(HBĐT) - Xuất phát từ tình cảm tôn kính và biết ơn sâu sắc đối với Bác Hồ kính yêu, những năm qua, đồng chí Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phú Lão - nay là xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) đã sưu tầm hàng nghìn bức ảnh, tư liệu về Bác, đóng thành từng tập mang tên "Theo dấu chân Người” để tri ân, lưu giữ, giới thiệu đến các đảng viên và học sinh trên địa bàn xã.
Đồng chí Nguyễn Hữu Đức luôn dành tình cảm trân trọng đối với các tài liệu về Bác Hồ kính yêu.
Cách đây gần 10 năm, đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2011), đồng chí Nguyễn Hữu Đức bắt tay vào công việc sưu tầm ảnh và tư liệu về Bác. Mở đầu tập "Theo dấu chân Người”, là bức ảnh về Bến cảng Nhà Rồng đầu thế kỷ XX, nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước. Có lẽ, cũng như mọi người dân Việt Nam khác, đồng chí Đức luôn khắc sâu về dấu ấn bắt đầu một cuộc hành trình không mệt mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân.
Gần 10 năm qua, đồng chí Đức đã sưu tầm được gần 5.000 ảnh, bài báo, bài thơ viết về cuộc đời và sự nghiệp của Bác, về những địa danh liên quan đến sự nghiệp cách mạng của Người, đặc biệt là những bài báo, bài nói chuyện, những câu nói của Bác, lưu giữ ở 4 quyển sổ (hơn 500 trang khổ giấy A4). Những bức ảnh, tư liệu viết về Bác cơ bản được sắp xếp lần lượt, trình tự theo thời gian và sự kiện: Từ khi Bác ra đi tìm đường cứu nước đến khi Bác về với cõi vĩnh hằng. Nhiều bức ảnh chân dung đen, trắng của Bác đã cũ theo thời gian, nhưng vẫn ngời sáng ánh mắt tinh anh, nhân hậu, hiền từ của một con người đại nhân, đại chí, đại dũng. Những bức ảnh đời thường của Bác toát lên phong thái dung dị, hòa mình với thiên nhiên, cây cỏ; gần gũi, thân ái với quần chúng, nhất là những người nông dân, các cụ già và em nhỏ.
Lật giở từng trang - những tấm ảnh đã đưa người xem về thăm lại những địa danh nổi tiếng lưu dấu ấn của Người trên con đường lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc: Làng Sen, quê nội Bác Hồ; làng Hoàng Trù, quê ngoại Bác Hồ; trường Dục Thanh, nơi Bác đã từng dạy học; Bến cảng Nhà Rồng, nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước; khách sạn Trung tâm Matxcơva, nơi Bác ở trong thời gian dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V; ngôi nhà 13/1, nay là số 248 - 250, đường Văn Minh, TP Quảng Châu, Trung Quốc, trụ sở của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, nơi Nguyễn Ái Quốc mở các lớp huấn luyện đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam (1925 - 1927); ngôi nhà 48 Hàng Ngang, nơi Bác viết Tuyên ngôn độc lập; ngôi nhà ở Vạn Phúc, Hà Nội - nơi Bác viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến…
Đồng chí Đức chia sẻ: "Trong rất nhiều tấm ảnh về Bác thu thập được, tôi thấy rất tâm đắc với những tấm hình giản dị, đời thường của Bác như bức ảnh Bác đang trò chuyện với nông dân, em nhỏ, hay bức ảnh Bác giải trí sau những giờ làm việc căng thẳng, hòa mình cùng với quân, dân...".
Trong những tập ảnh, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Đức dành một phần để lưu giữ những bài báo, bài thơ của các tác giả ca ngợi về cuộc đời, sự nghiệp của Bác. Thông qua những tác phẩm, người đọc càng hiểu rõ hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách sáng ngời của Người, một tấm gương bình dị mà cao quý, mẫu mực, hết lòng vì nước, vì dân. Những bài báo, bài thơ in trên giấy đã phai màu, sờn gáy, nhưng người đọc không khỏi xúc động, bồi hồi tưởng nhớ về người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Bến cảng Nhà Rồng tìm đường cứu nước với một hoài bão lớn, nung nấu một quyết tâm cháy bỏng, đó là giành "tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi...”; nhớ về những năm tháng Bác vất vả bôn ba nơi xứ người để tìm ra con đường cứu nước; về bước ngoặt lịch sử vẻ vang khi Bác chủ trì hội nghị thống nhất chung các tổ chức Cộng sản trong nước, thành một Đảng thống nhất, duy nhất dẫn dắt đường lối cách mạng tới con đường giải phóng dân tộc, đánh đổ đế quốc, phong kiến - Đảng Cộng sản Việt Nam; được sống lại khí thế hào hùng của Tháng Tám lịch sử năm 1945 - Tổng khởi nghĩa giành chính quyền; nhớ về mùa thu năm 1945 - Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa... Mỗi bài báo, bài thơ không chỉ là tình cảm mà còn là lời dạy, lời dặn dò của Bác đối với mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, thể hiện sự ghi nhớ công ơn của nhân loại nói chung, Nhân dân Việt Nam nói riêng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đồng chí Đức cho biết thêm: Những bài báo, bài thơ viết về Bác giúp tôi hiểu biết sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Người để từ đó mình càng trân quý hơn và luôn tự nhủ phải học tập, làm theo Bác từ những việc làm nhỏ nhất.
Trong suốt quá trình công tác, dù ở môi trường quân đội hay ở cơ quan Nhà nước, đồng chí Nguyễn Hữu Đức luôn gương mẫu, đi đầu nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Từ năm 2014 - 2019, đồng chí được công nhận là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong gia đình, đồng chí cùng vợ xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con cháu ngoan ngoãn, trưởng thành, là những người công dân tốt, có ích cho xã hội. Nhiều năm liền, gia đình đồng chí Đức luôn được công nhận là gia đình văn hóa và văn hóa tiêu biểu. Hiện nay, tuy đã được nghỉ chế độ, nhưng đồng chí Đức vẫn tiếp tục miệt mài sưu tầm ảnh, tư liệu về Bác Hồ, để sớm thực hiện thành công ý tưởng xây dựng "Tủ sách Bác Hồ” tại địa phương.
Đinh Thị Phương
(Ban Tuyên giáo Huyện ủy Lạc Thủy)