Cô giáo Tạ Thị Nhàn nhận giấy khen giáo viên có thành tích xuất sắc ngành Giáo dục & ĐT năm 2015.

Cô giáo Tạ Thị Nhàn nhận giấy khen giáo viên có thành tích xuất sắc ngành Giáo dục & ĐT năm 2015.

(HBĐT) - Từ miền xuôi, cô giáo Tạ Thị Nhàn lên công tác tại điểm chi lẻ của trường mầm non xã Hang Kia (Mai Châu) vào năm 2009. Thử thách đầu tiên mà cho đến giờ cô vẫn nhớ như in đó là phải tự mình điều khiển xe máy vượt qua những mỏm đá mấp mô, trơn trượt, có đoạn không tránh được buộc phải lao lên đá mà đi. Lúc đó, cảm giác sợ hãi tột cùng, cô vừa đi, vừa khóc, vừa nghĩ làm sao có thể vượt qua con đường gian nan, nhọc nhằn này. Rồi cảm giác sợ hãi cũng qua khi trái tim ấm áp của cô bắt gặp ánh mắt trong veo, hồn nhiên của lũ trẻ khi đặt chân tới ngôi trường cũ kỹ còn bộn bề thiếu thốn.

 

Thấm thoắt đã 7 năm, cô Nhàn gắn bó với trẻ nhỏ vùng cao. Sau hơn 1 năm ở điểm chi lẻ, cô trở về trường mầm non khu vực trung tâm xã. Cũng từ đây, cô thêm phát huy được tấm lòng yêu nghề, mến trẻ, nhiệt huyết với việc chăm sóc, giáo dục các cháu. Cô tâm sự: Đến với ngôi trường, 100% trẻ là con em đồng bào dân tộc Mông, 1/3 số học sinh của trường là học sinh nghèo, khả năng giao tiếp bằng tiếng phổ thông hạn chế. Điều kiện thời tiết lại khắc nghiệt, nhìn lũ trẻ chỉ phong phanh áo mỏng, tâm tư cô trĩu nặng, muốn làm gì đó để các cháu vơi bớt thiệt thòi. Có những hôm rét buốt thấu xương, cô và trẻ vừa học, vừa đốt lửa sưởi ấm xua bớt giá lạnh. Càng những lúc như vậy, lòng cô càng quyết tâm ở lại vùng đất khó khăn để chia sẻ, dành trọn tình thương mình có với mong muốn góp phần xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho các cháu.

 

Trăn trở làm sao để các cháu học sinh vượt lên hoàn cảnh và đến lớp chuyên cần, điều đầu tiên cô Nhàn nghĩ đến là phải học thêm tiếng địa phương để giao tiếp với các cháu. Trong một thời gian dài, cô miệt mài tìm hiểu phong tục, tập quán sinh hoạt của địa phương, quan tâm tìm hiểu tâm tư, hoàn cảnh của từng trẻ từ đó lên kế hoạch chăm sóc, giáo dục. Sau mỗi giờ lên lớp, cô cùng đồng nghiệp đến nhà học sinh vận động  phụ huynh đưa trẻ đi học đầy đủ, sau đó trở về trường để học tập kinh nghiệm chuyên môn đồng nghiệp đi trước. Tranh thủ thời gian rỗi, cô dùng những vật liệu phế thải tự tạo đồ chơi phục vụ cho tiết dạy ở trường.

 

Đặc biệt, trong giảng dạy, cô Nhàn tích cực đổi mới phương pháp sao cho phù hợp và hiệu quả nhất. Năm 2010, với sự hỗ trợ từ phía gia đình, cô đã tự sắm máy tính xách tay, trở thành người đầu tiên sử dụng CNTT trong nhà trường. Cũng từ đây, cô có thêm điều kiện để học hỏi, đổi mới phương pháp dạy và học, sử dụng CNTT, mạng internet để tra cứu thông tin, tự thiết kế bài dạy và dạy trẻ trên thiết bị trình chiếu. Nhìn trẻ nhỏ vùng cao hớn hở khi được học phương pháp mới, cô thấy ấm lòng.

 

3 năm học gần đây, cô Nhàn liên tục đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp trường, tham gia sôi nổi các phong trào thi đua do ngành phát động. Năm học 2014 – 2015, cô đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện và là 1 trong những điển hình nhà giáo có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục ở vùng đặc biệt khó khăn. Mong muốn của cô là được cống hiến nhiều hơn, dành trọn tâm huyết và lòng yêu mến cho lũ trẻ ở dẻo đất này, xứng đáng với lòng yêu mến của trẻ và sự tôn vinh của xã hội dành cho người thầy.

                                                                 

 

                                                                             B.M

 

 

 

Các tin khác


Bí thư chi đoàn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nuôi cá lồng

Qua tìm hiểu, anh Nguyễn Văn Lân, Bí thư chi đoàn tổ Vôi, phường Thái Bình, TP Hòa Bình đã tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có của quê hương, mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình, trở thành tấm gương sáng về khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn.

Thoát nghèo từ mô hình nuôi ong và trồng bưởi đỏ

Tận dụng lợi thế đồi rừng, những năm qua, nông dân xã Tử Nê, huyện Tân Lạc đẩy mạnh phát triển kinh tế, trong đó có nghề nuôi ong lấy mật mang lại hiệu quả cao. Tiêu biểu là gia đình anh Bùi Văn Liêm ở xóm Cú. Với ưu thế nhà gần rừng có nhiều loại cây và các loại hoa rừng, tốt cho việc nuôi ong, anh Liêm đã tìm tòi, học hỏi qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hộ nuôi ong trong vùng, từ đó đầu tư trên 50 tổ ong nuôi lấy mật.

Khởi nghiệp từ đặc sản quê hương

Nhận thấy quê hương có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, anh Hà Công Hưng, Phó Bí thư Đoàn xã Mai Hịch (Mai Châu) bắt tay vào làm sản phẩm thịt gác bếp với mong muốn mang đặc sản của quê hương đến với du khách trong nước và quốc tế.

Bùi Đình Văn - gương sáng phát triển kinh tế

Trong những năm qua, phong trào đoàn viên, thanh niên vượt khó làm kinh tế được tuổi trẻ xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc tích cực hưởng ứng. Ngày càng có nhiều đoàn viên, thanh niên bằng khát vọng vươn lên làm giàu, dám nghĩ, dám làm đi lên từ hai bàn tay trắng để trở thành những thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi của huyện.

Người phát triển nghề mây tre đan trên quê hương Mường Động

Từ một phụ nữ thuần nông, chị Nguyễn Thị Nhung ở xóm Quê Rù, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) mạnh dạn về xuôi tìm hiểu và theo học làm mây tre đan với mong muốn chuyển đổi nghề, từng bước cải thiện sinh kế. Sau nhiều nỗ lực, chị trở thành người có tay nghề vững, được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện mời về làm giáo viên thỉnh giảng. Quá trình giảng dạy chị vừa truyền nghề, vừa đứng ra làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho học viên.

Người phụ nữ giàu lòng nhân ái

Bà Nguyễn Thị Nụ ở tiểu khu Thạch Lý, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) được biết đến là người phụ nữ giản dị, giàu lòng nhân ái. Mặc dù kinh tế gia đình không dư giả nhưng với gần 10 năm làm công tác thiện nguyện cũng đủ nói lên tấm lòng nhân ái, sống có trách nhiệm, biết sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn của bà.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục