Bài 1 - Trắng đêm chờ đón đồng bào về từ vùng dịch

(HBĐT)-Từ ngày 4/3, 106 công dân Việt Nam từ Hàn Quốc về nước được cách ly phòng, chống đại dịch Covid-19 tại Trường Quân sự tỉnh, phường Thịnh Lang (Thành phố Hòa Bình). Bất chấp hiểm nguy có thể xảy ra nếu lây nhiễm chéo, chấp nhận xa gia đình cách ly 14 ngày để "ăn cùng, ở cùng, sinh hoạt cùng” và chăm sóc sức khỏe người dân về từ vùng dịch, các cán bộ, chiến sỹ (CB, CS) Bộ CHQS tỉnh và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã viết lên hình ảnh thật đẹp về tinh thần trách nhiệm, cống hiến, vì sức khỏe cộng đồng. 

Đêm 3/3, toàn bộ CB, CS của Bộ CHQS tỉnh cũng như Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh làm nhiệm vụ đón tiếp công dân Việt Nam từ Hàn Quốc về cách ly đã có một đêm thức trắng. Chỉ có thời gian rất ngắn để chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và các điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón công dân về cách ly. Do đó, mọi công việc được tiến hành khẩn trương, xuyên đêm để có thể đón đồng bào về cách ly một cách chu đáo, an toàn, đúng quy trình. Mặc dù trời mưa tầm tã nhưng mọi công việc được tiến hành khẩn trương: Cán bộ Bộ CHQS tỉnh bố trí phòng ở, chăn gối; mua mới đồ dùng vệ sinh cá nhân như cốc uống nước, bàn chải, kem đánh răng, khăn mặt, móc áo; căng dù bạt che mưa giữa sân; kê bàn ghế phân khu đón tiếp. Cán bộ, bác sỹ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh vận chuyển về khu cách ly phương tiện phun sát trùng, nước rửa tay, nước súc họng, đồ bảo hộ, trang thiết bị y tế cần thiết…


Cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ khám sàng lọc, phân khu công dân về từ nước có dịch.

Dọc các tuyến đường từ phường Kỳ Sơn đến xã Trung Minh, phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) là các chốt có chiến sỹ công an, quân đội đứng hướng dẫn chỉ đường cho đoàn xe chở người cách ly. Mưa tầm tã không kịp vuốt mặt nhưng thái độ ân cần, niềm nở của các anh khiến cho người về từ vùng dịch được trấn an, động viên rất nhiều.

Liên tục điện thoại báo về: máy bay đã hạ cánh, công dân đang làm thủ tục, xe bắt đầu rời Vân Đồn, xe đã về đến gần Hà Nội… Thông tin liên tục được cập nhật để công tác chuẩn bị sẵn sàng, xe về đến gần TP Hòa Bình, trời vẫn còn tối đen, mưa không ngớt. Chăm chú nhìn ra phía cổng chờ các đoàn xe tiến vào, đại tá Vũ Hải Ninh, Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh chia sẻ: Đây là lần đầu tiên Hòa Bình đón tiếp, cách ly số lượng lớn công dân về từ vùng dịch. Các cán bộ Bộ CHQS tỉnh cũng như Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lần đầu thực hiện nhiệm vụ này. Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, có thể coi đây là một nhiệm vụ khá khó khăn và cũng có chút nguy hiểm. Do đó, khi lựa chọn CB, CS chúng tôi phải theo các tiêu chí: có sức khỏe, tinh thần trách nhiệm cao, chuyên môn tốt và đặc biệt là sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Anh em ban đầu cũng có chút lo lắng nhưng khi được tập huấn về kiến thức phòng, chống dịch bệnh, được trang bị bảo hộ đầy đủ đã yên tâm, sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

Dù đã được "lên dây cót” nhưng thực tế khi những chiếc xe chở công dân đầu tiên từ vùng dịch vào đến sân mọi người cũng cảm thấy có chút lo lắng, căng thẳng. Nhưng tiếng khóc của em nhỏ, tiếng cười nói, chào hỏi của đồng bào về từ vùng dịch khiến chút e dè của CB, CS tan biến, các vị trí khẩn trương thực hiện nhiệm vụ.

Giữa màn đêm mưa mịt mùng, cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khẩn trương phun khử trùng xe, chiến sỹ Bộ CHQS tỉnh hướng dẫn từng tốp nhỏ rời xe, tiến đến khu vực khai báo và khám sàng lọc y tế. Công việc diễn ra tuần tự dù trời tối đen, mưa như trút nước. Trời tối, mưa to, sân trơn, cán bộ phun khử trùng bị trượt chân, cả bình thuốc phun đeo phía sau lưng bị đổ, văng tung tóe. Được mọi người đỡ dậy, anh khẩn trương thay quần áo, pha bình thuốc khác để tiếp tục công việc. Chứng kiến những hình ảnh đó, trào dâng trong chúng tôi sự trân trọng, nể phục.

Từ sân đến sảnh khu nhà cách ly, căng thẳng nhất có lẽ là khu vực khai báo y tế, khám sàng lọc. Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cầm sẵn dụng cụ đo thân nhiệt trên tay, mỗi lần cán bộ này đọc thân nhiệt của từng công dân được đo dao động quanh mức 36,50C là những người có mặt thở phào, bớt được một chút lo lắng. Trong quá trình khai báo y tế, mỗi khi có công dân khai về "từ vùng có dịch” là lập tức được các cán bộ thăm hỏi cặn kẽ về tình hình sức khỏe, hành trình di chuyển.

Trong quá trình khai báo, nhiều người dân miền trong hoặc ở nước ngoài lâu ngày nên CB, CS phải cẩn thận hỏi đi, hỏi lại nhiều lần để thông tin khai báo chính xác. Khi tiến hành khám sàng lọc, khai báo y tế được gần hết số công dân đến cách ly thì xuất hiện 1 trường hợp thanh niên về từ vùng dịch có ho. Thông tin này nhanh chóng được báo cáo đến lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bộ CHQS tỉnh. Có một chút lo lắng hiện lên trên khuôn mặt những người có mặt. Nhưng tình huống nhanh chóng được giải quyết, cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh vừa thăm hỏi, động viên, trấn an vừa bố trí phương án chuyển nam thanh niên sang Bệnh viện Đa khoa tỉnh để khám, điều trị và lấy mẫu xét nghiệm.

Trời tối, mưa, rét, lạnh nhưng các CB, CS vẫn cần mẫn, nỗ lực thực hiện hết sức cẩn thận các bước của quy trình đón tiếp người về từ vùng dịch. Sau phần khai báo, công dân được phân khu để cách ly tại khu nhà 3 tầng. Đều là các trường hợp đi xa về, nhiều gia đình có con nhỏ, đồ đạc lỉnh kỉnh nhưng ngay từ chân cầu thang tầng 1 đã có các chiến sỹ vệ binh Bộ CHQS tỉnh hỗ trợ chuyển đồ đạc từ tầng 1 lên tầng 3 bằng cầu thang bộ. Cứ thế mọi việc diễn ra tuần tự cho đến khi hoàn thành công việc đón tiếp công dân cuối cùng, đưa về phòng nghỉ cũng là lúc kẻng báo thức 5h30p của Trường Quân sự tỉnh vang lên.

(Còn nữa)

Dương Liễu


Các tin khác


Bí thư chi đoàn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nuôi cá lồng

Qua tìm hiểu, anh Nguyễn Văn Lân, Bí thư chi đoàn tổ Vôi, phường Thái Bình, TP Hòa Bình đã tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có của quê hương, mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình, trở thành tấm gương sáng về khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn.

Thoát nghèo từ mô hình nuôi ong và trồng bưởi đỏ

Tận dụng lợi thế đồi rừng, những năm qua, nông dân xã Tử Nê, huyện Tân Lạc đẩy mạnh phát triển kinh tế, trong đó có nghề nuôi ong lấy mật mang lại hiệu quả cao. Tiêu biểu là gia đình anh Bùi Văn Liêm ở xóm Cú. Với ưu thế nhà gần rừng có nhiều loại cây và các loại hoa rừng, tốt cho việc nuôi ong, anh Liêm đã tìm tòi, học hỏi qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hộ nuôi ong trong vùng, từ đó đầu tư trên 50 tổ ong nuôi lấy mật.

Khởi nghiệp từ đặc sản quê hương

Nhận thấy quê hương có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, anh Hà Công Hưng, Phó Bí thư Đoàn xã Mai Hịch (Mai Châu) bắt tay vào làm sản phẩm thịt gác bếp với mong muốn mang đặc sản của quê hương đến với du khách trong nước và quốc tế.

Bùi Đình Văn - gương sáng phát triển kinh tế

Trong những năm qua, phong trào đoàn viên, thanh niên vượt khó làm kinh tế được tuổi trẻ xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc tích cực hưởng ứng. Ngày càng có nhiều đoàn viên, thanh niên bằng khát vọng vươn lên làm giàu, dám nghĩ, dám làm đi lên từ hai bàn tay trắng để trở thành những thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi của huyện.

Người phát triển nghề mây tre đan trên quê hương Mường Động

Từ một phụ nữ thuần nông, chị Nguyễn Thị Nhung ở xóm Quê Rù, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) mạnh dạn về xuôi tìm hiểu và theo học làm mây tre đan với mong muốn chuyển đổi nghề, từng bước cải thiện sinh kế. Sau nhiều nỗ lực, chị trở thành người có tay nghề vững, được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện mời về làm giáo viên thỉnh giảng. Quá trình giảng dạy chị vừa truyền nghề, vừa đứng ra làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho học viên.

Người phụ nữ giàu lòng nhân ái

Bà Nguyễn Thị Nụ ở tiểu khu Thạch Lý, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) được biết đến là người phụ nữ giản dị, giàu lòng nhân ái. Mặc dù kinh tế gia đình không dư giả nhưng với gần 10 năm làm công tác thiện nguyện cũng đủ nói lên tấm lòng nhân ái, sống có trách nhiệm, biết sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn của bà.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục