Tạo lực đẩy cho phát triển, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác quy hoạch (QH), nâng chất lượng lập và quản lý QH theo luật. Tập trung hoàn thành lập QH tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó quan tâm các nội dung ưu tiên phát triển VĐL, đồng thời tổ chức thực hiện hiệu quả, công khai QH, lấy QH làm cơ sở quản lý phát triển tỉnh nói chung và VĐL nói riêng. Chú trọng xây dựng QH chung đô thị TP Hòa Bình sau khi sáp nhập huyện Kỳ Sơn, làm cơ sở xây dựng QH phân khu, QH chi tiết, thực hiện cấp giấy phép xây dựng và quản lý đô thị theo QH.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung thực hiện cơ chế phân cấp, ủy quyền cho VĐL, đặc biệt trong các lĩnh vực trọng tâm như: Tài chính, thuế, đầu tư, quản lý đô thị; xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi cao hơn cho vùng. Có cơ chế sử dụng nguồn vượt thu dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) hàng năm để tăng chi đầu tư phát triển. Cùng với sử dụng có hiệu quả nguồn vốn NSNN, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo linh hoạt trong cơ chế, chính sách thu hút, huy động các nguồn vốn của doanh nghiệp, người dân, tổ chức trong và ngoài nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH của VĐL, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, khu, cụm công nghiệp (K,CCN)...
Nằm trong VĐL, TP Hòa Bình xác định đây là yếu tố thuận lợi, mở ra cơ hội mới để phát triển. Những năm qua, thành phố luôn coi trọng nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế. Trong đó, nguồn lực về cơ sở vật chất và hạ tầng KT-XH được đặc biệt coi trọng. Vừa qua, làm việc với đoàn công tác của tỉnh về vấn đề này, đồng chí Hoàng Văn Minh, Phó Bí thư TT Thành ủy thông tin: Cùng với nguồn lực đầu tư từ NSNN, thành phố tăng cường xã hội hóa, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Qua đó, hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH được quan tâm đầu tư. Nhiều công trình, dự án quan trọng đã hoàn thành và đang triển khai, khi hoàn thành sẽ tạo diện mạo, động lực mới cho phát triển trong giai đoạn tới như: cầu Hòa Bình 6, cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, đường Hòa Bình - Sơn La; các tuyến giao thông liên kết vùng Mông Hóa - Kim Bôi, Hòa Bình - Độc Lập - Kim Bôi; các dự án bất động sản, khu đô thị mới, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội...
Cũng như TP Hòa Bình, huyện Lương Sơn đang có sự chuyển mình mạnh mẽ. Trao đổi về phát triển VĐL, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Danh cho biết: Với điều kiện vị trí địa lý, tự nhiên, xã hội và tiềm năng của huyện, Lương Sơn được xác định là hạt nhân VĐL phát triển KT-XH của tỉnh. Thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác QH tỉnh, QH sử dụng đất, QH xây dựng và đẩy nhanh tiến độ xây dựng QH phân khu các khu vực kinh tế trọng điểm. Huy động nguồn lực đầu tư các công trình trọng điểm để nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng. Huyện đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư… Phấn đấu đến năm 2025, huyện Lương Sơn cơ bản đạt tiêu chí thị xã.
Thực tế cho thấy, VĐL của tỉnh đã có sự bứt phá nhất định. Với các nguồn lực đầu tư được ưu tiên, nhiều công trình giao thông đối ngoại, đường liên kết vùng được đầu tư mới và cải tạo, nâng cấp. Ngoài ra, nhiều tuyến đường thuộc các huyện như đường từ ngã ba Đông Dương, thị trấn Lương Sơn đi xã Cư Yên, đường nội thị thị trấn Lương Sơn...; giao thông nông thôn cũng được đầu tư, nâng cấp. Song song với đó, hạ tầng cung cấp điện, hạ tầng thủy lợi, cung cấp nước, công nghệ thông tin từng bước được xây dựng đồng bộ, phù hợp với yêu cầu phát triển của tỉnh nói chung và vị trí, vai trò VĐL nói riêng.
Hiện, VĐL là nơi tập trung phần lớn các K,CCN của tỉnh, với 7 KCN, chiếm 87,5% khu và 10 CCN, chiếm trên 60% cụm của toàn tỉnh. Trong đó, KCN Lương Sơn và bờ trái sông Đà đã cơ bản hoàn thành các hạng mục hạ tầng kỹ thuật; tỷ lệ lấp đầy KCN Lương Sơn đạt 100% diện tích, KCN bờ trái sông Đà đạt 86%, KCN Nam Lương Sơn đạt 61,61%, KCN Mông Hoá đạt 34,6% diện tích. Đối với các CCN, đã có 4 cụm đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy bình quân các cụm đạt gần 33% diện tích. Qua đó, VĐL là nơi tập trung nhiều nhất số lượng các dự án, doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh. Toàn tỉnh hiện có 635 dự án đầu tư còn hiệu lực thì TP Hòa Bình chiếm nhiều nhất với 203 dự án, tiếp đến huyện Lương Sơn có 198 dự án, huyện Lạc Thủy 64 dự án. Có 92,5% dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh được triển khai thực hiện tại địa bàn VĐL. Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu gồm: công nghiệp chế biến, công nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, thấu kính, công nghiệp khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp sản xuất và phân phối điện, nước. Trong vùng cũng tập trung khá nhiều dự án phát triển dịch vụ, du lịch như sân golf Phượng Hoàng, sân golf Hilltop Valley, khu du lịch thác Thăng Thiên và nhiều dự án đầu tư khu nghỉ dưỡng, nhà vườn.
Bên cạnh đó, phát triển đô thị được chú trọng, toàn vùng có 3 đô thị đều đã được lập và điều chỉnh quy hoạch. Nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật đã, đang được triển khai thực hiện, tạo diện mạo mới cho bộ mặt đô thị. Tỷ lệ đô thị hóa của TP Hòa Bình đạt khoảng 78%; huyện Lương Sơn đạt 45%; huyện Lạc Thủy khoảng 25,45%.
Theo đánh giá của tỉnh, VĐL đã đóng góp gần 70% thu NSNN, trên 90% tổng kim ngạch xuất khẩu và đóng góp khoảng 70% quy mô kinh tế của toàn tỉnh; cũng là vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất và tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất tỉnh. Trong đó, riêng TP Hòa Bình, năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt 75 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,97%. Từ những kết quả đạt được, VĐL đã góp phần quan trọng vào phát triển KT-XH, dần trở thành đầu tàu, lan tỏa cho sự phát triển kinh tế của tỉnh.