Ông chủ trẻ tuổi Hoàng Minh Trọng khởi nghiệp
thành công với cửa hàng kinh doanh, lắp đặt các sản phẩm về nhôm, kính.
Một ngày đầu tháng 4, chúng tôi được gặp gỡ đồng chí Đinh Đức Vượng, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Tân Lạc để trao đổi, thu thập thông tin viết bài về hoạt động của Hội. Qua trò chuyện, tôi thật sự ấn tượng về một hội viên còn khá trẻ tuổi nhưng từ đôi bàn tay trắng đã vươn lên tạo dựng cơ ngơi khang trang. Không những có nguồn thu nhập trên 1 tỷ đồng mỗi năm mà còn tạo việc làm ổn định cho 10 công nhân. Chủ nhân của câu chuyện vượt khó là anh Hoàng Minh Trọng, xóm Tân Phương, xã Quy Hậu (Tân Lạc).
Tay trắng khởi nghiệp ở vùng đất lạ
Hơn 9 giờ, thời điểm ông chủ doanh nghiệp Trọng Hạnh bận rộn đưa công nhân đi lắp đặt cửa cho khách hàng. Lúc này, ở xưởng có 6 công nhân cặm cụi làm việc. Mặc dù khá bận rộn nhưng anh Trọng đã dành thời gian trò chuyện với chúng tôi. Tính tình cởi mởi, anh Trọng chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp đầy gian nan của mình.
Sinh ra ở mảnh đất Tế Tiêu, huyện Chương Mỹ (Hà Nội), năm 1999, chàng thanh niên Hoàng Minh Trọng lên đường nhập ngũ ở Tỉnh đội Hòa Bình. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Trọng đã ước mơ được khoác trên mình màu xanh áo lính. Thế nhưng, sau 5 năm trong quân ngũ, anh phải xuất ngũ trở về quê nhà, ước mơ đó trở thành dang dở. Lúc này, với 4 triệu đồng tiền vốn trong tay, anh đã kinh doanh cá cảnh và có được đồng ra, đồng vào. Với suy nghĩ, phải học cho mình một nghề để sau này xây dựng gia đình có nguồn thu nhập ổn định. Thế rồi, anh chọn nghề làm nhôm kính vì nhận thấy tiềm năng lớn của ngành này. Hai năm vừa học, vừa làm, anh thấy đã đến lúc phải tự gây dựng cho mình cửa hàng nhỏ. Anh băn khoăn nên vào Nam lập nghiệp hay lên Hòa Bình nhiều duyên nợ. Cuối cùng, anh chọn mảnh đất Tân Lạc (Hòa Bình), vùng quê tuy không sầm uất nhưng thời điểm đó chưa có ai mở cửa hàng về nhôm kính.
"Khi xây dựng gia đình, nội, ngoại đều không có nên vợ chồng tôi lập nghiệp từ đôi bàn tay trắng, khó khăn rất nhiều. Ban đầu, cửa hàng nhỏ lắm, đến chiếc xe đạp để đi đo cửa cho khách hàng cũng phải mượn hàng xóm. Cũng may vì lúc này ở huyện Tân Lạc chưa có cửa hàng nào kinh doanh về mặt hàng này nên mình vừa làm, vừa tích cóp dần vốn để đầu tư, mở rộng. Điều quan trọng nhất là hai vợ chồng đều yêu nghề, có thời điểm gặp thất bại tưởng chừng không thể vượt qua nhưng vợ chồng luôn động viên nhau để gây dựng”, anh Trọng chia sẻ.
Đến ông chủ doanh nghiệp tiền tỷ
Những sự nỗ lực của đôi vợ chồng trẻ đã được đền đáp. Hiện nay, nhà xưởng của doanh nghiệp Trọng Hạnh được mở rộng với diện tích khoảng 800 m2. Trong xưởng có nhiều sản phẩm là các loại cửa nhôm, cửa kính từ bình dân đến cao cấp, cửa nhựa lõi thép hay inox. Ngoài ra, vợ chồng anh Trọng còn kinh doanh rèm cửa cao cấp. Anh Trọng cho biết: "Vì mình bắt đầu từ đôi bàn tay trắng, cửa hàng nhỏ nên trong khoảng 5 năm đầu khởi nghiệp, vợ chồng tôi phải vay mượn anh em, ngân hàng để đầu tư mở rộng xưởng. Nói chung, để xây dựng được xưởng như hiện nay, với nhiều máy móc, công nghệ tiên tiến hàng đầu về làm cửa thì phải đầu tư tiền tỷ. Phải đến đầu năm 2010, đặc biệt là từ năm 2011, vợ chồng tôi mới có được những thành công để phát triển như ngày hôm nay”.
Những thành công đó có thể dễ dàng nhận thấy, một ông chủ bận rộn, tất bật với các đơn hàng. Công nhân say sưa làm việc để kịp tiến độ giao hàng cho khách. Sản phẩm uy tín, công việc kinh doanh thuận lợi nên gia đình anh Trọng có được nguồn thu nhập lớn. Theo đó, trừ hết các chi phí, tiền công trả cho công nhân, trong 2 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm vợ chồng anh thu được từ 1,2 - 1,4 tỷ đồng. Không chỉ làm giàu cho mình, anh Trọng còn tạo việc làm ổn định cho 10 công nhân, trong đó có cả hội viên CCB với mức thu nhập từ 6 - 10 triệu đồng/người/tháng.
Không còn "một mình, một nghề” như những ngày đầu khởi nghiệp. Hiện nay, ở Tân Lạc đã có nhiều cửa hàng nhôm, kính. Sức ép cạnh tranh ngày càng lớn nhưng anh Trọng vẫn tự tin về sự tăng trưởng, phát triển vì những gì mà anh đã gây dựng. Anh cho biết, hiện nay, sản phẩm của doanh nghiệp Trọng Hạnh đã xây dựng được uy tín, thương hiệu tại các huyện: Cao Phong, Mai Châu, Kim Bôi, Lạc Sơn và một số khách hàng ở TP Hòa Bình. "Chất lượng làm nên uy tín, mình làm nghề thì phải có tâm với nghề thì nghề mới đem lại cho mình thành công. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng xưởng, đồng thời nhập những công nghệ tiên tiến nhất về nhôm, kính để phục vụ tốt nhất nhu cầu của thị trường”, anh Trọng nhấn mạnh.
Nắm bắt nhu cầu thị trường, định hướng nghề nghiệp rõ ràng, tình yêu với nghề và nỗ lực vượt qua thất bại. Đó là những điều mà chúng tôi cảm nhận được qua câu chuyện khởi nghiệp của ông chủ trẻ tuổi Hoàng Minh Trọng.
Viết Đào