(HBĐT) - Lâu nay, cá nước lạnh thường được các doanh nghiệp, hộ đầu tư nuôi ở vùng lòng hồ có nguồn nước ổn định và nhiệt độ thích hợp, không ai hình dung có thể nuôi ở phía cuối nguồn. Vậy mà ngay tại thành phố Hòa Bình, một hộ dân đã "liều lĩnh” làm cái việc trước đó chưa ai dám làm - nuôi cá tầm ở… hạ lưu sông Đà.


Thu hoạch cá tầm trong mô hình nuôi cá nước lạnh của anh Đỗ Đức Nhuận, tổ 2A, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình).

 Đánh cược bằng cả cơ ngơi

Nói như vậy cũng chẳng ngoa bởi người chúng tôi nói đến anh Đỗ Đức Nhuận, thường trú tại tổ 2, phường Tân Thịnh đã đổ tiền, đổ của, có thể nói là gần hết sản nghiệp của mình vào nghề nuôi cá nước lạnh. Chỉ trong 2 năm (2015 - 2016), số vốn anh bỏ ra lên tới hàng chục tỷ đồng.

Khu vực hạ lưu nơi anh Nhuận chọn để neo, đậu, nuôi cá nước lạnh là bến phà Thia cũ, thuộc phường Tân Hòa. Từ nhà anh đến đó quãng vài km qua trục đường cảng Chân Dê. Qua khảo sát, thăm dò thấy nước ở khu vực này chảy khá xiết, độ sâu tương đối nên anh cho rằng có thể cá nước lạnh vẫn thích nghi được. Vậy là năm 2015, anh quyết định đầu tư mạo hiểm, dồn tâm sức chinh phục dòng nước nơi bến cuối sông Đà.

Trở ngại ngay buổi đầu quyết định đầu tư mà anh vấp phải từ phía tự nhiên. Tại quãng sông này, nước của Nhà máy thủy điện Hòa Bình lên, xuống mỗi ngày. Chưa kể vào mùa thiếu nước, nhà máy xả nước phục vụ sản xuất khiến nguy cơ trôi hệ thống lồng bè vô cùng lớn. Chấp nhận đầu tư tốn kém cùng suy nghĩ sáng tạo, anh xây dựng hệ thống lồng bè "có một không hai”. Các lồng cá được giữ chặt và kết nối neo đậu bằng bê tông thả chìm và những sợi xích sắt cỡ lớn, rào chắn các tổ hợp lồng cũng bằng sắt. Riêng hệ thống lồng bè neo đậu hết sức kỳ công, kiên cố này đã ngốn kinh phí đầu tư hơn 5 tỷ đồng, bình quân chi phí 60 triệu đồng/lồng.

Tuy nhiên, theo ông chủ của hơn 90 lồng nuôi cá tầm này, chi phí cho hệ thống neo đậu lồng bè mới chỉ là một phần trong số chi phí "khủng” mà gia đình và những cộng sự đầu tư trong suốt 2 năm qua. Trong khi nuôi cá nước lạnh mới được triển khai trên vùng hồ sông Đà chưa lâu, những rủi ro, phức tạp trong quá trình nuôi còn nhiều thì việc nuôi ở phía cuối nguồn với nhiều người được cho là quá mạo hiểm. Nguồn cá giống do một đối tác uy tín chuyên cung cấp từ Sa Pa (Lào Cai). Thức ăn chính của giống cá này được nhập từ Mỹ và các loại cá tép nhỏ đánh bắt tự nhiên. Cũng vì trước đó chưa có ai nuôi cá ở vùng hạ lưu nên anh Nhuận một phần tự mày mò, nghiên cứu, về kỹ thuật thì tham khảo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Theo anh, vào mùa lũ, vấn đề theo dõi nhiệt độ, chăm sóc, nhất là cho ăn và phòng bệnh phải rất chú trọng, sát sao để giảm thiểu thiệt hại. Các mùa còn lại, nước ở đây trong xanh, môi trường nuôi an toàn, sạch bệnh.

Lập nên kỳ tích

2 năm đầu tư chưa ra lợi nhuận, anh Nhuận cùng nhóm cộng sự đã đổ công sức và chi phí rất lớn để xây dựng mô hình nuôi cá nước lạnh. Thật lạ kỳ là giống cá tầm khi nuôi lồng bè tại khúc hạ lưu này nhanh chóng thích nghi. Điều này giúp ông chủ của toàn bộ hệ thống lồng bè tại bến phà Thia cũ có niềm tin một ngày bản thân sẽ lập nên kỳ tích.

Và rồi, kỳ tích đã xuất hiện! Đó là những ngày đầu của năm 2017, những lô cá tầm đầu tiên sau một năm rưỡi nuôi lồng ở hạ lưu đã đến kỳ xuất bán. Thị trường của cá tầm đặc sản này là TP Hà Nội và một số tỉnh, thành như Lào Cai, Nam Định, Hải Dương... Khi chúng tôi thăm mô hình nuôi cá tầm của anh cũng là lúc lô cá tiếp theo được xuất bán. Theo anh Nguyễn Quý Hòa, một trong những cộng sự điều hành hệ thống nuôi cá nước lạnh ở đây, hơn 3 tháng qua, số cá tầm xuất đi đạt trên 30 tấn, giá bán buôn cho khách hàng các tỉnh về nhập hàng tại chỗ 250.000 đồng/kg, tổng giá trị thu về khoảng 7,6 tỷ đồng.

Để đạt trọng lượng thành phẩm bình quân từ 3 – 4kg/con, cá tầm đặc sản được anh Nhuận áp dụng quy trình chăm sóc, phòng bệnh nghiêm ngặt, thời gian nuôi từ một năm rưỡi trở lên. Với số lượng 90 lồng nuôi, mô hình ước tính còn khoảng 70 tấn sản lượng. Chúng tôi nhẩm tính, với trên 100 tấn cá tầm thương phẩm sẽ xuất bán trong năm nay, doanh thu của hộ nuôi mô hình đạt trên, dưới 25 tỷ đồng. Như vậy, chỉ cần hết vụ đầu anh đã có thể hoàn lại số vốn bỏ ra. Những năm tiếp theo, nguồn sinh lợi từ đây sẽ rất lớn. Mô hình nuôi cá lồng này đã được cơ quan chức năng cấp phép thời hạn 10 năm. Anh Nhuận đã triển khai nuôi các lứa kế tiếp để việc cung cấp cá thương phẩm không bị gián đoạn và dự tính mở cửa hàng giới thiệu, và bán sản phẩm trong năm nay.

Hạ lưu nằm trong quy hoạch nuôi cá lồng của tỉnh nhưng không phải là vùng được khuyến khích hỗ trợ nuôi cá nước lạnh. Thế nhưng anh Đỗ Đức Nhuận và nhóm cộng sự đã "làm nên chuyện” khi biến khúc sông cuối nguồn thành vùng nuôi cá tầm sinh lợi tiềm năng. Theo đồng chí Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, thành công của hộ nuôi cá tầm ở vùng hạ lưu cho thấy không cứ phải vùng nước lạnh mới nuôi được cá nước lạnh. Quá trình hỗ trợ hộ anh Nhuận về kỹ thuật, theo dõi cho thấy, môi trường nuôi lồng ở đây phù hợp, cá phát triển, lớn nhanh.

 

                                                                                         

                                                                                   Bùi Minh



Các tin khác


Trồng thanh long ruột đỏ hiệu quả trên đất đồi

(HBĐT) - Theo giới thiệu của Hội LHPN huyện Lạc Sơn, chúng tôi đến thăm mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ của gia đình chị Bùi Thị Niền, xóm Bái, xã ân Nghĩa. Thăm vườn cây đang đến độ thu hoạch và được nghe kể về quá trình đưa cây thanh long về vùng đất đồi khô cằn này chúng tôi mới thấy, để có được kết quả như ngày hôm nay với gia đình chị Niền là cả một quá trình học hỏi, cần mẫn và quyết tâm.

Khởi nghiệp từ trái ớt núi

(HBĐT) - Từ xa xưa đến nay, để tăng dư vị của bữa ăn, trong mâm cơm của người Mường không thể thiếu một lọ dấm ớt. Nhiều người đã nói rằng, dù mâm cỗ có nhiều thịt thà bao nhiêu mà thiếu vài trái ớt dấm thơm lừng thì bữa cơm cũng chẳng thể ngon miệng. Thân thuộc là vậy nhưng ít ai ngờ rằng, những trái ớt nhỏ bé lại mở ra con đường khởi nghiệp lớn đối với một chàng thanh niên người Mường nhạy bén…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục