Nỗ lực khai thác tiềm năng đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu địa phương để phát triển kinh tế, nhiều hội viên nông dân (HVND) trên địa bàn huyện Tân Lạc đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao. Hội viên Bùi Hồng Liên, khu Tân Thịnh, thị trấn Mãn Đức là một trong những điển hình thành công với mô hình ươm cây giống, trồng và và sơ chế dược liệu.
Bà Bùi Hồng Liên, khu Tân Thịnh, thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) đóng gói sản phẩm sản xuất từ cây dược liệu.
Năm 2010 là năm đầu tiên bà Liên khởi nghiệp từ cây dược liệu. Ban đầu, bà chủ yếu thu mua lại cây do người dân địa phương khai thác. Người dân nơi đây chưa coi đây là công việc tạo nguồn thu chính nên nguồn cung và chất lượng nguyên liệu không ổn định. Khi gia đình cần thì người dân không đi lấy, khi người dân cần bán, gia đình lại đã đủ hàng.
Không nản lòng, để có vùng nguyên liệu đảm bảo và ổn định, tận dụng diện tích đất sản xuất của gia đình, bà Liên bắt đầu trồng những cây đầu tiên. Chia sẻ về cơ duyên lựa chọn cây dược liệu để phát triển kinh tế, bà Liên cho biết: Cây dược liệu có vai trò quan trọng trong chữa bệnh nhưng nguồn cây quý ngày càng cạn kiệt. Hiện nay, giá của các loại cây dược liệu trên thị trường ổn định, đầu ra khá đảm bảo. Được tham gia các lớp tập huấn, tham quan thực tế các mô hình trồng cây dược liệu do Hội Nông dân tổ chức, bà nhận thấy nếu trồng, chăm sóc tốt sẽ là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều nông dân. Vì vậy, cùng với sự động viên, đồng hành của các cấp Hội, bà quyết định xây dựng mô hình sản xuất dược liệu với 2 loại cây đầu tiên là dảo cổ lam, xạ đen.
Cả 2 loại cây này đều là cây bản địa nên phát triển tốt, ít sâu bệnh và nhiều dưỡng chất quý. Quá trình chăm sóc, bà Liên chỉ tập trung xử lý sâu, bệnh bằng phương pháp đảm bảo an toàn sinh học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay thuốc kích thích cho cây lớn nhanh. Ngoài ra, bà cũng hợp tác với các hộ nông dân trên địa bàn để mở rộng diện tích, tạo thành chuỗi liên kết sản xuất. Các hộ được bà cung cấp nguồn cây giống chất lượng với giá ưu đãi và hỗ trợ kỹ thuật trồng, phơi sấy sản phẩm. Cây trồng sau khi thu hoạch đều được sơ chế sạch, thái nhỏ và phơi khô nên bảo quản được lâu, có thể tiêu thụ tại các thị trường ngoài tỉnh.
Đến nay đã hơn 10 năm gắn bó, vườn cây dược liệu của gia đình bà Liên không ngừng phát triển, cho ra những sản phẩm giá trị với chất lượng tốt và còn cung cấp cây giống chất lượng cho thị trường. Công dụng của các sản phẩm được sản xuất từ dược liệu của gia đình bà đã từng bước chinh phục được nhiều người tiêu dùng cả trong và ngoài huyện, ngoài tỉnh. Nhờ đó, dần dần những đơn đặt hàng ngày một tăng và ổn định. Với sự nỗ lực và không ngừng học hỏi, bình quân mỗi năm, sau khi đã trừ các chi phí, mô hình sản xuất dược liệu của gia đình bà đạt thu nhập từ 400 - 450 triệu đồng. Không chỉ vậy, vườn dược liệu còn tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên với thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, bà Liên còn là HVND có nhiều đóng góp trong các hoạt động, phong trào phát triển kinh tế ở địa phương. Mong muốn truyền động lực cho nhiều người vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương, bà Liên luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc cây trồng cho những ai muốn học hỏi. Bản thân bà cũng tích cực tuyên truyền, vận động gia đình, hàng xóm chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hăng hái tham gia các phong trào của tổ chức Hội.
Đồng chí Bùi Văn Tân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Lạc cho biết: Mô hình ươm cây giống, trồng và và sơ chế dược liệu của nông dân Bùi Hồng Liên không chỉ giúp gia đình có nguồn thu nhập cao mà còn giúp bảo tồn, nhân giống nhiều cây dược liệu quý hiếm, có nguy cơ bị tuyệt chủng trong tự nhiên. Với hy vọng sẽ có nhiều hơn những mô hình vườn ươm quý được nhân rộng, Hội đang tích cực tuyên truyền, vận động HVND chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sang những cây, con có giá trị cao.
T.H
Xã Tiền Phong cách trung tâm huyện Đà Bắc 39km. Đây là xã vùng cao, đặc biệt khó khăn của huyện. Xã hiện có 609 hộ, trên 2.500 nhân khẩu tại 7 xóm; dân tộc Mường chiếm 97%, các dân tộc khác chiếm 3% (Kinh, Dao, Tày, Thái). Đến hết năm 2024, xã còn 193 hộ nghèo, chiếm 31,85% và 183 hộ cận nghèo, chiếm 30,02%; thu nhập bình quân đầu người 34 triệu đồng.
Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc luôn được các cấp uỷ Đảng, chính quyền tỉnh Hòa Bình xác định là nhiệm vụ quan trọng trong xu thế hội nhập quốc tế.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025, TP Hoà Bình được giao trên 44 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư phát triển trên 20 tỷ đồng, nguồn vốn sự nghiệp trên 24 tỷ đồng.
Ở tuổi 64, ông Bùi Văn Thao, trưởng xóm Tiềng, xã Bắc Phong (Cao Phong) đã 17 năm được bầu là người có uy tín. Với dáng vẻ nhanh nhẹn, cử chỉ hoạt bát "miệng nói, tay làm”, ông không chỉ phát huy vai trò "cầu nối” tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách Đảng tới nhân dân mà còn tiên phong trong mọi phong trào, hoạt động của địa phương.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình hành động số 21-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình về công tác dân số và phát triển, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tham mưu, tổ chức thực hiện đa dạng các các nội dung, chương trình, mô hình, đề án. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng dân số vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), tỉnh đã và đang tập trung thực hiện "Mô hình can thiệp truyền thông dân số cho đồng bào sinh sống tại vùng đồng bào DTTS&MN”.
Đến xóm Trò, xã Kim Lập (Kim Bôi), chỉ cần hỏi thăm cái tên "Nam chuối” thì không ai trong xóm thấy xa lạ. Đây là biệt danh mà người dân xóm đặt cho nông dân Bùi Thành Nam, người dân tộc Mường, bởi anh là một trong những hội viên nông dân tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế, gắn bó, khởi nghiệp cùng mô hình trồng chuối tiêu hồng thành công tại địa phương.