(HBĐT) - Tháng 7, mùa Vu Lan, đêm nay mưa ngoài trời rả rích, ông Bình lại bồi hồi nhớ về mẹ.Mấy chục năm rồi, hình ảnh mẹ, người mẹ dạn dày mưa gió, đôi bàn chân trần tháng ngày, sáng - chiều lặn lội, trên vai đôi gánh hàng rong. Những giọt mưa buồn vô tình cứ tí tách rơi gợi lên một nỗi buồn khó tả. Thuở ấy lâu lắm rồi, sau một cơn bão biển Đông ập vào, cây cối gãy đổ, nhà cửa sập, nước tràn lai láng, ngập lụt khắp ngõ xóm làng. ông Bình chỉ nhớ nhà mình cái kệ bàn thờ còn nguyên vẹn và mấy bát hương, mấy bài vị thờ ông bà, tổ tiên. Cha ông sau đận giông bão ấy, ruộng đồng sỏi đá trôi về tràn ngập lấp cả những bờ xôi, ruộng mật, ông đành bỏ làng động viên mẹ con ngược lên vùng Giăng, Dùng miền núi xa xôi làm ăn, kiếm sống.

 

Những năm ấy, sau cơn bão, xóm làng tả tơi, dân tình đói kém, mùa đông về đêm nào mẹ cũng trở dậy cầm lấy cái đèn dầu ngọn lửa sáng tù mù soi mấy anh em ngủ. Cảm thấy yên lòng, mẹ ngồi ngâm đôi bàn bân trong chậu nước ấm pha muối bởi đôi bàn chân mẹ tháng ngày chạy chợ, đi ra bờ sông, bờ suối cất te kiếm con cá, con tép. Đôi bàn chân trần mùa đông về hay bị nứt nẻ, dẫu biết rằng đôi bàn chân ngâm nước muối buốt lắm nhưng chẳng bao giờ mẹ kêu ca, phàn nàn.

 

Mẹ nhẫn nại nuôi mấy đứa con trong nỗi nhọc nhằn, thiếu thốn, lúc trời tạnh ráo, mẹ chạy chợ Cồn, chợ Phuống, chợ Kia kiếm ngày vài ba bát gạo. Trời mưa không chạy chợ được mẹ lại rang nắm thính ngô, gạo cầm mấy vó te ra bờ sông, bờ suối kiếm con tép, con tôm đắp điếm thức ăn thêm rau cỏ hàng ngày cho cả nhà. Mỗi lần mẹ đi về, Bình hiểu những nỗi nhọc nhằn của đôi bàn chân trần đầy khắc khổ ấy của mẹ. Những trưa hè nóng bỏng, bóng mẹ in nghiêng trên con đường lao xao đầy đá sỏi, đôi vai gầy trĩu đôi gánh lên xuống theo nhịp vất vả, nặng nề của đôi bàn chân. Chiều xuống, khi mặt trời đã lấp ló trên ngọn núi Chung, Bình lại lầm lũi đi ven đồi lên cây đa con, cây đa ở ngã ba ngồi chờ đón mẹ, đỡ cho mẹ đôi gánh trên vai. Hôm nào bán được hàng, đổi được dăm ba bơ gạo, gương mặt sạm nắng của mẹ nở nụ cười tươi vui, hôm nào rủi ro kiếm được ít tiền mua gạo, mẹ rất buồn. Những sợi tóc bạc bết đẫm mồ hôi dưới vành nón thấy nỗi buồn của mẹ mà lòng con se lại. Có lần đón mẹ, nắng chiều chập choạng, đôi bàn chân mẹ nứt nẻ, Bình xót xa lạnh ớn hết cả người.

- Mẹ ơi! Mẹ đau lắm phải không?

Khi ấy mẹ đã nhìn con, nở nụ cười, khuôn mặt phúc hậu, thật thà của người mẹ nhà quê không được học hành. Lên 10 tuổi, cha là thầy đồ đi mọi miền gõ đầu trẻ, lớn lên chẳng thấy cha về. Sau này các cụ trong làng đưa tin ông đồ Trác tham gia phong trào Cần Vương rồi mất tích chẳng biết đâu mà lần. Mẹ lớn lên trong vòng tay bà ngoại chăm bẵm, ở vùng quê cái ăn, cái mặc thiếu thốn nhưng cái học, cái hành cũng phải được lo toan dạy bảo. Mẹ nhìn con, hàm răng đen, đôi mắt ngân ngấn ướt nói trong niềm xúc động:

 

- Con phải giữ cho đôi bàn chân lành lặn để đi những con đường dài hơn con đường mẹ đã đi, gian lao mà vất vả. Mẹ hy vọng đôi bàn chân con sẽ đi trên những con đường rộng mở, tương lai con sẽ hạnh phúc khi đất nước phồn vinh. Đôi bàn chân con sẽ tiếp tục đi giúp mẹ khi mẹ không còn đủ sức để tiếp tục lặn lội.

 

 Tuổi thơ Bình nghe lời mẹ tâm tình, anh gật đầu vâng, dạ để mẹ vui lòng nhưng trong lòng bao nỗi ngổn ngang.

 

Ông Bình nhớ mãi đôi bàn chân mẹ, đen sạm, nứt nẻ mà lòng tái tê, cho đến bây giờ, khi đã thành ông nội, ông ngoại nhưng tháng 7 về, trời mưa rả rích lòng ông lại xao động không nguôi. Mẹ đã trở thành người thiên cổ nhưng hồi tưởng về gương mặt mẹ, nụ cười, lời mẹ dặn dò mà như nhắc nhở con. Từ việc học hành đến việc làm, nết ăn, ở với mọi người phải luôn trung thực, dẫu mẹ chạy chợ kiếm ăn lần hồi nhưng mẹ cứ nhấn mạnh câu “thật thà hơn cha quỷ quái”. Một đời mẹ tần tảo nhưng hiền như củ khoai, hạt lúa, thật như đếm. Có phải sự đức độ ấy của mẹ đã cho chúng con cái ân huệ cuộc đời, ông Bình ngẫm như vậy.

 

Nhớ mãi những chiều đón mẹ, đôi gánh trên vai con, tuổi thanh niên đôi gánh ấy nhẹ như không. Đi theo triền đồi núi Đai, núi Đụn, hoa mua, hoa sim tím biêng biếc, lòng Bình lại xôn xao, lo nghĩ tương lai. Biết lòng con, mẹ lại động viên:

 

- Con ơi, mẹ biết con sinh ra lúc này chưa gặp thời nhưng cứ nhẫn nại như con ong, con kiến rồi sẽ qua. Tuổi còn trẻ, có chí thì nên. Sau những ngày giông bão, cây cối trở lại xanh tươi, ruộng vườn, lúa, ngô sẽ xanh mượt, hồi sinh. Một đêm hè, mấy mẹ con trải chiếu ngồi ngoài hiên nhà đón gió mát từ  cánh đồng Bu và từ con sông thổi vào mà lòng nhẹ nhõm. Mẹ bên ngọn đèn dầu ngồi khâu chiếc áo nâu rách vai, con chêm lại lưỡi cuốc, hai đứa em đang bò trên cuốn sách giáo khoa đã nhàu nát. Bình ngập ngừng nói với mẹ:

 

- Mẹ ơi, sống vất vả ở đồng đất khổ lắm, học hành lại dở dang, con muốn đi một phương nào tìm con đường học hành và làm ăn tiếp mẹ ạ!

 

Mẹ nhìn con, đôi mắt mọng nước,  giọng mẹ nghẹn ngào, động viên:

- Con có ý định thế mẹ mừng, mẹ bằng lòng để con đi, ở nhà còn mấy mẹ con sẽ lo liệu, còn bà con lối xóm. Con người sinh ra phải có chí, con ra đi sẽ cầu may chữ an, khi con về với mẹ là chữ danh…

 

Lời mẹ dặn đã qua mấy chục lần mùa Vu Lan nhưng sao tháng 7 hay mưa rả rích, lòng ông Bình lại se sắt nhớ về lời mẹ, nhớ về đôi bàn chân mẹ.

 

ông Bình đầu đã bạc trắng, trên đồi, cây sim, cây mua tím một màu của buổi chiều tháng 7. Đứng trước mộ mẹ thắp nén hương thơm, ông lạy mẹ mà lòng nghẹn lại không nói nên lời. ông nhớ tổ ấm gia đình thời cách đây mấy chục năm rồi, tuy gian khó nhưng chính tổ ấm ấy, lòng mẹ đã nuôi tâm hồn ông và dạy ông phải biết làm người lương thiện. Lời mẹ dạy vẫn đinh ninh lúc đêm từ biệt mẹ và hai em ra đi, trong cái đêm hè đầy sao, lời mẹ nhỏ nhẹ nhưng buồn:

 

- Con ơi, đi đâu cũng nhớ làm điều lành thì gặp điều lành, làm điều ác thì gặp điều ác, nếu chưa gặp là thời gian chưa đến.

 

Lời người mẹ quê mùa mộc mạc, ít học nhưng được thừa hưởng cái chữ, cái nghĩa của ông ngoại, thầy đồ sao mà sâu đậm vậy. Ngồi nhớ lại những chăùng đường đã qua, mùa Vu Lan nhớ về mẹ, người mẹ tần tảo mà rất mực đôn hậu. Thế hệ con cháu ngày nay như điều mẹ mong, con đường chúng con đi trên đường dài được may mắn, ấm no, hạnh phúc khác với con đường mẹ bước với đôi bàn chân trần nứt nẻ ngày xưa. Dù có thăng trầm nhưng tự hào, con đã đi trên con đường mẹ dặn.  ông Bình nghĩ vậy và nở nụ cười mãn nguyện.

 

 

                                                                              V.S (T.T.V)

 

 

 

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Nông, sâu lòng người

(HBĐT) - Chiếc xe máy đỗ xịch trước cổng, chi Hoa vội chạy ra. ôi dào, tưởng ai, hai bố con chú đi đâu mà sớm thế. Anh Liển vội trả tiền xe ôm rồi gỡ chiếc bao tải lỉnh kỉnh nào là bí xanh, bí đỏ, túi gạo, mấy giỏ trứng gà. Chị Hoa ngạc nhiên hỏi:

Giấc mơ ngựa hoang

(HBĐT) - Vậy là Văn không còn cơ hội gặp lại Mai nữa. Người ta vừa nhắn cho ông cái tin Mai mất lúc 5h, anh về ngay. Chạy đến chỗ mấy người quen rồi đi thuê xe cũng không được, Văn đành phải điện cho Đạo, Trưởng phòng hành chính cơ quan cũ.

Hạ cuối

(HBĐT) - Tôi đang cầm cây đàn ghi ta và phía trước bàn là ly cà phê nóng bốc hơi với một tâm trạng suy nghĩ đến kỳ lạ: “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn…” thì bác Thảo, chi hội trưởng chi hội phụ huynh đến gặp.

LÝ QUANG DIỆU

Cuốn sách gồm 10 chương trình bày những viễn kiến thấu đáo của Bộ trưởng Cao cấp Lý Quang Diệu về Trung Quốc, Hoa Kỳ và thế giới Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew) là một chính khách đặc biệt, độc nhất vô nhị trong nửa thế kỷ qua. Là “cha đẻ” và là nhân vật rất có ảnh hưởng ở Singapore trong hơn năm thập kỷ, ông tiếp quản một thành bang nghèo nàn, tham nhũng để xây dựng thành một quốc gia hiện đại nơi người dân hiện có thu nhập cao hơn cả phần lớn người dân Mỹ. Không chỉ với vai trò một nhà tư tưởng mà còn là người tiên phong hành động, ông rất hiểu vấn đề chuyển đổi.

Chiếc thẻ điện thoại

(HBĐT) - Sáng chủ nhật, ông Bình lững thững đi bộ ra đầu phố, ông vào một cửa hàng bán thẻ điện thoại. Đang buổi sáng sớm, ông vui vẻ nói với cháu gái bán hàng: - Cháu bán cho ông một chiếc thẻ điện thoại loại 100.000 đồng.

Siêu nhân của bà

(HBĐT) - Lũ trẻ nô đùa trong xóm thật đông vui, khác với ngày thường chúng phải đến lớp. Được ngày chủ nhật nghỉ ở nhà, mẹ các bé cũng nghỉ, thế là xóm nhỏ trở nên tưng bừng hẳn lên. Tiếng các mẹ trẻ ơi ới gọi con cứ là inh tai: - Bống ơi…, Tôm ơi…, Gấu ơi…, Bò Khai ơi… Xe đạp hai bánh, xe đạp ba bánh chúng rượt đuổi, thi nhau lượn, nhìn hoa mắt. Mấy mẹ trẻ lại có dịp trông con và ngồi buôn chuyện “chém gió” suốt buổi. Cô Hạnh, mẹ cháu Tôm, cô Thanh, mẹ của Bò Khai ngồi ở vỉa hè luôn để mắt trông chừng các con chơi, lo sợ chúng ngã hoặc xảy ra xô xát, chòng ghẹo nhau. Cô Hạnh hỏi cô Thanh:

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục