bình quất từ những năm trước ra quả đúng dịp này, rồi xếp tạo hình thật bắt mắt ở ngay lối đi lại…

Lễ mừng thọ

(HBĐT) - Đầu năm nay, cùng với việc lên lịch vãn cảnh, thăm quan mấy ngôi chùa cổ có tiếng trong vùng, vợ chồng chị N.M còn tính việc mừng thượng thọ cho mẹ. Chị vốn nhanh nhảu nên đã nhắn một loạt tin trong nhóm zalo gia đình để xin ý kiến các cô chú, các thím về quy mô, tính chất của lễ mừng thọ. Đưa ý kiến ra như thế thôi nhưng chị lại quyết sớm, chốt nhanh như điện trước khi mọi người có ý kiến. Đại để chị cho rằng: Năm nay dịch Covid-19 tạm lắng, nên việc mừng thọ cho bà tuổi 80 có điều kiện để nâng cấp về lễ. Số người được mời có thể mở rộng hơn. Ngoài con, cháu, chắt của bà còn bạn bè thân thiết của chồng, của vợ cùng bạn của các cô, các chú, bạn cùng đơn vị, công ty. Rồi các bác bên nội, bên ngoại của mẹ. Chưa kể các đối tác làm ăn, hàng xóm lân bang…

Cô gái đi cùng chuyến xe

(HBĐT) - Nhà bác tôi năm nay có nhiều điều vui, điều mới. Năm ngoái, mùa quả góp lực để gia đình mua thêm chiếc xe máy mới, cỡ gần 30 triệu đồng. Nhìn bác lượn đi chợ Tết ngày đến mấy lần, đủ thấy bác mê con xe này đến mức nào. Đầu năm nay, nhà bác còn nhận tin bất ngờ hơn: cậu con trai đang làm việc ở miền Trung dẫn bạn gái về nhà chơi.

Chuyện tháng giêng

(HBĐT) - Mẹ tôi gọi zalo cho tôi không được liền để lại tin nhắn: "Năm nay 26 Tết nhà mình gói bánh”. Gớm, sớm thế! Tôi tự nhủ. Mọi năm đến 28, 29 bố tôi mới rửa lá, mẹ ngồi tính toán bao nhiêu cân gạo, mấy cân đậu, rồi thịt vai hay thăn… Tôi thì chỉ tham gia cái chân trông bánh, chỉ ngửi hơi lá dong mà cái mặt đã tròn phinh phính…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục