(HBĐT) - Từ ngày đi làm, năm nào Bách cũng về quê ăn tết. Mỗi khi nhớ tới không khí họp mặt đông đủ gia đình là anh lại rạo rực trong lòng một cảm giác hạnh phúc vô bờ bến. Năm nay cũng vậy, chỉ còn hơn tuần nữa là được nghỉ Tết, vừa lo công việc chuyên môn, Bách vừa tranh thủ mua sắm vài thứ cần thiết cho bản thân và quà Tết cho gia đình. Công việc tưởng chừng suôn sẻ thì đúng vào ngày hai ba tháng chạp, sếp gọi Bách lên giao nhiệm vụ:
- Năm nay, cơ quan ta sẽ tổ chức tặng quà đồng bào khó khăn và trẻ mồ côi ở huyện Bắc Bình. Do lịch đã kín nên buộc lòng phải kéo dài đến ngày hai mươi chín âm lịch, cậu có tên trong đoàn đi xã Mẫu Sơn, còn cậu Tuyên, trưởng phòng hành chính sẽ đi xã Tân Đạo. Do hai xã này nằm ở vùng cao, đường đi rất khó khăn, cậu và Tuyên chủ động bàn nhau lên kế hoạch để chuẩn bị cho kịp.
Nghe giám đốc giao nhiệm vụ, Bách thẫn thờ. Vậy là mình lỡ việc hẹn Thảo về quê mất rồi. Thời gian gấp gáp mà đường lên hai xã kia quá xa xôi, liệu có về kịp được không? Lưỡng lự rồi Bách mạnh dạn trình bày:
- Dạ thưa anh, Tết năm nay em đã có lịch hẹn ra mắt người yêu với gia đình rồi ạ! Nếu có thể anh cử Thăng, phó phòng thay em được không?
Giám đốc Lãnh hơi bất ngờ vì thái độ khác thường của Bách. ông đưa tay chỉnh lại gọng kính để nhìn cho rõ, giọng tự ái:
Đây là công việc tế nhị, thể hiện trách nhiệm của cơ quan ta với nhân dân vùng khó khăn, tôi muốn cậu làm trưởng đoàn sẽ có ý nghĩa hơn, nếu bận cứ giao cho Thăng, tôi không can thiệp nữa.
Thấy giám đốc không hài lòng, Bách ngại quá. Thủ trưởng tin yêu mới giao trọng trách, vậy mà mình không chớp lấy cơ hội để lập công. Có phải ai muốn cũng được đâu. Không cần suy nghĩ gì thêm, Bách sửa sai ngay:
- Dạ, thưa anh, em đồng ý đi ạ!
Sáng 29 tháng chạp, xe xuất phát với bánh, kẹo, mứt tết và hàng hóa lỉnh kỉnh lại còn thêm mấy cái xẻng đề phòng đường sạt lở có cái mà san lấp cho xe qua. Bốn người trên xe, mỗi người một hoàn cảnh, một tâm trạng nhưng nhìn chung, ai cũng mong chuyến công cán nhanh chóng kết thúc để còn về xum họp gia đình. Xe qua hết cánh đồng mía rồi vào “cua” khúc khuỷu để lên dốc. Tiếng động cơ gầm gào lấy đà, lúc nhanh, lúc chậm, thỉnh thoảng xe lại chồm lên, lao xuống như con ngựa bất kham. Tiếng nói chuyện tán tếu thưa dần rồi mọi người gật gà ngủ theo nhịp xóc của xe. Bách ngồi bên ghế phụ trầm tư. Liệu sau chuyến công tác, mình có kịp về quê theo đúng kế hoạch?
16h30’ chiều, xe đến trung tâm xã. Mọi người chia nhau mang vác hành lý theo ông Chủ tịch UBND cuốc bộ thêm 2 km nữa mới tới xóm có đối tượng nhận quà. Cũng may vừa làm xong thủ tục trao quà thì trời tối. Đoàn từ biệt bà con lên đường về xã. Vừa đến cửa ủy ban, ông chủ tịch UBND xã nhận được tin cô giáo Loan cần đưa con đi cấp cứu mà không có phương tiện, đường về bệnh viện huyện lại xa. ông loay hoay không biết làm cách nào thì Bách hỏi:
- Nhà cô giáo ở gần đây không anh?
- Cô ấy ở ngay bên trường học, cách đây một đoạn thôi.
- Vậy để em cho xe đến đón đưa cháu đi bệnh viện.
- Được như vậy thì còn gì bằng! Chúng tôi ơn anh lắm! Cô Loan mới lên công tác trên này mang theo đứa con nhỏ, không bà con thân thích.
- Bây giờ bọn em xin phép được chia tay. Cảm ơn bác đã giúp đỡ đơn vị hoàn thành nhiệm vụ - Bách đỡ lời ông chủ tịch thay cho lời chào rồi quay ra nói với anh em trong đoàn: - Tôi quyết định thế này. Mọi người chuẩn bị đồ đạc ta lên xe về huyện luôn.
Xe tăng tốc độ lao nhanh về trung tâm huyện. Sau khi đưa cháu bé vào viện, Bách để mọi người tự ra thị trấn tìm nhà trọ, còn anh thì ở lại bệnh viện. Khám cho cháu bé xong, các bác sỹ thông báo, cháu bị những cơn đau co thắt kéo dài, có khả năng bị lồng ruột nên cần phải có phương án điều trị tích cực. Khoản ứng trước tiền viện phí và thuốc ít nhất cũng hai triệu bạc. Bách định quay sang phòng hồi sức cấp cứu thông báo cho Loan song anh kịp dừng lại và quyết định lấy tiền vừa lĩnh thưởng Tết sáng nay của mình ra nộp giúp cô. Sau đó, Bách trở về giường bệnh. Lúc này anh mới có dịp nhìn rõ mặt Loan. Cô có khuôn mặt đẹp, da trắng mịn màng, đặc biệt là đôi mắt sáng luôn hút hồn người đối diện. Trong tâm trạng lúc ngủ, lúc thức, vậy mà Bách vẫn cảm nhận được nét đằm thắm ở cô gái một con dịu hiền, duyên dáng. Anh đang liên tưởng Loan giống ai đó mà mình đã gặp thì có chuông điện thoại reng reng, tiếng cậu lái xe:
- A lô! Anh Bách đấy ạ! Anh ơi, trời sáng rồi, mọi người đang chờ anh!
- Các cậu cứ về trước đi! Không phải đợi tôi. Con cô Loan vẫn chưa tỉnh.
Cậu lái xe khẩn khoản:
- ấy chết không được, ai lại làm thế! Anh không về, mọi người cũng không về đâu!
- Đã bảo các cậu cứ về đi! Tôi về sau, mọi người có đợi tôi cũng bằng thừa thôi. Quyết định như thế nhé!
Biết tính Bách nên cậu lái xe đành “Vâng” rồi cúp máy. Lại có tiếng điện thoại, Thảo, người yêu Bách hỏi:
- Anh về đến đâu rồi? Từ hôm qua đến nay tại sao điện thoại của anh không liên lạc được?
- Anh đi công tác đột xuất em ạ! Lên vùng cao sóng di động chập chờn lắm.
Thảo gắt:
- Tết nhất đến nơi, anh còn đi công tác? Mà sao không nói với em một câu?
- Khổ quá, anh biết giải thích thế nào đây? Ngày mai anh cũng chưa về được đâu, có nhanh cũng phải sáng mồng hai. Em làm cách nào nói với bố mẹ thông cảm cho anh. Hiện tại, anh đang bận một việc quan trọng mà không thể nào về kịp.
Giọng Thảo bỗng chùng xuống ẩn chứa một nỗi buồn:
- Chuyện gì mà anh không nói ra được, cứ ấp úng thế? Tùy anh thôi...!
Bách thẫn thờ buông máy. Bỗng dưng anh thấy mình hâm. Tại sao lại không nói thật chuyện mình đang bận mà nói ra nó thế nào ấy! Liệu Thảo có chấp nhận không? Bình tâm lại, Bách thấy mình xử sự có điều gì không ổn thật. Người dưng nước lã, giúp họ đưa con đến bệnh viện là quý lắm rồi lại còn ở lại trông nom, đóng giúp tiền viện phí. Có phải mình đã có cảm tình với Loan? Không! ở vào hoàn cảnh này, ai cũng phải hành động như mình thôi. Người ta là phụ nữ, một thân, một mình, con lại đang ở trong tình trạng nguy kịch như thế. Thôi đành phải tìm cách giải thích với Thảo sau vậy.
Được sự tận tình cứu chữa của các bác sỹ, gần đến giao thừa, con gái Loan đã tỉnh và không phải can thiệp bằng phẫu thuật. Lúc này, Loan mới kể cho Bách nghe:
- Em mới lên dạy học trên này. Chồng làm nghề buôn bán trâu, bò dính nghiện ma túy đang phải đi cai. Hôm nay không có anh chắc con em không qua khỏi. Mẹ con em không biết lấy gì trả ơn! Giao thừa rồi đấy anh ạ! Vậy là vì mẹ con em mà anh chưa được về nhà ăn Tết!
Bất chợt, Bách nắm chặt lấy tay Thảo nói:
- Vậy là chúng ta cùng đón giao thừa rồi! Năm mới chúc cô giáo mạnh khỏe, cháu bé nhanh khỏi bệnh, hay ăn, chóng lớn! Loan cứ yên tâm chạy chữa cho cháu, mọi chuyện rồi cũng qua nhanh thôi. Tôi xin phép ra ngoài gọi điện thoại về nhà.
Bách ra hành lang, tìm số gọi cho Thảo nhưng không được đành nhắn tin gửi lời chúc mừng đầu năm mới. Bây giờ, cháu bé đỡ rồi, Bách mới thấy sốt ruột vì mình đang phải chôn chân ở vùng cao heo hút mà trong lòng ngổn ngang bao dự định cho những ngày đầu năm mới. May sao, chiều mồng một tết có xe của ông chủ tịch huyện xuống thị xã, thế là Bách đi nhờ về cơ quan. Không ngại trời tối, anh vội thu xếp đồ đạc rồi lên xe máy lao ra đường quốc lộ. Quãng đường về quê chỉ trên bốn mươi cây số nhưng đêm vắng lại đi một mình nên anh thấy rờn rợn. Những tưởng đoạn đường suôn sẻ thì bỗng dưng xe khựng lại vì hết xăng. Bách chợt nhớ, lúc ở cơ quan vội quá anh quên kiểm tra nên mới thành nông nỗi. Bây giờ đêm tối lại giữa đồng không mông quạnh thế này không còn cách nào khả dĩ hơn là dắt bộ. Người và xe đánh vật với nhau hơn tiếng đồng hồ, Bách cũng về đến nhà. Nhìn bộ dạng con trai, mẹ anh vừa giận, vừa thương bảo:
- Con làm như vậy là giông cả năm rồi đấy! Thế bảo đưa người yêu về sao không thấy đâu?
- Con cũng đang khổ sở về chuyện ấy đây này. Vì lỡ hẹn nên cô ấy đang giận. Con định sáng mai sẽ sang nhà đón Thảo mẹ ạ -Trả lời mẹ xong Bách rút điện thoại gọi cho Thảo nhưng không có tiếng trả lời. Anh lẩm bẩm “Nghe máy đi em! Trời ơi, năm mới ai lại làm thế? Chưa nghe anh giải thích đã giận rồi!” Gọi mãi không được, Bách vứt máy, nằm xoài xuống giường rồi thiếp đi lúc nào không biết. Sáng hôm sau, khi mọi người trong nhà vẫn còn đang yên giấc, Bách đã dậy đun nước, pha trà ngồi uống một mình. Đợi trời sáng, anh dắt xe ra đầu ngõ mua tạm chai xăng lẻ rồi phóng sang nhà Thảo ở làng kế bên. Cổng nhà Thảo hiện ra trước mặt nhưng vẫn đóng kín. Anh điện thoại, cô nhấc máy nhưng không nói gì. Bách khẩn khoản: “Thảo à! Em nói đi! Anh đang đứng ở trước cửa nhà em đây này, ra mở cổng cho anh!” Thảo vẫn không trả lời mà cúp máy luôn. Một lúc sau, cô lững thững bước ra mở cổng, mặt nặng như chì vẻ giận dỗi. Vừa đẩy xe vào sân, Bách vừa phân bua:
- Em cho anh xin lỗi! Rồi anh sẽ giải thích vì sao anh về chậm.
- Thôi anh không phải nói nữa, làm gì có việc nào quan trọng hơn là về quê ăn Tết rồi lại còn giới thiệu em với gia đình nữa. Hôm nay không phải ngày Tết em không mở cổng cho anh đâu! Anh vào nhà chơi, có bố em ở nhà đấy!
- ấy! ấy kìa, Thảo hãy nghe anh nói đã! Cũng phải cho anh giải thích chứ?- Bách vừa ngồi xuống ghế thì ông Diệp, bố Thảo đang ở dưới bếp gọi với lên “Anh Bách về rồi đấy à? Xuống đây bác nhờ một tý”. Bách vừa bước ra cửa bất chợt điện thoại trên bàn có tiếng “bíp bíp” báo tin nhắn đến. Thảo không nén nổi sự tò mò vội cầm máy Bách vừa bỏ lại xem. Dòng tin nhắn không dấu nhưng Thảo vẫn hiểu rõ nghĩa từng câu “Anh về đến nhà chưa? Mẹ con em làm anh vất vả quá! Cho em gửi lời thăm sức khỏe và chúc Tết tới toàn thể gia đình nhé!” Thảo không thể bình tĩnh được nữa, vội cầm điện thoại xuống bếp chìa ra trước mặt Bách dằn giọng:
- Anh còn bao biện được nữa không? Hãy đọc đi! - Bách đọc đến đâu thì mặt anh biến sắc đi đến đây. Vậy là tình hình càng thêm nghiêm trọng! Anh đang thẫn thờ vì không biết sẽ giải thích như thế nào, như chợt nhớ ra điều gì liền bấm lại số vừa nhắn tin và để luôn chế độ loa ngoài. Tiếng Loan phía bên kia “A lô! Anh Bách ạ! Con em đỡ nhiều rồi! Thật phúc cho mẹ con em quá! Nếu không có anh chắc con em không qua khỏi. Lúc anh về rồi, các bác sỹ ở bệnh viện biết anh chưa hề quen biết em mà giúp đỡ tận tình họ đều trầm trồ khen đấy. Họ bảo thời buổi bây giờ hiếm thấy có người như anh. Em ơn anh nhiều lắm. Khoản tiền anh đã đóng viện phí cho cháu, em sẽ lo trả anh sớm. Mong anh thông cảm! Chúc anh và gia đình ăn Tết vui vẻ!” Bách liếc sang phía Thảo thấy cô ngượng ngùng, hai tai ửng hồng, má lúm đồng tiền cũng hồng theo, trông duyên dáng và đáng yêu biết nhường nào. Cô trao ánh mắt trìu mến về phía người yêu thay cho lời hối hận. Họ cùng thưa với ông Diệp “Chúng con về bên ấy ra mắt bố mẹ”!
Truyện ngắn của Hoàng Nghĩa
(HBĐT) - Buổi trưa hôm ấy, vừa ngủ dậy đang ngồi ở bàn uống nước thì bà Hán le te chạy sang. Bà Mai thầm nghĩ: chắc là có chuyện với cô con dâu đây. Nâng cốc nước mát từ tay bà Mai, bà Hán uống một hơi rồi tông tốc:
(HBĐT) - 8 năm nay, sáng nào cũng vậy, khi chiếc loa công cộng phát chương trình thể dục buổi sáng của Đài Tiếng nói Việt Nam thì cụ ông, cụ bà đã ngồi trên giường tập dưỡng sinh xoa bóp bài “Cốc đại phong” để làm cho tinh thần sảng khoái, mạch máu lưu thông rồi hai cụ mới đi bộ. Sáng nay, cụ bà vào buồng lấy cai ô rộng vành màu đen và chiếc mũ phớt đưa chọ cụ ông và bảo:
(HBĐT) - Sẻo May đếm ngón tay, đếm trong bụng. Ngày một ngày hai là chợ phiên. Chợ phiên này, Sẻo May phải xin bố mẹ cho mình đi với con gái bản núi Khău Mang. Sẻo May 17 tuổi hơn rồi sao cứ phải đi theo bố mẹ. Chỉ tại ông trời không cho bố mẹ nhiều con trai, con gái. Bố bảo:
(HBĐT) - Những cô bé sang thu rất đẹp/ áo trắng tung bay trở lại trường/ Gửi vào trời hạ bao thương nhớ...”
(HBĐT) - Đặt gánh củi lên bãi cỏ lắp xắp nước ven bờ, bác Tình chỉ kịp cởi chiếc áo vải gụ vắt lên ngọn cây hóp lòa xòa trước mặt thì đã nghe có tiếng gọi: - Bố già ơi! Quay lại giúp “con cháu” qua suối với rồi cùng đi cho vui nào! Bác giơ một tay che nắng, nheo nheo cặp mắt nhìn qua bên bờ kia. Cạnh một vách đá thạch anh trắng toát có một chàng trai tay phải chống nạng, tay trái xách ba lô lộn ngược dùng làm túi, ống quần xắn cao để lộ ra một chiếc chân gỗ màu xám mốc.
(HBĐT) - - Hôm nay anh Tú về không mẹ? - Có! Chị Liên trả lời con gái rồi tất tưởi xách chiếc làn đi chợ. Con bé Ngọc được thể mừng ra mặt. Nó nghĩ, mỗi lần anh Tú (đang học đại học Bách khoa) về là mẹ lại sắm bao nhiêu thứ: sữa tươi, kem, sữa chua..., thức ăn thì khỏi phải nói, toàn món ngon thuộc dạng khoái khẩu của Ngọc. Mẹ bảo, anh Tú đi học xa vất vả, ăn uống tạm bợ, khéo cả tuần mỳ tôm cũng nên. Mẹ vẫn hay nhắc Ngọc, con ở nhà được bố mẹ chăm sóc, cơm ngon, canh ngọt, muốn ăn gì có nấy, phải chăm chỉ học hành cho nên người, mẹ chỉ mong con học giỏi được như anh là mẹ mừng.