(HBĐT) - Năm 2021 là một năm đặc biệt với mọi địa phương trên cả nước bởi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, tác động tiêu cực và ảnh hưởng sâu sắc, toàn diện đến đời sống KT-XH. Vượt lên thử thách, cam go, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy mạnh mẽ, giúp tỉnh tập trung giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc. Những kết quả quan trọng, đáng khích lệ trên toàn hệ thống, ở nhiều lĩnh vực mà tỉnh đạt được đã đóng góp vào mục tiêu, nhiệm vụ phấu đấu của cả nước.
Cán bộ LĐ-TB&XH thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) hướng dẫn lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19 làm thủ tục hồ sơ hỗ trợ chính sách.
Nhìn vào con số hàng triệu người nhiễm, hàng chục nghìn ca tử vong do Covid-19 trong cả nước chưa đủ thấy hết những mất mát, tổn thương gây ra bởi đại dịch gây ra. Năm 2021, tỉnh đối mặt với những khó khăn, thử thách bao trùm.
Người lao động gặp khốn khó
Dịch Covid-19 đã đẩy nhiều lao động vào tình cảnh không có việc làm, nhiều người trong số họ buộc phải trở thành lao động có việc làm phi chính thức, không ổn định, thiếu bền vững. Năm 2021, huyện Tân Lạc đã chi trả cho 15 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và ngừng việc. Thực hiện chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với 59 doanh nghiệp, hỗ trợ chính sách cho 1.306 người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với tổng số tiền 2,76 tỷ đồng. Liên quan đến diễn biến dịch bệnh, hàng nghìn người, chủ yếu là lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp ngoài tỉnh về địa phương đến nay vẫn chưa đi làm trở lại.
Với số công dân đi làm xa tại các tỉnh, thành phố trên cả nước lên đến hơn 20.000 người, huyện Lạc Sơn là địa phương gặp nhiều áp lực trong giải quyết việc làm cho lao động trong tình hình dịch bệnh. Số lao động hiện đang ngừng, nghỉ việc chủ yếu về từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam (Đồng Nai, Bình Dương) với khoảng trên 1.200 trường hợp. Trong năm, các ngành chức năng của huyện đã phối hợp với các gia đình tổ chức đón lao động trở về từ vùng dịch đưa đi cách ly theo quy định. Triển khai hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/QĐ-TTg đối với 17 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động với tổng số tiền trên 63 triệu đồng, tiếp nhận 5 bộ hồ sơ hỗ trợ hộ kinh doanh, 91 hồ sơ hỗ trợ lao động tự do.
Đồng chí Quách Thị Kiều, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH chia sẻ: Dịch Covid-19 tác động trực tiếp đến việc làm, giảm thu nhập của người lao động. Một số doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh (SXKD) bị ảnh hưởng dịch dẫn đến chuỗi cung ứng nguyên liệu bị đứt gãy, thiếu nguyên liệu sản xuất, không có công trình xây dựng, chưa kể có những thời điểm các DN vận tải tạm dừng hoạt động. Nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN trong và ngoài tỉnh ít. Một số hoạt động giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động bị tạm dừng nên hoạt động giới thiệu việc làm, cung ứng lao động hiệu quả chưa cao. Người lao động được tuyển chọn, hoàn thành khoá đào tạo và thi đỗ đơn hàng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng còn thấp. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến thị trường lao động tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan tạm dừng, đóng cửa…
Đời sống xã hội bị ảnh hưởng lớn
Trong năm 2021, cùng với việc phải tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch và tạm dừng một số hoạt động không thiết yếu, có 2 địa phương của tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 là Lương Sơn và TP Hoà Bình. Một số địa phương cũng chủ động giãn cách theo chỉ thị.
Trải qua hơn 60 ngày thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt để kiểm soát dịch sẽ là ký ức không quên đối với mọi người dân trên địa bàn huyện Lương Sơn. Các DN, công ty phải thực hiện "3 tại chỗ”, "một cung đường, hai điểm đến”, hàng quán dịch vụ đóng cửa, các chốt kiểm soát được thiết lập dày đặc, mọi người dân quán triệt tinh thần giãn cách "ai ở đâu ở đấy”, tuyệt đối không di chuyển khỏi địa bàn cư trú, không ra khỏi nhà sau 21h đến trước 5h ngày hôm sau…
Theo tổng hợp của huyện Lương Sơn, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, trên địa bàn huyện có 307 DN với hơn 7.000 công nhân, lao động bị ảnh hưởng. Trong đó, 152 DN ngừng, nghỉ hoạt động, hơn 1.800 lao động mất việc làm, 155 DN với trên 5.300 lao động hoạt động mang tính chất cầm chừng. Toàn huyện có hơn 5.500 lao động tự do không có thu nhập trong thời gian giãn cách. Ngoài ra, một số trường hợp phải cách ly tập trung, người địa phương khác qua chốt kiểm soát dịch của huyện gặp khó khăn, cần hỗ trợ.
Không riêng trong thời gian giãn cách xã hội, sự tác động của dịch Covid-19 đến đời sống xã hội nặng nề cùng diễn biến mùa dịch. Kể cả hiện nay, dù sức mua trên thị trường đã có dấu hiệu tăng nhưng hoạt động SXKD thương mại, dịch vụ vẫn khá thận trọng. Một số hàng quán đóng cửa nhiều ngày chưa mở cửa trở lại, hoặc do "đuối sức” mà phải đóng cửa, trả lại mặt bằng kinh doanh, kết thúc hợp đồng. Anh Nguyễn Tiến Dũng, hộ kinh doanh ẩm thực trên đường Đà Giang (TP Hoà Bình) cho biết: Tuy đã hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới, nhưng công suất phục vụ của nhà hàng chỉ đạt 35 - 40%. Một mặt do lượng khách còn khá e dè, một mặt là nhà hàng triển khai các biện pháp hạn chế tiếp xúc gần, tập trung đông người.
Chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nghiêm trọng, kéo dài nhất là lĩnh vực du lịch. Trong nhiều tháng dịch bệnh bùng phát, do không tổ chức đón khách nên người dân ở các điểm du lịch cộng đồng mất đi nguồn thu nhập. Lao động làm việc trong ngành du lịch phải nghỉ việc không lương. Toàn tỉnh có tới 95% doanh nghiệp, cơ sở lưu trú phải đóng cửa. Vắng bóng du khách, thị trường du lịch "đóng băng”, cơ sở vật chất xuống cấp, những dịch vụ kèm theo như vận tải, nhà hàng, điểm vui chơi phải tạm ngừng, đồng nghĩa với việc lao động cả trực tiếp và gián tiếp đều mất nguồn sinh kế. Năm 2021, doanh thu từ hoạt động du lịch không đạt mục tiêu đề ra, tổng khách đạt 1,55 triệu lượt, giảm 21,9%; tổng thu từ khách du lịch 1.300 tỷ đồng, giảm 31,1% so với năm trước.
Qua đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2021 của Tỉnh uỷ, mặc dù dịch Covid-19 trên địa bàn được khống chế nhưng các biện pháp phòng dịch, hạn chế tiếp xúc, cách ly xã hội đã ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, SXKD của các DN và nhà đầu tư. Các lĩnh vực du lịch, vận tải tiếp tục gặp khó khăn, hoạt động thương mại bị gián đoạn. 128 DN đăng ký tạm ngừng SXKD, 42 DN giải thể tự nguyện. 5/21 chỉ tiêu không đạt nghị quyết về mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021 đề ra, bao gồm: Tốc độ tăng trưởng kinh tế; thu nhập bình quân đầu người; năng suất lao động; tổng đầu tư toàn xã hội; tỷ lệ người dân tham gia BHYT.
Tỉnh đã triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 1/7/2021 của Chính phủ; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn. Đến nay, đã hỗ trợ 2.967 đơn vị sử dụng lao động, 172 hộ gia đình, 110.223 người lao động với tổng kinh phí trên 103 tỷ đồng. Kịp thời thực hiện chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động cùng một số chính sách đảm bảo an sinh xã hội.
(Còn nữa)
Nhóm P.V Phòng Văn hoá - Xã hội
(HBĐT) - Tình hình dịch Covid-19 tại xã Pà Cò (Mai Châu) đang diễn biến ngày càng phức tạp với số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tiếp tục gia tăng. Ban chỉ đạo phòng chống dịch (PCD) Covid-19 huyện Mai Châu đã thành lập tổ công tác đặc biệt, cùng các lực lượng y tế, công an… hỗ trợ xã tập trung chống dịch.
(HBĐT) - Có nhiều dịp được gần gũi, trò chuyện với cụ Lê Thị Tâm, lão thành Cách mạng. Lần nào cũng vậy, chúng tôi được nghe cụ kể nhiều về những ngày đầu tham gia hoạt động cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa và những ngày tháng đi "gieo” những "hạt giống đỏ” cho phong trào cách mạng trên vùng rừng núi Đà Bắc...
(HBĐT) - Từng dòng chữ được phác vội trên giấy bằng đôi tay hao gầy, run run của người cựu chiến sỹ Nguyễn Văn Hai, tổ 11, phường Thịnh Lang (TP Hoà Bình) tham chiến ở Chiến dịch Hoà Bình năm xưa khiến chúng tôi không khỏi xúc động về một thời hoa lửa mà các cụ ông, cụ bà đã trải qua. Năm ấy, Chiến dịch Hoà Bình diễn ra khốc liệt với những mất mát, nhưng cùng với đó là những chiến công vang dội khiến thực dân pháp "vỡ mộng” với âm mưu lập "Xứ Mường tự trị” trên đất Hoà Bình.
(HBĐT) - Phát triển kinh tế xanh là bước đi bền vững, xu hướng tất yếu của nền kinh tế hiện tại và trong tương lai. Xu thế này đã và đang được chứng minh qua thực tế của các nước tiên tiến trên thế giới và một số tỉnh, thành phố trong nước. Lần đầu định hướng, mục tiêu phát triển xanh - xanh nữa là quan điểm xuyên suốt, bao trùm trên tất cả các lĩnh vực trong những năm tới được xác định cụ thể trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
(HBĐT) - Thời gian qua ghi nhận sự đổi mới, quyết liệt chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ đột phá chiến lược thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, trong đó tập trung vào giải quyết những khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính (TTHC), giải phóng mặt bằng (GPMB), quy hoạch, gắn trách nhiệm người đứng đầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hỗ trợ các nhà đầu tư có năng lực triển khai bảo đảm tiến độ cam kết, bước đầu tạo ra những chuyển động lạc quan cho môi trường đầu tư, phát triển triển kinh tế của tỉnh.
(HBĐT) - Hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư (THĐT) là 1 trong 4 đột phá chiến lược thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo khắc phục những yếu kém cải cách hành chính, xây dựng bộ máy chính quyền đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thu hút nhà đầu tư (NĐT) có năng lực triển khai dự án, tập trung vào các lĩnh vực: du lịch, đô thị sinh thái, công nghiệp theo quy hoạch, tạo sự tăng tốc về kinh tế bền vững.