Đường mở đến đâu, đất được khai hoang đến đó.

Đường mở đến đâu, đất được khai hoang đến đó.

(HBĐT) - Hẹn mãi chúng tôi mới có dịp quay trở lại bản người Dao Đằng Long xã Bắc Sơn (Kim Bôi). Có quá nhiều thay đổi so với cách đây hơn 2 năm khi chúng tôi đến. Con đường trải nhựa vào bản Dao quanh co theo dốc, qua đá núi đã thay cho lối mòn nhỏ lốc cốc vó ngựa thồ..

 

Kỳ 1: Huyết mạch cho cuộc sống bản Dao

 

Giờ đi từ bản Đằng Long đến Thung Chừa đã có đường ô tô. Từ đây, đi xuyên sang chợ Cá (Miếu Môn, Xuân Mai, Hà Nội) chỉ mất non 10 cây số, gần hơn đường cũ cả chục lần. Đó là kỳ tích. Con đường mới mở đã vượt qua đỉnh núi chênh vênh cao vút hết tầm mắt mà người dân ở Đằng Long vẫn gọi là cổng trời.

 

Gặp lại kỹ sư Tiến

 

Chỉ cần chậm thêm dăm, ba phút có lẽ trong chuyến đi này chúng tôi khó có thể gặp được anh Triệu Văn Tiến. Người cách đây 2 năm trước còn là Trưởng bản Đằng Long và cũng là người khởi xướng mở tuyến đường huyết mạch nối từ bản Dao Đằng Long qua Thung Chừa sang đến chợ Cá (Miếu Môn, Xuân Mai, Hà Nội). Bây giờ dù không còn làm Trưởng bản nữa nhưng cứ việc to, việc nhỏ là bà con lại chạy sang hỏi chú Tiến. Cụ Dương Đức Châu - một người hàng xóm góp chuyện. Cái tên kỹ sư Tiến mà chúng tôi nghe những người dân trong xóm nói khi hỏi chuyện có lẽ cũng bắt đầu từ khi Đằng Long mở tuyến đường huyết mạch nối với cổng trời.

 

Xóm Đằng Long là nơi quy tụ gần 46 nóc nhà của đồng bào người Dao với gần 150 nhân khẩu. Người ít, đất đai ở Thung Chừa màu mỡ đủ  cho mỗi nhà cả hécta. Điều đó, ai cũng biết. Nhưng lạ là năm được mùa nhưng dân vẫn... đói. Sau bao mùa vất vả dong ngựa qua con đường mòn trơn trượt ngược dốc vào Thung Chừa. Anh Tiến và cả những người dân trong xóm luôn khao khát một con đường. Dù con đường đó chỉ đủ cho chiếc xe máy vít ga, gằn máy vào được Thung Chừa cũng là mãn nguyện. Bởi ai cũng hiểu, con đường đó sẽ là bước khởi đầu cho một cuộc sống mới ở bản Dao khốn khó quanh năm bồng bềnh trong mây núi này. Phải đến năm 2009, khát khao đó mới có cơ hội trở thành hiện thực khi anh Triệu Văn Tiến được tín nhiệm bầu làm trưởng bản.

 

Với suy nghĩ phải làm được việc có ích cho dân, hàng ngày anh bỏ cả việc nhà âm thầm đeo dao, chống gậy vạch cây, ngược dốc về phía đỉnh núi mà người dân vẫn gọi là cổng trời để đo, ngắm và vẽ tuyến mở đường. Đùng một cái, anh hẹn dân bản đến họp bàn. Một quyết định táo bạo đã được Trưởng bản Triệu Văn Tiến đưa ra để bà con cùng tìm bàn bạc cho một con đường thoát nghèo. Những ý kiến trái chiều đầy nghi ngại được đưa ra. Song với sự quyết tâm và đồng thuận cao, kế hoạch cho ngày khởi công mở đường lên Thung Chừa đã được thống nhất. Với sự hào hứng, anh Tiến quả quyết: Tôi đã nói với bà con thì tôi phải làm bằng được. Khó mấy cũng phải làm, không thì mặt mũi nào mà dám nhìn bà con nữa...

 

Lời giải cho bài toán khó

 

Giờ thì kỹ sư Tiến không còn làm Trưởng bản. Nhưng ôtô đã đi từ bản Đằng Long đến tận Thung Chừa. Điều đó cũng có nghĩa là lời hứa trước dân bản của kỹ sư Triệu Văn Tiến đã trở thành hiện thực.

 

Nhưng để thực hiện được lời hứa trước dân, anh kỹ sư Triệu Văn Tiến cũng đã nhiều phen khốn đốn. Ngay sau khi tạo được sự đồng thuận, nhất trí của bà con dân bản, đích thân ông Trưởng bản mang kế hoạch trình lên lãnh đạo xã, huyện xin ý kiến thì bị bác ngay vì lý do không có kinh phí và không khả thi. Mặc, giờ cả bản đã cùng một ý chí. Một công trường sôi động với tiếng cuốc, xẻng, tiếng cười nói râm ran vang theo triền núi. Hàng trăm con người của cả bản Dao đều gác lại công việc gia đình để bắt tay vào thi công con đường chiến lược để thoát nghèo. Những giọt mồ hôi đổ xuống, những cung đường uốn lượn theo triền núi dần hình thành. Việc mở đường ngày càng khó, đá núi như thử sức người. Mỗi đoạn đường đất gần xong thì cái khó hiện ra càng rõ. Con đường không thể thông nếu như đá núi cứ sừng sững trước mặt. Phải có máy, máy móc cùng sức người mới làm được. Anh Tiến nghĩ thế, bà con cũng vậy. Thế rồi lại thêm một cuộc họp khẩn ở nhà ông Trưởng bản Triệu Văn Tiến. Quyết định cuối cùng được nhất trí cao là cả xóm cùng góp tiền thuê máy về làm đường. Nói thì dễ nhưng nhẩm tính sơ sơ mỗi nhà cũng bỏ ra đến cả chục triệu đồng. Số tiền ấy đối với bà con mình là cả một gia tài chứ đâu có ít. Anh Triệu Văn Tình, Trưởng bản mới của bản Dao Đằng Long chia sẻ. Dù khó nhưng cuối cùng cả xóm vẫn nhất trí đóng góp. Hộ nào có ít nương ở gần thì đóng ít, còn hộ nhiều nương ở xa đóng góp nhiều. Với cách làm đó, một bài toán tưởng như không có lời giải đối với nhà nông nhưng lại được kỹ sư Tiến giải dễ dàng.

 

Có được sự đồng thuận về ý chí lại thêm sự ủng hộ về tinh thần với quyết tâm cao độ làm bằng được con đường. Vì thế  chỉ trong thời gian ngắn, cả bản đã chung tay, chung sức huy động được gần 400 triệu đồng để thuê máy móc về bạt núi, mở đường. Đến giờ, con đường huyết mạch dài 7 km đã hoàn thành mở ra lối thoát cho cho những dân nghèo. Con đường mới đã thực sự làm đổi thay cuộc sống ở bản Đằng Long. Đường mở đến đâu, đất đai được khai khẩn đến đó. Các loại cây mang tính chất hàng hóa có giá trị kinh tế được chuyển đổi đưa vào sản xuất như khoai lang, khoai Sapa, ngô, lạc, đậu tương Hơn thế nữa, có đường thuận lợi, giá trị nông sản làm ra được nâng lên. Đặc biệt hơn, từ khi có đường đã có hàng chục hộ đầu tư mở rộng phát triển kinh tế trang trại ở Thung Chừa. Đến nay có nhiều hộ tạo được nguồn thu từ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng/năm như gia đình Triệu Văn Vinh, Triệu Văn Tiến, Lý Văn Tình... Đó là một điều đáng mừng.

 

Hướng về con đường dài hút, kỹ sư Triệu Văn Tiến cười hiền: Nếu không có con đường này, không biết ngày mai con cháu mình sẽ ra sao.

 

Còn ngay lúc này đây, khi đứng trên con đường như bị hút vào mây,. chúng tôi biết, trong tâm trí người đàn ông này vẫn còn thổn thức những lời khen chí lý, chí tình của về một con người biết sống và biết làm những việc vì dân của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khi đến thăm bản Dao Đằng Long khi tuyến đường lên Thung Chừa vừa hoàn thành.

                                                                                  

 

 Kỳ 2: Lớp học đặc biệt

 

                                                                          Mạnh Hùng

   

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục