Bùi Văn Trường ngồi bên góc bếp thâu đêm, suốt sáng.

Bùi Văn Trường ngồi bên góc bếp thâu đêm, suốt sáng.

(HBĐT)- Hơn 30 năm trước, ông Bùi Đức Hón, xóm Định II- xã Mãn Đức (Tân Lạc) đã lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc. Khi đất nước hòa bình, ông trở về với cuộc sống đời thường và xây dựng gia đình. Nhưng thật không may khi sinh ra đứa con không lành lặn. Bởi di chứng của chiến tranh, chất độc điôxin đã ngấm vào máu, từng ngày dày vò ông và đứa con trai tội nghiệp.

 

Tháng 12/1970 cũng như bao chàng trai cùng trang lứa, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Hón lên đường nhập ngũ. Hơn 5 năm tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ,  nếm mật, nằm gai nơi bom rơi, đạn lạc, ông đã được rèn luyện, đúc rũa và giác ngộ được nhiều điều. Ông nở một nụ cười khi nhớ lại những ngày tháng xa xưa: “ Đời lính gian khổ nhưng cũng lắm lúc vui”.

Sau đại thắng tháng 4/1975, giang sơn thu về một mối, nước nhà được độc lập tự do.  Đến tháng 6/1976 ông được về phục viên. Khi trở về, chàng trai trẻ ấy luôn hồ hởi với  thắng lợi của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Đầu năm 1977, ông xây dựng gia đình. Hạnh phúc trong niềm vui chung của nước nhà và hạnh phúc bên niềm vui riêng. Ông háo hức chờ đón ngày đứa con đầu lòng  ra đời. Thế nhưng, khi ngày hạnh phúc ấy đến thì đó cũng là ngày những nỗi lo trong ông lớn dần. Di chứng của chiến tranh là hậu quả tàn khốc mà đứa con đầu lòng của ông phải gánh chịu.                    

Bùi Văn Trường sinh năm 1977, bẩm sinh đã chậm lớn, suốt ngày chỉ quanh quẩn trong căn bếp chật hẹp trên gác nhà sàn. Từ bé tới giờ, Trường chỉ liên mồm ú ớ, lúc la khóc, lúc khua chân múa tay, lúc lại cười vô thức… Cách để Trường di chuyển là lê lết một cách nặng nhọc hoặc trườn bò như một đứa trẻ con. Tất cả từ ăn uống, vệ sinh, ngay cả khi Trường rủ mắt buồn ngủ nếu không có sự giúp đỡ thì cũng chỉ biết ngủ ngồi. Có người sợ hãi, có người lại không cầm nổi lòng khi nhìn thấy Trường. Ông Hón nhìn tôi vẻ muộn phiền: Khổ lắm, hơn 30 năm nay hai thân già phải phục vụ nó, phải bón cơm cháo, tắm giặt như một đứa trẻ con. Giờ nó cũng có tuổi, nên thường xuyên dậy từ rất sớm, có hôm từ 2, 3h sáng. Những ngày đầu còn thức được cùng con, nhưng đã 34 năm, mệt mỏi lắm rồi cháu ạ, lắm lúc cũng đành để mặc nó rồi chợp mắt.                

Lúc đói khát, Trường chỉ biết bò theo mẹ mà la khóc, mà ú ớ…Trường cũng rất hay cười, nhưng nụ cười vô thức ấy càng làm trái tim những người làm cha, làm mẹ như vợ chồng ông Hón thêm đau lòng.

Bản thân ông Hón những ngày mới ở chiến trường trở về cũng đau ốm liên miên, những trận sốt rét thỉnh thoảng vẫn làm ông ớn lạnh, rùng mình mỗi khi nhớ lại. Những khi trái nắng trở trời vết thương cũ lại tái phát khiến ông đau nhức. Tưởng rằng riêng ông phải chịu nỗi đau đó ai ngờ chiến tranh còn hủy hoại cả đời con ông.

Giọng ông nghẹn ngào, nơi khóe mắt nhăn nheo đã mòng mọng nước. Ông lấy lại bình tĩnh rồi nói tiếp:  Sinh được tất thẩy bốn người con, dưới Trường còn hai em gái, một em trai. Chúng may mắn hơn anh là đều lớn khôn, nhận thức được như những đứa trẻ bình thường khác. Thế nhưng sống đến cái tuổi này mà vợ chồng tôi cũng chưa một lần được ngủ một giấc ngủ tròn.

Đi hết từ nỗi lo này đến những nỗi lo khác. Khi vợ thai nghén những đứa con khác tôi luôn trăn trở, lo lắng liệu bào thai ấy có lành lặn hay lại là những hình hài khiến mọi người kinh hãi.

Ông  bùi ngùi: Giờ thì nói được như vậy chứ tôi khổ tâm lắm. Rồi sẽ đến lúc chúng khôn lớn, trưởng thành liệu có ai chấp nhận, yêu thương và gắn bó với chúng cả đời.

Hai đứa em gái Trường lập gia đình là niềm vui, hạnh phúc với cả gia đình. Nhưng chưa bao giờ vợ chồng ông thôi không lo lắng khi nghĩ về con, về cháu.  Họ chỉ thở phào nhẹ nhõm khi những đứa cháu của họ biết đi, biết bi bô gọi bố mẹ, ông bà…Mừng vui quá mà rơi nước mắt.

Băn khoăn lớn nhất với đôi vợ chồng già cả đời khổ vì chăm lo cho con lúc này là tuổi cao, sức yếu. Đau đáu nỗi lo về đứa con tật nguyền, canh cánh trăn trở với nỗi lo  cho đứa con trai út đang học cấp 3 vẫn ngày đêm làm vợ chồng ông sầu não…

Chiến tranh đã qua, 36 năm đã đi vào kí ức nhưng vết thương mà nó gây ra thì vẫn còn mãi. Nỗi đau da cam vẫn luôn là nỗi ám ảnh với ông Hón, với nhiều người.

 

                                              Vũ Thị Huyền Trang

             (Lớp Báo chí 6A- Trường CĐ Phát Thanh- Truyền Hình I)


 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục