(HBĐT) - Mùa này, chúng tôi lên Đồi Thung, xã Quý Hòa (Lạc Sơn) để ngủ tròn một giấc. Đồi Thung có hai lần khai mở. Theo người già kể lại, đầu thể kỉ XX, nơi đấy mới có người mở đất, lập xóm, thôn. Rồi chừng hơn trăm năm sau nữa lại mới có được một con đường bê tông kiên cố trải quanh xóm bằng nỗ lực của các cấp chính quyền và Nhân dân. Vượt lên vô vàn cái khó mà người vùng núi mới hiểu, điện, đường, trường, trạm… lên đây làm bạn với chưa đầy trăm hộ dân. 

Những tưởng nơi mà bánh xe hơi lần đầu lăn tới, cảnh vật, con người còn đơn sơ lắm, nhưng Đồi Thung khiến cho tất cả những ai vừa đặt chân xuống, đế giày vừa lấm đất đỏ nồng nàn phải vỡ òa: Ở đây có những ngôi nhà đẹp nằm dưới những tán cây, nhà được xây kiểu cách với bốn mặt thoáng nhưng khiêm nhường. Đem thắc mắc ấy hỏi bác Bạch Công Nghiu, nguyên Bí thư chi bộ xóm và những người bạn mới quen, tôi mới hay: Làm được nhà chủ yếu từ cây măng đấy. Gớm, câu nói này mang về phố ai tin, nhưng ngồi xuống phiến đá phẳng phiu, thật như nết ăn, nết ở của người Đồi Thung mà nghe ra lý lẽ thì sẽ hiểu: Đồi Thung hiện có có 1.144 ha rừng với keo, bạch đàn, tre, luồng, cộng thêm chừng trăm ha đất canh tác nông nghiệp với hai vụ lúa và ngô, hành, kiệu… xen canh. Mỗi năm, có hàng trăm tấn măng được xuất đi các vùng, có thể vì không có sự lựa chọn nào khác, có thể vì kiên định với bài học quyết không ăn xổi theo kiểu chặt rừng, bán đất, người Đồi Thung lại khấm khá lên chăng?



Một góc Đồi Thung, xã Quý Hoà (Lạc Sơn).

Nhưng mọi câu chuyện của ban ngày, những hoài niệm lúc chập tối bên bếp lửa nướng thịt thơm nức, bên chén rượu nặng đến nóng rực người cũng không át được gió. Trong căn phòng khang trang, cửa kính đã chốt chặt, chăn ấm, gối êm, gió Đồi Thung vẫn thổi ào ạt như chẳng e ngại gì. Gió  mạnh đến mức, bước ra sân thượng ngỡ như mình vừa bước lên boong của một con tàu đang vượt đại dương. Trăm năm rồi, những cột sóng Viettel mang dữ liệu thông tin về đầy ắp trên màn hình điện thoại của những người dân nơi xóm vắng. Chỉ một thao tác đơn giản, người ta chia sẻ về trang của mình, sẻ chia với cả làng mình những kỹ thuật chăn nuôi, canh tác. Thế mà, gió Đồi Thung như vọng về từ đại ngàn hoang sơ vẫn vạm vỡ vẫn thổi.

Chúng tôi nằm nghe gió Đồi Thung thổi mà bất giác hệt như người đang khát gặp suối, như người đói gặp hơi nếp đồ tỏa ra từ trong cốp, như khách đường xa mỏi mệt gặp vị thuốc lành. Rồi, sau phút ngỡ ngàng ấy, lại giật mình lặng im. Lặng im sâu thẳm mà không có cơn gió nào thổi tới được. Ngẫm ra, mình có một món nợ, nợ nguyên sơ của Đồi Thung một điều gì?

Quãng đầu năm, khi tiết xuân còn đậm, cũng là lần đầu tôi lên đây cùng mấy người anh em, bạn bè. Đang đi bộ, bất giác tôi quay sang nhìn cậu bạn thân là sỹ quan quân đội - người đã từng nếm sương gió các vùng biên ải, từng vượt sóng gió ngoài hải đảo, cũng là một thi sĩ, thấy hình như trước Đồi Thung, những cứng cỏi ấy tan biến, chỉ còn lại một con người thi sĩ trong anh.

Đồi Thung đã không bắt anh phải phân tâm như đến các nơi khác. Nơi đây không có các dịch vụ du lịch, không xâm lấn vào cảnh quan tự nhiên. Hàng quán vẫn là một khái niệm xa lạ với người dân Đồi Thung, vì đơn giản nó chưa được khai sinh. Gác lại một bên những thông số, Đồi Thung đang là một kết cấu hài hòa: Núi, đồi, suối, đá, rừng và con người, nhà cửa, vườn, ruộng, đường sá… như âm và dương, cùng thuận hòa chung sống và tôn trọng lý lẽ của nhau. Người sẽ nuôi rừng, nuôi măng, nuôi suối, nuôi những tiếng gà đồi gáy vang… để rồi xanh, sạch nguyên sơ lại nuôi cả thân thể và tâm hồn chúng ta.

Liệu mai này Đồi Thung còn giữ được sự hài hòa khi những ngả đường sẽ dẫn về trung tâm phát triển. Liệu rồi, khi đã bão hòa với công nghệ, người ta sẽ tìm đến đây với một tâm thế và động cơ như thế nào? Nhưng tôi tin, với tình yêu với mảnh đất quê hương, với bài học kinh nghiệm, các nhà quản lý và kinh doanh du lịch một ngày nào đó khi lưu tâm đến Đồi Thung sẽ có một ý tưởng phù hợp. 

Tiếng gió thổi trên đồi thung như một bản nhạc không lời. Có người đêm nay chơi một bản ghi ta, có người mai kia trở về bên khung cửa nhỏ nơi phố thị lại có thêm những câu thơ đầy ắp hình ảnh Đồi Thung. Và, có cả những tình yêu lặng lẽ, nhớ lặng lẽ, thao thức lặng lẽ… Bởi trong lòng chúng tôi đêm nay và cả mai ngày, gió Đồi Thung vẫn sẽ còn thổi mãi…


Bùi Việt Phương 
(Tạp chí Văn nghệ Hòa Bình)

Các tin khác


Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục