(HBĐT) - "Máu” làm kinh tế, cộng với cái duyên đã giúp chàng thanh niên ở "xứ lạnh” Quyết Chiến (Tân Lạc) tìm được hướng khởi nghiệp đầy hứa hẹn. Mô hình nuôi thỏ Newzealand (Niu di - lân) đã và đang đem lại những hiệu quả hết sức thiết thực.


Mô hình nuôi thỏ trắng Niu - di - lân bước đầu mang lại những thành công đối với anh Bùi Văn Hậu (bên phải), xóm Biệng, xã Quyết Chiến (Taân Lạc).

 

Đã nghe nhiều người giới thiệu nhưng nay chúng tôi mới có dịp đến thăm mô hình nuôi thỏ trắng Niu -di-lân của gia đình anh Bùi Văn Hậu, xóm Biệng, xã Quyết Chiến. Anh Hậu năm nay 31 tuổi, là con thứ 3 trong gia đình có 5 anh em. Trước khi "bén duyên” với thỏ trắng Niu -di-lân, anh Hậu đã là gương thanh niên chịu khó làm ăn có tiếng ở mảnh đất cửa ngõ vùng cao mây mù này. Những năm trước đây, anh trồng su su cùng nhiều loại rau, củ ưa lạnh trên đồng đất của gia đình. Thế nhưng để bán được rau, anh phải chở xe máy đi khắp các chợ, thậm chí chở ra tận TP Hòa Bình. Cực nhọc là vậy nhưng thành quả đem lại chẳng là bao. Thế rồi, anh chuyển sang nuôi gà thả vườn. Sau này, khi nắm bắt được nhu cầu của thị trường, anh mạnh dạn vay ngân hàng mua lò ấp trứng. Sự cần mẫn đó đã phần nào giúp anh có được nguồn thu nhập ổn định hơn. Tuy nhiên, anh vẫn luôn trăn trở làm sao để tìm được hướng đi bền vững, cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Năm 2016, trong một lần về thăm người bạn ở Thái Bình, được bạn dẫn đi thăm mô hình nuôi thỏ trắng Niu - di - lân, anh Hậu đã "phải lòng” con vật có vẻ ngoài hiền lành này.

"Thấy trang trại thỏ của họ làm hiệu quả kinh tế cao, việc chăm sóc không quá vất vả nên tôi quyết định mua 5 con giống (4 con cái, 1 con đực) về nuôi thử. Bắt đầu nuôi từ tháng 11/2016, dù khí hậu trên này khá phù hợp với thỏ nhưng do mình chưa có một chút kinh nghiệm nào, kỹ thuật chăm sóc cũng chưa nắm được nên bị chết 2 con giống. Sau đó, tôi mua thêm 1 con giống nữa và tích cực gọi điện nhờ bạn tư vấn, tra cứu qua sách báo về kỹ thuật chăm sóc, sau 3 tháng thì thỏ đẻ lứa đầu tiên. Từ đó đến nay, số lượng thỏ ngày càng phát triển, đem lại một phần thu nhập cho gia đình”, anh Hậu chia sẻ.

Với ưu điểm đẻ nhanh, mỗi năm một con thỏ cái đẻ từ 5 – 7 lứa, mỗi lứa trung bình 6 – 8 con nên đàn thỏ của gia đình anh Hậu tăng khá nhanh. Hiện tại, tổng đàn thỏ có trên 300 con, trong đó có đến 50 con nái. Theo quan sát của chúng tôi, chuồng trại nuôi thỏ của gia đình anh Hậu không quá cầu kỳ. Theo đó, khung chuồng nuôi làm từ gỗ và quây bằng lưới sắt nhỏ, nắp chuồng làm bằng tre. Mỗi ngăn nuôi rộng từ 0,2 – 0,3 m2, với thỏ khoảng 1 kg thì nuôi 3 - 4 con/lồng, còn khoảng 3 – 4 kg chỉ nuôi nhốt 1 con. Anh Hậu sử dụng các van uống nước nước tự động ở mỗi lồng nuôi, thức ăn cho thỏ đựng trong khay được làm từ cây bương. ở mỗi lồng nuôi anh đều có sổ theo dõi, ghi chép thông tin từng vật nuôi. Ngoài ưu điểm sinh sản nhanh, anh Hậu cho biết, thỏ trắng rất ít bị bệnh, ăn khá tạp nên chăm sóc không vất vả như nuôi lợn, gà.

"Với những người vốn ít đầu tư nuôi thỏ khá phù hợp, chi phí để mua một đôi giống chỉ 200.000 – 250.000 đồng. Chuồng nuôi cũng khá đơn giản, bình quân mỗi lồng nuôi mất khoảng trên dưới 100.000 đồng, tùy chất liệu mình sử dụng. Qua thời gian nuôi, tôi nhận thấy đây là vật nuôi hầu như không có rủi ro mà việc nhân đàn lại nhanh, nguồn thức ăn sẵn có”, anh Hậu chia sẻ thêm.

Qua thăm quan, tìm hiểu, chúng tôi thật sự ấn tượng với mô hình "làm chơi, ăn thật” này. Hiện, có khá nhiều thỏ đã sinh sản, có những con thỏ mẹ đẻ đến 10 con. Những con non này chỉ sau 3 – 4 tháng chăm sóc chúng sẽ đạt trọng lượng trên 4 kg. Với giá bán ra thị trường hiện nay từ 80.000 – 90.000 đồng /kg, mỗi con thỏ đem lại nguồn thu không nhỏ và một lứa thỏ sẽ đem lại cả triệu đồng. Theo chia sẻ của anh Hậu, giống thỏ Niu - di - lân phát triển tốt nhất trong khoảng nhiệt độ từ 17 – 250C, dù ăn tạp nhưng thức ăn phải khô ráo, nếu thức ăn có dính sương hoặc nước mưa thỏ ăn vào dễ bị bệnh về đường tiêu hóa. Không chỉ tăng đàn lên trên 300 con, anh Hậu đã bán ra thị trường trên 200 con thỏ thương phẩm và thỏ giống. "Hiện, tôi đã tìm được đầu ra tiêu thụ số lượng lớn nên thời gian tới, tôi tiếp tục nhân rộng mô hình để có được hiệu quả kinh tế cao hơn”, anh Hậu cho biết.

"Những năm trước đây, anh Hậu luôn là tấm gương sáng về ý chí, quyết tâm làm giàu trên quê hương mình để ĐV -TN trong xã noi theo. Mô hình nuôi thỏ Niu -di-lân đem lại giá trị kinh tế cao nên nhiều ĐV -TN trong xã đã đến mua giống và được anh Hậu nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm. Đây là hướng đi mà Đoàn Thanh niên xã khuyến khích các ĐV -TN phát triển”, đồng chí Bùi Văn Thông, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Quyết Chiến bày tỏ.

 

Viết Đào

 

Các tin khác


Thoát nghèo nhờ trồng nấm sò

(HBĐT) - Chi phí đầu tư thấp, kỹ thuật đơn giản, nguyên liệu sẵn có, thu hoạch sớm, lãi suất cao, mô hình trồng nấm đã mang lại cho gia đình anh Nguyễn Văn Quang (xóm Phú Ngọc, xã Cư Yên, Lương Sơn) thu nhập gần 150 triệu đồng/năm. Nghề trồng nấm không mới nhưng vẫn rất hiệu quả, giúp anh và nhiều hộ dân khác trong vùng thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Thành công từ mô hình nuôi gà đẻ trứng tập trung

(HBĐT) - Thoát ra khỏi hình thức chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ, chàng thanh niên Nguyễn Anh Duy thôn Tân Sơn, xã Hòa Sơn (Lương Sơn) đã quyết tâm đi theo con đường riêng, đó là chăn nuôi tập trung, áp dụng kỹ thuật và phương pháp mới, đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng sản phẩm. Sự thành công của Duy cho thấy đây là hướng đi đúng đắn, cần được nhân rộng.

Lão nông chinh phục nông nghiệp công nghệ cao

(HBĐT) - Đã ở tuổi được nghỉ ngơi, kinh tế cũng vào hàng khá giả nhưng ông Phạm Tiến Sinh ở xóm Nam Thượng, xã Nam Thượng (Kim Bôi) không bằng lòng an hưởng, tự thấy sức lực còn nhiều. Với suy nghĩ này, ông mạnh dạn tiếp cận, dấn bước vào con đường mới mẻ, chạm đến ước mơ chinh phục nông nghiệp công nghệ cao.

Khởi nghiệp với thương hiệu “Trà cà gai leo Bình An”

(HBĐT) - Sinh năm 1986, tốt nghiệp đại học chuyên ngành kiểm toán, là cán bộ Phòng Thanh tra huyện Yên Thủy, với sự năng động, nhạy bén trong công việc cũng như cuộc sống, Nguyễn Thùy Linh luôn được cấp trên, đồng nghiệp và bạn bè yêu quý. Với vóc dáng mảnh khảnh, nhỏ nhắn nhưng đầy nội lực, qua công việc và từ nhỏ được sinh ra trong gia đình thuần nông nên Linh sớm nhận thấy tiềm năng, thế mạnh của huyện trong việc trồng và bảo tồn nguồn gen các loại dược liệu quý, trong đó có cây cà gai leo quý hiếm.

Khởi nghiệp từ Dự án cung ứng dịch vụ giúp việc gia đình chuyên nghiệp

(HBĐT) - Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Nhà sạch Hòa Bình là Doanh nghiệp tiên phong tại Hòa Bình cung cấp các dịch vụ giúp việc gia đình theo hướng chuyên nghiệp, góp phần tạo công ăn việc làm cho đội ngũ phụ nữ, tham gia xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Người sáng lập và điều hành Công ty là chị Nguyễn Thị Thương, một nữ doanh nhân trẻ tuổi nhưng đã trải qua nhiều năm làm công việc chuyên môn liên quan đến lĩnh vực xã hội hóa như Bảo trợ trẻ em và phát triển cộng đồng.

Phụ nữ huyện Lương Sơn sáng tạo khởi nghiệp

(HBĐT) - "Một trong những điểm nổi bật trong công tác khởi nghiệp, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững của Hội LHPN huyện Lương Sơn năm qua là tổ chức khảo sát và thành lập mới 2 CLB "Nữ chủ kinh doanh” với 52 thành viên tại xã Nhuận Trạch và thị trấn Lương Sơn, hỗ trợ 4 triệu đồng cho 4 hội viên khởi nghiệp kinh doanh. Đồng thời tổ chức tập huấn về kiến thức cơ bản, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cho những hội viên mới khởi nghiệp. Hội LHPN huyện cũng tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng NN&PTNT huyện nhằm đẩy mạnh và nhân rộng tổ vay vốn. Nhờ vậy, số vốn vay của phụ nữ huyện hiện nay đã tăng gần 30 tỷ đồng so với năm 2016. Đây là những nỗ lực thể hiện sự chủ động, mạnh dạn, sáng tạo, quyết tâm của phụ nữ huyện Lương Sơn trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”. Đó là khẳng định của đồng chí Nguyễn Thị Duyên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Lương Sơn khi đánh giá về kết quả nổi bật hoạt động Hội LHPN trên địa bàn huyện thời gian qua.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục