(HBĐT) - Khoảng 3 năm trở lại đây, anh Nguyễn Văn Quân (sinh năm 1981) ở thôn Đồng Đễ, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) mới mạnh dạn nuôi gia cầm với quy mô lớn. Trước đó, việc chăn nuôi của gia đình anh ở mức lẻ tẻ, lợi nhuận không đáng kể. Dùng toàn bộ số tiền tích lũy, thế chấp để vay thêm vốn ngân hàng cùng với kinh nghiệm và quyết tâm tạo bước ngoặt, anh đã có được những thành công trên bước đường phát triển kinh tế nông trại.


Anh Nguyễn Văn Quân, xóm Đồng Đễ, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy), chủ mô hình chăn nuôi ATTP, mỗi lứa xuất bán 2.000 con gà thương phẩm.

Dẫn chúng tôi đi thăm nông trại của anh Quân - cơ sở chăn nuôi đang được chú ý ở huyện Lạc Thủy, anh Quách Trung Hiếu, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cho biết: Theo đuổi nghiệp chăn nuôi vất vả, để làm giàu từ chăn nuôi càng vất vả hơn. Nếu không chịu khó, đam mê và năng động thì đi đến thành công chẳng dễ dàng gì. Nông trại của anh Quân nằm tách biệt với khu dân cư, là một trong những mô hình chăn nuôi điển hình trong việc đón kịp xu hướng an toàn thực phẩm, năng động kết nối tiêu thụ. Anh Quân đã chịu khó thăm dò nhu cầu, thị hiếu của thị trường để lựa chọn loại thực phẩm cung ứng phù hợp.

Qua trao đổi với chủ nông trại 8X, gần 20 năm chăn nuôi đã giúp anh tích lũy được nhiều kinh nghiệm để sau này khi chuyển sang đầu tư quy mô lớn, hạn chế tới mức thấp nhất những rủi ro. Đồng thời giúp anh có thuận lợi nhất định trên đường khởi nghiệp làm giàu. Tận dụng diện tích vườn đồi rộng hàng héc ta sẵn có, anh xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố, thoáng rộng và quây hàng rào bốn bề để có thể nuôi thả gia cầm. Giống gà mà anh Quân chọn là gà Lạc Thủy có bộ lông màu sắc đặc trưng và chất lượng thịt thơm ngon. Ngoài ra, anh nuôi thêm giống gà lai Bình Định và Bắc Giang với số lượng ít.

Chọn hướng chăn nuôi ATTP, anh sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên là chính, thời gian mới nuôi, gà còn nhỏ, anh cho ăn cám viên bổ sung nhưng kể từ khi đàn đạt trọng lượng 0,4 - 0,5kg/con trở đi, anh hoàn toàn cho ăn thức ăn tự nhiên là ngô hạt và lúa ngâm ủ mầm. Các biện pháp phòng - chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn chăn nuôi được anh đặc biệt chú trọng, cụ thể là kiểm tra kỹ và tiêm phòng triệt để đối với gia cầm trước khi đưa giống về. Suốt thời kỳ chăn nuôi, anh thường xuyên vệ sinh trại nuôi và khu vực xung quanh đảm bảo khô thoáng, sạch sẽ, mặt khác phun tiêu độc, khử trùng định kỳ mỗi tháng/lần. Nhờ vậy, gà sinh trưởng và phát triển tốt, không bị dịch bệnh làm ảnh hưởng, gây thiệt hại.

Dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán hàng năm là thời điểm anh có được lợi nhuận lớn nhất, bởi đây là lúc gia cầm có sức tiêu thụ mạnh, giá tăng cao. Nắm bắt quy luật nhu cầu đó, anh thường chọn đúng thời điểm cung ứng để chuẩn bị lượng gà "tung” ra thị trường. Vụ Tết vừa rồi, giá bán ngày thường từ 80.000 đồng/kg tăng lên 100.000 đồng/kg, mang về cho anh mức chênh lệch giá trị gia tăng không nhỏ. Sau khi trừ mọi chi phí, lứa gà cung ứng vụ Tết mang lại cho anh tiền lãi trên 130 triệu đồng.

Từ việc tổ chức lại và mở rộng quy mô chăn nuôi gia cầm, mỗi năm, anh Quân nuôi gối 3 lứa, tổng chi phí đầu tư mỗi lứa gần 150 triệu đồng, lãi ròng lợi nhuận trên, dưới 400 triệu đồng/năm. Nông trại của anh cung cấp ra thị trường 2.000 - 2.500 con gà thương phẩm/lứa.

Anh Quân cho biết thêm: Trước đây khi chăn nuôi còn manh mún, nhỏ lẻ thì phải tự tìm mối hàng tiêu thụ. Cho đến thời kỳ đầu làm ăn quy mô lớn, tôi chủ động xoay sở để được việc, lắm khi phải ra trục quốc lộ rào đón, tiếp cận thương lái đi qua để giới thiệu nguồn hàng. Nhờ đó, thương lái các tỉnh đã biết đến, tin tưởng và tự tìm về địa chỉ nông trại. Giờ đây, tôi đã giao dịch, liên kết sản xuất - tiêu thụ lâu dài với hàng chục mối thương lái các tỉnh, sản phẩm chủ yếu đưa về các chợ đầu mối của Thủ đô Hà Nội.

Không chỉ chăn nuôi gà Lạc Thủy thành công, mấy năm nay, ông chủ 8X này còn tranh thủ các điều kiện về địa hình và điều kiện của gia đình để đào ao thả cá, nuôi dê thương phẩm. Nguồn thức ăn tận dụng trong tự nhiên là chính, bởi phía sau là khu vực núi đá rất phù hợp nuôi thả dê. Anh nuôi các loại cá trắm, cá chép trong diện tích hơn 1 mẫu ao. Hàng năm, sau hạch toán chi phí, tổng thu nhập từ chăn nuôi nông trại khoảng trên nửa tỷ đồng. Trên đà thành công tiếp nối thành công, anh Quân có động lực và thêm chí thú làm ăn. Anh dự định thời gian tới sẽ tăng quy mô đàn gà lên khoảng 3.000 con/lứa.


                                                             Bùi Minh

 

 

 



Các tin khác


Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp

(HBĐT) - Những ý tưởng khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo ngày càng nở rộ và phát triển ở tất cả các lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thủy sản, dịch vụ, mang lại "luồng gió mới” lan tỏa trên quê hương Hòa Bình. Họ là những tổ chức, cá nhân dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân, vượt qua khó khăn, thách thức với tư duy và cách làm mới, bước đầu tạo được những kết quả khả quan trong sản xuất, kinh doanh dẫu phía trước còn nhiều gian khó.

Khởi nghiệp từ mô hình trồng rau, củ Hàn Quốc trên “đất lạnh”

(HBĐT) - Nhờ biết nắm bắt cơ hội và mạnh dạn đầu tư, anh Bùi Văn Tân, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Tuân Lộ (Tân Lạc) đã tìm được hướng khởi nghiệp đầy hứa hẹn với sản phẩm rau, củ có nguồn gốc từ Hàn Quốc…

Mang hoa về bản

(HBĐT) - Nằm cạnh đường vào trung tâm xã Nà Phòn (huyện Mai Châu), nổi bật giữa những thửa ruộng nứt nẻ là vườn hoa của homestay Bảo Quyên rực rỡ màu sắc. Trên diện tích hơn 3.000 m2, các loại hoa tam giác mạch, dừa cạn, bách nhật tím, mào gà, hoa tía tô cảnh…cùng nhau bung nở, đua sắc. Xen giữa các luống hoa là tiểu cảnh khèn Mông, xích đu… Không chỉ khâm phục với hướng đi sáng tạo, mô hình vườn hoa chụp ảnh dịch vụ của cô gái trẻ Hà Tuyết Trinh - chủ homestay Bảo Quyên còn khiến chúng tôi khá ấn tượng về ý tưởng tạo cảm hứng để hình thành cả cánh đồng hoa trên mảnh đất Nà Phòn.

Thoát nghèo nhờ trồng nấm sò

(HBĐT) - Chi phí đầu tư thấp, kỹ thuật đơn giản, nguyên liệu sẵn có, thu hoạch sớm, lãi suất cao, mô hình trồng nấm đã mang lại cho gia đình anh Nguyễn Văn Quang (xóm Phú Ngọc, xã Cư Yên, Lương Sơn) thu nhập gần 150 triệu đồng/năm. Nghề trồng nấm không mới nhưng vẫn rất hiệu quả, giúp anh và nhiều hộ dân khác trong vùng thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Thành công từ mô hình nuôi gà đẻ trứng tập trung

(HBĐT) - Thoát ra khỏi hình thức chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ, chàng thanh niên Nguyễn Anh Duy thôn Tân Sơn, xã Hòa Sơn (Lương Sơn) đã quyết tâm đi theo con đường riêng, đó là chăn nuôi tập trung, áp dụng kỹ thuật và phương pháp mới, đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng sản phẩm. Sự thành công của Duy cho thấy đây là hướng đi đúng đắn, cần được nhân rộng.

Lão nông chinh phục nông nghiệp công nghệ cao

(HBĐT) - Đã ở tuổi được nghỉ ngơi, kinh tế cũng vào hàng khá giả nhưng ông Phạm Tiến Sinh ở xóm Nam Thượng, xã Nam Thượng (Kim Bôi) không bằng lòng an hưởng, tự thấy sức lực còn nhiều. Với suy nghĩ này, ông mạnh dạn tiếp cận, dấn bước vào con đường mới mẻ, chạm đến ước mơ chinh phục nông nghiệp công nghệ cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục