Cách đây 62 năm, thực hiện lời Bác Hồ dạy "Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân", Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn, nguyên giáo viên Tổng phụ trách đội Trường cấp 2 Liên Sơn (nay là Trường THCS Tam Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh) trong quá trình đi trồng cây cùng học sinh đã nảy ra sáng kiến, phát động phong trào "Thi đua làm nghìn việc tốt, thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy, phấn đấu trở thành cháu ngoan Bác Hồ", gọi tắt là "Nghìn việc tốt".
Từ Bắc Ninh, phong trào nhanh chóng lan rộng khắp miền Bắc rồi cả nước. 62 năm qua, phong trào thi đua Nghìn việc tốt đã được lớp lớp thiếu nhi tỉnh Hòa Bình tích cực tham gia, hưởng ứng. Riêng giai đoạn 2020 – 2025, toàn tỉnh đã có 2.600 thiếu nhi được tuyên dương "Dũng sĩ nghìn việc tốt” các cấp, trong đó 10 thiếu nhi tiêu biểu được tuyên dương cấp toàn quốc. Loạt bài này sẽ đưa bạn đọc cùng gặp gỡ những bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa nghìn việc tốt của thiếu nhi tỉnh Hòa Bình.
Kỳ 1: Nhặt được của rơi trả người đánh mất - khi mầm thiện được gieo trồng từ lúc măng non
Bập bẹ biết nói, biết đi, một trong những bài hát yêu thích đầu đời của các bé chính là bài đồng dao"Bà còng” với câu kết thúc vui tươi, lí lắc nhưng cũng rất có ý nghĩa giáo dục: "Tiền bà trong túi rơi ra/ Tép tôm nhặt được trả bà mua rau”. Lớn thêm chút nữa, ngay trong năm lớp 1, khi làm quen với môn Đạo đức, bé được học bài "Nhặt được của rơi trả người đánh mất”. Đức tính thật thà, tử tế như hạt mầm thiện được gieo vào mỗi đứa trẻ và lớn dần cùng thời gian một cách tự nhiên, bình dị, để khi nhặt được của rơi thì phản xạ tự nhiên là tìm trả lại người đánh mất.
Đó cũng chính là phương án mà các em học sinh Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (thành phố Hòa Bình) đã nhanh chóng đưa ra và thống nhất cao khi cùng nhặt được 10 triệu đồng trên đường đi học về. Trong nhóm 6 bạn học sinh nhặt được tiền vào ngày 21/4/2024 ngay tại khu vực cổng trường (tổ 9, phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình), bạn lớn nhất mới học lớp 3, bạn bé nhất học lớp 1. Đó là các em: Trần Huyền My, lớp 1A1; Tống Hải Nam, lớp 2A7; Phạm Văn Đồng, lớp 3A7; Đỗ Thanh Đạt, lớp 3A3; Nguyễn Trần Nhã Khanh, lớp 3A5; Trần Lê Bảo Trân, lớp 3A5. Đặc biệt trong số đó, em Đỗ Thành Đạt, lớp 3A3 có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn.
Nhóm học sinh Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (thành phố Hòa Bình) nhặt được 10 triệu đồng đã trả lại người đánh mất
Bé nhất nhóm nhưng lại rất nhanh nhẹn, tự tin và lễ phép, em Trần Huyền My kể lại: Hôm đó, trên đường đi học về, chúng em nhặt được một chiếc phong bì. Khi mở ra, chúng em thấy có rất nhiều tờ tiền. Nhìn thấy ở gần đó có chú Công an đang làm nhiệm vụ nên chúng em đã cùng thống nhất giao nộp số tiền này cho chú để trả lại người đánh rơi.
Cùng ở lứa tuổi nhi đồng như các học sinh Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, em Đỗ Tuấn Đạt (lớp 4A2, Trường Tiểu học Thị trấn Chi Nê, huyện Lạc Thuỷ) cũng là tấm gương sáng của đức tính thật thà, nhặt được của rơi trả người đánh mất. Nhiều lần em đã nhặt được khi là tiền, khi là đồ dùng học tập, em đều báo cáo giáo viên Tổng phụ trách để thông báo trên loa nhà trường tìm trả lại người đánh mất. Không chỉ là một học sinh ngoan ngoan, thật thà, Đạt còn tích cực tham gia phong trào "Kế hoạch nhỏ”, giúp bạn học kém cùng tiến bộ… Tuy còn nhỏ tuổi nhưng em đã sớm có ý thức tốt, hành động đẹp và luôn được thầy cô, bạn bè yêu mến. Năm 2023, Đạt vinh dự được nhận danh hiệu "Dũng sĩ nghìn việc tốt” toàn quốc.
Hành động đẹp "nhặt được của rơi trả người đánh mất” dần ăn sâu vào suy nghĩ, trở thành thói quen hàng ngày của học sinh trong toàn tỉnh. Ở khắp các trường học trên địa bàn tỉnh, đi đến đâu cũng có thể gặp những thiếu nhi ngoan, thật thà. Tại huyện Tân Lạc có em Đỗ Thiên Ân (lớp 4A1, Trường Tiểu học Mường Khến) đã 2 lần nhặt được của rơi và tìm trả cho người đánh mất. Lần thứ nhất em nhặt được tiền, lần thứ hai nhặt được 1 chiếc đồng hồ điện tử. Hay em Vũ Thị Phương Chinh (lớp 9A, Trường THCS Kim Đồng) nhặt được chiếc ví trong đó có 300.000 đồng và chiếc máy tính do các bạn thi xong để quên trong phòng thi. Các em đều đã báo cáo với giáo viên tổng phụ trách và nhà trường để thông báo tìm trả lại cho người đánh mất.
Việc nhặt được của rơi trả người đánh mất không chỉ đơn thuần là hành động tốt đẹp thể hiện sự thật thà, tử tế, mà còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Hành động đẹp này đã gieo niềm tin, thắp lên tình yêu thương giữa con người với con người. Đó là câu chuyện xúc động tại Trường TH&THCS Thượng Bì (Kim Bôi) khi em Bùi Mạnh Hùng, lớp 8 nhặt được 1.700.000 đồng giữa sân trường. Lúc đó, sân trường vắng chỉ có mình em nhưng em đã kiên quyết tìm và trả lại cho cô Bùi Thị Hoa, cán bộ thư viện của trường. Thời điểm đó, cô Hoa mắc bệnh hiểm nghèo và đang trong thời gian điều trị. Khi nhận lại số tiền đánh rơi, cô đã rưng rưng nước mắt xúc động.
Gần đây nhất, vào chiều 10/4/2025, trên đường đi học về, em Vũ Mai Hoa và Nguyễn Bá Toàn (lớp 8, Trường THCS Kỳ Sơn, phường Kỳ Sơn, thành phố Hòa Bình) nhặt được một chiếc ví, bên trong có 4 triệu đồng tiền mặt và một số giấy tờ tùy thân. Các em đã nộp cho tổ công tác Cảnh sát giao thông đang làm việc gần đó. Sau khi tiếp nhận, tổ công tác đã liên hệ tìm trả lại chiếc ví gồm toàn bộ giấy tờ và tiền mặt cho chủ nhân.
Những tấm gương điển hình trên là đại diện cho hàng nghìn, hàng vạn thiếu niên, nhi đồng trên mảnh đất Hòa Bình giàu bản sắc văn hóa và truyền thống, từng ngày vẫn luôn có những hành động tốt đẹp, thật thà như thế. Hôm nay là chiếc bút chì, cục tẩy em nhặt được trả lại cho bạn, ngày mai sẽ là ý thức đạo đức, nhân cách sống tốt đẹp của một người trưởng thành.
Để khích lệ phong trào "Nhặt được của rơi trả người đánh mất”, nhân rộng thêm những bông hoa nghìn việc tốt, các trường học trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cách làm hay như: biểu dương dưới cờ những học sinh nhặt được của rơi trả người đánh mất; cộng điểm thưởng trong phong trào thi đua cho những lớp có học sinh nhặt được của rơi trả người đánh mất… Qua đó, hành động đẹp này đã lan tỏa rộng rãi trong thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh. Những việc làm tốt đẹp này đã dần ăn sâu vào trong suy nghĩ, trở thành thói quen hàng ngày, là nền tảng vun trồng cho các em những đức tính tốt đẹp. Chọn cho mình các sống tử tế chính là hành trang vững chắc nhất cho những thiếu nhi đất Mường bước vào đời!
(Còn nữa)
Dương Liễu
Hơn 20 năm gắn bó với Công ty TNHH nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam tại khu công nghiệp bờ trái sông Đà (TP Hoà Bình), chị Phan Thị Ngọc Tú được biết đến là nữ cán bộ Công đoàn năng động, nhiệt huyết với các hoạt động xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh. Đảm nhận ví trí tổ trưởng chuyên môn, chị Tú có đóng góp tích cực trong đổi mới sáng tạo, góp phần cải tiến quy trình sản xuất, làm lợi cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững.
Cùng là hội viên cựu chiến binh (CCB) phường Đồng Tiến (TP Hoà Bình), tôi quen bác Nguyễn Quốc Ấn qua những lần đi dự lớp tuyên truyền về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tôi thích nghe bác kể chuyện chiến đấu ở Điện Biên Phủ năm 1954; nghe chuyện ở mặt trận chống Mỹ cứu nước năm 1966 - 1975. Bác Ấn khiêm tốn, ít nói về mình. Quê bác ở Hội An, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Bác Ấn là lính tình nguyện đi đánh giặc Pháp. Năm 1953, bác được tuyển quân và được biên chế vào Tiểu đoàn 9. Sau đó bác cùng 20 chiến sỹ tiểu đoàn được cử đi học lớp quản lý pháo và kỹ thuật tháo lắp pháo.
Những năm qua, mô hình phát triển kinh tế "Trang trại giun quế Hoà Bình" của anh Bùi Văn Đáng ở xóm Cỏ Giữa, xã Mỹ Thành (Lạc Sơn) không chỉ mang lại giá trị kinh tế ổn định, mà còn thân thiện, bảo vệ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững.
Dáng người mảnh khảnh, nước da rám nắng, hàng ngày mưu sinh với nghề nuôi và đánh bắt cá vùng hạ lưu sông Đà, bà Nguyễn Thị Hiên, sinh năm 1964, trú tại tổ 14, phường Thịnh Lang (thành phố Hòa Bình) được bà con làng vạn chài ví như "người hùng không áo choàng”. Không ít lần, bà vượt dòng nước xiết cứu người nhảy cầu quyên sinh, giúp họ tìm lại cuộc đời. Việc làm của bà là minh chứng về sự tử tế, lòng dũng cảm, tình thương người giữa đời thường, giúp xua tan "bóng đêm” trong tâm trí những người được cứu, tìm lại niềm tin trong cuộc sống.
Trên đỉnh núi Biều, nơi mây phủ quanh năm như chốn bồng lai có một bản nhỏ tên Sưng nằm lặng lẽ giữa đại ngàn xanh thẳm của xã Cao Sơn, huyện vùng cao Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Nơi ấy, có một người đã dành cả cuộc đời để chắt chiu từng con chữ, từng làn điệu dân ca, từng nếp sống cổ xưa của dân tộc Dao Tiền – ông Lý Văn Hềnh. Người dân nơi đây vẫn gọi ông bằng cái tên gần gũi, trìu mến: "Ông Hềnh giữ hồn Dao"
Sau khi về nghỉ hưu theo chế độ, ông Bùi Văn Nỏm, nguyên Bí thư Huyện ủy Lạc Sơn, hiện trú tại phố Hữu Nghị, thị trấn Vụ Bản dành nhiều thời gian, tâm huyết sưu tầm, lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc.