(HBĐT) - Nhờ biết nắm bắt cơ hội và mạnh dạn đầu tư, anh Bùi Văn Tân, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Tuân Lộ (Tân Lạc) đã tìm được hướng khởi nghiệp đầy hứa hẹn với sản phẩm rau, củ có nguồn gốc từ Hàn Quốc…


Anh Bùi Văn Tân, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Tuân Lộ (Tân Lạc) khởi nghiệp với mô hình trồng rau, củ Hàn Quốc trên "đất lạnh” Quyết Chiến.

 

Những ngày này, đường lên xã vùng cao Quyết Chiến (Tân Lạc) mây mù giăng kín lối, tầm nhìn chỉ còn dăm mét. Để đảm bảo an toàn, các phương tiện trên đường đều phải bật đèn pha. Cùng với anh Tân, chúng tôi "xé” màn sương đặc quánh lên thăm quan mô hình trồng rau, củ sạch của gia đình anh đầu tư ở xóm Biệng. Quả đúng như những gì Bí thư Huyện Đoàn Tân Lạc Cao Viết Đồng giới thiệu, những luống củ cải trắng, củ cải tím, luống hành của gia đình anh Tân đều thuộc dạng "khủng”. "Theo như bên cung cấp giống cho biết, ở bên Hàn Quốc họ trồng củ cải trắng đạt trọng lượng cao nhất khoảng 1, 6 kg. Còn trên này, sau 10 tháng trồng và qua 3 lứa thu hoạch vừa rồi, có củ đã nặng trên 1, 6 kg. Cây hành này cũng là giống của Hàn Quốc, trọng lượng khi thu hoạch có thể đạt trên 0,2 kg/cây. Nhìn chung, khí hậu trên này khá thuận lợi nên những loại rau củ gia đình đang trồng phát triển khá tốt”, anh Tân chia sẻ.

Nói về cơ duyên đến với những nông sản của Hàn Quốc, anh Tân cho hay, trước đây, anh rất thích làm kinh tế, có thời điểm đã đầu tư chăn nuôi gà nhưng hiệu quả đem lại không cao. Từ đó, anh luôn suy nghĩ làm sao để tìm được hướng phát triển kinh tế phù hợp, đem lại hiệu quả cao. Năm 2014, tổ chức phi chính phủ Hàn Quốc GNI (Good Neighbors International) triển khai dự án hỗ trợ nông dân xã Quyết Chiến trồng rau, củ có nguồn gốc từ Hàn Quốc. Với mong muốn vừa xây dựng mô hình cho gia đình, vừa đi đầu để bà con làm theo nên anh Tân đã bàn bạc với gia đình quyết định xây dựng mô hình này.

"Để có diện tích đất xây dựng mô hình, gia đình phải thuê gần 1, 5 ha đất ruộng của bà con, thời hạn thuê 5 năm, với tổng giá thuê gần 160 triệu đồng. Đó là số tiền khá lớn, nhưng tôi nhận thấy đây là cơ hội tốt vì sản phẩm mới, lạ, cùng với đó là đầu ra được đảm bảo khi dự án đứng ra làm trung gian trong vấn đề bao tiêu sản phẩm. Do đó, gia đình đã vay mượn để đầu tư trồng rau. Rất may, sau giai đoạn đầu thất bại vì thiên tai, đến nay, vườn rau đã đem lại thành quả bước đầu khá lạc quan”, anh Tân phấn khởi cho biết.

Tháng 5/2017, anh Tân bắt tay vào sản xuất đến nay, anh đã thu được trên 100 triệu đồng tiền bán sản phẩm. Theo anh Tân tâm sự, những sản phẩm của gia đình đều được bao tiêu bởi siêu thị, do đó, họ yêu cầu về chất lượng rất cao. "Sản phẩm phải đẹp, đồng thời đủ kích cỡ và an toàn. Nếu khi thu mua, họ kiểm tra mà không đáp ứng hoặc lưu lượng các chất bảo vệ thực vật vượt quá mức cho phép họ sẽ loại ngay. Do đó, chúng tôi luôn phải học hỏi, trau dồi kỹ thuật để tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng yêu cầu của siêu thị, đồng thời cũng để phát triển bền vững”, anh Tân chia sẻ.

Là Bí thư Đoàn Thanh niên xã Tuân Lộ nên anh Tân không có nhiều thời gian để chăm sóc vườn rau của gia đình. Dù khoảng cách từ nhà lên vườn 14 km những mỗi buổi chiều tan làm, anh đều chạy xe máy lên thăm vườn. Hiện nay, việc chăm nom vườn rau do bố mẹ anh phụ trách. Ngoài ra, gia đình anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động địa phương.

"Hiện nay, tôi chưa trồng được hết diện tích đất đã thuê nên trước mắt sẽ tập trung trồng hết diện tích và chăm sóc thật tốt. Với tình hình phát triển và đầu ra như hiện nay, tôi rất lạc quan về hướng đi mà mình lựa chọn. Trên này, từ lâu cây su su đã trở thành cây đem lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, vào mùa đông, khi nhiệt độ xuống thấp thì su su phát triển kém. Còn củ cải, hành hay cải tím có nguồn gốc từ Hàn Quốc khá phù hợp với đồng đất nơi đây. Đó sẽ là lợi thế của mô hình mà gia đình tôi đang làm. Bản thân tôi sẽ nỗ lực trau dồi thêm kiến thức để tạo ra những sản phẩm sạch cho thị trường”, anh Tân chia sẻ.

 

Viết Đào

Các tin khác


Khởi nghiệp với thương hiệu “Trà cà gai leo Bình An”

(HBĐT) - Sinh năm 1986, tốt nghiệp đại học chuyên ngành kiểm toán, là cán bộ Phòng Thanh tra huyện Yên Thủy, với sự năng động, nhạy bén trong công việc cũng như cuộc sống, Nguyễn Thùy Linh luôn được cấp trên, đồng nghiệp và bạn bè yêu quý. Với vóc dáng mảnh khảnh, nhỏ nhắn nhưng đầy nội lực, qua công việc và từ nhỏ được sinh ra trong gia đình thuần nông nên Linh sớm nhận thấy tiềm năng, thế mạnh của huyện trong việc trồng và bảo tồn nguồn gen các loại dược liệu quý, trong đó có cây cà gai leo quý hiếm.

Khởi nghiệp từ Dự án cung ứng dịch vụ giúp việc gia đình chuyên nghiệp

(HBĐT) - Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Nhà sạch Hòa Bình là Doanh nghiệp tiên phong tại Hòa Bình cung cấp các dịch vụ giúp việc gia đình theo hướng chuyên nghiệp, góp phần tạo công ăn việc làm cho đội ngũ phụ nữ, tham gia xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Người sáng lập và điều hành Công ty là chị Nguyễn Thị Thương, một nữ doanh nhân trẻ tuổi nhưng đã trải qua nhiều năm làm công việc chuyên môn liên quan đến lĩnh vực xã hội hóa như Bảo trợ trẻ em và phát triển cộng đồng.

Phụ nữ huyện Lương Sơn sáng tạo khởi nghiệp

(HBĐT) - "Một trong những điểm nổi bật trong công tác khởi nghiệp, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững của Hội LHPN huyện Lương Sơn năm qua là tổ chức khảo sát và thành lập mới 2 CLB "Nữ chủ kinh doanh” với 52 thành viên tại xã Nhuận Trạch và thị trấn Lương Sơn, hỗ trợ 4 triệu đồng cho 4 hội viên khởi nghiệp kinh doanh. Đồng thời tổ chức tập huấn về kiến thức cơ bản, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cho những hội viên mới khởi nghiệp. Hội LHPN huyện cũng tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng NN&PTNT huyện nhằm đẩy mạnh và nhân rộng tổ vay vốn. Nhờ vậy, số vốn vay của phụ nữ huyện hiện nay đã tăng gần 30 tỷ đồng so với năm 2016. Đây là những nỗ lực thể hiện sự chủ động, mạnh dạn, sáng tạo, quyết tâm của phụ nữ huyện Lương Sơn trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”. Đó là khẳng định của đồng chí Nguyễn Thị Duyên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Lương Sơn khi đánh giá về kết quả nổi bật hoạt động Hội LHPN trên địa bàn huyện thời gian qua.

Chàng trai đất Mường bắc cầu cho dê vượt núi

(HBĐT) - Người nông dân 33 tuổi này sinh ra, lớn lên và gắn bó với rừng, với thung lũng và thuộc từng đường đi, vách đá, cây rừng ở đây. Người chúng tôi muốn nhắc đến là anh Bùi Văn Phương, xóm Sáng, xã Cao Răm, huyện Lương Sơn đã chọn nuôi dê để khởi nghiệp. Nhờ dám nghĩ, dám làm đã đem lại thành công cho anh.

Khởi nghiệp từ mô hình phát triển kinh tế tổng hợp

(HBĐT) - Quyết tâm thoát nghèo với mô hình kinh tế tổng hợp, cuộc sống của gia đình ông Đinh Đức Hữu (xóm Đằm, xã Dân Chủ, TP Hòa Bình) ngày càng đủ đầy. Đến nay, ông luôn được biết đến là tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi, có thu nhập cao của xã.

Người phụ nữ với quyết tâm phục hồi "thương hiệu" cam V2 trên đất Phú Thành

(HBĐT) - Xã Phú Thành hiện đang là một trong những vùng trọng điểm trồng cam, năng suất, sản lượng cũng như vị thơm ngon đặc trưng riêng của vùng đất Lạc Thủy. Đi đầu trong phong trào không thể không nói đến khu trang trại cam của một phụ nữ được mệnh danh là "Vua cam V2” trên vùng đất anh hùng này. Đó là trang trại của gia đình chị Phạm Thị Lan, thôn Tân Phú, xã Phú Thành, Lạc Thủy.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục